Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 3 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 26 tháng 10 năm 2023 | 15:23

"Cần quy định rõ phạm vi, trách nhiệm bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt"

Đây là góp ý của ĐBQH với dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận sáng 26/10.

Sáng 26/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). 

Phát biểu góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm (Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng) nhấn mạnh, nguồn nước đang ngày cạn kiệt, có nguy cơ ô nhiễm và xâm nhập mặn vì vậy đây là vấn đề cần được quan tâm đúng mức. Đại biểu đề nghị xem xét bổ sung quy định cụ thể hơn về cấm và hạn chế khai thác nước dưới đất để phục vụ cho việc nuôi trồng thủy sản đối với những vùng đã có nguồn nước mặt. Bởi việc khai thác nước dưới đất gây ra nhiều tác động tiêu cực như sụt lún đất, xâm nhập mặn, suy thoái cạn kiệt nguồn nước.

Đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm (Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng)

Cũng đề cập hành lang bảo vệ nguồn nước, đại biểu Trần Đình Gia (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh) đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm của cơ quan Nhà nước các cấp theo thẩm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong hành lang bảo vệ nguồn nước theo pháp luật chuyên ngành đảm bảo không vi phạm điều cấm theo quy định tại Điều 8 của Luật này.

"Cần đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của tổ chức, cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân trong hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định của pháp luật chuyên ngành như các chủ sở hữu, các đối tượng nằm trong diện tích đất thuộc hành lang bảo vệ nguồn nước có trước thời điểm thiết lập hành lang bảo vệ nguồn nước cần được đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của họ", đại biểu đoàn Hà Tĩnh nêu góp ý.

Quan tâm đến việc phát triển khoa học công nghệ, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị nghiên cứu giải pháp xử lý nước biển thành nước ngọt nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước. Đồng thời, đại biểu thống nhất như dự thảo luật đã quy định mang tính nguyên tắc bảo vệ hành lang bảo vệ nguồn nước mặt, chủ động, tích cực lưu trữ, duy trì dòng chảy… Để hoàn thiện hơn nội dung này, đại biểu đề nghị bổ sung thêm quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn quản lý, tăng cường hậu kiểm để nâng cao hiệu quả quản lý và Chính phủ quy định cụ thể.

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) đề nghị làm rõ vai trò của cơ quan quản lý lưu vực sông, đặc biệt là các chức năng về điều tra, đánh giá trữ lượng nước, lập quy hoạch điều hòa, khai thác, sử dụng nước, giám sát khai thác, sử dụng nước, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái...

Theo đó, việc này nhằm nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước lưu vực sông, phân định rõ hơn giữa quản lý nguồn nước và quản lý hoạt động khai thác sử dụng trong các lưu vực sông trong thời gian tới.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) cũng đồng tình cho rằng, cần quy định rõ phạm vi, trách nhiệm bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt. 

Đề cập vấn đề nước sinh hoạt, đại biểu Lý Tiết Hạnh cho rằng, công trình cấp nước sinh hạt phải có phương án bảo vệ bởi vấn đề này liên quan đến an toàn sức khỏe người dân cũng như an ninh nguồn nước, an ninh quốc gia. Do đó, đại biểu đề nghị làm rõ các nội dung cụ thể của của dự thảo Luật về phạm vi, trách nhiệm bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh bày tỏ nhất trí cao với quy định về bổ sung trách nhiệm theo dõi bảo vệ của Bộ Công an đối với các công trình cấp nước có quy mô lớn, nguồn nước khai thác là các nguồn nước liên tỉnh, liên quốc gia. Đồng thời, để làm rõ trách nhiệm và thuận lợi trong tổ chức thực hiện, đại biểu Lý Tiết Hạnh đề nghị làm rõ  giao cho Bộ Công an chủ trì, phối hợp hay giao hẳn nhiệm vụ này cho Bộ Công an phải có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ này. 

Đại biểu đoàn Bình Định nhấn mạnh, cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan mà sẽ được giao trách nhiệm bảo vệ, xây dựng tổ chức thực hiện phương án bảo vệ rõ hơn trong quy định của Điều 26 dự thảo Luật. 

 

Theo vov.vn
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top