Hiện, tỉnh Cà Mau đang xảy ra tình trạng hàng nghìn hộ dân đang thiếu nước ngọt sinh hoạt. Trước thực trạng trên các cơ quan chức năng tỉnh này đang triển khai nhiều giải pháp để có đủ nguồn nước phục vụ nhân dân. Trong đó, có việc đầu tư trên 70 tỷ đồng cấp nước sạch cho vùng nông thôn.
Hàng nghìn hộ dân thiếu nước sinh hoạt
Tình trạng thiếu nước đã xuất hiện tại tỉnh Cà Mau vào khoảng 3 tháng. Theo người dân, sau 23 giờ, họ mới có thể hứng được nước, tuy nhiên đêm có đêm không. Khu vực đang thiếu nước ngọt sinh hoạt nghiêm trọng nhất là xã Biển Bạch của huyện Thới Bình.
Từ đầu tháng tư tới nay, để có nước sinh hoạt gia đình bà Nguyễn Thị Nga, xã Biển Bạch, huyện Thới Bình phải chèo xuồng đi gần 2 km đổi nước về. Theo bà Nga, do mình ở xa khu dân cư, nước máy chưa tới được, trong khi đó giếng nước không còn nước.
Hiện, hàng nghìn hộ dân vùng nông thôn ở Cà Mau đang thiếu nước sinh hoạt.
Được biết, tình trạng thiếu nước sinh hoạt diễn ra hầu hết ở các ấp trên địa bàn xã Biển Bạch. Qua rà soát, tổng số hộ thiếu nước sinh hoạt là 482 hộ (chủ yếu ở những nơi chưa có đường ống dẫn nước đi qua, đê Tây Sông Trẹm).
Trong đó, ấp Thanh Tùng và một phần của ấp 18, 11, Hà Phúc Ứng thuộc đê Tây Sông Trẹm là trầm trọng nhất, do điều kiện đất đai, thổ nhưỡng của ấp là phèn mặn, không có mạch nước ngầm hoặc có mạch nước nhưng không có nước ngọt.
Theo bà Ðoàn Xuân Nguyện, Phó chủ tịch UBND xã Biển Bạch, vấn đề cấp thiết là cần xây dựng thêm điểm cấp nước tập trung, một điểm cho xã Biển Bạch và một điểm cho xã Tân Bằng, vì hiện nay điểm cấp nước tại xã Tân Bằng đã quá tải không thể cung cấp đủ nhu cầu sinh hoạt cho bà con, nhất là thời điểm nắng nóng kéo dài như hiện nay.
Trước đó, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường đã đầu tư xây dựng Trạm cấp nước sinh hoạt Biển Bạch - Tân Bằng (huyện Thới Bình) kiên cố tại xã Tân Bằng, công suất 1.200 m3/ngày đêm, có đường ống dài 80 km, hiện có 2.600 hộ dân trên khu vực xã Biển Bạch và Tân Bằng.
Nhưng thời gian gần đây, do nắng nóng kéo dài, nhu cầu sử dụng nước của người dân tăng cao nên áp suất nước yếu, một số hộ dân ở cuối đường ống thường bị thiếu hụt nước cục bộ vào ban ngày. Hiện trạm bơm này đã và đang hoạt động hết công suất trong mùa khô năm 2022 - 2023.
Hiện, có khoảng 2.000 hộ dân nơi đây thiếu nước sinh hoạt. Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Cà Mau, khu vực xã Biển Bạch, Tân Bằng chỉ có duy nhất một trạm cấp nước. Nhiều năm qua, cứ vào mùa khô, người dân khu vực này thiếu nước ngọt nghiêm trọng. Đó cũng là tình trạng chung tại nhiều vùng nông thôn khác của tỉnh Cà Mau.
Tại huyện Trần Văn Thời, Trạm cấp nước sinh hoạt xã Khánh Bình Đông có công suất 960 m3/ngày đêm. Từ khi đưa vào hoạt động đến nay đã 2 tháng, nhưng chỉ mới cấp nước sinh hoạt cho khoảng 500 hộ dân. Trong khi công suất thiết kế của trạm này sẽ cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 2.500 hộ dân. Một số ấp của xã Khánh Bình Đông hiện chưa có đường ống kéo tới, nên vẫn chưa có nước sạch để sử dụng.
Sau khi kiểm tra thực tế, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Cà Mau đề nghị, Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh cần quan tâm bảo dưỡng các trang thiết bị tại các trạm cấp nước để sử dụng được lâu dài; thường xuyên kiểm tra, bảo quản đường ống để tránh rò rỉ nước ra bên ngoài. Nước sinh hoạt cung cấp cho người dân sử dụng phải đảm bảo sạch và đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật đã kiểm định. Vào mùa khô hạn, các trạm bơm phải hoạt động hết công suất để đảm bảo cung cấp nước, hạn chế đến mức thấp nhất việc cắt nước sinh hoạt.
Nước sạch tại vùng U Minh hạ, tỉnh Cà Mau vào mùa khô khan hiếm, (Ảnh: Trúc Đào).
Về lâu dài, Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường tỉnh cần quy hoạch lại hệ thống cung cấp nước sạch ở địa bàn nông thôn, tiến tới 100% hộ dân nông thôn có nước sạch để sinh hoạt.
Đầu tư trên 70 tỷ đồng cấp nước sạch cho vùng nông thôn
UBND tỉnh Cà Mau vừa phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cấp nước sạch nông thôn nhằm mục tiêu cung cấp nguồn nước sạch bền vững cho khoảng 13.864 hộ gia đình, tương đương khoảng 63.000 người trong vùng dự án, hình thành công trình hạ tầng thiết yếu, góp phần phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Bên cạnh đó, dự án còn hướng đến mục tiêu nâng cao sức khỏe của người dân, cải thiện môi trường, nhằm giảm tỷ lệ các bệnh tật do nguồn nước gây ra. Ngoài ra, còn nâng cao hiệu quả trong quản lý, vận hành hệ thống cấp nước đảm bảo bền vững, hiệu quả trong dịch vụ cung cấp nước sạch. Sử dụng công nghệ xử lý nước phù hợp, không có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, dự án sẽ do Sở Nông nghiệp và PTNT làm chủ đầu tư. Thời gian thực hiện từ năm 2023-2025. Trong thời gian này, dự án sẽ tiến hành xây dựng tuyến ống phân phối (tuyến ống nhánh) khoảng 190 km và lắp đặt đồng hồ nước khoảng 13.860 bộ, tổng mức đầu tư dự án trên 74 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh.
Địa điểm thực hiện dự án tại các huyện gồm: Trần Văn Thời, Cái Nước, Đầm Dơi, Phú Tân, Thới Bình, Năm Căn, Ngọc Hiển và thành phố Cà Mau. Với điều kiện đặc thù, Cà Mau là địa phương chưa có nguồn nước cấp bù nên toàn bộ nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của người dân đều phụ thuộc vào nước mưa, nước giếng khoan. Thực trạng này cùng với điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt là nguyên nhân dẫn đến tình trạng vào mùa nắng thì khô hạn, thiếu nước ngọt sản xuất, mùa mưa thì xảy ra tình trạng ngập úng gây ra thiệt hại lớn.
Các công trình cấp cấp nước tập trung được đầu tư, nâng cấp đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho người dân vùng nông thôn.
Nghiêm trọng hơn cả là tình trạng người dân tại nhiều vùng nông thôn rất chật vật vì nước ngọt phục vụ sinh hoạt do không khoan được giếng. Theo thống kê, hiện có khoảng 94% người dân nông thôn, tương đương khoảng 218.000 hộ tại Cà Mau được sử dụng nước hợp vệ sinh. Tuy nhiên, có đến 75% trong số này hiện đang sử dụng nước giếng khoan riêng lẻ; số hộ được sử dụng nước từ công trình cấp nước tập trung còn rất hạn chế, chỉ khoảng 41.000 hộ.
Theo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Cà Mau, để giải quyết nhu cầu nước sạch cho người dân khu vực nông thôn, thời gian qua đã đầu tư xây dựng được 244 công trình cấp nước tập trung. Tuy nhiên, một thực tế phải nhìn nhận là đa số các công trình được đầu tư có quy mô nhỏ, manh mún, không đồng bộ..., chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, khiến nguy cơ cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước.
Để giải quyết bài toán này, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau đã ban hành Kế hoạch số 46/KH-UBND ngày 1/3/2022 về thực hiện Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Cà Mau đặt mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu 65% số hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày, phấn đấu nâng tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung lên 50%. 100% hộ gia đình nông thôn, trường học, trạm y tế có nhà tiêu họp vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuấn. Phấn đấu 25% điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, 15% nước thải sinh hoạt được xử lý; 75% hộ chăn nuôi, trang trại được xử lý chất thải chăn nuôi.
Đến năm 2045, phấn đấu 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch và vệ sinh an toàn, bền vững; có trên 75% người dân nông thôn sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung; 50% điếm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, 30% nước thải sinh hoạt được xử lý; 100% hộ chăn nuôi, trang trại được xử lý chất thải chăn nuôi.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.