Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 21 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 16 tháng 6 năm 2023 | 14:52

Cắt điện luân phiên gây ảnh hưởng lớn tới sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi

Mùa hè năm nay, việc cắt điện luân phiên diễn ra cả ở nhiều địa phương làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất nông nghiệp, nhất là lĩnh vực chăn nuôi bị ảnh hưởng lớn...

Tiền tỷ của hộ chăn nuôi đứng trước nguy cơ “bốc hơi”

Nằm ở vị trí thuận lợi cho thông thương, thôn Thượng Yên, xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên (TP. Hà Nội) được biết đến là điểm trung chuyển trứng, con giống gia cầm, thủy cầm lớn nhất nhì trên cả nước. Cao điểm, mỗi ngày sẽ có khoảng 10 triệu con giống được xuất đi khắp các tỉnh, thành.

Tại đây, nghề ấp nở con giống gia cầm, thủy cầm được xem là nghề duy nhất của người dân. Nhiều hộ gia đình đã đi vay mượn mới có thể đầu tư hệ thống ấp nở, sản xuất con giống.

Có gia đình đầu tư lớn, hệ thống lên đến 30 máy ấp nở. Với việc mỗi máy ấp nở cùng những thiếu bị vận hành đi kèm có giá trị trung bình khoảng gần 100 triệu đồng, hệ thống 30 máy ấp nở sẽ có giá trị tương đương gần 3 tỷ đồng.

Chỉ cần mất điện vài tiếng cũng có thể gây thiệt hại tiền tỷ cho các cơ sở ấp nở gia cầm.

Chưa hết, với mỗi 10.000 quả trứng, để phục vụ cho một máy ấp nở, tùy từng thời điểm, người dân sẽ phải bỏ ra thêm khoảng 100 triệu đồng. Trung bình mỗi hệ thống ấp nở của các hộ dân nơi đây đều có từ 8 đến 10 máy. Như vậy, mỗi lứa con giống của người dân đều rơi vào khoảng 1 tỷ đồng. Đối với người chăn nuôi, đó là một số tiền khổng lồ, là toàn bộ tài sản của họ.

Nhận được thông báo có lịch cắt điện từ ngày 13 cho đến ngày 16/6, mỗi ngày sẽ cắt tối thiểu 8 tiếng, ông Nguyễn Xuân Toan (thôn Thượng Yên, xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên) lại buông tiếng thở dài vì ông biết, việc sản xuất những ngày tới lại thêm khó khăn hơn.

Vay mượn và đầu tư gần 1 tỷ đồng để xây dựng hệ thống 8 máy ấp nở trứng, cũng như nhiều hộ dân khác, những ngày này, gia đình ông Toan đã phải chuẩn bị trước máy phát điện đề phòng trường hợp mất điện. Thậm chí, nhiều hộ còn chuẩn bị hẳn 2 máy phát, nhưng do hoạt động quá nhiều nên máy phát điện cũng có dấu hiệu quá tải.

Nếu máy phát điện hỏng, gọi thợ đến sửa cũng phải mất thời gian vì linh kiện máy móc không có sẵn, trong khi chỉ cần thiếu điện vài tiếng thôi là hoạt động máy ấp nở sẽ bị ảnh hưởng, gây thiệt hại.

Cán bộ Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên kiểm tra hoạt động của máy ấp trứng gia cầm. 

“Bên điện lực thông báo ngày cắt điện cho bà con biết thế thôi chứ cũng không biết là họ sẽ cắt giờ nào. Hay như tuần trước, đùng cái họ cắt mà không thông báo trước, lại cắt đúng vào giờ oái oăm như từ 8 rưỡi đến 11 giờ sáng hay từ 3 giờ chiều đến 7 giờ tối. Đó đều là giờ cao điểm khi mà các hệ thống máy ấp nở đang cần nhiều điện nhất, khoảng 2.000W để hoạt động”, ông Nguyễn Xuân Toan lắc đầu ngao ngán.

Bên cạnh đó, người dân cho biết, do xảy ra tình trạng thiếu điện, phải dùng máy phát điện nên chất lượng, số lượng con giống bị giảm rõ rệt. Nếu trước kia điện ổn định, ấp 10 quả có thể nở khoảng 8 - 9 con. Tuy nhiên giờ thiếu điện, máy ấp hoạt động không ổn định nên tỉ lệ nở giảm đi, chỉ còn khoảng 6 - 7 con. Chất lượng con giống cũng kém và xấu đi nhiều do không đủ nhiệt trong quá trình ấp.

Ông Toan cho hay, nghề ấp nở con giống có rất nhiều rủi ro, chỉ cần xảy ra sự cố nhỏ cũng có khả năng hỏng cả lồng ấp, thiệt hại vô cùng lớn. Thế nên lúc nào gia đình cũng phải cắt cử người trông và kiểm tra máy móc liên tục.

“Có một hộ gần đây cũng vay mượn ngân hàng để đầu tư làm nghề ấp nở con giống gia cầm, nhưng do làm ăn khó khăn, thua lỗ, không có tiền trả nợ nên đã bị thu hồi ngôi nhà. Chúng tôi thấy thế nên lo lắm, làm được đồng nào tôi cũng đều mang đi trả nợ hết. Khó khăn là vậy nhưng vẫn phải bám trụ với cái nghề này thôi, vì ở đây chúng tôi không biết làm nghề nào khác cả”, ông Toan bộc bạch.

Chi phí tăng đột biến

Theo Giám đốc Công ty cổ phần Giống gia cầm Ngọc Mừng (huyện Đông Anh) Hoàng Mạnh Ngọc, từ đầu năm đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty gặp nhiều khó khăn do giá gà giống giảm mạnh. Mặc dù doanh nghiệp đã giảm tổng đàn, mỗi ngày chỉ xuất bán khoảng một vạn con, nhưng vẫn lỗ 30 triệu đồng/ngày. Hiện tại, công ty tiếp tục đối diện với tình trạng cắt điện luân phiên. Do các trang trại gà của công ty khép kín nên hoạt động dựa hoàn toàn vào máy móc, hệ thống quạt gió phải chạy liên tục, nếu không gà sẽ chết ngạt.

“Từ đầu tháng 6 đến nay, trên địa bàn xã Liên Hà (huyện Đông Anh) liên tục bị cắt điện. Để bảo đảm điều kiện sống cho đàn gà khi không có điện, công ty phải chạy máy phát điện. Nếu mất điện 1 tiếng, công ty phải mua 50 lít dầu để chạy máy phát điện. Như vậy, nếu cắt điện 8 tiếng, thì doanh nghiệp phải mất hơn 10 triệu đồng để duy trì máy phát điện, tăng gấp 3-4 lần so với chi phí dùng điện lưới…”, ông Hoàng Mạnh Ngọc cho hay.

Kiểm tra chất lượng trứng gà tại Công ty cổ phần Giống gia cầm Ngọc Mừng (huyện Đông Anh). 

Không chỉ chi phí sản xuất tăng, một số trang trại không xử lý kịp thời sự cố đã bị thiệt hại lớn về kinh tế. Ông Đoàn Văn Tính, ở xã Tiên Dương (huyện Đông Anh) thông tin, vào đầu tháng 6-2023, trên địa bàn xã bị cắt điện khoảng 7 tiếng. Mặc dù trang trại đã mở máy phát điện dự phòng, song chỉ chạy được khoảng 2 tiếng thì gặp sự cố, khiến hệ thống quạt gió dừng hoạt động, làm cho toàn bộ 8.600 con gà của trang trại bị sốc nhiệt chết, thiệt hại lên tới hơn một tỷ đồng.

Tương tự, các hộ chăn nuôi lợn cũng đang “gồng mình” đối phó với nắng nóng và mất điện. Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh nông nghiệp Phúc Thọ (huyện Phúc Thọ) Nguyễn Hưng Thỉnh cho biết, hiện trang trại của hợp tác xã đang nuôi hơn 200 con lợn thương phẩm. Để đối phó với tình trạng bị cắt điện, hợp tác xã đã phải mua máy phát điện, đầu tư thêm quạt gió; trong khi giá lợn hơi lại đang ở mức thấp, thức ăn chăn nuôi vẫn cao. Nếu tình trạng cắt điện tiếp tục kéo dài thì người chăn nuôi lợn càng khó khăn hơn.

Cần có cơ chế dành cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp

Với phương châm “phòng hơn chữa”, các trang trại đã đầu tư hệ thống phát điện, song đây chỉ là giải pháp tình thế, không ổn định.

Để sản xuất nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng không bị ảnh hưởng nhiều, Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long (huyện Thanh Oai) Nguyễn Trọng Long cho biết, ngành Điện cần có cơ chế, chính sách cung cấp điện riêng cho các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Cùng với đó, lịch cắt điện phải được thông tin sớm, trước 1-2 ngày, thay vì chỉ trước 1-2 tiếng như hiện nay. Thời gian cắt điện cần giảm xuống đối với các khu vực có hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm và chỉ nên cắt điện 1 lần/tháng đối với các hộ chăn nuôi. Như vậy mới ổn định sản xuất.

Còn theo Chủ tịch Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín) Nguyễn Văn Chữ, ngành Điện cần tính toán nguồn điện ưu tiên cho sản xuất, kinh doanh nói chung và nông nghiệp nói riêng, nhất là nơi có số lượng khu công nghiệp, khu chế xuất lớn. Bởi, nếu mất điện kéo dài sẽ khiến các doanh nghiệp gánh thêm chi phí, gián đoạn sản xuất...

Kiểm tra hệ thống làm mát chuồng trại tại Hợp tác xã Hoàng Long (huyện Thanh Oai)

Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, do mùa hè năm nay nắng nóng và mất điện nhiều, làm cho nhiệt độ tăng cao đột ngột, nên thời điểm hiện nay, các hộ chăn nuôi cần cải tạo, nâng cấp hệ thống chuồng trại. Đặc biệt, cần kiểm tra ngay hệ thống làm mát trong chuồng nuôi gia súc, gia cầm, kịp thời cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, bảo đảm cho các hệ thống đó vận hành tốt.

Với những trang trại chăn nuôi có chuồng nuôi khép kín 100%, cần chuẩn bị hệ thống máy phát điện có công suất phù hợp; kiểm tra và thực hiện nghiêm việc trực kỹ thuật, đề phòng mất điện hoặc các hệ thống làm mát trong chuồng nuôi bị trục trặc, lỗi kỹ thuật, không bảo đảm vận hành. Mặt khác, người chăn nuôi cần liên tục cập nhật thông tin về lịch cắt điện để có phương án chuẩn bị tốt nhất.

“Đối với trâu, bò, nhất là bò sữa, khi bị mất điện, người dân có thể di chuyển đàn bò ra các khu vực có bóng cây để tạm thời làm mát. Còn đối với lợn, gia cầm, cần mở ngay hệ thống cửa hai bên, trước sau để tạm thời lấy gió ngoài trời; có thể dùng hệ thống phun nước để làm mát chuồng nuôi, nhất là trên mái, hệ thống tường, giúp giảm nhiệt độ khi nắng nóng, mất điện”, ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết.

 

Hữu Thắng (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tháng 5, hương sen thơm ngát trên quê Bác

    Tháng 5, hương sen thơm ngát trên quê Bác

    Cứ đến dịp tháng 5 về, những đầm sen trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh lại đua nhau nở hoa, tỏa hương thơm ngát.

  • Bế mạc Lễ hội Làng Sen năm 2024

    Bế mạc Lễ hội Làng Sen năm 2024

    Tối 19/5, tại sân vận động Làng Sen (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn), tỉnh Nghệ An phối hợp với TP. Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt bế mạc Lễ hội Làng Sen năm 2024 với chủ đề “Từ Làng Sen đến thành phố Hồ Chí Minh” kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

  • Quảng Nam giới thiệu Nhà bảo tàng đa dạng sinh học

    Quảng Nam giới thiệu Nhà bảo tàng đa dạng sinh học

    Bảo tàng đa dạng sinh học tỉnh Quảng Nam – nơi trình diễn, quảng bá các giá trị tài nguyên đa dạng sinh học, sự phong phú của các loài động, thực vật quý hiếm, đặc hữu, đặc trưng mà thiên nhiên ban tặng; đồng thời góp phần thúc đẩy lối sống có trách nhiệm với thiên nhiên, phục hồi đa dạng sinh học.

Top