Sáng nay (2/6), Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng cho lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí năm 2023.
Tham dự Hội nghị có hơn 1.800 đại biểu là lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí của cả nước.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết: Hội nghị nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền về xây dựng Đảng trên các phương tiện thông tin đại chúng và mở rộng phạm vi, tầm ảnh hưởng sâu rộng của Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng.
Qua đó, bổ sung kiến thức, nâng cao nhận thức, cập nhật những quan điểm mới, những vấn đề cần quan tâm trong công tác xây dựng Đảng về các mặt: Chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, góp phần tuyên truyền thật tốt việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng cùng Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, từ ngày 1/11/2022 đến 1/6/2023, các báo và tạp chí điện tử đã có 26.623 tác phẩm viết về xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, 6 tháng đầu năm 2023 đã tăng gấp đôi số tác phẩm năm 2022 (năm 2022: khoảng 20.000 bài về xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị). Chương trình phát thanh, truyền hình về chủ đề này cũng được phát sóng trên hệ thống phát thanh, truyền hình toàn quốc và hệ thống thông tin cơ sở. Điều này chứng tỏ, giải Búa liềm vàng có sức lan tỏa, sức hấp dẫn rất lớn đối với những người làm báo.
Ông Nguyễn Thanh Lâm kỳ vọng, sau Hội nghị tập huấn, các phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí trên cả nước sẽ có các tác phẩm hay, chất lượng, sinh động, hấp dẫn viết về đề tài xây dựng Đảng cũng như hưởng ứng Giải báo chí toàn quốc về xây dựng đảng, giải Búa liềm vàng lần thứ VIII - năm 2023, góp phần thiết thực trong xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị.
Tại hội nghị, các đại biểu sẽ được nghe các báo cáo viên truyền đạt 5 chuyên đề với nội dung: Kinh nghiệm sáng tạo tác phẩm báo chí thể loại chính luận; Những nội dung mới về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong các nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, 5, 6 khóa XIII của Đảng; Giới thiệu chủ đề, đề tài, cách xử lý thông tin trong sáng tạo tác phẩm về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị và giới thiệu mô hình mới, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong công tác xây dựng Đảng; Kỹ năng sáng tạo tác phẩm ảnh báo chí về xây dựng Đảng; Chia sẻ kinh nghiệm sáng tạo tác phẩm báo chí về xây dựng Đảng của các tác giả đoạt giải cao Giải Búa liềm vàng.
Chia sẻ về kinh nghiệm sáng tạo tác phẩm báo chí thể loại chính luận, PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, thể chính luận áp dụng cho cả báo chí và văn học, nên một số bài tùy bút của các nhà văn, nhà thơ lớn đều sử dụng, ví dụ như thơ của Chế Lan Viên có một số bài thuộc dạng thơ chính luận: Người đi tìm hình của nước, Tiếng hát con tàu; nhà thơ Xuân Diệu trong bài Đôi mắt xanh non viết: “Hãy nhìn đời bằng đôi mắt xanh non Hãy để trẻ con nói cái ngon của kẹo/Hãy để cho bà nói má thơm của cháu/Hãy nghe tuổi già ca ngợi tình yêu”...
Chính luận, trong đó có xã luận, là thể loại được coi là “đại bác” của báo chí nên nhiều nhà báo ngại viết, hoặc khi viết không đạt yêu cầu. Là “đại bác” vì nó phải nêu rõ đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thái độ của các cơ quan chức năng cũng như người viết phải tỏ rõ chính kiến về những việc phải làm để ổn định dư luận xã hôi, củng cố niềm tin, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Các thể tài khác, người viết về những sự kiện cụ thể, có thể nêu chính kiến cá nhân, còn ở bài chính luận, người viết phải bám chắc chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước để toát lên tính tư tưởng các vấn đề được đề cập theo định hướng của Đảng.
Chính luận là thể loại khó viết vì: Đòi hỏi sự nhạy bén chính trị dựa trên lợi ích quốc gia, dân tộc. Ví dụ: Quan hệ Nga – Ucraina, quan hệ Đài Loan – Mỹ…
Sự kết hợp hài hòa giữa lý sự với các số liệu, chi tiết sự kiện để thể hiện quan điểm của tờ báo (là đồng tình, ủng hộ hay phản bác?).
Dự kiến xu hướng phát triển sự kiện; qua đó định hướng công tác tư tưởng (củng cố và tăng cường niềm tin về cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực trong khi viết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng).
Thường bị động, do yêu cầu gấp gáp về thời gian.
Do đó, người viết phải có quá trình theo dõi, nắm chắc diễn biến và bản chất của các vấn đề ấy; những mặt thuận và không thuận, chỉ ra triển vọng phát triển của sự kiện trong tương lai.
PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh nhấn mạnh: “Hơn lúc nào hết, việc sử dụng thể loại chính luận là vũ khí vô cùng cần thiết và sắc bén, nhất là trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay”.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.