Những ngày qua, do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh khá mạnh, nhiệt độ giảm sâu và diễn ra rét đậm, rét hại ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ, người chăn nuôi ở một số tỉnh miền Trung đã tìm mọi biện pháp để giữ ấm cho gia súc, gia cầm.
Mặc áo ấm cho gia súc
Nghệ An đang trải qua những ngày rét đậm, rét hại. Để bảo vệ gia súc, gia cầm trước đợt rét này, người chăn nuôi đã triển khai nhiều biện pháp: Mặc áo bạt cho trâu, bò, đốt lửa sưởi ấm, bổ sung vi chất, dùng nồi hơi để làm nóng hệ thống chuồng trại…
Những ngày giá rét, người dân vùng cao lùa trâu, bò từ rừng về chuồng, không thả rông gia súc. Ảnh: Thanh Phúc
Những ngày này, vào sáng sớm và ban đêm, nhiệt độ ở huyện Tương Dương (Nghệ An) nhiệt độ chỉ còn 4-5 độ, vì thế để bảo vệ cho đàn gia súc và gia cầm của mình các gia đình chăn nuôi trâu bò không đưa đàn gia súc đi chăn thả quá sớm, đồng thời lùa đàn trâu, bò của mình về chuồng sớm hơn, không thả rông ngoài rừng như khi chưa có gió mùa đông bắc tràn về nữa.
Tại các gia đình chuồng trại chăn nuôi trâu, bò đều được người nông dân che kín bằng ni lông, nhiều bếp lửa được nhen lên, sưởi ấm cho gia súc trong những ngày giá rét. Để ngăn cái rét ảnh hưởng đến sức khỏe của đàn trâu bò, nhiều gia đình còn mua bạt và may thành áo để cho chắn cho trâu bò.
Người dân bản Can, xã Tam Thái (Tương Dương) che chắn chuồng trại cho gia súc. Ảnh: Đình Tuân
Trong những ngày này việc chăm sóc cho đàn trâu, bò có đầy đủ thức ăn để bảo đảm cho gia súc không bị đói là việc làm được người nông dân đặc biệt quan tâm, nguồn thức ăn xanh và thức ăn khô được người dân dự trữ, là nguồn thức ăn chủ yếu cho trâu, bò trong những ngày giá rét, trâu, bò không được chăn thả.
Để ngăn bớt cái lạnh cho gia súc, nhiều hộ đã mua bạt, may thành áo và "mặc" cho trâu, bò. Ảnh: Thanh Phúc
Các loại muối khoáng đều được người dân cho thêm vào khẩu phần ăn của trâu, bò để đảm bảo gia súc có đầy đủ sức đề kháng chống chọi với thời tiết khắc nghiệt đang diễn ra.
Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì ngưỡng rét đậm. Người chăn n uôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.
các xã vùng núi thuộc huyện Can Lộc, Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, Cẩm Xuyên..., nhiệt độ luôn duy trì ở mức thấp, từ 9 - 11 độ C vào ban đêm và sáng sớm. Để giữ ấm cho đàn vật nuôi, người dân đã chủ động thực hiện các biện pháp che chắn chuồng trại, dự trữ nguồn thức ăn và nuôi nhốt tại chuồng.
Nông dân miền núi thường chủ động rơm, rạ khô để vừa làm thức ăn chăn nuôi vừa giữ ấm chuồng trại.
Chị Trần Thị Liên (thôn Thanh Mỹ, xã Thượng Lộc, Can Lộc) nuôi 13 con trâu, bò chuẩn bị xuất bán vào dịp cuối năm, cho biết: “Thay vì thả rông đàn trâu, bò ở ngoài như trước, gia đình chủ động nhốt tại nhà, đốt lửa cả ngày lẫn đêm trong chuồng để tránh rét. Tôi cũng tranh thủ diện tích trồng gần 4 sào cỏ sữa và bắp sinh khối, đảm bảo nguồn thức ăn thô xanh cho đàn gia súc. Cùng đó, gia đình vệ sinh chuồng trại sạch sẽ nhằm tránh các dịch bệnh phát sinh như: tụ huyết trùng, lở mồm long móng...”.
Ông Nguyễn Xuân Diệu - Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc cho biết: “Xã là một trong những địa phương có tổng đàn trâu, bò lớn của huyện (hơn 2.400 con). Trước đợt không khí lạnh tăng cường, cán bộ chuyên môn đã hướng dẫn người dân cách chăm sóc, giữ ấm cho đàn vật nuôi; thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh về thông tin các đợt rét sắp tới để bà con nắm bắt. Cùng đó là hướng dẫn bà con cách bổ sung dinh dưỡng, tập trung vào phần thức ăn chính là cỏ, cám ngô, rơm. Trong ngày rét đậm, khuyến cáo nông dân chú trọng bổ sung thêm mật mía, thức ăn ủ chua”.
Huyện Vũ Quang hiện có hơn 14.000 con trâu, bò; 36.000 con lợn; gần 340.000 con gia cầm. Phòng chuyên môn của huyện đã đôn đốc các địa phương xuống tận hộ gia đình để hướng dẫn tập trung phòng, chống đói, rét và dịch bệnh cho vật nuôi; bảo quản và dự trữ thức ăn, nhất là rơm rạ; tận dụng các sản phẩm nông nghiệp như: khoai, sắn, ngô để ủ chua. Vào những ngày trời rét đậm, rét hại, khuyến cáo bà con bổ sung thêm thức ăn tinh và nước muối pha loãng để bổ sung dinh dưỡng.
Sưởi ấm cho gia cầm
Đối với chăn nuôi gia cầm, người dân cũng đang chủ động các giải pháp chống rét như: che chắn chuồng trại đảm bảo kín gió, khô; đỏ đèn điện 24/24h để sưởi ấm; cho uống nước ấm, bổ sung thêm B-Complex giúp cho gà khỏe mạnh hơn...
Anh Phạm Tiến Tuẫn (thôn Đông Châu, xã Thạch Ngọc, Thạch Hà) thắp bóng đèn 24/24h để sưởi ấm cho đàn gà con.
Anh Phạm Tiến Tuẫn (thôn Đông Châu, xã Thạch Ngọc, Thạch Hà) cho biết: “Mùa này gà rất dễ mắc dịch cúm nên gia đình chú trọng định kỳ phun sát trùng chuồng nuôi và khu vực xung quanh chuồng bằng các loại hóa chất như: vôi bột, Iodine, Vikon… Hằng ngày, chúng tôi kiểm tra theo dõi sức khỏe của đàn gà để phát hiện sớm những con có biểu hiện bất thường nhằm có biện pháp xử lý”.
Hà Tĩnh hiện có tổng đàn lợn khoảng trên 402.000 con, đàn bò hơn 169.000 con, đàn hươu trên 38.700 con, đàn gà trên 10 triệu con… Theo dự báo, đợt rét đậm này có thể kéo dài trong những ngày tới, vì vậy, ngành NN&PTNT khuyến cáo chính quyền, người dân các địa phương tiếp tục triển khai tốt giải pháp để bảo vệ trâu, bò và các loại gia súc, gia cầm.
Người dân cần che chắn chuồng trại đủ ấm, luôn khô ráo, sạch sẽ; dự trữ chất đốt để sưởi ấm cho gia súc trong những ngày rét đậm, rét hại; cho vật nuôi ăn no, bổ sung dưỡng chất như: khoáng, vitamin, B-complex… để tăng sức đề kháng, hạn chế dịch bệnh. Khi nhiệt độ xuống mức 13 - 15 độ C, hạn chế chăn thả gia súc ngoài trời. Cùng đó, chú ý theo dõi sức khỏe của đàn vật nuôi, khi xuất hiện thay đổi bất thường cần báo ngay cho chính quyền địa phương và cán bộ thú y biết để xử lý kịp thời
Ngoài dùng bóng đèn hồng ngoại để sưởi ấm, dùng than, khí ga thì nay, nhiều trang trại gà ở Diễn Châu đã trang bị hệ thống sưởi gia cầm bằng công nghệ hơi nước. Theo đó, một lò hơi công nghiệp đốt than, củi bên ngoài để làm nóng nước. Hơi nước ở nhiệt độ cao được tạo ra từ lò hơi sẽ được dẫn qua hệ thống đường ống đi đến các dàn nhiệt, hệ thống quạt đẩy thổi hơi nóng vào trong chuồng, tạo khí ấm, sạch cho gia cầm.
Tăng cường các biện pháp phòng bệnh cho vật nuôi
Thời tiết rét, mưa phùn... tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển, lây lan và gây bệnh, do đó UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Chỉ thị số 32/CT-UBND về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh động vật vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023.
Xử lý môi trường trong và ngoài khu vực chăn nuôi để phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Ảnh: Xuân Hoàng
Trên địa bàn huyện Con Cuông vừa xảy ra điểm dịch tả lợn châu Phi tại bản Trung Hương, xã Yên Khê, làm 1 con lợn bị chết. Ông Lê Trung Lợi - Phó Chủ tịch UBND xã Yên Khê cho biết, sau khi phát hiện ổ dịch tại bản Trung Hương, xã đã chỉ đạo ban cán sự bản, hướng dẫn người dân khẩn trương khoanh vùng dập dịch. Đồng thời, thông báo đến các bản nghiêm cấm việc mua, bán thịt lợn trên địa bàn xã trong thời gian chưa hết dịch. Các hộ nuôi thực hiện nghiêm công tác tiêu độc, khử trùng phòng bệnh cho đàn vật nuôi.
Theo ông Lô Văn Lý – Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Con Cuông, những năm gần đây, trên địa bàn huyện, dịch tả lợn châu Phi làm ảnh hưởng đến sự phát triển của đàn lợn, việc tái đàn gặp nhiều khó khăn do thiếu giống và rủi ro khi dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn. Để đảm bảo nguồn thực phẩm cho người dân trong dịp cuối năm, huyện chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân về phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi; kịp thời phát hiện dịch bệnh trên đàn vật nuôi để có giải pháp khống chế trong diện hẹp.
“Hiện tại, trên địa bàn huyện Con Cuông không có dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhưng tiềm ẩn xảy ra dịch bệnh vẫn còn cao, bởi các điểm dịch tả lợn châu Phi cũ vẫn có nguy cơ tái phát. Do vậy, bên cạnh công tác phòng, chống dịch bệnh, huyện còn chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn bà con thực hiện các giải pháp chống đói, rét cho đàn vật nuôi”, ông Lô Văn Lý cho hay.
Ông Lê Thế Hiếu – Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Diễn Châu cho biết, cùng với phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi, huyện tập trung thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cho động vật. Dịp cuối năm, nhất là thời điểm sát Tết Nguyên đán, người dân giết mổ lợn, bò, gà nhiều, nên nguy cơ xảy ra dịch bệnh cho đàn vật nuôi cao, do vậy, công tác tuyên truyền phải thường xuyên và cùng đó là phun hóa chất khử trùng môi trường tại các điểm giết mổ tập trung.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật: Các huyện, thành phố, thị xã khẩn trương hoàn thiện phê duyệt và bố trí kinh phí để chủ động triển khai có hiệu quả kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật tại địa phương của năm 2023 và các kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật đã được tỉnh phê duyệt. Rà soát, tổ chức tiêm vắc-xin phòng các bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi: cúm gia cầm, viêm da nổi cục, dại, lở mồm long móng… đảm bảo tỷ lệ tiêm đạt trên 80% tổng đàn.
Đối với các địa phương đang có dịch cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi, tập trung chỉ đạo, huy động nhân lực, vật lực bao vây khống chế, xử lý dứt điểm ổ dịch trong diện hẹp. Tăng cường kiểm soát công tác giết mổ, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật… Tổ chức triển khai tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường để tiêu diệt các loại mầm bệnh, đặc biệt tại các địa phương đã và đang có dịch bệnh, vùng có nguy cơ cao…
Sở Nông nghiệp và PTNT thành lập các đoàn công tác tổ chức hướng dẫn, đôn đốc, giám sát, kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản nuôi, đặc biệt là công tác tiêm phòng vắc-xin. Các sở, ngành liên quan, kiểm tra đôn đốc các địa phương khẩn trương kiện toàn hệ thống thú y cấp xã đảm bảo về số lượng, chất lượng theo quy định để thực hiện nhiệm vụ chăn nuôi và thú y tại địa bàn.
Để bảo đảm an toàn cho đàn gia súc, gia cầm trong những ngày này rất cần có sự quan tâm kiểm tra của các ngành chức năng, nhắc nhở bà con và kịp thời xử lý những trường hợp gia súc, gia cầm bị ảnh hưởng do thời tiết gây ra. Vừa giữ ổn định cho đàn gia súc, gia cầm, vừa bảo vệ được tài sản cho người nông dân khi năm mới đang đến gần và thời tiết vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.