Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 23 tháng 3 năm 2023 | 15:47

Báo động chất lượng không khí toàn cầu

Theo một báo cáo mới, chỉ có 13 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có chất lượng không khí “lành mạnh” trong khi hầu hết các quốc gia ở trong tình trạng ô nhiễm không khí.

Ô nhiễm bụi mịn

Báo cáo của IQAir - một công ty theo dõi chất lượng không khí trên toàn thế giới - cho biết, mức độ ô nhiễm không khí trung bình hàng năm ở khoảng 90% quốc gia và vùng lãnh thổ được phân tích đã vượt quá hướng dẫn về chất lượng không khí của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vốn được thiết kế để giúp các chính phủ xây dựng các quy định nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Ô nhiễm bụi mịn là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Ảnh: CNN.

IQAir đã phân tích chất lượng không khí trung bình từ 131 quốc gia và vùng lãnh thổ và nhận thấy rằng, chỉ có 6 quốc gia gồm: Australia, Estonia, Phần Lan, Grenada, Iceland và New Zealand và 7 vùng lãnh thổ ở Thái Bình Dương và Caribe, bao gồm: đảo Guam và Puerto Rico, đáp ứng tiêu chuẩn không khí của WHO (yêu cầu mức độ ô nhiễm không khí trung bình là 5 microgam trên mét khối trở xuống).

7 quốc gia – Iraq, Pakistan, Bahrain, Bangladesh, Burkina Faso, Kuwait và Ấn Độ – có chất lượng không khí kém vượt xa hướng dẫn của WHO với ô nhiễm không khí trung bình trên 50 microgam trên mét khối.

Nghiên cứu đã xem xét cụ thể vật chất dạng hạt mịn (PM2.5) là chất gây ô nhiễm nhỏ nhất nhưng cũng nguy hiểm nhất. Khi được hít vào, PM2.5 sẽ đi sâu vào mô phổi, nơi nó có thể đi vào máu. Nó đến từ các nguồn như đốt nhiên liệu hóa thạch, bão bụi và cháy rừng, đồng thời có liên quan đến một số vấn đề sức khỏe bao gồm hen suyễn, bệnh tim và các bệnh về đường hô hấp khác.

Tháng 9/2021, WHO đã thắt chặt các hướng dẫn về ô nhiễm không khí hàng năm, cắt giảm lượng vật chất dạng hạt mịn có thể chấp nhận được từ 10 xuống 5 microgam trên mét khối khi hàng triệu người chết mỗi năm do các vấn đề sức khỏe liên quan đến ô nhiễm không khí.

Theo cơ quan của Liên hợp quốc, trong năm 2016, khoảng 4,2 triệu ca tử vong sớm có liên quan đến vật chất dạng hạt mịn. Nếu các hướng dẫn mới nhất được áp dụng vào thời điểm đó, WHO nhận thấy có thể có ít hơn gần 3,3 triệu ca tử vong liên quan đến ô nhiễm.

Báo cáo cũng tiếp tục nêu bật sự bất bình đẳng đáng lo ngại: thiếu các trạm quan trắc ở các nước đang phát triển ở Châu Phi, Nam Mỹ và Trung Đông, dẫn đến thiếu dữ liệu về chất lượng không khí ở những khu vực đó.

Mặc dù châu Phi đã chứng kiến sự cải thiện về số lượng quốc gia được đưa vào báo cáo năm nay so với năm 2021, nhưng phần lớn lục địa này vẫn có ít quốc gia được đại diện nhất. Theo IQAir, chỉ có 19 trong số 54 quốc gia châu Phi có đủ dữ liệu từ các trạm giám sát của họ.

Bà Glory Dolphin Hammes - Giám đốc điều hành của IQAir khu vực Bắc Mỹ - cho biết, mỗi lần họ thêm một quốc gia mới từng thiếu dữ liệu về chất lượng không khí, những quốc gia đó chắc chắn sẽ đứng vào danh sách ô nhiễm nhất.

“Nếu bạn nhìn vào thứ được gọi là dữ liệu vệ tinh hoặc dữ liệu được mô hình hóa, thì châu Phi có lẽ là lục địa ô nhiễm nhất hành tinh, nhưng chúng tôi không có đủ dữ liệu” – bà Hammes nói với CNN.

“Một trong những rào cản lớn nhất hiện nay lại chính là cách mà các chính phủ hiện đang theo dõi chất lượng không khí bởi hầu hết họ có xu hướng đầu tư vào các thiết bị không đo được chính xác các hạt vật chất dạng mịn trong không khí” - bà Hammes nói.

Tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí thời điểm giao mùa

Tại Việt Nam, theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), bên cạnh tình trạng ô nhiễm bụi trong không khí nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí còn do ảnh hưởng của các điều kiện thời tiết giao mùa có nhiều biến động bất lợi, chênh lệch ngày, đêm về nhiệt độ, độ ẩm, hướng và tốc độ gió, bức xạ nhiệt... khiến khả năng khuếch tán các chất ô nhiễm trong không khí bị hạn chế, đặc biệt là bụi.

               Ô nhiễm không khí nghiêm trọng đang diễn ra ở nhiều địa phương, đặc biệt là Hà Nội

Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia do Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố, giai đoạn 2016 - 2021, môi trường không khí tại các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh hay các đô thị phát triển công nghiệp như Phú Thọ, Bắc Ninh… tiếp tục ghi nhận bị ô nhiễm ở một số thời điểm trong năm, chủ yếu là ô nhiễm bụi. Mức độ ô nhiễm tại các đô thị miền Bắc cao hơn miền Trung, miền Nam.

Kết quả đánh giá chất lượng không khí thông qua chỉ số VN AQI cho thấy, tại các đô thị lớn ở miền Bắc, ghi nhận một số ngày trong năm có giá trị VN AQI ở mức kém và xấu. Điển hình như tại các trạm quan trắc môi trường không khí tự động liên tục ở Hà Nội, tính trung bình 4 năm (2018 - 2021) có 28,45% số ngày quan trắc có giá trị AQI đạt mức tốt, 47,10% ở mức trung bình, 5,70% ở mức xấu, thậm chí một số ngày chất lượng không khí ở ngưỡng rất xấu (AQI 201 - 300).

Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã có văn bản đề nghị các Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương tập trung nguồn lực tăng cường các biện pháp kiểm soát ô nhiễm bụi trong không khí, đồng thời báo cáo UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo thực hiện tăng cường tần suất quan trắc môi trường không khí trong chương trình quan trắc định kỳ và hệ thống các trạm quan trắc tự động, liên tục trên địa bàn; công bố kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí trên cổng thông tin điện tử và phương tiện truyền thông của tỉnh, thành phố, đồng thời kết nối về Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Cục cũng đề nghị các địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát, yêu cầu nghiêm các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn thực hiện các biện pháp kiểm soát, bảo đảm xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, đặc biệt là các cơ sở có phát sinh nguồn bụi, khí thải lớn; đôn đốc, giám sát các cơ sở sản xuất thuộc đối tượng phải lắp đặt quan trắc khí thải tự động và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định.

UBND cấp huyện, xã và các đơn vị chức năng cần tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân không đốt chất thải rắn, rơm rạ sau thu hoạch để giảm phát sinh khí thải, bụi gây ô nhiễm môi trường; khẩn trương kiểm tra thực tế, xác định và ngăn chặn kịp thời các hoạt động đốt ở trên địa bàn; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với hành vi đốt chất thải rắn sinh hoạt sai quy định.

Cục cũng đề nghị các địa phương chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan tổ chức kiểm tra, đôn đốc các chủ dự án, đơn vị quản lý, thi công các công trình xây dựng, giao thông, cải tạo hạ tầng đô thị thực hiện nghiêm các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu phát tán bụi, khí thải ra môi trường xung quanh (che chắn công trình, phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng, phun nước, rửa đường, rửa xe ra vào công trình…).

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1973/QĐ-TTG ngày 23/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, từ năm 2022 đến năm 2025, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để hoàn thiện cơ chế tài chính, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực quản lý chất lượng môi trường không khí; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát các cơ chế, chính sách hiện hành, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới cơ chế, chính sách phát triển ngành nghề truyền thống ít gây ô nhiễm môi trường không khí tại các làng nghề, chuyển đổi sản xuất đối với những làng nghề sản xuất gây ô nhiễm không khí; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xây dựng chương trình, đề án quốc gia phát triển phương tiện giao thông vận tải, hệ thống giao thông vận tải công cộng thân thiện với môi trường trong đó có phương tiện giao thông điện.

Xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải

Để tăng cường biện pháp nghiệp vụ, phát hiện và kịp thời xử lý các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường không khí.

UBND tỉnh Quảng Nam vừa chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 189/UBND-KTN ngày 10/01/2020 về việc tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải trên địa bàn tỉnh và Công văn số 2429/UBND-KTN ngày 27/4/2021 về việc tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn tỉnh.

Triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo phân công trong nội dung báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Quảng Nam năm 2021 "Chất lượng môi trường không khí - Thực trạng và giải pháp” đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1795/QĐ-UBND ngày 06/7/2022.

Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm công bố kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí trên cổng thông tin điện tử của sở và phối hợp với các cơ quan liên quan công bố trên cổng thông tin điện tử của tỉnh và các phương tiện truyền thông; thực hiện kết nối về Bộ Tài nguyên và Môi trường (sau khi có hướng dẫn về kỹ thuật kết nối dữ liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường) để các cơ quan chuyên môn, cơ quan thông tấn, báo chí có thể theo dõi, tiếp cận và đưa tin. Trường hợp xảy ra ô nhiễm môi trường không khí, chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan kịp thời cảnh báo cho cộng đồng, nhân dân biết, phòng tránh, thực hiện biện pháp khắc phục, giảm thiểu.

Ảnh minh họa

Tổ chức kiểm tra, giám sát, yêu cầu các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn thực hiện các biện pháp kiểm soát, đảm bảo xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, đặc biệt là các cơ sở có phát sinh nguồn bụi, khí thải lớn; đôn đốc, giám sát các cơ sở sản xuất thuộc đối tượng phải lắp đặt quan trắc khí thải tự động và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định.

Tổng hợp danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh bụi, khí thải thuộc đối tượng phải thực hiện quan trắc khí thải tự động, liên tục theo quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; đồng thời, hướng dẫn các cơ sở thuộc đối tượng thực hiện quan trắc khí thải tự động, liên tục thực hiện việc lắp đặt thiết bị quan trắc và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường theo đúng quy định.

Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Quảng Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh sử dụng các nguồn dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường không khí do các cơ quan có thẩm quyền thực hiện để cung cấp thông tin cho cộng đồng xã hội thông qua các phương tiện truyền thông hoặc thông tin dự báo khí tượng, thời tiết hàng ngày.

Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư, đơn vị quản lý, thi công các công trình xây dựng, giao thông, cải tạo hạ tầng đô thị thực hiện nghiêm các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu phát tán bụi, khí thải ra môi trường xung quanh (che chắn công trình, phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng, phun nước rửa đường…).

Sở Công Thương, Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh có trách nhiệm kiểm soát, quản lý chặt chẽ việc phát sinh các loại hơi hoá chất độc hại, khí thải của các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn, lĩnh vực quản lý; đặc biệt là các cơ sở sản xuất hoá chất, nhiệt điện, xi măng...

Công an tỉnh tăng cường biện pháp nghiệp vụ, phát hiện và kịp thời xử lý các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường không khí.

UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo các phòng chuyên môn và UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân không đốt chất thải rắn, rơm rạ sau thu hoạch để giảm phát sinh khí thải, bụi, gây ô nhiễm môi trường; kịp thời kiểm tra thực tế, xác định và ngăn chặn các hoạt động đốt lộ thiên trên địa bàn. Đồng thời, có các giải pháp tận thu, tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp cho các mục đính khác, hạn chế tình trạng đốt gây ô nhiễm môi trường. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với hành vi đốt chất thải rắn sinh hoạt không đúng quy định.

 

Thanh Xuân (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top