Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 23 tháng 5 năm 2023 | 15:34

Cháy ngùn ngụt ở dãy nhà xưởng khu Đền Lừ

Sau tiếng nổ lớn, ngọn lửa bốc lên dữ dội, nhanh chóng lan sang nhiều nhà kho ở Đền Lừ (Hà Nội).

Bốn kho xưởng bốc cháy dữ dội

Vụ hỏa hoạn xảy ra lúc hơn 7h ngày 23/5 tại dãy kho xưởng sản xuất tại khu vực Đền Lừ (Hoàng Mai, Hà Nội).

Thời điểm trên người dân phát hiện lửa bùng phát tại một kho xưởng tại khu vực Đền Lừ 3. Lửa bùng lên dữ dội và nhanh chóng lan ra khoảng 4 kho.

Hiện trường vụ cháy

Tiếp nhận tin báo, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) huy động xe chữa cháy cùng cán bộ chiến sĩ tới hiện trường dập lửa. Một số đơn vị lân cận cũng được yêu cầu chi viện.

Tại hiện trường,  lực lượng chức năng huy động máy xúc đến phá dỡ mái tôn, tường để tiếp cận bên trong. Nhiều kho xưởng kế bên cũng đã di chuyển đồ đạc ra ngoài tránh thiệt hại.

Sau nỗ lực chữa cháy, các lực lượng chức năng đã khống chế, dập tắt hoàn toàn đám cháy.

Bất cập trong phòng cháy chữa cháy với nhà ống đô thị

Do diện tích chật hẹp, nhà ống trở thành lựa chọn tối ưu tại các đô thị lớn như Hà Nội. Theo thống kê, thành phố có khoảng 70% nhà ở dạng ống, với ba mặt tường kín, chỉ có mặt trước là cửa ra vào và cửa ra ban công, cửa sổ ở tầng trên. Sợ trộm đột nhập, nhiều gia đình dựng khung sắt bao kín ban công, tầng tum.

Nhà ống cũng chỉ có một cầu thang với khoảng hở giữa nhà. Tầng một bố trí bếp, chỗ để ôtô, xe máy và nhiều đồ dễ cháy, sinh khói độc (sofa, xe máy, vật dụng bằng nhựa tổng hợp). Đám cháy hay bắt đầu từ tầng một, khói lửa theo trục thẳng đứng nhanh chóng phong tỏa cầu thang và các tầng trên, cơ hội thoát nạn bằng cầu thang ra cửa chính rất ít, ông Cao Duy Khôi, Phó viện trưởng Viện khoa học Công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) phân tích.

Nhiều ngôi nhà ống lắp lồng sắt chống trộm kiên cố

Luật Phòng cháy chữa cháy và các văn bản liên quan đều không yêu cầu cụ thể về phòng cháy đối với nhà ở riêng lẻ dưới 7 tầng (trừ nhà kết hợp kinh doanh). Hiện chủ nhà không phải thẩm duyệt về phòng cháy khi xin giấy phép xây dựng nhà ở dưới 7 tầng, hồ sơ xin giấy phép xây dựng chỉ cần đảm bảo tiêu chuẩn xây dựng, mật độ, chiều cao, khoảng lùi, chỉ giới.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn phòng cháy cho nhà và công trình theo thông tư của Bộ Xây dựng (Quy chuẩn 06) qua ba năm liên tục sửa đổi cũng không áp dụng đối với nhà ở riêng lẻ từ 6 tầng trở xuống. Quy chuẩn này chỉ áp dụng với "nhà ở riêng lẻ có chiều cao từ 7 tầng trở lên hoặc có nhiều hơn một đến ba tầng hầm; nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh với diện tích sàn dành cho mục đích sản xuất, kinh doanh chiếm trên 30% tổng diện tích sàn".

Với nhóm nhà ở kết hợp kinh doanh, dịch vụ, văn phòng, trụ sở quy mô nhỏ (cao 21 m, tương đương 7 tầng trở xuống, sàn tối đa 200 m2; hoặc 5 tầng trở xuống, sàn tối đa 300 m2), Quy chuẩn 06 quy định các nhà này cần bố trí một thang thoát nạn, có thêm lối thoát nạn khẩn cấp qua ban công hoặc sân thượng. Ngoài ra, cần có chữa cháy tự động để dập cháy sớm hoặc kiềm chế đám cháy, kéo dài thời gian vàng (dưới 5 phút từ khi xuất hiện cháy) để con người kịp thời thoát nạn.

Lý giải cho vấn đề này, ông Lê Minh Long, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng), cho biết nhà ở riêng lẻ từ 6 tầng trở xuống có hai loại, nhà ở dự án luôn đảm bảo thiết kế, có một lối thoát nạn, cầu thang, ban công. Còn loại nhà "phi tiêu chuẩn", là những ngôi nhà chật hẹp trong ngõ, người dân ở hoặc vừa ở vừa kinh doanh, rất khó áp dụng các quy định.

Theo ông Long, nhà ở đô thị từ 6 tầng trở xuống không nằm trong diện bắt buộc thẩm duyệt thiết kế phòng cháy nên cơ quan soạn thảo không đưa vào Quy chuẩn 06. Với nhà cao từ 7 tầng trở lên được coi là nhà kinh doanh và nhà ở riêng lẻ kết hợp kinh doanh thuộc diện cần thẩm duyệt thiết kế, cần có giấy phép xây dựng nên được đưa vào quy chuẩn này.

"Trên thế giới không nước nào áp dụng quy chuẩn phòng cháy đối với nhà ở phi tiêu chuẩn. Nếu chúng ta siết chặt với dạng nhà này cũng bằng thừa, bởi phần lớn nhà dân trong đô thị hiện nay không thể đáp ứng. Bộ Xây dựng đến nay không có chủ trương đưa loại nhà nhỏ 6 tầng trở xuống vào quy chuẩn", ông Long nói.

Trông chờ vào sự tự giác của người dân

Không có quy định phòng cháy với nhà riêng lẻ thấp tầng, trong khi thấy rõ thiệt hại, từ cuối năm 2021, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị vận động hộ gia đình có nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh mở lối thoát nạn thứ hai (ngoài lối thứ nhất là cửa chính). Mục tiêu đến trước ngày 8/1/2022 tối thiểu 50% số nhà có lối thoát nạn thứ hai. Đến tháng 7/2022, chính quyền Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các đơn vị vận động để 100% hộ gia đình có nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh trên địa bàn phải mở lối thoát nạn thứ hai.

Lãnh đạo Hà Nội cũng yêu cầu tổ chức và nhân rộng mô hình tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy, mỗi quận huyện lựa chọn một xã, mỗi xã chọn một khu dân cư để thí điểm. Tổ liên gia gồm 5-15 hộ dân liền kề, mỗi hộ có ít nhất một bình chữa cháy xách tay và một dụng cụ phá dỡ (xà beng, kìm cộng lực, búa, rìu...); lắp đặt một chuông báo cháy tại tầng một, lắp hai nút ấn báo cháy (một nút trong nhà, một nút ngoài nhà).

Nút ấn và chuông báo cháy của các hộ gia đình trong tổ được liên kết với nhau, bảo đảm khi ấn bất kỳ nút nào, toàn bộ chuông đều kêu. Tổ liên gia được thành lập và có quy chế hoạt động do chủ tịch UBND xã, phường quyết định ban hành. Kinh phí do các hộ gia đình trong tổ đóng góp. Hà Nội đặt mục tiêu đến trước ngày 15/8/2022, việc lựa chọn và xây dựng mô hình tổ liên gia phải xong.

Thực tế cho thấy nhiều nhà dân vẫn không có lối thoát hiểm thứ hai, hoặc có nhưng mang tính hình thức. Tại buổi kiểm tra của nhà chức trách ngày 20/5 ở một hộ dân trên phố Nguyễn Vĩnh Bảo, quận Cầu Giấy, chủ nhà đã cho lắp hàng rào sắt quây kín phần ban công từ tầng hai đến tầng năm, đã mở cửa thoát hiểm ở mỗi tầng. Tuy nhiên, ổ khóa cửa thoát hiểm lại được bọc nylon rất kỹ, chủ nhà thừa nhận mỗi lần mở phải mất gần một phút.

Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm, cho biết với những gia đình lắp khung sắt, cảnh sát chỉ có thể vận động nhắc nhở mở thêm cửa thoát hiểm mà chưa có chế tài xử phạt. "Phải tới khi có cháy các gia đình lắp khung sắt mới thấy sự bất tiện, nhưng nếu không có thì họ cũng dễ lãng quên", thượng tá Quyến nói.

Ông Bùi Xuân Thái, chuyên gia Hiệp hội Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Việt Nam, đánh giá các quy định phòng cháy hiện hành với nhà riêng lẻ "khá thoáng", người dân có thể làm lồng sắt ở ban công, làm 2-3 lớp cửa chống trộm.

Để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, ông Thái cho rằng các cơ quan chức năng cần siết chặt hơn các quy định phòng cháy đối với nhà ở từ tầng 6 trở xuống, các nhà có mặt sàn lớn và nhà ở kết hợp kinh doanh. Bởi hiện nay điều kiện kinh tế phát triển hơn trước, nhiều hộ dân đã xây dựng nhà cao, diện tích lớn, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, ảnh hưởng cộng đồng nếu không kiểm soát chặt.

 

Thanh Xuân (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).

  • Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

Top