Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 27 tháng 4 năm 2023 | 9:21

Cà Mau tổ chức nhiều sự kiện du lịch nhân dịp 30/4 – 1/5

UBND huyện U Minh kết hợp với Sở VHTTDL tỉnh Cà Mau vừa khai mạc sự kiện “Hương rừng U Minh”. Đây là một trong những hoạt động của chuỗi sự kiện “Cà Mau - Điểm đến năm 2023", chào mừng 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và Ngày Quốc tế lao động 1/5.

Ông Nguyễn Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh tuyên bố khai mạc “Hương rừng U Minh lần thứ 3”

Tuyến du lịch đậm nét “Đất rừng phương Nam”

Hòa cùng không khí vui tươi, phấn khởi của cả nước chào mừng 48 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2023), Ngày Quốc tế Lao động 01/5, nằm trong chuỗi sự kiện Cà Mau - Điểm đến năm 2023, UBND huyện U Minh phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, Vườn Quốc gia U Minh hạ tưng bừng tổ chức sự kiện “Hương rừng U Minh” lần thứ 3 năm 2023. 

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND huyện U Minh, nhấn mạnh: “Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng thế mạnh của huyện thông qua các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, thương mại tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gặp gỡ, kết nối, mở rộng liên kết, hợp tác phát triển thu hút đầu tư thương hiệu sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh với các địa phương trong tỉnh”.

Theo ông Liêm, U Minh là căn cứ cách mạng kiên cường trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, là nơi dung trú của những con người kiên trung bất khuất. Với vùng rừng tràm rộng lớn, U Minh đã trở thành nơi che chở, đùm bọc an toàn cho nhiều cơ quan của Trung ương cục miền Nam, của Khu ủy Tây Nam Bộ và một số đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước bám trụ, lãnh đạo phong trào cách mạng Miền Nam trong những giai đoạn ác liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước như cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Một số hoạt động tại Hương rừng U Minh

U Minh là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi có nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng. Nhắc đến U Minh, người ta nghĩ ngay đến cây tràm và “cây tràm là biểu trưng của vùng đất U Minh". Ngày nay, với lợi thế đất và người qua bao năm tháng, đã tạo dựng cho đất U Minh một thế mạnh khác biệt để phát triển kinh tế. Trong công cuộc đổi mới hiện nay, huyện U Minh có nhiều phát triển, diện mạo quê hương không ngừng thay đổi, đời sống của người dân từng bước được nâng lên, quốc phòng - an ninh được đảm bảo, công tác xây dựng Đảng có nhiều điểm sáng. Đến nay, huyện U Minh có 04 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và phấn đấu đến năm 2025 huyện U Minh đạt chuẩn nông thôn mới. Qua 40 năm thành lập và phát triển, huyện U Minh vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2019).

Ngoài các sản phẩm thế mạnh của huyện thì rừng U Minh còn có nhiều loài động vật quý hiếm với nhiều loại cây, dây rừng có giá trị đặc biệt riêng,  tràm là loài cây sinh sống lâu đời trên vùng đất U Minh, gắn bó với thiên nhiên, con người nơi đây.

Sự kiện “Hương rừng U Minh” lần thứ 3 năm 2023 là dịp để khơi dậy và phát triển những nét văn hóa, du lịch đặc trưng về con người và vùng đất U Minh, tạo điều kiện để các đơn vị có dịp giao lưu trải nghiệm và khám phá những sản vật của rừng U Minh hạ.

Nằm trong sự kiện du lịch này, các hoạt động vui chơi, giải trí với chủ đề “Trò chơi dân gian” như: Hội thi bánh dân gian; đi bộ xuyên rừng Vườn Quốc gia U Minh hạ; Hội chợ thương mại, kết hợp giới thiệu sản phẩm đặc trưng của U Minh; Hội thao cơ sở; tham quan vườn cây ăn trái; … cũng sẽ được tổ chức.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, cho biết: “Đây là dịp để xây dựng hình ảnh quê hương U Minh phong phú, đa dạng về tiềm năng, giúp huyện khai thác tốt cơ hội, lợi thế của huyện trong phát triển kinh tế - xã hội những năm tiếp theo; đặc biệt chú trọng phát triển dịch vụ, thương mại, thu hút đầu tư du lịch”.

Theo ông Hùng, tiềm năng phát triển Du lịch của U Minh còn rất lớn, đặc biệt ở nơi đây còn có nghề truyền thống “gác kèo ong” đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Từ xa xưa, mật ong rừng U Minh với chất lượng tốt, đã nổi tiếng cả trong và ngoài nước. Ngoài ra, làng nghề đan đát truyền thống nằm ẩn mình trong những vườn dâu xanh tạo nên bức tranh yên bình, thơ mộng của một miền quê.

“Tuyến du lịch kết hợp rừng - biển với hàng chục héc-ta rừng tràm thuộc Tuyến 29-89 và rừng ngập mặn ven cửa biển Khánh Hội đã được quy hoạch xây dựng. Tương lai không xa huyện U Minh sẽ có tuyến du lịch hoàn chỉnh để phục vụ nhu cầu du lịch” – ông Hùng nói thêm.

Được biết, “Mật ong rừng U Minh” và “Lẩu mắm U Minh” đã được “xác lập 100 đặc sản quà tặng Việt Nam” và được tổ chức Hội Kỷ lục gia Việt Nam công nhận tổ ong và lẩu mắm lớn nhất Việt Nam. 

Ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau thay mặt quân và dân Cà Mau khai trống Lễ tri ân Quốc Tổ

Tri ân Quốc Tổ

Ông Nguyễn Tiến Hải,  Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau cùng nhiều cán bộ lãnh đạo và nhân dân tỉnh Cà Mau vừa tổ chức viếng, dâng hương, dâng hoa tri ân Quốc Tổ Lạc Long Quân trong Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau ở xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển. Đây là lần thứ 3 lễ viếng Đức Quốc Tổ được diễn ra nơi cực Nam Tổ quốc.

Từ năm 2021, lễ viếng đã được tổ chức thường niên, là dịp để người dân Cà Mau tưởng niệm công đức Quốc Tổ, phát huy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của truyền thống dân tộc Việt. Tại lễ viếng, chính quyền các địa phương trong tỉnh Cà Mau đã dâng lên Đức Quốc Tổ những sản vật đặc trưng của địa phương, với cầu mong quốc thái dân an, muôn nhà được ấm no, thịnh vượng.

 Một số hoạt động tại buổi lễ tri ân Quốc Tổ 

Ngay sau phần lễ, đã diễn ra phần hội với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thu hút đông đảo khách thập phương, như: Trải nghiệm các trò chơi dân gian; hội thi làm bánh dân gian; tham quan, mua sắm tại các gian hàng trưng bày sản phẩm đặc sản của Cà Mau..

Trước đó, Lễ Tri ân Quốc Tổ Hùng Vương cũng đã được tổ chức trọng thể tại Mũi Cà Mau. Đây là một trong những hoạt động của chuỗi sự kiện “Cà Mau” điểm đến 2023, chào mừng 48 năm Ngày Giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước và Quốc tế lao động 1/5.

Ông Trần Hiếu Hùng cho rằng: “Trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam, Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân là Tổ tiên của dân tộc. Mỗi người dân Việt Nam đều tự hào mang trong mình dòng máu con Lạc cháu Hồng. Công đức ấy lưu truyền đến tận ngày nay, là biểu tượng khởi dựng cơ đồ, đặt nền móng cho dân tộc Việt Nam trường tồn cùng non sông gấm vóc”. Cũng theo ông Hùng, người dân Cà Mau luôn hướng về nguồn cội, nhớ ơn tổ tiên và các bậc tiền hiền đã có công “lên rừng, xuống biển” mở mang bờ cõi, dựng nước, giữ nước.

Lễ tri ân Quốc Tổ Lạc Long Quân là một trong 7 hoạt động chính nằm trong chương trình sự kiện “Cà Mau - Điểm đến 2023.” Qua đó, du khách hiểu thêm về vùng đất và con người ở vùng đất cực nam của Tổ quốc; được trải nghiệm, khám phá cuộc sống thiên nhiên hoang dã vùng bãi bồi Đất Mũi; thăm cột mốc tọa độ quốc gia, ngắm rừng, ngắm biển....

Ông Hùng còn cho biết thêm: “Tiếp nối chuỗi chương trình từ năm 2020, “Cà Mau - Điểm đến 2023” có nhiều sự kiện hấp dẫn, như: Lễ tri ân Quốc Tổ gắn với Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương; ngày hội khinh khí cầu; ngày hội bánh dân gian Nam Bộ lần thứ 3; sự kiện hương rừng U Minh; Festival tôm Cà Mau 2023; giải Đất Mũi Marathon - Cà Mau 2023…”

Thông qua sự kiện “Cà Mau - Điểm đến 2023” tỉnh Cà Mau kỳ vọng xây dựng hình ảnh địa phương có tiềm năng phong phú, đa dạng để quảng bá, giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước. Qua đó, khai thác tốt cơ hội, lợi thế để phát triển kinh tế xã hội, gắn phát triển du lịch với thương mại dịch vụ, kích cầu tiêu dùng hàng hóa nội địa”, ông Hùng nhấn mạnh.

 

Biêu Quân
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top