Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 3 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 7 tháng 11 năm 2023 | 14:25

Cần có chương trình mục tiêu quốc gia để xử lý các dòng sông chết

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh vừa đề xuất chương trình mục tiêu quốc gia nhằm xử lý "các dòng sông chết" và tình trạng ô nhiễm sông.

Việc xử lý ô nhiễm tại các dòng sông và hệ thống kênh thủy lợi là vấn đề được các đại biểu quan tâm đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đặng Quốc Khánh, tại phiên chất vấn của Quốc hội chiều 6/11. 

Hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải vẫn là điểm nóng ô nhiễm môi trường

Theo Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh, Bộ đã phối hợp với các bộ ngành kiểm tra và nhận thấy từ một hệ thống thủy nông, Bắc Hưng Hải hiện gánh thêm một nhiệm vụ nữa là nơi xả thải cho một phần của Hà Nội và các tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên.

Theo số liệu, hiện hệ thống này mỗi ngày tiếp nhận 450.000-500.000m3 nước thải của các địa phương. Riêng khu vực từ cống Xuân Thụy (địa phận quận Long Biên và huyện Gia Lâm, Hà Nội) xả thải vào 260.000m3/ngày, hầu hết đến từ cụm công nghiệp làng nghề, khu đô thị và khu dân cư.

Cần có chương trình mục tiêu quốc gia để xử lý các dòng sông chết

Theo ông Khánh, các địa phương đều chưa có hệ thống xử lý nước thải, do đó nước sinh hoạt hòa với nước mưa xả thẳng ra Bắc Hưng Hải.

Về giải pháp, Bộ trưởng TN&MT cho biết vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì họp Chính phủ và yêu cầu có giải pháp thích hợp, ngắn hạn cũng như dài hạn để xử lý ô nhiễm khu vực này.

Trong đó, Bộ TN&MT đã phối hợp với Bộ Công an rà soát nghiêm khu công nghiệp, cụm công nghiệp và xử phạt hành chính rất nhiều doanh nghiệp xả thải không đúng quy định.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cam kết thời gian tới, cơ quan này tiếp tục tăng cường quan trắc và làm việc với các địa phương để từ đó dùng các nguồn lực, cố gắng xử lý nước thải của đô thị và nông thôn xả thẳng xuống hệ thống kênh này. 

Sông Cầu ô nhiễm nặng, tập trung rà soát xây dựng khu xử lý nước thải

Tại phiên chất vấn, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà - Đoàn ĐBQH Bắc Giang đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường sông Cầu.

Trả lời câu hỏi về ô nhiễm môi trường sông Cầu (Bắc Giang), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, ô nhiễm của sông Cầu có nguyên nhân từ nguồn ô nhiễm ở sông Ngũ Uyển Khê, một ngày xả thải khoảng 15.000m3 chưa được xử lý từ các cụm công nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời các vấn đề đại biểu nêu về ô nhiễm môi trường các dòng sông tại phiên chất vấn của Quốc hội chiều 6/11/2023.

Thời gian qua, Bộ đã thành lập tổ giám sát bảo vệ môi trường, giám sát hoạt động của Làng giấy Phong Khê, trong đó lựa chọn 22 cơ sở giám sát trực tiếp. Bộ đã đôn đốc tỉnh Bắc Ninh phối hợp với tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các sở để xử lý dứt điểm liên quan đến làng giấy nghề này.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất giải pháp thời gian tới là tập trung rà soát xây dựng khu xử lý nước thải cho các khu Phong Khê 1-2, khu Phú Lâm…

Do đó, đề nghị tỉnh Bắc Ninh quan tâm vấn đề này quan tâm giám sát xử lý nước thải ở đây. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục quan trắc, phối hợp với các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang xử lý nghiêm vi phạm.

Cần phải có một chương trình mục tiêu quốc gia

Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, để giải quyết triệt để tình trạng này, phải mất rất nhiều nguồn lực, nhất là trong việc đầu tư xây dựng, vận hành nhà máy xử lý nước thải.

Bộ TNMT đã báo cáo với Chính phủ, đề xuất cấp có thẩm quyền cần phải có một chương trình mục tiêu quốc gia để xử lý các dòng sông chết, ô nhiễm các dòng sông và xử lý môi trường về rác thải, nước thải nói chung.

Giải pháp thứ hai là có cơ chế chính sách để có nguồn lực xã hội hóa, kêu gọi doanh nghiệp xử lý nước thải, rác thải; gắn vào đó là cơ chế của những doanh nghiệp xả thải thì phải có đóng góp.

Cùng với đó là công tác tuyên truyền vận động người dân, tổ chức để đảm bảo lượng rác thải nằm trong ngưỡng xử lý được.

Bộ trưởng cũng cho rằng, cần tăng cường công tác quan trắc, kể cả ở hệ thống Bắc Hưng Hải và sông Cầu. Hiện nay Bộ đã tăng cường quan trắc với các Sở TNMT để kịp thời kiểm tra, giám sát việc xả thải.

"Để xử lý thì phải có thời gian, nguồn lực. Hiện nay, chúng ta còn có một việc là các làng nghề truyền thống. Cần có quy hoạch để di chuyển làng nghề thì mới xử lý được dứt điểm. Việc này cũng cần ngân sách thực hiện”, Bộ trưởng TNMT Đặng Quốc Khánh nói.

Nói về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết những năm qua, Chính phủ có nhiều chương trình mục tiêu xử lý ô nhiễm các dòng sông nhưng hiện không còn thực hiện nữa.

"Tôi có trao đổi với Thủ tướng tìm giải pháp khôi phục lại các chương trình mục tiêu này để phạm vi nhỏ hơn, còn nếu thành chương trình mục tiêu quốc gia như Bộ trưởng TN&MT nói thì không khả thi", theo Chủ tịch Quốc hội.

Tìm giải pháp phòng chống sạt lở

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Đại biểu Phạm Thị Kiều (tỉnh Đắk Nông) nêu vấn đề sạt lở, lũ quét diễn ra với tần suất ngày càng nhiều. Đại biểu đề nghị lãnh đạo ngành cho biết nguyên nhân và các giải pháp để cảnh báo, dự báo nhằm hạn chế tối đa những thiệt hại do sạt lở và lũ quét gây ra cho cộng đồng và cho người dân.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho hay Việt Nam là một trong 6 quốc gia chịu ảnh hưởng biến đổi khí hậu, trong đó vùng đồng bằng Sông Cửu Long và Tây Nguyên chịu ảnh hưởng mạnh do đặc điểm địa chất yếu.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tăng cường khả năng cảnh báo thiên tai, ban hành đề án về khả năng dự báo, phối hợp địa phương để có bản đồ sạt lở, quy hoạch di dời dân cư, dự báo sạt lở tránh ảnh hưởng dân cư.

Ông Khánh cho biết vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã đi thị sát vùng đồng bằng sông Cửu Long và có chỉ đạo để trình Quốc hội các dự án bờ, kè; xây dựng Chương trình Mục tiêu Quốc gia chống sạt lở.

“Tại khu vực miền núi và vùng sâu vùng xa, việc di dời dân cư là rất khó khăn. Vì vậy, việc lựa chọn nơi phát triển kinh tế là rất quan trọng,” Bộ trưởng nói.

Giải pháp của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thời gian tới là tiếp tục tăng cường khả năng cảnh báo về thiên tai. Bộ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành đề án dự báo và cảnh báo cho các địa phương, phối hợp với các địa phương thực hiện các bản đồ nền, tổng hợp những vùng sạt lở, nguy cơ sạt lở để quy hoạch, di dời dân cư, tránh ảnh hưởng đến dân cư và ảnh hưởng đến sự phát triển; đề xuất dự án về công trình và phi công trình để phòng chống sạt lở.

Tại phiên chất vấn, Đại biểu Ma Thị Thúy (tỉnh Tuyên Quang) đề cập đến trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho hay Chính phủ đã chỉ đạo tập trung trong cấp phép, kiểm tra giám sát khoáng sản và vật liệu công trình xây dựng.

Về việc khai thác khoáng sản trái phép, ông Khánh cho rằng địa phương có vai trò rất lớn trong kiểm tra, giám sát và khẳng định thời gian tới Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp địa phương để kiểm tra giám sát chặt chẽ việc này./.

 

Thanh Xuân (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top