Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024 | 16:6

Cả hệ thống chính trị vào cuộc để kịp bàn giao mặt bằng cho cao tốc Hoà Liên – Tuý Loan

Với khối lượng hồ sơ, công việc lớn, tiến độ thời gian gấp, Chính phủ yêu cầu phải hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Hoà Liên – Tuý Loan trước ngày 30/5, TP.Đà Nẵng đã yêu cầu huyện Hòa Vang huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Gỡ vướng ở tất cả nút thắt

Dự án cao tốc Hòa Liên - Túy Loan được triển khai từ tháng 8/2023. Đường cao tốc đoạn Hòa Liên-Túy Loan, thuộc tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông TP Đà Nẵng, có chiều dài 11,5 km đi qua địa bàn 3 xã Hòa Nhơn, Hòa Liên, Hòa Sơn thuộc huyện Hòa Vang. Theo kế hoạch ban đầu dự kiến đến ngày 30/12/2024 địa phương sẽ bàn giao mặt bằng toàn tuyến. Tuy nhiên,  Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu đến 30/5/2024, Đà Nẵng phải hoàn thành việc giải phóng mặt bằng (GPMB) toàn tuyến để phục vụ dự án.

Để công tác GPMB kịp phục vụ dự án cao tốc Hòa Liên - Túy Loan theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ,  ông Nguyễn Văn Quảng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cùng các sở ban ngành vừa đến “điểm nóng” Hòa Liên, Hòa Vang đôn đốc chỉ đạo trực tiếp.

Một đoạn thuộc dự án cao tốc Hòa Liên-Túy Loan đã bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, đang được thi công.

Một đoạn thuộc dự án cao tốc Hòa Liên-Túy Loan đã bàn giao mặt bằng, đang được thi công.

Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, hiện còn rất nhiều vướng mắc trong tiến trình triển khai dự án như công tác GPMB đất nông nghiệp, các điều kiện về an sinh xã hội của người dân nông thôn Hoà Vang, việc xử lý những phát sinh trong thi công. Đặc biệt là vấn đề chạy đua với thời gian, bảo đảm có mặt bằng để thi công trước mùa mưa. Đây cũng là yêu cầu của Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải đề ra.

Chính phủ yêu cầu phải hoàn thành giải phóng mặt bằng dự án trước ngày 30/5 nên từ nay đến ngày 31/5, UBND huyện Hòa Vang phải tăng cường các tổ công tác và nhân lực tập trung hoàn thiện pháp lý hồ sơ và tiếp dân vận động GPMB.

Đồng thời, chính quyền huyện Hoà Vang cũng thực hiện thủ tục cưỡng chế thu hồi đất đối với các trường hợp đã được bồi thường thỏa đáng nhưng không chịu bàn giao mặt bằng.

Theo lãnh đạo UBND huyện Hòa Vang, khó khăn hiện nay là chưa có đất tái định cư cho người dân nông thôn sau khi đã bàn giao đất, nhất là những diện tích đất đang có hoạt động sản xuất nông nghiệp. Thành phố có chủ trương cho bố trí tái định cư tại các khu vực lân cận nhưng các hộ dân ở xã Hòa Sơn đa phần là người công giáo, có nguyện vọng bố trí tái định cư tại khu vực Hòa Sơn để thuận lợi trong việc sinh hoạt và tín ngưỡng tôn giáo, sản xuất nông nghiệp.

Trước những phản ánh của Hòa Vang, Bí thư thành ủy Đà Nẵng đã chỉ đạo phải tháo gỡ các khó khăn vướng mắc mà UBND huyện Hòa Vang đã đề xuất. Trong đó, cần tập trung ngay việc xây dựng 2 khu tái định cư để phục vụ công tác di dời dân; đồng thời các bên liên quan phối hợp tháo gỡ từng vướng mắc, linh hoạt giải quyết những vấn đề cụ thể, không cứng nhắc.

Các đơn vị, địa phương xử lý có trọng tâm, trọng điểm;  chỗ nào thuận lợi thì phải triển khai làm trước và tập trung dứt điểm việc giải phóng mặt bằng, thông tuyến, bàn giao cho đơn vị thi công làm cơ sở cho việc triển khai giai đoạn tiếp theo.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo UBND thành phố, các sở, ngành đẩy nhanh công tác thẩm định, báo cáo đánh giá tác động môi trường, hoàn thiện hồ sơ xây dựng 2 khu tái định cư phục vụ công tác di dời dân.

Ban Quản lý các dự án phát triển hạ tầng khu công nghiệp và công nghệ cao Đà Nẵng khẩn trương thi công 2 khu tái định cư để đảm bảo có đất thực tế bàn giao cho người dân khi bị thu hồi đất.

Hòa Vang huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc GPMB

Không chỉ các nhà thầu huy động nhân lực, máy móc tập trung thực hiện theo phương châm GPMB đến đâu thì thi công đến đó, mà với khối lượng hồ sơ, công việc lớn, tiến độ thời gian gấp, Chính phủ yêu cầu phải hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng dự án trước ngày 31/5 nên huyện Hòa Vang đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã, thôn.

Hòa Vang phân kỳ thành 2 giai đoạn: giai đoạn từ nay đến ngày 30/4 và giai đoạn tiếp theo. Trong đó tính toán nguồn lực con người phù hợp, không để dàn trải, hiệu quả thấp. Ban Quản lý các dự án phát triển hạ tầng khu công nghiệp và công nghệ cao Đà Nẵng tổ chức triển khai khẩn trương 2 khu tái định cư để bảo đảm có đất thực tế bàn giao cho người dân khi bị thu hồi đất. Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cùng nhà thầu phối hợp chặt chẽ UBND huyện Hòa Vang tháo gỡ từng nội dung.

Theo báo cáo của Ban Quản lý đường Hồ Chí Minh và huyện Hòa Vang, việc triển khai thực hiện dự án Xây dựng đường cao tốc đoạn Hòa Liên - Túy Loan, Hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư dự án phải giải phóng mặt bằng 11,5km qua địa bàn 3 xã Hòa Liên, Hòa Sơn, Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang). Các đơn vị chức năng phải xử lý 1.166 hồ sơ, giải phóng 20km đường gom 2 bên tuyến với 710 hồ sơ, hơn 2.900 ngôi mộ.

Từ nay đến ngày 31/5, huyện Hòa Vang tăng cường các tổ công tác và nhân lực tập trung hoàn thiện pháp lý hồ sơ và tiếp dân vận động giải phóng mặt bằng; tiến hành thủ tục cưỡng chế thu hồi đất đối với các trường hợp đã được bồi thường thỏa đáng nhưng không chịu bàn giao mặt bằng. Để thực hiện kế hoạch này, UBND huyện Hòa Vang đã thành lập 3 tổ công tác giải phóng mặt bằng. Đối với 3 xã: Hòa Sơn, Hòa Liên, Hòa Nhơn, mỗi xã thành lập  tổ công tác do Chủ tịch UBND xã làm tổ trưởng và Thường trực Đảng ủy xã cùng đại diện các ban, ngành, đoàn thể vào cuộc tuyên truyền, vận động người dân bàn giao mặt bằng, trọng tâm là vận động, giải quyết đối với các trường hợp di dời mồ mả.

Sở Tài nguyên và Môi trường thành lập tổ công tác, phân công cán bộ của sở xuống cơ sở tham gia tiếp dân với huyện Hòa Vang để hỗ trợ pháp lý, tháo gỡ những khó khăn thuộc thẩm quyền của thành phố; tập trung tháo gỡ, xử lý những vướng mắc, hoàn thành hồ sơ pháp lý trước ngày 30/4/2024.

 

Anh Vũ
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top