Sáng 11/8, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dẫn đầu đoàn công tác của Trung ương đi khảo sát thực tế và làm việc với tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau về tình hình sạt lở, sụt lún bờ biển, bờ sông.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Bạc Liêu và Cà Mau là hai địa phương có tỉ lệ sạt lở bờ biển cao nhất Đồng bằng sông Cửu Long.
Hệ thống đê biển Tây tỉnh Cà Mau có chiều dài khoảng 108 km, trong đó 51,3 km đê đã được xây dựng và nâng cấp, còn 56,7 km chưa được đầu tư, nâng cấp.
Trong khi đó, tuyến đê Biển Đông của tỉnh Cà Mau có chiều dài dự kiến 138 km hiện chưa được đầu tư.
Lãnh đạo tỉnh Cà Mau cho biết, tổng chiều dài các đoạn bờ biển sạt lở đặc biệt nguy hiểm và sạt lở nguy hiểm tại địa phương dài 83,85 km, trong đó bờ biển Tây là 22 km còn bờ Biển Đông là 61,85 km.
Tổng chiều dài các đoạn bờ sông, rạch bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở khoảng 425 km trên tổng số chiều dài 8.118 km.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đi khảo sát khu vực sạt lở.
Tại tỉnh Bạc Liêu, tình hình sạt lở diễn biến phức tạp, trong đó tính từ năm 2015 đến tháng 7/2020, tổng chiều dài sạt lở là 3.660 m. Tỉnh đã xác định có 50 danh mục cần đầu tư đến năm 2030, với tổng kinh phí dự kiến hơn 28.000 tỷ đồng.
Bạc Liêu và Cà Mau kiến nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí để thực hiện một số dự án đầu tư kè chống sạt lở tại những vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm, xung yếu, cấp bách.
Lãnh đạo hai địa phương cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có Đề án chống sạt lở, sụt lún, thiếu nước sinh hoạt, sản xuất cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các Bộ NN&PTNT, KH&ĐT, Tài chính cập nhật tiến độ xây dựng Đề án chống sạt lở, sụt lún, thiếu nước sinh hoạt, sản xuất cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long; trình tự, thủ tục, nguyên tắc và khả năng bố trí vốn của Trung ương đối với các nhiệm vụ cấp bách của các địa phương.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho hay Bộ chủ trương giải quyết dứt điểm việc xây dựng tuyến đê biển Tây tại Kiên Giang và Cà Mau.
Đối với đê Biển Đông, tình hình sạt lở ngày càng nghiêm trọng, nên quan điểm của Bộ là phải có giải pháp tổng thể, đầu tư căn cơ, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Trung lưu ý các địa phương phải chuẩn bị kỹ lưỡng dự án cấp bách cần triển khai, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, bố trí vốn đối ứng.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh tầm quan trọng và đánh giá cao vai trò của Đồng bằng sông Cửu Long trong việc bảo đảm an ninh lương thực cho quốc gia, góp phần nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Phó Thủ tướng ủng hộ quan điểm của các địa phương và các bộ dự họp về sự cần thiết phải có giải pháp đồng bộ, tổng thể đối với việc phòng, chống sạt lở, sụt lún tại khu vực vựa lúa lớn nhất của cả nước.
Do nhu cầu đầu tư rất lớn, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung ương làm tốt công tác dự báo tình hình sạt lở, sụt lún, nhấn mạnh dự báo càng tốt, càng chính xác càng có giá trị, không chỉ để bảo vệ sinh mạng và tài sản của người dân mà còn tiết kiệm nguồn lực đầu tư của Trung ương và địa phương.
Phó Thủ tướng yêu cầu bằng mọi giá phấn đấu không để có người chết. Vì thế phải kiên quyết di dời bà con ở những nơi xung yếu đến nơi an toàn, quan tâm chăm lo sinh kế cho bà con dù việc này rất khó do còn phụ thuộc vào tập quán sinh hoạt của bà con.
Đối với nguồn kinh phí, Phó Thủ tướng cho rằng cần có sự vào cuộc của cả Trung ương và địa phương. Về phía địa phương, cần chuẩn bị thật kỹ lưỡng hồ sơ các dự án đầu tư theo thứ tự ưu tiên để đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau năm 2025, đồng thời huy động mọi nguồn lực ngoài ngân sách, kể cả nhân công.
Phó Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT hỗ trợ các địa phương hoàn thiện các dự án đầu tư sao cho đồng bộ với Đề án chống sạt lở, sụt lún, thiếu nước sinh hoạt, sản xuất cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long do Bộ đang xây dựng và dự kiến trình Chính phủ trong quý IV/2024.
Bộ KH&ĐT phối hợp với Bộ Tài chính tìm nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau theo quy định, Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Trước đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã đi khảo sát khu vực sạt lở đê biển tại xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu; khu vực sạt lở bờ sông tại thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu và đê biển khu vực giáp ranh giữa tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.