Những ngày tháng Tám của 79 năm trước, từ Khu Giải phóng Tân Trào, lệnh Tổng Khởi nghĩa đã được truyền đi khắp cả nước. Hơn 20 triệu người Việt Nam đã đứng lên làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám. Thắng lợi đó đã để lại nhiều bài học trong xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, có bài học về sự lãnh đạo của Ðảng; đặc biệt là tinh thần đoàn kết toàn dân.
"Trực tiếp dẫn đến cách mạng tháng Tám là Tân trào. Bởi vì đó là nơi lãnh tụ Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, Thường vụ Trung ương đã triệu tập Quốc dân Đại hội Tân trào" - Thiếu tướng Vũ Quang Đạo, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự chia sẻ.
Từ những nghiên cứu, Thiếu tướng Vũ Quang Đạo nhấn mạnh rằng, Quốc dân Đại hội được triệu tập ở Tân Trào (Tuyên Quang) từ ngày 16 - 17/8/1945. Đại hội có sự tham dự của hơn 60 đại biểu Trung, Nam, Bắc, kiều bào ở nước ngoài, các đảng phái chính trị, dân tộc và tôn giáo... để bàn kế hoạch Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về Nhân dân. Đại hội đã nhất trí tán thành chủ trương phát động Tổng khởi nghĩa, thông qua 10 chính sách, hiệu triệu đồng bào giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên nền tảng hoàn toàn độc lập.
Thiếu tướng, PGS.TS Vũ Quang Đạo - nguyên Viện trưởng Viện lịch sử quân sự Việt Nam. (Ảnh NVCC)
Thiếu tướng Vũ Quang Đạo nói: "Chính Quốc dân Đại hội Tân Trào lúc đó, mặc dù chưa có điều kiện tập hợp hết tất cả các đại diện tầng lớp dân chúng, nhưng cơ bản đã đại diện cho nhân dân Việt Nam, những người yêu nước cách mạng để quyết định vấn đề hệ trọng nhất đối với cả đất nước. Đó là phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Đó là quyết định lịch sử".
Từ Tân Trào, lệnh tổng khởi nghĩa được phát đi và được toàn thể nhân dân đồng tình hưởng ứng. Từ ngày 17-19/8/1945, hàng chục vạn nhân dân tiến về Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội. Cuộc mít tinh trở thành cuộc biểu tình vũ trang tiến vào chiếm Phủ Khâm sai Bắc Kỳ, trại lính bảo an và các cơ sở của chính phủ bù nhìn. Đánh dấu mốc son lịch sử của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám.
Trong ký ức của nhiều người dân Hà Nội, những ngày tháng 8 năm ấy vẫn vẹn nguyên, một người dân Hà Nội chia sẻ: "Tình hình lúc đó Hà Nội căng như sợi dây đàn. Chính phủ Trần Trọng Kim ra lệnh tất cả công chức đi dự mít tinh để ủng hộ Chính phủ Trần Trọng Kim. Mọi người thấy Chính phủ này hỏng rồi, bây giờ phải theo Việt Minh, cướp chính quyền."
Một người dân Hà Nội khác bùi ngùi kể lại: "Cuộc mít tinh đó tổ chức ở Nhà Hát lớn. Chúng tôi được lệnh Thành ủy lúc đó là tất cả các hội viên cứu quốc tham gia mít tinh. Tham gia cuộc mít tính đó không phải là dự mà để phá cuộc mít tinh đó và biến thành cuộc mít tinh của mình. Giao cho một tổ có nhiệm vụ lên chiếm diễn đàn, hô hào mọi người ủng hộ Việt Minh. Tiến lên giành độc lập, tổng khởi nghĩa".
Thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám đã để lại nhiều bài học quý trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Trong đó, bài học về sự lãnh đạo của Ðảng trong Cách mạng Tháng Tám là đã đề ra đường lối giải phóng dân tộc đúng đắn, tập hợp đoàn kết lực lượng của toàn dân tộc trong Mặt trận Việt Minh, đã lựa chọn và kết hợp đúng đắn các hình thức tuyên truyền, tổ chức và phương pháp đấu tranh thích hợp, tạo nên sức mạnh tổng hợp; xây dựng, phát triển lực lượng cách mạng, thúc đẩy phong trào, đồng thời dự kiến và chớp đúng thời cơ hành động.
Giáo sư, Tiến sĩ Mạch Quang Thắng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: "Đảng lãnh đạo đúng đắn ở chỗ biết "chớp lấy thời cơ". Trong chiến tranh một ngày bằng 20 năm, thậm chí một ngày bằng 100 năm. Bỏ lỡ thời cơ là có tội với dân tộc. Cho nên trên giường bệnh, ở lán Nà Nưa, Bác Hồ nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp là thời cơ đã đến, dù có đốt cháy cả dãy Trường Sơn, chúng ta phải cố gắng quyết tâm giành cho được độc lập."
Nhân dân Sài Gòn biểu dương lực lượng ngày 25/8/1945. (Ảnh tư liệu)
"Chớp thời cơ", chỉ với 5.000 đảng viên, đảng đã động viên đồng bào, chiến sĩ cả nước nhất tề nổi dậy, đập tan ách thống trị của phát xít Nhật, thiết lập chính quyền cách mạng trên phạm vi toàn quốc. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời được những câu hỏi bức thiết nhất của Nhân dân. Vì thế, Nhân dân luôn sẵn sàng đi theo Đảng, cùng chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp cách mạng. Bài học về tinh thần đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân trong Cách mạng Tháng Tám vẫn còn nguyên giá trị để kế thừa, vận dụng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Ngày nay, đất nước được hòa bình, thống nhất, nhân dân được thừa hưởng cuộc sống tự do, hạnh phúc việc giữ gìn cuộc sống bình yên của nhân dân lại đặt ra những thách thức mới.
Giáo sư, Tiến sỹ Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý Luận Trung ương khẳng định: "Trải qua biết bao nhiêu khó khăn gian khổ để bảo vệ được nền độc lập, mang lại chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, đất nước. Từ bài học đó chúng ta phải đảm bảo cuộc sống hòa bình, chỉ có cuộc sống hòa bình thì mới sinh cơ lập nghiệp, người dân có điều kiện sống có điều kiện phát triển, có điều kiện để hướng tới những giá trị tốt đẹp. Không có hòa bình, tức là bất ổn định, có thể xung đột. Xung đột có thể từ bên ngoài mang đến cũng. Có thể bên trong sinh ra. Tất cả mọi xung đột, bất ổn định thì đều ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, đều làm cho người dân đau khổ. Cho nên, ổn định chính trị xã hội còn gắn với một mục tiêu hướng tới là vì mục tiêu tối thượng hạnh phúc của nhân dân."
79 năm trôi qua, từ Khu Giải phóng Tân Trào, lệnh Tổng Khởi nghĩa đã được truyền đi khắp cả nước. Tinh thần của cách mạng Tháng Tám, với những bài học quý luôn là ngọn đuốc soi rọi để Đảng ta vận dụng thành công trong hơn 90 năm qua và đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng. Đặc biệt là bài học về phát huy sức mạnh đoàn kết sẽ mãi còn nguyên giá trị để huy động được sức mạnh của toàn dân tộc, đưa đất nước phát triển, vì cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.