Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 18 tháng 6 năm 2024  
Thứ tư, ngày 12 tháng 6 năm 2024 | 15:25

Bảo vệ môi trường làng nghề để phát triển bền vững

Tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề ngày càng gia tăng. Trong khi đó, phát triển sản xuất kinh doanh tại các làng nghề là một xu thế tất yếu để xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, theo các chuyên gia kinh tế cho rằng để phát triển làng nghề bền vững cần kết hợp hài hòa bảo vệ môi trường, hướng tới cải thiện môi trường.

Vì sao du lịch làng nghề khó “giữ chân” du khách?

Du lịch làng nghề hiện nay đang rất khó thu hút du khách quay trở lại bởi hai “bài toán khó” là nguồn nhân lực hạn chế và tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề do khí thải, rác thải.

Cụ thể, các làng nghề trên cả nước thu hút khoảng 11 nghìn nhân lực. Đây là một con số không nhỏ, nguồn thu nhập của họ cũng cao hơn so với các lao động thuần nông khác khoảng hai đến ba lần. Thực tế, phần lớn họ là những lao động thời vụ, hết mùa gặt lúa thì đến các công xưởng nghề để làm, chủ xưởng trả công theo ngày. Công việc không cố định, nhân lực tại các làng nghề không ổn định.

Bảo vệ môi trường làng nghề phát triển theo hướng bền vững. Ảnh: tư liệu minh hoạ

Lấy ví dụ, làng nghề ở xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) với truyền thống làm tăm hương, mặc dù có gần 8 nghìn người trong tuổi lao động, với thu nhập trung bình khoảng 72 triệu đồng/năm, nhưng theo thống kê chỉ có 86 người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện. Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Xuân Giang, Giám đốc BHXH huyện Ứng Hòa cho biết, phần lớn người trong tuổi lao động đều đến các khu công nghiệp ở gần đó làm công nhân. Hầu hết người ở lại là người già, thanh, thiếu niên, một số người lao động tự do thời vụ.

Để thúc đẩy du lịch các làng nghề đi lên, nguồn nhân lực bản địa là một yếu tố quan trọng để phát triển du lịch bền vững. Việc phần lớn người dân đi ra các xã, huyện khác để làm việc cho thấy rất nhiều vấn đề về người lao động còn tồn tại ở các làng nghề. Anh Vũ Đức Quân, chủ cơ sở sản xuất mỹ nghệ, đồ gỗ Hùng Hồng tại làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) cho biết, thời gian học việc dài, đồng lương cơ bản chưa cao, không đủ đóng BHXH tự nguyện bảo đảm cuộc sống sau khi về hưu, vì vậy, nhiều người trẻ không còn mặn mà gìn giữ nghề truyền thống.

Ngoài nguồn nhân lực, môi trường là yếu tố quan trọng kìm hãm việc phát triển du lịch tại các làng nghề. Kết quả rà soát mới nhất của Sở TN&MT Hà Nội cho thấy, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 139 làng nghề đang bị ô nhiễm nghiêm trọng và gần 100 làng nghề khác cũng đang trong tình trạng ô nhiễm. Hiện nay, phần lớn các làng nghề đều bị ô nhiễm kênh rạch, tồn đọng chất thải rắn không được xử lý, nhiều nơi ô nhiễm không khí nặng nề do đốt than, phun sơn, đánh bóng các sản phẩm,... tạo ra nhiều bụi khí thải ảnh hưởng nặng nề đến môi trường.

Ô nhiễm môi trường nặng nề ảnh hưởng đến cảnh quan sinh thái, tạo ra mùi khó chịu, gây ấn tượng tiêu cực, vì thế khó “giữ chân” du khách quay trở lại nhiều lần. Đặc biệt, vấn đề môi trường còn đang ảnh hưởng đến người dân ở làng nghề và “tuổi thọ” nghề nghiệp của những thợ thủ công tại đây.

Ô nhiễm môi trường làng nghề ngày càng tăng

Theo thống kê, làng nghề được công nhận tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền Bắc, trong đó TP. Hà Nội có số làng nghề, làng nghề truyền thống đang hoạt động được công nhận nhiều nhất với 313 làng, tiếp đến là các tỉnh: Thái Nguyên 263 làng, Thái Bình 117 làng, Ninh Bình 75 làng, Nam Định 72 làng, Nghệ An 173 làng...

Thời gian vừa qua, làng nghề phát triển, ngày càng mở rộng thì lượng chất thải gây ô nhiễm phát sinh càng nhiều, trong khi đó việc quản lý và xử lý chất thải chưa được chú trọng giải quyết nên tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng.

Chia sẻ tại tọa đàm “Để lao động làng nghề tiếp cận an sinh xã hội” diễn ra mới đây, PGS. TS Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và Phát triển cộng đồng cho hay, làng nghề là văn hoá, gắn với mưu sinh của người dân, không thể bỏ được.

Thông qua làng nghề, chúng ta có thể hiểu được phần nào về truyền thống, văn hóa của Việt Nam. Tuy nhiên, phát triển làng nghề như thế nào để gắn với bảo vệ môi trường là bài toán cần phải giải quyết. Trong đó, cần có giải pháp, khu trú lại, quy hoạch, tập trung rác thải, phế liệu lại để xử lý; đồng thời, tăng cường tuyên truyền người dân để tự bảo vệ mình.

“Hiện nay, cơ chế chính sách phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường là chưa đủ. Bên cạnh đó, nguồn lực của Nhà nước dành cho vấn đề này chưa bảo đảm. Do đó, cần phải xã hội hóa nguồn lực giúp các làng nghề hạn chế ô nhiễm. Tuy nhiên, chúng ta lưu ý để hài hoà lợi ích, tận dụng hiệu quả mọi nguồn lực. Trong đó, phải có các đầu tư nguồn lực, có các giải pháp công nghệ để thu gom, xử lý rác thải, nước thải tại các làng nghề nhằm hạn chế ô nhiễm” - PGS.TS Bùi Thị An nhận định.

Đồng thuận với quan điểm nêu trên, bà Hà Thị Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội, vai trò của người dân, các chủ thể hết sức quan trọng trong việc giải quyết ô nhiễm môi trường.

Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội cho rằng, đối với các làng nghề, một trong những vấn đề quan trọng là phải chuyên môn hóa, những phần nào liên quan đến môi trường phải tập trung xử lý từ khâu quy hoạch. Ngoài ra, phải có vai trò cơ chế chính sách, trợ giúp như thế nào, khi cơ chế chính sách của nhà nước đưa vào sẽ tạo cú huých, để người dân làng nghề quan tâm thiết thực hơn đến vấn đề bảo vệ môi trường làng nghề, đến sức khoẻ nơi mình sinh sống.

Đề cao vai trò của các cấp chính quyền địa phương

Theo PGS.TS Bùi Thị An, việc phát triển sản xuất kinh doanh tại các làng nghề cần kết hợp hài hòa bảo vệ môi trường, hướng tới cải thiện môi trường. Để phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, các làng nghề cần được định hướng phát triển bền vững, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế, tạo ra công ăn việc làm, góp phần xóa dói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần bảo vệ và cải thiện môi trường nông thôn.

Trên thực tế, trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước cũng đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường làng nghề và đã đưa ra các quy định về vấn đề này.

Theo Điều 56 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề như sau:

Làng nghề phải có phương án bảo vệ môi trường, có tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường và hạ tầng bảo vệ môi trường. Hạ tầng bảo vệ môi trường của làng nghề bao gồm: có hệ thống thu gom nước thải, nước mưa bảo đảm nhu cầu tiêu thoát nước của làng nghề; hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung (nếu có) bảo đảm nước thải sau xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; có điểm tập kết chất thải rắn đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường; khu xử lý chất thải rắn (nếu có) bảo đảm quy định về quản lý chất thải rắn hoặc có phương án vận chuyển chất thải rắn đến khu xử lý chất thải rắn nằm ngoài địa bàn.

Cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề phải xây dựng và thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bụi, bức xạ nhiệt, khí thải, nước thải và xử lý ô nhiễm tại chỗ; thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý chất thải rắn theo quy định của pháp luật.

Cơ sở, hộ gia đình sản xuất thuộc ngành, nghề không khuyến khích phát triển tại làng nghề có trách nhiệm thực hiện quy định tại khoản 2 Điều này và tuân thủ kế hoạch di dời, chuyển đổi ngành, nghề sản xuất theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định UBND cấp xã có trách nhiệm lập, triển khai thực hiện phương án bảo vệ môi trường cho làng nghề trên địa bàn; hướng dẫn hoạt động của tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường làng nghề.

UBND cấp huyện có trách nhiệm: Tổng hợp nhu cầu ngân sách cho hoạt động bảo vệ môi trường làng nghề; chỉ đạo, triển khai thực hiện các mô hình bảo vệ môi trường làng nghề; đầu tư xây dựng và tổ chức vận hành các mô hình thu gom, xử lý chất thải rắn, hệ thống xử lý nước thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường do Nhà nước đầu tư từ nguồn kinh phí đầu tư xây dựng, nguồn chi sự nghiệp môi trường và khoản đóng góp của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

 

Thanh Xuân (Tổng hợp từ baophapluat, thoibaotaichinhvietnam, tuoitrethudo...)
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh Hoá ủng hộ hơn 4,6 tỷ đồng làm nhà cho hộ nghèo, hộ còn khó khăn

    Thanh Hoá ủng hộ hơn 4,6 tỷ đồng làm nhà cho hộ nghèo, hộ còn khó khăn

    Sau 1,5 tháng kêu gọi ủng hộ chung tay vì người nghèo, tài khoản Quỹ “Vì người nghèo” của Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hoá đã tiếp nhận hơn 4,6 tỷ đồng từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ủng hộ.

  • “Hành trình nhân đạo - Trao nhận yêu thương”

    “Hành trình nhân đạo - Trao nhận yêu thương”

    Chủ đề “Hành trình nhân đạo - Trao nhận yêu thương”, trong tháng 5 này, các cấp hội Chữ thập đỏ trong toàn tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động trợ giúp người nghèo, người gặp hoàn cảnh khó khăn và các đối tượng dễ bị tổn thương, giúp họ vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống, góp phần xây dựng một cộng đồng đoàn kết, yêu thương.

  • Những “Giọt nước nghĩa tình” cùng người dân miền Tây đi qua mùa hạn, mặn

    Những “Giọt nước nghĩa tình” cùng người dân miền Tây đi qua mùa hạn, mặn

    Tiếp sức người dân miền Tây vượt qua khó khăn mùa hạn mặn, Cty Tân Hiệp Phát phối hợp cùng Báo Công An TPHCM trao 200.000 sản phẩm nước tinh khiết Number 1 cùng 620 khối nước ngọt đến người dâncác vùng hạn mặn Bến Tre, Tiền Giang.

  • Vịnh ngọc Nha Trang bừng sáng

    Vịnh ngọc Nha Trang bừng sáng

    Liên hoan Du lịch Biển Nha Trang là chương trình tổ chức hai năm một lần với nhiều hoạt động, sự kiện du lịch, văn hóa, lễ hội, thể thao, ẩm thực quy mô, phong phú, đa dạng, đặc sắc.

  • Trải nghiệm hái mận chín ở Bắc Hà

    Trải nghiệm hái mận chín ở Bắc Hà

    Tháng 6, những đồi mận tam hoa Bắc Hà (Lào Cai) chín rộ, quả mọng, ngọt đậm khiến nhiều du khách thích thú với trải nghiệm tự tay thu hoạch mận tại vườn.

  • Bế mạc Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024

    Bế mạc Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024

    Tối 12/6, tại Điện Kiến Trung trong Đại Nội Huế (TP. Huế), UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức bế mạc Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024, khép lại một chuỗi các sự kiện văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, sôi nổi để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng người dân và du khách.

Top