Tại phiên thảo luận về KTXH ngày 31/5, nhiều ý kiến làm “nóng” nghị trường khi đề cập tình trạng “một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa quyết liệt, có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai... và kiến nghị cần có giải pháp xử lý để không cản trở sự phát triển.
Bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm đó là ai?
Là người phát biểu đầu tiên, Đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) bày tỏ vui mừng trước những kết quả đạt được trên nhiều lĩnh vực trong năm 2022 và những tháng năm 2023, nhất là trong bối cảnh nhiều nước đối diện nhiều khó khăn, thách thức, nguy cơ rơi vào suy thoái kinh tế. Bên cạnh đó, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục như báo cáo Chính phủ đã nêu rõ.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn đặc biệt quan tâm đến nội dung hạn chế về “một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa quyết liệt, có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai...” gây ách tắc, làm cản trở sự phát triển kinh tế của đất nước.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn
Bày tỏ đồng tình với Chính phủ về nội dung hạn chế này, nhưng theo đại biểu, vấn đề đặt ra là tại sao từ trước đến nay không xuất hiện hiện tượng cán bộ có tâm lý sợ trách nhiệm, mà đến nay mới xuất hiện, không những thế nó còn lang rộng từ Trung ương đến địa phương và tiếp tục lan rộng từ khu vực công đến khu vực tư….
Do vậy, cần phải xác định được nguyên phát của căn bệnh này thì mới có thể điều trị "bệnh" một cách hiệu quả. Đồng nghĩa với việc, cần phân hoá, phân định rõ "bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm" ấy, gồm những kiểu cán bộ nào và nguyên nhân nào dẫn đến sự tồn tại của một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm như thế, để từ đó tìm ra những giải pháp khắc phục kịp thời và hiệu quả.
Từ thực tiễn phản ánh, ông Trần Quốc Tuấn thấy rằng, hiện nay bên trong một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm ấy, nó bao gồm 2 nhóm cán bộ:
Một là nhóm cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, cán bộ không muốn làm, vì không có lợi ích riêng.
Hai là nhóm cán bộ sợ vi phạm pháp luật, nên không dám làm.
“Thay thế ngay vì chúng ta không thiếu cán bộ tốt”
Đối với nhóm thứ nhất, đại biểu cho rằng, có thể khắc phục được ngay. Vì từ trước đến nay trong bất kỳ thời điểm nào, hay ở bất kỳ cơ quan, đơn vị, địa phương nào cũng đều tồn tại một số ít cán bộ có bản chất như thế. Vấn đề là, đơn vị đó có nhận diện được hay không và xử lý như thế nào.
“Tôi cho rằng, ngay trong thời điểm “dầu sôi lửa bỏng” như thế này, thì giải pháp cấp thiết, cần phải làm ngay đó là ưu tiên thay thế những cán bộ ấy bằng những cán bộ tốt, những cán bộ có đủ tâm huyết và trách nhiệm vì chúng ta không thiếu những cán bộ tốt. Giống như trong bóng đá, khi các Huấn luyện viên trưởng, vì sự phát triển của cả đội bóng và vì màu cờ sắc áo, họ sẵn sàng thay người, khi quan sát thấy cầu thủ của mình thi đấu kém hiệu quả” – ông Tuấn nhấn mạnh.
Nhưng về lâu dài, ngoài Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị, đại biểu đề xuất Quốc hội, Chính phủ cần chỉ đạo rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là các quy định pháp luật liên quan đến công chức, viên chức, đảm bảo tính đồng nhất, không chồng chéo, mâu thuẫn… để làm cơ sở khuyến khích, bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Đối với nhóm cán bộ sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm, vị đại biểu đoàn Trà Vinh cho rằng, đây là nhóm cán bộ chiếm số đông trong số cán bộ sợ trách nhiệm. Đây cũng là trở lực lớn nhất, gây tắc nghẽn công việc trong toàn hệ thống.
Theo ông, những cán bộ này lo sợ vi phạm pháp luật là vì xuất phát từ 2 nguyên nhân chính.
Nguyên nhân thứ nhất là một số văn bản qui định pháp luật hiện hành, nhất là các văn bản dưới luật còn thiếu tính đồng nhất, khó thực hiện, điển hình như cùng một nội dung qui định, nhưng lại có 2 cách hiểu khác nhau; hay cùng 1 nội dung công việc, nhưng lại có 2 văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện không đồng nhất.
Ông Trần Quốc Tuấn cho biết đã chứng kiến bên lề kỳ họp này, 2 vị đại biểu Quốc hội cùng tranh luận về 1 nội dung của 1 điều khoản luật đang còn hiệu lực, cuộc tranh luận ấy đã làm cho ông hết sức tâm tư và lo lắng, bởi lẽ nó đang xảy ra trong chính cơ quan lập pháp. Cho nên không loại trừ khả năng sẽ xảy ra ở các cơ quan hành pháp, trong đó có cả cơ quan thanh tra, kiểm tra.
“Và như thế sẽ có nguy cơ dẫn đến nhiều hệ lụy khác nhau cho các cán bộ thực thi công vụ. Những bất cập này cũng đã được rất nhiều đại biểu quốc hội phản ánh thẳng thắng ngay trong phiên thảo luận hội trường ngày 29/5/2023 vừa qua” – ông nói.
Nguyên nhân thứ hai, đại biểu cho rằng công tác thanh tra, kiểm tra ngày càng đi vào thực chất, cùng với công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai quyết liệt và ngày càng hiệu quả, đặc biệt là có những vụ việc vi phạm pháp luật từ nhiều năm trước, đến nay được phát hiện và do mức độ vi phạm nghiêm trọng nên bị xử lý hình sự.
Chính từ những vụ án này đã làm cho nhiều cán bộ lo sợ, bởi lẽ những cán bộ này đã từng làm các công việc tương tự vào những thời điểm trước đây. Từ đó, đã tạo ra hiệu ứng lây lan đến một số cán bộ khác, hình thành nên tâm lý ngán ngại, sợ sai, sợ bị xử lý kỷ luật, nhất là sợ bị xử lý hình sự….
Trong số cán bộ đó, chúng ta không loại trừ có những cán bộ tâm huyết, có trách hiệm, nhưng họ không thể triển khai thực hiện công việc do sự bất cập, thiếu đồng nhất của các văn bản hướng dẫn.
Quy định phải chặt chẽ, thống nhất, dễ thực hiện
Từ thực trạng nêu trên, đại biểu đề xuất Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo tập trung nghiên cứu rà soát sửa đổi, bổ sung đầy đủ các nội dung quy định của pháp luật, đặc biệt là các văn bản dưới luật đảm bảo tính chặt chẽ, thống nhất, dễ áp dụng để các địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân khi căn cứ vào đó là có thể triển khai thực hiện ngay.
Bên cạnh đó đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhiều hơn nữa như Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo nhưng đến nay vẫn chưa chuyển biến, nếu thực hiện tốt công tác này sẽ giảm bớt áp lực, gánh nặng cho các cơ quan cấp trên, đồng thời tăng cường trách nhiệm cho các địa phương và cơ quan cấp dưới.
Muốn vậy, cần xác định việc nào thuộc trách nhiệm của địa phương thì mạnh dạn phân quyền cho địa phương làm, địa phương sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Ngoài ra tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát để hướng dẫn, nhắc nhở, đôn đốc thực thi công vụ có hiệu quả, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm vì mục đích vụ lợi, cá nhân, kể cả việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan ban hành văn bản qui phạm pháp luật gây ảnh hưởng, thiệt hại đến người dân và doanh nghiệp, gây cản trở sự phát triển kinh tế xã hội của quốc gia.
Làm sao để cán bộ không đùn đẩy, sợ sai?
Vấn đề “một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa quyết liệt, có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai” gây ách tắc, làm cản trở sự phát triển kinh tế của đất nước nhận được nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội trên hội trường trong phiên thảo luận sáng nay.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) đặt vấn đề cần phân hoá, phân định rõ "bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm" ấy gồm những kiểu cán bộ nào và cho rằng có 2 nhóm: Một là là nhóm cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, cán bộ không muốn làm, vì không có lợi ích riêng. Hai là là nhóm cán bộ sợ vi phạm pháp luật, nên không dám làm.
Trao đổi với ý kiến trên, Đại biểu Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) cho rằng, nhóm cán bộ, công chức sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm mà đại biểu Tuấn đề cập là đúng, song “không chỉ như vậy”. Vì nếu chỉ thực thi công vụ, để thực thi chức trách mà có hành lang pháp lý rõ ràng, phù hợp thì chắc chắn phần đông cán bộ, công chức, viên chức chỉ còn nỗ lực làm tốt hơn, chẳng có gì phải sợ.
Theo đại biểu, trong thực tế hiện nay, trong không ít các việc lớn, việc nhỏ, nếu cán bộ, công chức, viên chức quyết định thực hiện để đáp ứng những yêu cầu của thực tiễn, để đem đến hiệu quả cho dân, cho nước thì phải vi phạm không nhiều thì ít các quy định hiện hành. Do vậy, những người thấy làm sai quy định dù "vì lợi ích chung" mà không biết sợ thì có lẽ là "điếc không sợ súng" hoặc thiếu ý thức tổ chức kỷ luật.
Đại biểu cho rằng, cũng vì vậy, việc "bảo vệ người dám nghĩ, dám làm" cũng trở thành việc rất khó khăn, có vẻ bất khả thi. Bởi lẽ, bảo vệ họ trong nhiều trường hợp là bảo vệ việc làm sai quy định, trái pháp luật; và khi ấy, lại cần có việc bảo vệ “người bảo vệ người dám nghĩ dám làm”. Cứ theo bậc thang, có thể phải lên đến Quốc hội vì cái vướng mắc nằm trong sự chưa phù hợp, sự mâu thuẫn của các luật hiện hành.
Và cũng vì thế, việc cấp dưới hỏi xin ý kiến, chờ chỉ đạo của trên, thậm chí được giao nhiệm vụ rõ ràng rồi nhưng “càng đi sâu vào thực hiện càng thấy vướng” nên lại chuyển ngược lên cho cấp trên xin ý kiến rồi mới làm đang trở thành phổ biến, có khi lại được cho là phương pháp hợp lý nhất.
Dẫn hàng loạt kết luận, nghị quyết của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ, Chính phủ yêu cầu các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định về khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung thì vừa qua Bộ Nội vụ thấy "vướng rất nhiều quy định của pháp luật" nên "đang tham mưu, báo cáo với Ủy ban thường vụ Quốc hội để tới đây có nghị quyết thí điểm về khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. Sau đó Thủ tướng chính phủ mới ban hành nghị định”.
Đại biểu Trần Hữu Hậu
Đại biểu Trần Hữu Hậu cho rằng, cần làm sao để cán bộ các cấp không phải “dám nghĩ, dám làm” và không cần cấp trên phải khuyến khích, bảo vệ mà chỉ cần trung công sức và trí tuệ để "năng động, sáng tạo" thực hiện công việc của mình hiệu quả nhất trong khuôn khổ các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Tức là khi phát hiện luật hoặc các quy định chưa phù hợp thì tập trung sửa ngay với quy trình sao cho chặt chẽ nhưng đơn giản, ngắn gọn. “Tôi rất thấm thía lời của Thủ tướng trong trả lời một chất vấn của tôi: "Luật là do chúng ta; trong thực tiễn đang vướng mà vướng là do chúng ta đặt ra, vậy thì chúng ta sửa" – ông chia sẻ.
Đại biểu Tô Văn Tám – Phó trưởng Đoàn ĐBQH hoạt động chuyên trách tỉnh Kon Tum nói hiện tượng cán bộ né tránh trách nhiệm có từ lâu, nhưng dường như gần đây nặng hơn, phức tạp hơn.
Nguyên nhân có một bộ phận cán bộ do năng lực, trình độ hạn chế nên việc nắm bắt quy định của pháp luật cũng hạn chế, làm gì cũng sợ sai, không dám làm. Không dám làm thì né tránh, đùn đẩy. Theo ông, đây là hiện tượng “sáng cắp ô đi tối cắp ô về” và cần phải rà soát tỷ lệ này là bao nhiêu để xử lý số cán bộ, bộ phận này.
Đề cập giải pháp, ngoài gắn trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm trong thực thi công vụ, ông Tô Văn Tám cho rằng cần cá thể hóa trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc tham mưu, đề xuất, sửa đổi, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật vì việc chậm ban hành văn bản chi tiết chưa được khắc phục. Cùng với đó sớm sớm ban hành cụ thể hóa thành cơ chế pháp luật từ Kết luận 14 của Bộ Chính trị về bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo.
Cũng giơ biển tranh luận, Đại biểu Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội đặt vấn đề phải “bắt nguyên nhân” thế nào cho đúng.
Ông dẫn ví dụ về đầu tư công chậm giải ngân chậm nhiều năm nay dù Quốc hội tích cực đồng hành cùng Chính phủ để tháo gỡ vướng mắc qua những kỳ họp bất thường. Chính phủ cũng phân cấp phân quyền, Thủ tướng quyết liệt với 2 Công điện 280 và 365, song vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Mặc dù vậy, thực tế cũng cho thấy nhiều tỉnh giải ngân rất tốt.
“Khi trao đổi với cơ sở thì có cán bộ tâm sự: Chúng em không làm thì lãnh đạo xử lý, nhưng làm sao tham mưu đúng quy định của pháp luật, đồng thời đúng ý chỉ đạo thì mới khó. Điều đó cho thấy trách nhiệm người đứng đầu nên cần quyết tâm, quyết liệt xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Thử hỏi có bao nhiêu người bị buộc “đứng sang một bên” khi không làm được việc này? Cái này mới là việc chính” – đại biểu Tạ Văn Hạ nói.
Không phải hiện tượng đơn lẻ
Báo cáo giải trình vấn đề này trong cuối phiên làm việc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, hiện trạng này cần nhìn nhận không chỉ diễn ra đơn lẻ mà ở nhiều địa phương, một số bộ ngành Trung ương trong một bộ phận cán bộ, công chức, trong các hoạt động KTXH, thể hiện rõ nhất là lĩnh vực đầu tư công, quản lý đất đai, bất động sản, mua sắm trang thiết bị khu vực công, thủ tục hành chính đầu tư phát triển DN, cung ứng dịch vụ trực tiếp liên quan người dân và DN.
“Tình trạng này làm chậm trễ và trì trệ hoạt động công vụ; bào mòn và làm suy giảm niềm tin của người dân, DN với cơ quan Nhà nước, cản trở động lực và nguồn lực phát triển, ảnh hưởng mọi mặt xã hội, nhất là mục tiêu phát triển KTXH đất nước” – nữ bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà
Bà Phạm Thị Thanh Trà cũng cho rằng có các nguyên nhân cơ bản. Trước hết là nhận thức, ý thức trách nhiệm, năng lực chuyên môn của một bộ phận cán bộ công chức còn hạn chế.
Vai trò, trách nhiệm nêu gương của một số người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương chưa được phát huy nghiêm túc, nhất là trong bối cảnh đất nước khó khăn hiện nay.
Cùng với đó thể chế chính sách quản lý KTXH có mặt còn bất cập, chồng chéo, vấn đề phát sinh nhưng chậm sửa đổi, bổ sung; cơ chế phối hợp giữa các bộ với địa phương có mặt chưa kịp thời, chưa đồng bộ, chưa thống nhất. Dù vừa qua Quốc hội, Chính phủ dành rất nhiều thời gian quan tâm cho hệ thống thể chế nhưng còn nhiều khó khăn.
Ngoài ra, kỷ cương, kỷ luật hiện nay đang được siết chặt. PCTN, tiêu cực, được đẩy mạnh để làm sạch Đảng và hệ thống chính trị, hàng loạt cán bộ công chức bị kỷ luật, khởi tố, truy tố do sai phạm nghiêm trọng dẫn đến tâm lý một bộ phận cán bộ công chúc sợ sai, sợ trách niệm.
“Tuy nhiên, dù nguyên nhân nào thì phải thống nhất rằng hiện tượng này là vi phạm, sai phạm quy định của Đảng và Nhà nước, là biểu hiện suy thoái về chính trị cần nghiêm khắc phê phán, triệt tiêu” – bà Phạm Thị Thanh Trà khẳng định. Bà cũng nhấn mạnh, cùng một cơ chế nhưng nhiều nơi quyết tâm và làm tốt, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm chứ không phải đổ hết cho cơ chế, thể chế là khó khăn, là rào cản, là không làm được.
Quyết liệt công phá tâm lý sợ trách nhiệm
Về giải pháp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh, hơn lúc nào hết phải thay đổi để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức. Trong từng cơ quan đơn vị chú trọng giáo dục tư tưởng chính trị và đạo đức công vụ; chấn chỉnh ngay một cách quyết liệt để thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với trách nhiệm đảng viên, cán bộ công chức; thực hiện nghiêm chỉ thị, công điện về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính Nhà nước.
“Phải thay đổi, xoá bỏ nhận thức của một số cán bộ công chức có tư tưởng không làm thì không sao. Đây chính là dấu hiệu của một loại tự diễn biến, cản trở nghiêm trọng sự phát triển; đồng thời khơi dậy lòng tự trọng, bản lĩnh chính trị, tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức” – bà nói.
Giải pháp tiếp theo, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, là thực hiện nghiêm chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ về đẩy mạnh rà soát bổ sung hoàn thiện thể chế, chính sách, nhất là lĩnh vực KTXH còn vấn đề còn phát sinh khó khăn vướng mắc; liên quan quyền hạn, thẩm quyền cơ quan, tổ chức; đẩy mạnh phân cấp phân quyền, uỷ quyền.
Cạnh đó, tham mưu thể chế hoá chủ trương của Đảng về bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Bộ Nôi vụ hoàn thành dự thảo nghị định lấy ý kiến 63 tỉnh thành, bộ ngành, chuyên gia, Bộ Tư pháp thẩm định nhưng còn có vấn đề vướng về pháp lý, thẩm quyền nên tiếp tục báo cáo Ban cán sự Đảng Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền, và cần thiết sẽ báo cáo Quốc hội có nghị quyết thí điểm thì mới khuyến khích, bảo vệ được cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và đổi mới công cụ công chức. Kịp thời biểu dương nơi àm tốt, xử lý nghiêm cán bộ không làm tròn trách nhiệm, sợ sai; kịp thời thay thế, điều chuyển cán bộ năng lực hạn chế, nhất là cán bộ lãnh đạo không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Bà Phạm Thị Thanh Trà cũng nhấn mạnh việc xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong thực thi công vụ. Nơi nào người đứng đầu quyết tâm, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, thể hiện rõ vai trò lãnh đạo, dẫn dắt thì nơi đó thành công, kỷ cương, kỷ luật công vụ tốt.
“Hơn lúc nào hết cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc đồng bộ, thực hiện các giải pháp với ý thức và trách nhiệm cao nhất, quyết tâm công phá tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm và không dám làm trong thực thi công vụ. Đề nghị cơ quan kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử tiếp tục nghiên cứu, phân loại vụ việc vi phạm, sai phạm nếu không vụ lợi cá nhân, không tham ô, tham nhũng thì thì khoan dung, khoan hồng hơn nữa để khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung” – Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu ý kiến.
P.V - tổng hợp (VOV.VN)