Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 7 tháng 2 năm 2024 | 10:56

Báo động rác thải nhựa trong nông nghiệp

Sản xuất nông nghiệp đã và đang có nhiều tác động làm gia tăng ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm môi trường nước.

Mối nguy tiềm ẩn với sức khỏe con người

Nông nghiệp được xác định là trụ đỡ của nền kinh tế Việt Nam, bảo đảm sinh kế cho trên 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn; chiếm 30% lực lượng lao động cả nước .

Theo Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chất thải nhựa từ chăn nuôi mỗi năm phát sinh gần 68 triệu tấn (gồm 77 nghìn tấn chất thải nhựa vỏ bao bì thức ăn); từ thủy sản là 880 nghìn tấn bùn thải và 273 nghìn tấn chất thải từ bao bì thức ăn, vỏ thuốc thú y và các loại chất rắn khác. Ðặc biệt, trong các loại rác thải nhựa thải bỏ ra môi trường từ các tàu cá, rác thải nhựa sinh hoạt chiếm tỷ lệ hơn 87,7%, tương đương 7,6 tấn/năm. Nguồn thải này do ý thức và thói quen của chủ tàu. Trong khi đó, tình trạng đốt rơm rạ tự phát sau thu hoạch làm phát sinh các khí CO, NO, bụi mịn… cũng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và an toàn của người tham gia giao thông.

Người dân phun thuốc trừ sâu.

Đây là những con số thống kê tạo lo ngại đến mức báo động về lượng rác thải nhựa trong nông nghiệp thải ra môi trường mỗi năm. Quá trình chăn nuôi, canh tác đã thải ra môi trường những chất thải nguy hại mà không thông qua bất cứ quy trình xử lí nào. Việc làm này đã gây ra những hệ lụy nghiêm trọng không chỉ đối với hệ sinh thái, mà còn đối với sức khỏe con người. Các loại chai lọ, bao bì, túi nilon chứa thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, chất tẩy rửa, phân bón... sau khi được sử dụng không được thu gom, xử lý theo đúng quy trình đã phát tán ra môi trường, gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Theo ước tính, khi người nông dân phun thuốc bảo vệ thực vật có khoảng 98% lượng thuốc phun xuống đồng ruộng tiếp xúc trực tiếp với sâu bệnh, hơn 2% còn lại vẫn còn tồn dư hóa chất trong bao bì sau sử dụng. Phần tồn dư này bay vào không khí hoặc thẩm thấu gây ô nhiễm đất, nước.

Các chuyên gia lĩnh vực môi trường cho rằng, quá trình chăn nuôi, canh tác đã thải ra môi trường những chất thải nguy hại mà không thông qua bất cứ quy trình xử lý nào. Việc làm này đã gây ra những hệ lụy nghiêm trọng không chỉ đối với hệ sinh thái, mà còn đối với sức khỏe con người. Những năm qua, ngành nông nghiệp nước ta tiếp tục phát triển trên cơ sở phát huy các lợi thế, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Tuy nhiên, quá trình sản xuất nông nghiệp đã phát sinh sức ép lên môi trường từ việc sử dụng hóa chất trong hoạt động trồng trọt, thức ăn dư thừa trong chăn nuôi, xử lý rơm rạ sau thu hoạch… Đây là vấn đề nóng ở hầu hết các địa phương và là nỗi lo của tất cả mọi người trong cuộc sống hiện nay.

Tận dụng nguồn rác thải nông nghiệp góp phần bảo vệ môi trường nông thôn

Sản xuất nông nghiệp đang tạo ra lượng rác thải khổng lồ, trong đó chiếm tỷ trọng lớn là các loại rác thải hữu cơ. Ngay cả với rác thải sinh hoạt, nguồn rác hữu cơ cũng chiếm tỷ trọng lớn.

Rác hiện nay được phân thành 3 loại gồm: Chất thải tái chế, chất thải thực phẩm và chất thải khác. Người dân vẫn có thói quen để chung tất cả các loại rác thải rắn sinh hoạt. Trong khi việc phân loại rác tại nguồn mang lại nhiều lợi ích.

Cụ thể, chất thải tái chế có thể dùng để bán cho các cơ sở tái chế; Chất thải thực phẩm có thể tận dụng làm phân bón hữu cơ. Nếu thực hiện được việc phân loại rác tại nguồn và tái sử dụng nguồn rác thải tái chế, rác thải hữu cơ, lượng rác còn lại cần thu gom, xử lý sẽ giảm rất nhiều.

Mô hình "Nông dân thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình” góp phần rõ rệt trong việc giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường.

Tại Hà Nội, mô hình phân loại và xử lý rác tại nguồn nhiều năm qua được triển khai khá hiệu quả. Điển hình tại huyện Đan Phượng, theo bà Trần Thị Việt Mỹ, Trung tâm Bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, Đan Phượng có lượng chất thải rắn sinh hoạt ước tính khoảng 88 tấn/ngày. Thành phần rác thải sinh hoạt chủ yếu là rác hữu cơ chiếm 50%-54%; nilon, nhựa chiếm 11.5%-14.5%... Việc thu gom, vận chuyển và xử lý luôn được các cấp các ngành của huyện quan tâm, cộng với ý thức, sự tham gia tích của Đan Phượng được xanh - sạch - đẹp.

Từ năm 2023 vừa qua,  Hội Nông dân huyện Đan Phượng đã phối hợp với Trung tâm phát triển và hội nhập (CDI) thí điểm phân loại và xử lý rác tại nguồn nhằm giảm rác thải sinh hoạt tại 4 xã: Trung Châu, Thọ Xuân, Đồng Tháp, Thượng Mỗ. Tham gia làm mô hình thí điểm có 200 hộ gia đình thuộc 4 xã trên (mỗi xã là 50 hộ tiêu biểu nòng cốt). Đến nay, mô hình đã thu được nhiều kết quả khả quan.

Ông Hoàng Văn Thân, Bí thư Chi bộ thôn Tiến Bộ, xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng chia sẻ, việc làm này đã góp phần nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, hình thành thói quen phân loại rác, tái chế rác xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp tại các vùng nông thôn của huyện.

Được hội nông dân triển khai mô hình từ tháng 2, phân loại rác thải tại nguồn, gia đình ông Thân đã thay đổi thói quen của mình bằng cách phân loại rác thải ngay tại nhà. Những gì thuộc rác thải hữu cơ ông mang ủ lấy phân bón cho vườn bưởi nhà mình. Các loại rác thải vô cơ được ông thu gom đúng nơi quy định vừa sạch nhà, đẹp ngõ, cây cối lại có nguồn phân bón an toàn, bảo đảm.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Mỗ cho biết, xã Thượng Mỗ hiện có 8 thôn, trong đó có 3 thôn đã triển khai làm điểm mô hình phân loại rác hữu cơ, 1 ngõ làm điểm phân loại rác thải tại nhà như thế này nhằm lấy nguồn phân hữu cơ bón cho cây trồng. Người dân rất hào hứng với mô hình này bởi bản thân họ cũng mong muốn nguồn rác được xử lý ngay tại nhà, góp phần làm đẹp cảnh quan môi trường sống.

Giữ gìn môi trường sống trong lành đáng sống

Ông Thiều Văn Son, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng chia sẻ, việc thay đổi từ nhận thức đến hành động của người dân cần có quá trình và khi người dân nhận thấy lợi ích từ những mô hình như thế này sẽ tích cực hưởng ứng, tham gia. Hội nông dân huyện Đan Phượng hiện đang triển khai điểm tại 4 xã, phấn đấu đến năm 2025 có 100% hội viên nông dân thu gom và phân loại rác thải tại nguồn.

Để tiếp tục đẩy mạnh triển khai phong trào phân loại rác thải và xử lý rác tại nhà trên địa bàn toàn huyện, Hội nông dân huyện Đan Phượng sẽ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên tích cực tham gia bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp và Xây dựng nông thôn mới Hà Nội, Phòng Tài nguyên môi trường huyện… tổ chức tập huấn nâng cao năng lực tham gia bảo vệ môi trường, phân loại rác tại nhà và sử dụng chế phẩm vi sinh biến rác thải hữu cơ thành phân bón.

Tương tự, tại huyện Sóc Sơn, trong những năm gần đây, để ngăn chặn tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch và xử lý chất thải, phế phẩm nông nghiệp, huyện đã tăng cường hướng dẫn bà con nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật để xử lý rơm rạ. Đồng thời khuyến khích tổ chức, hộ gia đình áp dụng các giải pháp ứng dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ, phụ phẩm cây trồng để giúp thân thiện với môi trường. Từ đó cũng góp phần cải tạo đất, tạo nguồn phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Theo Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn, rơm rạ sau thu hoạch trên địa bàn huyện Sóc Sơn chủ yếu được xử lý làm thức ăn cho trâu, bò (khoảng 11%); Cày mục ủ hoai tại ruộng hoặc ủ thành phân trồng rau (85%) và đun nấu, làm nấm, tiểu thủ công nghiệp (khoảng 4%).

Vì vậy, để chủ động ngăn chặn tình trạng đốt rơm rạ gây ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của người dân, huyện Sóc Sơn đã chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền yêu cầu tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn ký cam kết không đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng không đúng quy định.

Bên cạnh đó, để bảo vệ môi trường nông thôn, tránh làm hoai phí nguyên liệu hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp, Phòng Kinh tế huyện đã phối hợp với các tổ chức hội nông dân, phụ nữ, đoàn thanh niên... để đẩy mạnh hướng dẫn bà con áp dụng các biện pháp kỹ thuật để xử lý rơm rạ sau thu hoạch.

Đồng thời, khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn áp dụng các giải pháp ứng dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ, phụ phẩm cây trồng thân thiện với môi trường nhằm cải tạo đất, tạo nguồn phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Có thể thấy, từ một hành động nhỏ nhưng ý nghĩa lớn, từ sự chung tay góp sức của các hội viên nông dân, của bà con thôn xóm… những việc làm tích cực, mô hình điểm bảo vệ môi trường nông thôn đang được lan tỏa trong cộng đồng dân cư. Từ đó góp phần giữ gìn môi trường trong lành, đạt chuẩn tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu của Thủ đô. "Gọn nhà, sạch phố, đẹp Thủ đô" đã không còn là câu khẩu hiệu mà đã trở thành ý thức của mỗi người dân vì chính cuộc sống của mình và gia đình, làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giữ gìn môi trường sống trong lành đáng sống.

 

Thanh Xuân (Tổng hợp theo VTV, Tuoitrethudo, dangcongsan...)
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top