Do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra mưa to trên diện rộng, khiến nhiều tuyến Quốc lộ bị sạt lỡ, nhiều điểm giao thông bị chia cắt cục bộ, hàng trăm ha cây hoa màu bị đổ gãy… Tỉnh đang khẩn trương triển khai các phương án để khắc phục.
Hàng trăm ha diện tích hoa màu bị thiệt hại
Theo thống kê của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự các huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, mưa và gió làm thiệt hại hàng trăm ha diện tích lúa, hoa màu của người dân.
Tại huyện Bá Thước có 349,52 ha lúa; 23,95 ha hoa; 169,85 ha cây hàng năm; 8,1 ha ao, hồ bị hư hại. Nước lũ cũng cuốn trôi 30 rọ thép, làm vỡ đập Tá Lùn ở thôn Khảng gây ảnh hưởng đến công trình thủy lợi. Tại xã Ban Công có 85 guồng nước, 1 thuyền sắt bị cuốn trôi.
Nhiều diện tích lúa của của người dân bị đổ dạt.
Huyện Hà Trung, đến 10h ngày 8/9, bão số 3 làm gần 70 ha lúa sắp vào thời kỳ thu hoạch bị nao đổ, tập trung ở các xã: Yến Sơn, Hà Bình, Hà Tân, Hà Lai, Yên Dương, Hà Sơn, Hà Tiến... Hiện, UBND các xã đã chỉ đạo cho Nhân dân khắc phục bằng việc khẩn trương thu hoạch. Những diện tích lúa chưa thu hoạch được thì bó dựng, đảm bảo không ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng.
Huyện Thạch Thành mưa bão đã khiến 208,2 ha cây trồng bị ngập lụt. Trong đó có hơn 156,4ha lúa, 51ha mía, 1,5ha ngô... Huyện Nga Sơn làm 325,6 ha lúa bị đổ, trong đó có 5 ha thiệt hại trên 70%; 9,7 hoa màu khác bị thiệt hại hoàn toàn. Ngoài ra, mưa kèm gió lớn đã gây hư hỏng một số diện tích nhà màng, nhà lưới trên địa bàn các xã Nga Bạch, Nga Phượng...
Tại huyện Thường Xuân, mưa, gió cũng đã làm 41,5ha lúa ở các xã Luận Khê, Xuân Cao, Ngọc Phụng, Tân Thành bị đổ rạp. 10ha sắn ở xã Xuân Cao cũng bị gẫy đổ. Huyện Cẩm Thủy có 387 ha lúa bị đổ, trong đó ngập cục bộ 40,5 ha. Ngoài ra, còn có 35 ha cây màu bị đổ.
Huyện Lang Chánh có 7 ngôi nhà bị tốc mái, hư hại, một số công trình của điểm Trường Mầm non khu Tân Bình và khu Tân Sơn, xã Tân Phúc bị sập và tốc mái; 5 ngôi nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất và gần 2ha diện tích lúa, hoa màu bị gãy đổ... ước tính thiệt hại trên 250 triệu đồng.
Ngay sau mưa bão người dân khẩn trương kiểm tra, khắc phục các diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại.
Theo báo cáo nhanh từ Phòng Nông nghiệp huyện Vĩnh Lộc, mưa đã làm 14,87 ha lúa trên địa bàn huyện đổ nằm rạp; 41,3 ha lúa bị đổ nghiêng, tập trung tại Vĩnh An, Vĩnh Hùng, Minh Tân, Ninh Khang và Vĩnh Yên... Hiện các xã đang huy động lực lượng tổ chức dựng bó buộc thành từng khóm tránh bông lúa bị ngập nước.
Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố Sầm Sơn, đến 14h ngày 8/9 bão số 3 làm thiệt hại gần 38 ha lúa và rau màu, khoảng 2ha diện tích nuôi trồng thủy sản. Hiện UBND thành phố chỉ đạo các xã, phường hướng dẫn các hộ nông dân ra đồng bó dựng lại lúa đổ, ngã và tiêu thoát nước ruộng một số diện tích gieo trồng cây trồng vụ đông sớm.
Nhiều tuyến giao thông bị sạt lỡ, nước lũ dâng chia cắt cục bộ
Do ảnh hưởng của bão số 3, các tuyến Quốc lộ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xảy ra một số điểm nứt taluy dương và sạt lở taluy âm, nhiều điểm giao thông nước lũ dâng cao, chia cắt cục bộ .
Theo tổng hợp của Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa, trên tuyến QL 16 tại Km20+850 (phía trái tuyến) xuất hiện vết nứt taluy dương có nguy cơ sạt lở với chiều dài khoảng 200m, chiều cao khoảng 15m-30m, bề rộng vết nứt khoảng 0,5m đến 1,0m. Mưa bão cũng đã làm sạt lở taluy âm tại 3 vị trí của tuyến QL 16 và QL 15C qua huyện Mường Lát với chiều dài khoảng 65m.
Nhiều điểm trên tuyên Quốc lộ 15, 16 bị sạt lỡ nghiêm trọng.
Ngay sau khi phát hiện đơn vị quản lý đã phối hợp với UBND xã Phú Thanh (Quan Hóa) tuyên truyền, cảnh báo người dân lưu thông trên tuyến đường này. Đồng thời, có phương án đối với 12 hộ dân phía taluy âm của vị trí trên ra khỏi nơi nguy hiểm. Cùng với đó đơn vị quản lý đã lắp đặt biển cảnh báo ở 2 đầu vị trí, căng dây an toàn, cử người trực gác 24/24 để theo dõi, hướng dẫn cho người và phương tiện giao thông khi đi qua đoạn tuyến, chuẩn bị sẵn sàng thiết bị, máy móc, nhân công để kịp thời xử lý khi có ách tắc giao thông.
Tại huyện Bá Thước, trên địa bàn huyện có 15 điểm giao thông nước lũ dâng cao, chia cắt cục bộ, gồm: Xã Lương Trung có 2 điểm tại thôn Sơn Thủy và hang Khéo thôn Quang Trung; xã Lương Nội tại tràn Mó Tôm, thôn Ben; xã Thiết Kế tại đập suối Cha; xã Ban Công có 3 điểm tại đường 521B đoạn qua khu vườn hoa thôn La Hán, khu suối đúc La Hán đi thôn Cả, khu suối Khằm thôn Ba; xã Cổ Lũng có 2 điểm tại tràn Nà Khà và tràn La Ca; xã Lũng Cao tại thôn Pốn Thành Công; xã Lũng Niêm tại tràn khu Ươi thôn Lặn Ngoài, Lặn Trong; xã Lương Ngoại tại cầu Hón Uông thôn Giầu Cả; xã Hạ Trung 3 điểm tại đường 523D đoạn qua thôn Khiêng, tràn Đồng Xong thôn Chiềng Ai, tràn Chông Bông thôn Cò Mu.
Nước lũ dâng khiến nhiều điểm giao thông bị chia cắt cục bộ.
Tại huyện Thương Xuân nước sông, suối dâng cao khiến Ngập tràn Cửa Dụ (km 22+550), trên đường tỉnh 519B xã Luận Thành (Thường Xuân) bị ngập. Hiện giao thông trên tuyến đường này tạm thời bị chia cắt.
Trên QL 15C, tại Km64+980 (phải tuyến) địa phận xã Trung Lý (Mường Lát) xuất hiện vết nứt cung trượt taluy âm chiều dài khoảng 30m; tại Km88+750 (phải tuyến) tiếp tục xuất hiện thêm vết nứt mặt đường đến sát lề sát lề đường phía trái tuyến; tại Km99+020 (trái tuyến) đá lăn gây tắc mặt đường.
Theo thông tin từ Ban Chỉ huy PCTT,TKCN và PTDS thị xã Nghi Sơn, Đồn Biên phòng Hải Hoà và UBND phường Hải Thanh vừa nhận được thông tin 2 tàu cá mang số hiệu TH-91926-TS và TH-90658-TS của người dân tổ dân phố Thượng Hải, phường Hải Thanh, do ông Nguyễn Văn Thân, sinh năm 1956 là thuyền trưởng cùng 9 thuyền viên bị mất liên lạc từ 11 giờ ngày 07/9/2024 khi đang tránh trú bão tại Cảng Cái Rồng, thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Đến 14 giờ ngày 8/9, người thân và địa phương đã liên lạc được với thuyền trưởng và các thuyền viên trên 2 tàu. Hiện tại, các thuyền viên trên tàu vẫn an toàn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của mưa, bão tàu mang số hiệu TH-91926-TS của gia đình bà Nguyễn Thị Cúc ở phường Hải Thanh bị chìm. Trước đó, đã có 4 tàu cá của ngư dân xã Quảng Nham (Quảng Xương - Thanh Hóa) bị chìm khi neo đậu tránh, trú bão tại TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh gồm: Tàu cá mang số hiệu TH - 92255 - TS của chủ tàu Vũ Văn Phú ở thôn Hải; Tàu cá mang số hiệu TH - 91180 - TS của chủ tàu Hồ văn Hương ở thôn Tiến; Tàu cá TH - 92379 - TS của chủ tàu Trần Văn Nhân và Tàu cá TH - 90149 - TS của chủ tàu Hoàng Văn Hải ở thôn Trung. |
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.