Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 14 tháng 10 năm 2024  
Thứ hai, ngày 15 tháng 1 năm 2024 | 9:2

Chăm lo đời sống, bảo đảm an sinh xã hội dịp Tết Nguyên đán 2024

Ngày 14/1/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 03/CĐ-TTg về việc chăm lo đời sống, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân và người lao động trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn tại Công ty Kefico (Hải Dương).  Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Công điện nêu: Trong thời gian qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo; các ngành, các cấp đã và đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả để chăm lo đời sống, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, người lao động, đặc biệt trong dịp Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024 của dân tộc. Để tập trung làm tốt hơn nữa, bảo đảm mọi người dân, người lao động đều có Tết, đón Tết vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, không để ai bị bỏ lại phía sau, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao quán triệt và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 23 tháng 11 tháng 2023 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Giáp Thìn năm 2024 và Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 15 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

Chỉ đạo cơ quan lao động phối hợp với Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp chủ động thực hiện các biện pháp nhằm nỗ lực vượt qua khó khăn, tích cực chăm lo đời sống cho người lao động, chi trả tiền lương, tiền thưởng cho người lao động kịp thời, theo đúng quy định, hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể, nội quy, quy chế của doanh nghiệp, bảo đảm cho mọi người lao động đều có Tết và tiếp tục gắn bó với doanh nghiệp; bố trí nghỉ Tết đúng chế độ theo quy định; thực hiện đầy đủ chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu lao động, không để đứt gãy nguồn cung lao động, đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sau dịp Tết Nguyên đán.

Chỉ đạo thực hiện việc chi trả trợ cấp xã hội tháng 02 năm 2024 cho đối tượng bảo trợ xã hội trước ngày 03 tháng 02 năm 2024. Tập trung rà soát, nắm tình hình đời sống của các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh khó khăn (người nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người lang thang cơ nhỡ, người dân ở vùng bị thiệt hại bởi thiên tai, bão, lũ, sạt lở, người dân gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu do ảnh hưởng của dịch bệnh, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, lao động nữ mang thai, nuôi con nhỏ có điều kiện kinh tế khó khăn...) để quan tâm, chăm lo, kịp thời hỗ trợ phù hợp. Tổ chức thăm hỏi, tặng quà đúng đối tượng, chế độ, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách, bảo đảm tất cả các đối tượng chính sách đều có quà và được nhận quà trước Tết.

Khẩn trương thực hiện rà soát, tổng hợp số hộ, số nhân khẩu có nguy cơ thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và giáp hạt đầu năm 2024 để chủ động có phương án hỗ trợ kịp thời; báo cáo, đề xuất việc xuất cấp lương thực từ nguồn dự trữ quốc gia gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính trước ngày 18 tháng 01 năm 2024. Trên cơ sở đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, đề xuất; Bộ Tài chính thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 22 tháng 01 năm 2024.

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng tránh tai nạn, thương tích trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em, phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới trong dịp Tết Nguyên đán. Tăng cường công tác phòng chống tệ nạn xã hội; không để xảy ra tình trạng học viên bỏ trốn, gây mất ổn định tình hình chính trị, trật tự xã hội tại địa phương.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường lao động, nắm bắt kịp thời tình hình lao động, việc làm tại địa phương, đặc biệt là các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, những nơi tập trung nhiều lao động, tạo thuận lợi cho người lao động nghỉ Tết và trở lại làm việc sau Tết. Quan tâm hỗ trợ người lao động bị giảm sâu thu nhập, mất hoặc thiếu việc làm do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, kinh doanh. Chủ động thực hiện các giải pháp duy trì chuỗi cung ứng nguồn nhân lực, đáp ứng kịp thời lao động cho doanh nghiệp trước và sau Tết Nguyên đán. Tăng cường tự kiểm tra và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan đôn đốc, theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn các địa phương, cơ quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ chăm lo đời sống, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân và người lao động trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024; chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh theo thẩm quyền và quy định; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chi trả gộp hai tháng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội (tháng 01 và tháng 02 năm 2024) vào kỳ chi trả tháng 01 năm 2024, hoàn thành trước ngày 20 tháng 01 năm 2024.

Đề nghị Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam chỉ đạo công đoàn các cấp phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và ngành Lao động - Thương binh và Xã hội nắm tình hình lao động, việc làm, kiểm tra, giám sát việc chi trả tiền lương, thưởng tại các đơn vị, doanh nghiệp, có các phương án hỗ trợ, chăm lo đời sống cho người lao động trong dịp Tết, bảo đảm kịp thời, thiết thực, nhất là đối với người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn.

Các doanh nghiệp tích cực, chủ động thực hiện các giải pháp hiệu quả để ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, nỗ lực duy trì, bảo đảm việc làm, thực hiện các chế độ tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật, hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể, nội quy, quy chế của doanh nghiệp.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo chí (Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Cổng thông tin điện tử Chính phủ...) phối hợp với các bộ, ngành tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn về an toàn giao thông; phòng, chống cháy nổ, pháo nổ; phòng chống dịch bệnh; phòng chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, sinh hoạt văn hóa không lành mạnh trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Công điện này theo chức năng, nhiệm vụ được giao; báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền./.

 

P.V
Ý kiến bạn đọc
  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

  • Nâng cao chất lượng để tăng trưởng bền vững

    Nâng cao chất lượng để tăng trưởng bền vững

    Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước quý 2/2024 đạt 6,93%, tính chung nửa đầu năm nay GDP cả nước tăng 6,42% so với cùng kỳ năm trước.

Top