Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 13 tháng 10 năm 2023 | 15:30

Cần thay đổi thói quen sử dụng phân bón

Câu chuyện kém hiệu quả trong cách sử dụng phân bón gây ảnh hưởng tới thu nhập của nhà nông, đồng thời gây ô nhiễm môi trường. Để giải bài toán sử dụng phân bón có hiệu quả, cần gỡ bỏ một số trở ngại lớn cho sự phát triển bền vững của nông nghiệp Việt Nam hiện nay.

Phân bón chưa được sử dụng hiệu quả

Một nghiên cứu công bố trên cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết phân bón chưa được sử dụng hiệu quả và bền vững ở Việt Nam. Hiệu suất bón phân chỉ đạt 40%, tức còn khoảng 60% lượng phân không được cây hấp thụ bị giữ lại trong môi trường, tương đương với 1,77 triệu tấn urê (N), 2,07 triệu tấn supe lân (P) và 344 ngàn tấn kali (K). Quy mô thất thoát hằng năm tương đương 60 ngàn tỷ đồng, tính theo giá phân bón hiện nay, cao hơn thu ngân sách của 57 tỉnh thành năm 2022.

Chất lượng nông sản phụ thuộc rất lớn vào việc cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng (Ảnh minh hoạ).

Sự kém hiệu quả của cách sử dụng phân bón vừa ảnh hưởng tới thu nhập của nhà nông, đồng thời gây ô nhiễm môi trường. Như vậy, giải bài toán phân bón tức là gỡ bỏ một trở ngại lớn cho sự phát triển bền vững của nông nghiệp Việt Nam. Đây là lý do những người sáng lập enfarm Agritech lựa chọn nghiên cứu giải pháp bón phân thông minh, bắt đầu bằng những loại cây sử dụng nhiều phân bón như cà phê và sầu riêng.

Tổng cục Thống kê ghi nhận kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 2022 lần đầu tiên vượt mốc 4 tỷ USD, tăng 32% về giá trị và 13,8% về sản lượng so với niên vụ 2021. Quán quân về sản lượng robusta (chiếm tới 40% sản lượng toàn thế giới), nhưng nông dân Việt Nam vẫn chịu thiệt thòi về giá vốn được quyết định bởi sàn giao dịch London.

Theo một nghiên cứu của Đại học Fulbright, người nông dân chỉ được hưởng 2% giá trị của một ly cà phê bán ra ở các nước phương Tây, đích đến của 60% lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam. Nông dân tiếp tục là chủ thể có lợi ích thấp nhất nhưng lại dễ tổn thương nhất trong chuỗi giá trị ngành hàng. Liệu có còn dư địa cải thiện thu nhập cho những nông hộ trồng cà phê?

Bí quyết của việc giảm chi phí là công nghệ xử lý dữ liệu

Để thói quen sử dụng phân bón và xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt là một cách tiếp cận. “Công nghệ bón phân thông minh của enfarm có thể giúp tăng thu nhập của người nông dân gấp rưỡi đối với cây cà phê. Nhưng muốn nông dân ứng dụng công nghệ thì công nghệ đó phải rẻ và dễ dùng” - ông Nguyễn Đỗ Dũng, đồng sáng lập và Tổng giám đốc enfarm Agritech, chia sẻ. Sản phẩm đầu tiên của enfarm Agritech là một bộ thiết bị đo đa năng cầm tay, SF23-01, có thể đo NPK, độ ẩm và độ pH nhưng với chi phí chỉ bằng 1/5 bộ thiết bị rẻ nhất đang bán trên thị trường.

Bí quyết và lợi ích của nông nghiệp thông minh (Ảnh minh hoạ).

Bí quyết của việc giảm chi phí nằm ở công nghệ xử lý dữ liệu tập trung và sử dụng điện thoại thông minh để đưa ra các khuyến nghị thông qua ứng dụng enfarm thay vì thiết kế mỗi bộ thiết bị cầm tay là một máy tính thu nhỏ với bộ vi xử lý và màn hình hiển thị. Bộ thiết bị gồm hai cấu phần: một cảm biến để cắm xuống đất sâu 30 cm, thu thập thông tin liên quan đến quá trình sinh trưởng của cây trồng và dinh dưỡng trong đất, hai là thiết bị ghi và truyền dữ liệu về máy chủ đặt tại TP.HCM với tần suất 15 phút/lần để phân tích và trả thông tin đến người nông dân thông qua ứng dụng enfarm. Nhờ xác định hàm lượng phân bón dễ tiêu trong đất theo thời gian thực, SF23-01 có thể khuyến nghị từng chủ vườn khi nào cần bón phân, loại gì và liều lượng bao nhiêu.

Kết quả thí nghiệm tại Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên ghi nhận đối với cây cà phê, việc bón phân với công thức phù hợp có thể tăng năng suất đến 20%, đồng thời giảm 20% chi phí phân bón. Với giá cà phê (65 triệu đồng/tấn nhân) và năng suất hiện nay (trung bình 3,5 tấn nhân/ha), thì 20% gia tăng năng suất tương đương 45 triệu đồng/năm. Phương thức bón phân thông minh còn giúp mỗi nông hộ tiết kiệm khoảng 6 triệu đồng/ha canh tác. Đồng nghĩa với tăng thu nhập gấp rưỡi hoặc gấp đôi cho nông dân.

Giải pháp toàn diện 

Trước khi khởi nghiệp cùng enfarm Agritech, ông Hồ Long Phi được biết đến là một chuyên gia trong lĩnh vực tài nguyên nước và biến đổi khí hậu. Theo ông, giải bài toán phân bón cũng là góp phần giảm thiểu hiệu ứng nhà kính. Sản xuất phân đạm, một trong ba dưỡng chất quan trọng nhất đối với cây trồng, tốn nhiều năng lượng và lượng phân đạm không được cây hấp thụ sẽ thải ra khí dinitơ monoxide vốn làm gia tăng nhiệt độ trái đất nhanh hơn rất nhiều so với khí carbonic. Các nhà khoa học ở Đại học Cambridge (Anh Quốc) ước tính rằng phân bón đóng góp 5% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Bón phân cân đối được hiểu là cung cấp cho cây trồng đúng các chất dinh dưỡng thiết yếu, đủ liều lượng, tỷ lệ thích hợp, thời gian bón hợp lý cho từng đối tượng cây trồng, đất, mùa vụ cụ thể, đảm bảo năng suất (Ảnh minh hoạ).

Ông Phi cho biết bón phân không đúng cách là một vòng luẩn quẩn. Lượng phân thừa làm cho đất bị chua. Khi pH của đất dưới 5, cây giảm tỷ lệ hấp thu đạm dễ tiêu đến 40%, lân dễ tiêu khoảng 70%, kali dễ tiêu là 20%. Đất chua buộc nông dân phải bỏ thêm phân, gánh thêm chi phí, lại khiến đất càng tăng độ chua. Vòng luẩn quẩn giữa bón phân và thoái hóa đất sẽ bào mòn thu nhập của nông hộ và hủy hoại môi trường. Phần phân bón dư bị rửa trôi theo nước mặt khi mưa xuống, thẩm thấu vào tầng nước ngầm, gây ô nhiễm nguồn nước…

Để chặn đứng vòng luẩn quẩn này, công nghệ enfarm hướng đến giải pháp toàn diện cho người nông dân bằng cách sử dụng trí tuệ nhân tạo. Sau khi phân tích dữ liệu, không chỉ dưỡng chất trong đất, tính chất của đất mà cả xu hướng thời tiết, hệ thống sẽ đưa ra những khuyến cáo ngắn gọn, gửi đến điện thoại của chủ vườn. Công nghệ enfarm với cảm biến “túc trực” trong đất có thể đưa ra giải pháp cụ thể cho từng loại cây trồng phù hợp với thời điểm sinh trưởng của cây cũng như biến động thời tiết và điều kiện thổ nhưỡng. “Quá trình sinh trưởng của cây được mô tả trực quan bằng biểu đồ. Chẳng hạn rải phân mà biểu đồ dốc có nghĩa rễ hút được nhiều; biểu đồ đi ngang cho biết rễ cây hấp thu không hết, càng rải phân càng phản tác dụng” - ông Phi chia sẻ.

Sản xuất dưới sự hỗ trợ của thiết bị enfarm

Kết quả khả quan sau hơn một năm thí nghiệm ứng dụng công nghệ bón phân thông minh với 500 mẫu cà phê trồng trong ống tại TP.HCM, enfarm Agritech đã sẵn sàng lên rẫy. Một công ty chuyên về cà phê sạch - đặc sản và một hợp tác xã đồng ý triển khai thiết bị SF23-01 trên vùng trồng cà phê có diện tích gần 1.000 ha tại Đắk Lắk. Nếu hiệu quả, enfarm có cơ hội tiếp cận với các xã viên của hợp tác xã cũng như gây được tiếng vang trong cộng đồng trồng cà phê. Ngoài ra, chức năng định vị GPS tích hợp trong thiết bị enfarm còn giúp giải quyết một vấn đề hóc búa hiện nay là xác nhận nguồn gốc đất sản xuất không từ phá rừng theo yêu cầu của EU, thị trường xuất khẩu nông sản quan trọng của Việt Nam.

Ông Hồ Long Phi, đồng sáng lập, Giám đốc công nghệ (trái) và ông Nguyễn Đỗ Dũng - đồng sáng lập và  Tổng giám đốc enfarm Agritech. Ảnh: CTV

“Muốn tạo ra tác động xã hội và môi trường lớn, chúng tôi phải đến được với mọi nông hộ và giải quyết được đầu ra cho nông sản” - ông Dũng quả quyết. Do đó bên cạnh việc tiếp tục cải thiện công nghệ, giảm chi phí, xây dựng các mô hình kinh tế chia sẻ, enfarm Agritech đang tìm kiếm sự hợp tác của các công ty thu mua và xuất khẩu nông sản. Nông sản sản xuất dưới sự hỗ trợ của thiết bị enfarm sẽ vừa kinh tế, vừa thân thiện với môi trường và có cơ hội được nâng cao thương hiệu trên thị trường quốc tế để được chấp nhận với giá cao hơn.

“Đích đến của chúng tôi là thương mại công bằng (fair trade). Công nghệ của enfarm không chỉ giúp những người nông dân trở thành những chuyên gia nông nghiệp trên thông thời tiết, dưới hiểu đất đai, mà còn giúp họ nắm xu hướng giá cả và tiếp cận thị trường. Quan trọng hơn hết, với công nghệ, những người nông dân sẽ được kết nối với thương lái, doanh nghiệp và thậm chí cả người dùng nông sản. Đó là sứ mệnh mà enfarm theo đuổi” - ông Dũng chia sẻ về tầm nhìn của enfarm Agritech.

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top