Chiều 19/4, tại Hà Nội, ngài Thomas Vilsack, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã có buổi gặp gỡ trao đổi với báo chí thông tin về hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong lĩnh vực nông nghiệp.
Chuyến công tác Việt Nam của Ngài Thomas Vilsack, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ (2013-2023), giúp củng cố mối quan hệ song phương, đồng thời làm sâu sắc thêm quan hệ thương mại giữa hai nước.
Phát biểu về vấn đề an ninh lương thực toàn cầu, Bộ trưởng Thomas Vilsack khẳng định, Việt Nam có vai trò quan trọng vì là quốc gia sản xuất lúa gạo hàng đầu trên thế giới.
Do đó, Hoa Kỳ luôn tăng cường các nỗ lực hợp tác, hỗ trợ Việt Nam để giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất lúa gạo để có thể đóng góp nhiều hơn vào hệ thống lương thực toàn cầu.
“Trên bình diện thế giới, mỗi quốc gia đều có vai trò và trách nhiệm của mình. Trước những sức ép về gia tăng dân số hiện nay, chúng ta đang ngày càng nỗ lực để có thể sản xuất được nhiều hơn nhưng lại tiêu tốn nguyên liệu đầu vào ít hơn”, ông Thomas Vilsack chia sẻ và cho rằng, giải pháp cho vấn đề này chính là đổi mới sáng tạo và công nghệ được thực hiện một cách bền vững.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Vilsack đề cập đến việc sở hữu một hệ thống thương mại hiệu quả cũng giúp Việt Nam đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu một cách bền vững hơn.
Liên quan đến biến đổi khí hậu, người đứng đầu Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho rằng, tất cả các quốc gia trên thế giới đều trang trong giai đoạn thích ứng và học hỏi.
Hiện nay, Hoa Kỳ đã khởi động chương trình hợp tác về nông nghiệp và lâm nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. Chương trình này được thiết kế để áp dụng các phương pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất.
Bộ trưởng Nông nghiệp Hoa Kỳ Tom Vilsack (ngồi giữa) gặp gỡ báo chí chiều 19/4
Một số dự án trong số đó rất thích hợp với Việt Nam, ví dụ như các dự án ứng dụng công nghệ để giảm phát thải mê tan trong sản xuất lúa gạo. Trong nỗ lực thực hiện chương trình này, phía Hoa Kỳ cũng sẵn sàng chia sẻ các bài học thu được với nông dân trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.
Bộ trưởng Thomas Vilsack đánh giá cao tiềm năng mở rộng cơ hội thương mại giữa 2 nước, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Việc mở cửa thị trường cho quả bưởi chùm của Hoa Kỳ vào Việt Nam vừa qua nằm trong chuỗi sự kiện mở cửa thị trường để trái cây của 2 nước có thể xuất khẩu sang nhau.
“Hiện nay, chúng tôi đang hoàn thiện các thủ tục để mở cửa thị trường cho quả chanh leo và dừa nguyên vỏ của Việt Nam. Ngoài ra, chúng tôi cũng rất cảm kích trước việc Việt Nam chuẩn bị mở cửa thị trường cho một số loại quả của Hoa Kỳ như đào, xuân đào, quýt vàng”, Bộ trưởng Thomas Vilsack nói với báo giới.
Bộ trưởng Nông nghiệp Hoa Kỳ Vilsack hoan nghênh các cam kết của Việt Nam và đặc biệt nhấn mạnh vào việc giảm phát thải khí mê tan từ nông nghiệp. Theo quan điểm của ông, hành động quốc tế chung là chìa khóa để đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu đồng thời tăng cường khả năng phục hồi của nông nghiệp và giảm tác động khí hậu.
Hiện nay, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã có những hoạt động mạnh mẽ để thực hiện cam kết đưa phát thải ròng về 0 và ông Thomas Vilsack cho biết đó cũng là mục tiêu mà Hoa Kỳ đã cam kết.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ còn đề cập đến hợp tác trong lĩnh vực đào tạo và nâng cao năng lực cho phía Việt Nam, cụ thể là việc ra mắt Trung tâm Giám định gỗ Việt Nam với sự hỗ trợ của Cục Lâm nghiệp Hoa Kỳ, giúp giám định gỗ nhanh chóng và chính xác hơn.
Trao đổi về những trọng tâm hợp tác sắp tới, Bộ trưởng Thomas Vilsack cho biết, Việt Nam là thị trường lớn thứ 9 của Hoa Kỳ. Trọng tâm hợp tác là áp dụng những phương pháp đổi mới sáng tạo để tạo ra hệ thống thương mại thực sự hiệu quả và bền vững cho Việt Nam cũng như mở cửa tiếp cận thị trường cho nông dân hai nước.
Đồng thời, Hoa Kỳ sẽ tăng cường chia sẻ kiến thức chuyên môn và thông tin về thực hành tốt nhất, giúp hai nước có thể thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu một cách hiệu quả hơn; hỗ trợ hiện đại hóa cải cách hệ thống pháp lý nhằm tăng cường kiểm soát an toàn, chứng nhận giúp các sản phẩm Việt Nam tiếp cận thị trường Hoa Kỳ dễ dàng hơn.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.