Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học nhấn mạnh như vậy tại hội nghị đối thoại và tôn vinh doanh nhân, doanh nghiệp nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.
Tại hội nghị đối thoại, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học đặt câu hỏi: Vì sao trong 9 tháng qua, chỉ có 3 doanh nghiệp với tổng vốn 95 tỷ đồng đầu tư vào tỉnh Lâm Đồng? Làm sao để thu hút nguồn vốn nhiều hơn vào tỉnh?
Ông Nguyễn Thái Học cũng thẳng thắn nhận định vấn đề của tỉnh Lâm Đồng hiện nay là cán bộ lãnh đạo đều rất mới nên cần có thời gian để hiểu nhau và tạo sự tin cậy, đồng thuận trong công tác quản lý, điều hành.
Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học phát biểu
Quyền Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương trả lời những kiến nghị của doanh nghiệp phải cụ thể, thật sự hiệu quả, khải thi, đảm bảo đúng theo các quy định của pháp luật, đi thẳng vào vấn đề, không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.
Từ sự e ngại ban đầu, được sự gợi mở của Quyền Bí thư Tỉnh uỷ các doanh nhân đã mạnh dạn, thẳng thắn đề cập đến các vướng mắc mà doanh nghiệp, cộng đồng doanh nhân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đang gặp phải.
Vướng mắc nhiều nhất vẫn là các nội dung liên quan đến Luật Đất đai 2024 và các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, bộ, ngành và tỉnh ban hành chưa kịp thời, dẫn đến nhiều lĩnh vực bị ảnh hưởng, như: Hoạt động du lịch nông nghiệp, xây dựng các công trình đầu tư công, kinh doanh nông sản…
Nhiều doanh nhân cho rằng lý do thu hút đầu tư hạn chế là do sự thiếu đồng bộ về quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất.
Nhiều doanh nhân trả lời thẳng câu hỏi của Quyền Bí thư Tỉnh ủy về lý do thu hút đầu tư hạn chế. Đó là sự thiếu đồng bộ về quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất; quy trình đấu giá tài nguyên khoáng sản cần xem xét lại; thời gian làm thủ tục quá lâu, tính tiền thuê đất theo giá thị trường, khiến doanh nghiệp không đủ năng lực trang trải chi phí, nên không còn khả năng đầu tư; cơ chế chính sách thiếu tính ổn định…
Những vướng mắc mà các doanh nhân, doanh nghiệp đang gặp phải đã được Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái khẳng định: Tồn tại tới đâu sẽ tháo gỡ tới đó. Trước mắt, đến cuối tháng 10, tỉnh sẽ công bố bảng giá đất, cố gắng không có biến động, đúng luật; đồng thời, trong tháng 10 cũng sẽ thông qua bảng giá đền bù đất…
Ông Trần Hồng Thái mong muốn, quan hệ giữa cộng đồng doanh nghiệp với các cơ quan quản lý được xây dựng trên cơ sở nền tảng chính là mối quan hệ cộng sinh để giải quyết vấn đề một cách thấu đáo.
Ở một diễn biến liên quan, sắp tới, lãnh đạo tỉnh sẽ làm việc với các hiệp hội để nắm bắt tình hình cụ thể hơn. Tỉnh cũng sẽ xây dựng diễn đàn doanh nhân để tìm cách tháo gỡ trên các lĩnh vực mà doanh nghiệp đang gặp khó, chồng chéo, không đồng bộ; cũng như khuyến khích đổi mới, sáng tạo.
Cũng tại hội nghị này, lãnh đạo các sở, ngành cũng đã trả lời, giải đáp những ý kiến kiến nghị và thắc mắc của các doanh nghiệp theo từng lĩnh vực phụ trách.
Phát biểu kết luận hội nghị, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học nhận định: Doanh nghiệp phát triển thì tỉnh mới phát triển, tỉnh phát triển sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Mặc dù trên thực tế, suy nghĩ và mong muốn này chưa đạt được, nhưng hiện tượng doanh nghiệp gặp thủ tục nhiêu khê, rườm rà là không thể chấp nhận và phải chấm dứt. Nếu lãnh đạo nào, sở, ngành nào, địa phương nào để xảy ra hiện tượng sách nhiễu sẽ phải rời vị trí, với phương châm là “đúng, tốt, nên phải quyết làm; sai, xấu, hư phải quyết tránh”.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.