Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 27 tháng 9 năm 2024  
Thứ tư, ngày 18 tháng 9 năm 2024 | 15:32

Cần xử lý nghiêm tình trạng gây ô nhiễm môi trường làng nghề

Tình trạng ô nhiễm tại khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), làng nghề ở Quảng Ngãi, Bắc Ninh... đã diễn ra trong thời gian dài.

Để hạn chế tình trạng này, thời gian tới, các địa phương cần có những biện pháp mạnh với các doanh nghiệp tái phạm gây ô nhiễm, thậm chí đóng cửa nếu cần thiết.

CCN, làng nghề “trắng” hệ thống xử lý nước thải

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có 15 CCN và 15 làng nghề đang hoạt động. Tuy nhiên, tất cả các CCN, làng nghề trên địa bàn tỉnh chưa có hệ thống thoát nước thải và trạm xử lý nước tập trung (riêng CCN Sơn Hạ, huyện Sơn Hà đang đầu tư hệ thống xử lý nước thải (HTXLNT) công suất 300m3/ngày,đêm). Do vậy, vấn đề ô nhiễm môi trường tại các CCN, làng nghề vẫn đang diễn ra chưa khắc phục triệt để.

Nóng nhất vẫn là CCN làng nghề Tịnh Ấn Tây (TP. Quảng Ngãi) với diện tích hơn 27 ha đi vào hoạt động từ năm 2005 nhưng đến nay vẫn chưa có HTXLNT. Hiện CCN làng nghề này hiện có khoảng 20 nhà máy, cơ sở hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất giấy, nhựa, chế biến nước mắm, sản xuất bao bì, tái chế hạt nhựa và chế biến nông, lâm sản.

Lực lượng chức năng lấy mẫu nước thải đi kiểm tra sau phản ánh của người dân về ô nhiễm ở cụm công nghiệp

Nước thải từ CCN làng nghề Tịnh Ấn Tây đã và đang gây ra vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong suốt thời gian dài. Tình trạng này đã được cử tri nhiều lần phản ánh, và vấn đề cũng đã được đưa ra chất vấn trong các phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh Quảng Ngãi vào năm 2023. Tuy nhiên, cho đến nay, vấn đề này vẫn chưa được giải quyết triệt để, gây bức xúc trong cộng đồng dân cư.

Theo Quyền Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Đức Trung, vấn đề ô nhiễm môi trường tại các CCN, làng nghề vẫn đang diễn ra, chưa khắc phục triệt để. Đặc biệt, CCN làng nghề Tịnh Ấn Tây là một trong những điểm nóng.

Ông Nguyễn Đức Trung cho biết, đây là một trong những CCN đầu tiên của tỉnh, do xây dựng đã lâu nên cơ sở hạ tầng và các quy định về môi trường không còn đáp ứng được yêu cầu hiện nay. Mặc dù CCN này đã được định hướng chuyển sang quy hoạch khác, nhưng việc không đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung đang gây nhiều bất cập.

Dù các doanh nghiệp tại đây có đầy đủ hồ sơ và hệ thống xử lý nước thải theo quy định, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn lén lút xả thải để giảm chi phí vận hành. Đây là vấn đề liên quan đến ý thức của doanh nghiệp.

Sẽ có biện pháp mạnh

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2022), các CCN phải hoàn thành hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung bảo đảm nước thải sau xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Trong thời gian qua, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh nhiều văn bản chỉ đạo hoàn thiện hạ tầng bảo vệ môi trường và tăng cường công tác bảo vệ môi trường của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp theo quy định tại Điều 51 và Điều 52 Luật Bảo vệ môi trường.

Theo đó, yêu cầu chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, CCN thực hiện rà soát và yêu cầu các cơ sở đang xả nước thải sau xử lý vào hệ thống thu gom, thoát nước mưa của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, CCN phải chấm dứt việc xả nước thải sau xử lý vào hệ thống thu gom, thoát nước mưa. Đồng thời, lắp đặt hoàn thiện hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục bảo đảm đúng thời hạn quy định chậm nhất trước ngày 31/12/2024.

Yêu cầu không tiếp nhận thêm dự án mới hoặc nâng công suất dự án đang hoạt động có phát sinh nước thải sản xuất trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp trong trường hợp khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, CCN không có hoặc không đáp ứng một trong các yêu cầu về hạ tầng bảo vệ môi trường được quy định tại Điều 48 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.

Đối với các làng nghề, Sở TN&MT sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tổ chức đánh giá mức độ ô nhiễm và xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn tỉnh; tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây ô nhiễm môi trường kéo dài ra khỏi khu dân cư, làng nghề theo quy định.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tham mưu UBND tỉnh quy hoạch, xây dựng, cải tạo và phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường; tổng hợp đề xuất của UBND các huyện, thị xã, thành phố, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch chuyển đổi ngành, nghề không khuyến khích phát triển tại làng nghề, di dời cơ sở, hộ gia đình ra khỏi làng nghề.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền cho biết, thời gian qua, tỉnh xác định trong quá trình thu hút đầu tư vào CCN phải khắc phục tình trạng xả thải, đầu tư hệ thống xử lý nước thải.

Đồng thời, chỉ đạo kêu gọi đầu tư các CCN giống như khu công nghiệp VSIP, tức nhà đầu tư thứ cấp sẽ đầu tư toàn bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhất là xử lý nước thải. Các CCN do các huyện, thành phố, thị xã làm chủ đầu tư, tỉnh sẽ tạo điều kiện thực hiện hệ thống xử lý nước thải tập trung.

”Đối với CCN làng nghề Tịnh Ấn Tây, doanh nghiệp phải chấp hành quy định, thấy được trách nhiệm của mình với cộng đồng; cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra giám sát. Nếu doanh nghiệp trốn tránh không chấp hành thì cương quyết xử lý, kể cả đóng cửa”- ông Trần Phước Hiền khẳng định.

Bắc Ninh khẩn trương xử lý các điểm “nóng” gây ô nhiễm môi trường, gắn trách nhiệm người đứng đầu

Làng nghề giấy Phong Khê (phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) hiện có 341 cơ sở sản xuất, chủ yếu sản xuất các loại giấy vệ sinh, giấy kraft, giấy vàng mã. Làng nghề đã tạo việc làm cho gần 4.000 lao động; trong đó, có 228 hộ sản xuất, kinh doanh giấy xây dựng trong khu dân cư.

Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở sản xuất sử dụng máy móc, công nghệ lạc hậu, năng suất sản xuất thấp, gây ô nhiễm môi trường nước, đất, không khí, tiếng ồn nghiêm trọng.

Lực lượng chức năng niêm phong cơ sở sản xuất giấy gây ô nhiễm môi trường ở phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh.

Thực hiện sự chỉ đạo sát sao của tỉnh, từ tháng 11/2021, UBND thành phố Bắc Ninh đã có nhiều cuộc kiểm tra, kiểm soát, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm tại làng nghề giấy Phong Khê, đồng thời tổ chức nhiều cuộc họp bàn về lộ trình di dời các hộ dân sản xuất giấy ra khỏi địa bàn, bảo đảm các yếu tố môi trường bền vững.

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường từ những làng nghề trên, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, Vương Quốc Tuấn  yêu cầu các Sở, ngành, địa phương, tiếp tục tăng cường xử lý ô nhiễm môi trường, bám sát tiến độ cụ thể, gắn trách nhiệm với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tại Phong Khê, Phú Lâm, Văn Môn và các địa phương có làng nghề gây ô nhiễm môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát các điểm “nóng” gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh để đề xuất giải pháp xử lý; tổng hợp báo cáo đánh giá kết quả 4 năm thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường, giai đoạn 2019 - 2025; đánh giá kết quả 1 năm triển khai thực hiện các Kết luận 739, 740 của Tỉnh ủy, trong đó xác định rõ trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đồng thời xây dựng kế hoạch và lộ trình cụ thể, đưa ra giải pháp để tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo theo tiến độ đề ra.

Về lĩnh vực nông nghiệp, sớm hoàn thiện Quy định bồi thường thiệt hại cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ di dời vật nuôi; hỗ trợ để tháo dỡ, phá dỡ, di dời tài sản gắn liền với đất là phần công trình xây dựng mà giấy phép đã hết hạn khi Nhà nước thu hồi đất; diện tích đất xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Tiếp tục rà soát hệ thống đê điều, công trình thủy lợi, sớm phát hiện sự cố, kịp thời tham mưu đề xuất xử lý; vận dụng các quy định để hỗ trợ tối đa cho các hộ dân bị thiệt hại, gặp khó khăn do bão số 3 gây ra.

 

Thanh Xuân (Tổng hợp từ Baotainguyenmoitruong, thuonghieuuconglua...)
Ý kiến bạn đọc
  • Lũ dữ đi qua, tấm lòng ở lại

    Lũ dữ đi qua, tấm lòng ở lại

    Mỗi khi đất nước có thiên tai, dịch bệnh thì truyền thống yêu nước, tinh thần "tương thân, tương ái", “lá lành đùm lá rách”, “nhường cơm sẻ áo” luôn là bản chất tốt đẹp của người dân Việt Nam lại được phát huy.

  • Tạp chí Kinh tế nông thôn chung sức cùng người dân Lào Cai khắc phục hậu quả sau mưa lũ

    Tạp chí Kinh tế nông thôn chung sức cùng người dân Lào Cai khắc phục hậu quả sau mưa lũ

    Hoàn lưu của cơn bão số 3 (Yagi) đã khiến tỉnh Lào Cai bị thiệt hại nặng về người và tài sản. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Chính quyền và Nhân dân trong tỉnh đã nén đau thương cùng nhau nỗ lực khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống trong sự sẻ chia của đồng bào khắp mọi miền đất nước.

  • Bảo Việt dành 5 tỷ đồng ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3

    Bảo Việt dành 5 tỷ đồng ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3

    Để kịp thời chung tay cùng đồng bào các tỉnh miền Bắc bị thiệt hại do bão số 3 (Yagi) gây ra, Bảo Việt đã trích quỹ an sinh xã hội của Tập đoàn và các đơn vị thành viên để ủng hộ 5 tỷ đồng cho các tỉnh bị ảnh hưởng cơn bão số 3.

Top