Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 27 tháng 9 năm 2024  
Thứ tư, ngày 18 tháng 9 năm 2024 | 19:53

Bộ Nông nghiệp và PTNT lên kịch bản ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão

Chiều 18/9, Bộ NN-PTNT tổ chức họp với các bộ, ngành và các tỉnh miền Trung về ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão.

Theo báo cáo của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), sáng 16/9, áp thấp nhiệt đới hình thành trên vùng biển phía Đông Philippines. Sáng 17/9, áp thấp nhiệt đới di chuyển vào biển Đông với cường độ cấp 7, giật cấp 9.

Hồi 10h ngày 18/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,7 độ vĩ Bắc, 113,5 độ kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 180km về phía Đông với cường độ cấp 7, giật cấp 9. Dự báo đến 10h ngày 19/9, áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão với cường độ cấp 8, giật cấp 10, tâm bão trên vùng biển ven bờ từ Quảng Trị - Quảng Nam, cách Quảng Trị khoảng 110km về phía Đông Đông Nam.

Dự báo đường đi và vùng ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão số 4.

Cập nhật mới nhất hồi 16 giờ ngày 18/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,8 độ Vĩ Bắc; 112,2 độ Kinh Đông, trên khu vực quần đảo Hoàng Sa, cách Đà Nẵng khoảng 430km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-61km/h), giật cấp 9; di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ khoảng 15km/h. 

Dự báo trong 12 giờ tới, ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão, cường độ cấp 8, giật cấp 10.

Từ 19h ngày 17/9 đến 12h ngày 18/9, Trung bộ và Tây Nguyên đã có mưa to đến rất to (50-150 mm), riêng Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng mưa 150-250 mm; một số trạm lớn hơn như: Bạch Mã (Thừa Thiên - Huế) 237mm, Suối Đá (Đà Nẵng) 279mm, Suối Lương (Đà Nẵng) 254mm.

Dự báo từ ngày 18-19/9, từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to (100-300 mm), có nơi trên 500mm; Thanh Hóa, Nghệ An từ 70-150 mm, có nơi trên 250mm; Tây Nguyên từ 40-80 mm, có nơi trên 150mm.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp lo lắng bão số 4 sẽ gây ra một đợt mưa khá lớn, nguy cơ ngập lụt ở các tỉnh miền Trung. Ảnh Hồng Thắm

Từ ngày 18-21/9, các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Nam xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên trên các sông từ 3-7 m. Đỉnh lũ thượng nguồn sông Mã, sông Bưởi (Thanh Hóa), thượng lưu sông Cả (Nghệ An) lên mức báo động 1 - báo động 2 và trên báo động 2; sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố (Hà Tĩnh) báo động 2 - báo động 3; hạ lưu sông Mã (Thanh Hóa), sông La (Hà Tĩnh), sông Cả (Nghệ An) ở mức báo động 1; các sông từ Quảng Bình - Quảng Nam ở mức báo động 1 - báo động 2, có sông trên báo động 2; riêng các sông nhỏ ở Quảng Bình, Quảng Trị có khả năng lên mức báo động 3. 

Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, lũ quét và sạt lở đất trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi từ Thanh Hóa đến Quảng Nam.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá, dự kiến áp thấp nhiệt đới sẽ hình thành bão cơn bão số 4 ngay sát bờ nước ta. Áp thấp nhiệt đới hiện đang di chuyển chậm lại, điều này sẽ tạo điều kiện được nạp năng lượng để mạnh lên nên sẽ còn khó dự đoán. “Tất cả dự báo đến thời điểm này đều cho thấy, bão số 4 nếu có hình thành thì cường độ không mạnh, gió chỉ giật đến cấp 10. Tuy nhiên, điều mà chúng tôi đặc biệt quan tâm và quan ngại là lần này sẽ gây ra một đợt mưa khá lớn, tập trung ở Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và một phần Quảng Ngãi. Chúng tôi đang lo lắng là sẽ có một đợt mưa và không ngoại trừ sẽ xảy ra một trận lũ lụt rất tồi tệ như năm 2020”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các địa phương tập trung vào các công việc cụ thể như: Tiếp tục kêu gọi các tàu thuyền phải vào bờ; tập trung rà soát tình trạng ngập lụt và có phương án sơ tán dân... Lãnh đạo Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương hướng dẫn thu hoạch, đảm bảo nuôi trồng thủy sản; kiên quyết không để người dân ở lại trên các lồng, bè, chòi canh khi bão đổ bộ; Tập trung thu hoạch diện tích lúa với phương châm "xanh nhà hơn già đồng", tránh thiệt hại nặng khi bão đổ bộ.

Báo cáo về công tác ứng phó với bão số 4, ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết, đến nay, 100% diện tích lúa hè thu của tỉnh đã được thu hoạch, diện tích thủy sản đã thu hoạch là 80%. Ngay từ đầu tháng 9, các lực lượng chức năng của tỉnh đã tổ chức kiểm tra an toàn hồ thủy lợi, thủy điện trên địa bàn. Đến nay, công tác an toàn hồ đập vẫn đảm bảo, mực nước các hồ thấp.

Tính đến 11 giờ 30 ngày hôm nay (18/9), Thừa Thiên-Huế đã di dời các phương tiện tàu thuyền về nơi neo đậu an toàn. Tỉnh cũng đã có cảnh báo sạt lở ở các địa phương như Phong Điền, Nam Đông, A Lưới, Hương Trà. Hiện có 37 hộ có khả năng bị ảnh hưởng bởi lũ quét, sạt lở.

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
  • Lũ dữ đi qua, tấm lòng ở lại

    Lũ dữ đi qua, tấm lòng ở lại

    Mỗi khi đất nước có thiên tai, dịch bệnh thì truyền thống yêu nước, tinh thần "tương thân, tương ái", “lá lành đùm lá rách”, “nhường cơm sẻ áo” luôn là bản chất tốt đẹp của người dân Việt Nam lại được phát huy.

  • Tạp chí Kinh tế nông thôn chung sức cùng người dân Lào Cai khắc phục hậu quả sau mưa lũ

    Tạp chí Kinh tế nông thôn chung sức cùng người dân Lào Cai khắc phục hậu quả sau mưa lũ

    Hoàn lưu của cơn bão số 3 (Yagi) đã khiến tỉnh Lào Cai bị thiệt hại nặng về người và tài sản. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Chính quyền và Nhân dân trong tỉnh đã nén đau thương cùng nhau nỗ lực khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống trong sự sẻ chia của đồng bào khắp mọi miền đất nước.

  • Bảo Việt dành 5 tỷ đồng ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3

    Bảo Việt dành 5 tỷ đồng ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3

    Để kịp thời chung tay cùng đồng bào các tỉnh miền Bắc bị thiệt hại do bão số 3 (Yagi) gây ra, Bảo Việt đã trích quỹ an sinh xã hội của Tập đoàn và các đơn vị thành viên để ủng hộ 5 tỷ đồng cho các tỉnh bị ảnh hưởng cơn bão số 3.

Top