Các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác phối hợp, tích cực thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao, chủ động giải quyết những vấn đề phát sinh thuộc thẩm quyền, nhất là những khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp trên tinh thần “Đã nói là làm, đã làm là phải có hiệu quả”.
Mở đầu phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh năm 2023 là năm bản lề thực hiện kế hoạch 5 năm 2021-2025. Đến nay đã trải qua 2 tháng, tình hình khu vực và thế giới tiếp tục có những diễn biến, khó khăn phức tạp, khó lường, tác động nhiều mặt đến tình hình trong nước, nhất là trong lĩnh vực kinh tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Do đó, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ phân tích kỹ tình hình khu vực, thế giới và các tác động đến tình hình trong nước; dự báo tình hình tháng 3 và thời gian tới; chỉ ra những thuận lợi, thời cơ, nhất là khó khăn, thách thức để có giải pháp phù hợp; đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội 2 tháng, những tồn tại, vướng mắc, khó khăn, yếu kém; phân tích nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, các bài học kinh nghiệm để đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp, phát huy tối đa thời cơ thuận lợi, kinh nghiệm quý, kết quả tốt trong 2 tháng vừa qua, tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, người dân để thúc đẩy phát triển.
Đặc biệt về vấn đề giải pháp, Thủ tướng yêu cầu, cần phân tích kỹ, đánh giá kỹ, đặc biệt là tìm ra những giải pháp để khai thác tối đa, phát huy tối đa thời cơ thuận lợi, những kinh nghiệm quý rút ra được trong quá trình lãnh đạo, điều hành, trong 2 tháng vừa qua. Đặc biệt là tháo gỡ những khó khăn, doanh nghiệp gặp phải trong bối cảnh chung của tình hình thế giới hiện nay. Cụ thể, tiếp cận vốn rồi thị trường, tháo gỡ khó khăn về thị trường bất động sản như thế nào? vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp chúng ta xử lý ra sao để cho phù hợp với tình hình? Làm thế nào để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, tạo sinh kế cho người dân, đây là những vấn đề hết sức quan trọng trong thời điểm hiện nay. Cùng với đó, phải phân tích đánh giá, lựa chọn công việc làm sao cho trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt chuyện đấy và có tác động lan tỏa truyền cảm hứng cho những công việc khác."
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong tháng 2, Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KTXH theo các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, BCT, BBT, Quốc hội, Chính phủ.
Chính phủ cũng đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau nghỉ Tết; Thành lập, kiện toàn các cơ quan, hội đồng quốc gia; Phê duyệt, sửa đổi, bổ sung các chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án và các nhiệm vụ quan trọng. Tập trung thực hiện 03 đột phá chiến lược; Tổ chức nhiều Hội nghị giải quyết các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển KTXH trong đó đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, 03 CTMTQG; tháo gỡ khó khăn thị trường BĐS; thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu; đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia....
Về tình hình KTXH trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm tiếp tục duy trì ổn định, nhiều mặt phát triển với các điểm sáng. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm (thu NSNN 02 tháng đạt 22,4% dự toán, tăng 10,6% so với cùng kỳ; Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 2 tăng 6,1% so với tháng 01 và tăng 1,8% so với cùng kỳ; tiếp tục xuất siêu, 02 tháng đạt 2,82 tỷ USD; An ninh lương thực, năng lượng được bảo đảm; Cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu.
Lạm phát có dấu hiệu giảm; Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, lãi suất được điểu chỉnh giảm; điều hành tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường. Tình hình sản xuất, kinh doanh có nhiều tín hiệu tích cực. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đã vượt mốc 50 điểm, tăng từ 47,4 trong tháng 01 lên 51,2 điểm trong tháng 02 thể hiện sản xuất phục hồi và mở rộng, đơn đặt hàng mới tăng trở lại.
Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ổn định và có tăng trưởng. Bảo đảm tiến độ gieo trồng vụ đông xuân; số lượng gia súc, gia cầm chủ yếu tăng so với cùng kỳ. Thủy sản đạt gần 1.186 nghìn tấn, tăng 1,3% so cùng kỳ.
Sản xuất công nghiệp có dấu hiệu phục hồi. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 02 tăng 5,1% so với tháng 01 và tăng 3,6% so với cùng kỳ. Thương mại, dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 02 tháng tăng 13% so với cùng kỳ. Du lịch phục hồi nhanh, có trên 1,8 triệu lượt khách quốc tế, gấp 36,6 lần cùng kỳ.
Đầu tư được thúc đẩy, giải ngân vốn đầu tư công tăng 4,6 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ. Nhiều khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ, thúc đẩy tiến độ xây dựng các công trình, dự án trọng điểm.
Cải cách hành chính, chuyển đổi số được đẩy mạnh, nhất là các cơ sở dữ liệu quốc gia. Cấp 78 triệu thẻ căn cước có gắn chip cho công dân, tăng 2 triệu thẻ so với cuối năm 2022. Cổng dịch vụ công quốc gia có trên 177 triệu hồ sơ xử lý, tăng 23 triệu hồ sơ so với cuối năm 2022. Chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt triển khai ở 61/63 tỉnh, thành phố.
Phiên họp thường kỳ tháng 2 của Chính phủ
Công tác quy hoạch tiếp tục được đẩy mạnh, nhiều quy hoạch quốc gia, tỉnh, ngành được ban hành: Quy hoạch tổng thể quốc gia, tỉnh Quảng Ninh; TP Hải Phòng; mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình...
An sinh xã hội được bảo đảm. Trong 02 tháng đầu năm 2023, hỗ trợ cho 25 triệu đối tượng chính sách xã hội với kinh phí khoảng 9,5 nghìn tỷ đồng. Dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác được kiểm soát tốt.
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ rõ những kết quả đạt được và những tồn tại khó khăn thách thức, trong đó chỉ rõ, kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn tiềm ẩn rủi ro; tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với cùng kỳ; hoạt động SXKD của người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 02 đầu năm tăng 14,5%. Thị trường, doanh nghiệp bất động sản tiếp tục khó khăn về thanh khoản, dòng tiền. Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vẫn còn tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.
Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu, bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, sự lãnh đạo của Trung ương, Bộ Chính trị và lãnh đạo chủ chốt, Chiến lược phát triển KTXH 2021 - 2030, các Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, các Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nhưng cũng không hoang mang, mất bình tĩnh, dao động; phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, lấy khó khăn, thách thức là động lực phấn đấu vươn lên, bản lĩnh, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả.
Nắm chắc diễn biến tình hình trong nước, quốc tế; nâng cao năng lực phân tích, dự báo; huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; kết hợp hài hòa, chặt chẽ giữa nguồn lực bên trong và bên ngoài, giữa trung ương và địa phương, giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực, năng cao năng lực thực thi gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác phối hợp, tích cực thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao, chủ động giải quyết những vấn đề phát sinh thuộc thẩm quyền, nhất là những khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp trên tinh thần “Đã nói là làm, đã làm là phải có hiệu quả”.
Trong mọi trường hợp phải bảo đảm ổn định chính trị - xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh; tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế và đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận của xã hội.
Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu Thủ tướng yêu cầu, tổ chức thực hiện tốt, hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Lãnh đạo chủ chốt, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bảo đảm chất lượng, tiến độ các đề án, nội dung trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Hội nghị Trung ương 7 và Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV.
Tiếp tục ưu tiên giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác. Bảo đảm thanh khoản, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, an ninh tiền tệ. Tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay; tăng trưởng tín dụng phù hợp, hướng vào SXKD, lĩnh vực ưu tiên, động lực tăng trưởng. Chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm. Khẩn trương xây dựng, trình ban hành Nghị định về giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Tiếp tục tập trung công tác xây dựng thể chế, pháp luật, cơ chế chính sách. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh; khẩn trương xây dựng Kế hoạch hoạt động năm 2023 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số; Bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu.
Đặc biệt về vấn đề quy hoạch, Thủ tướng đền ghị hoàn thành công tác quy hoạch theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả theo phương châm quy hoạch phải đi trước một bước và mở ra cơ hội, không gian phát triển mới.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu, thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, khẩn trương ban hành 02 văn bản hướng dẫn còn thiếu; nhanh chóng bổ sung, hoàn thiện, hướng dẫn rõ ràng đối với những văn bản hướng dẫn đã ban hành nhưng còn chồng chéo. Sớm trình Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 27 quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG.
Về Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, Thủ tướng yêu cầu hoàn thành thủ tục đầu tư các dự án và kế hoạch phân bổ vốn còn lại. Nhanh chóng giải quyết những ý kiến còn khác nhau đối về gói hỗ trợ lại suất 2% và sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung. Có phương án xử lý số dư trên 2,8 nghìn tỷ đồng tiền hỗ trợ thuê nhà cho người lao động.
Về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng đề nghị khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023; Thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; đẩy mạnh chi trả trợ cấp xã hội không dùng tiền mặt.
Theo dõi sát tình hình khu vực và quốc tế, kịp thời tham mưu chiến lược, các biện pháp xử lý các tình huống liên quan đến chủ quyền, quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ đối ngoại, không để bị động, bất ngờ, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ. Triển khai hiệu quả chương trình đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án trọng điểm; làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện nghiêm các quy định về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tập trung đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, nhất là tín dụng đen, tội phạm trên môi trường mạng... Quản lý tốt hoạt động xuất, nhập cảnh qua biên giới.
Đẩy mạnh tuyên truyền về các nhiệm vụ, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH. Chủ động, tích cực đấu tranh, phản bác thông tin sai sự thật, xấu, độc, các quan điểm sai trái, thù địch./.
Theo vov.vn
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.