Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 20 tháng 11 năm 2022 | 19:55

Chính phủ sẽ mạnh dạn cho các địa phương Vùng Tây Nguyên thí điểm chính sách đặc thù

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ Chính phủ sẽ mạnh dạn cho các địa phương trong Vùng Tây Nguyên thí điểm triển khai một số chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Để giúp vùng Tây Nguyên phát triển, cần chuyển trạng thái từ "ổn định để phát triển" sang "phát triển để ổn định".

Sáng 20/11, tại tỉnh Lâm Đồng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư Vùng với chủ đề "Phát triển xanh - Hài hòa - Bền vững".

Đánh thức tiềm năng Vùng Tây Nguyên

Đánh giá cao các giải pháp trong Chương trình hành động của Chính phủ, lãnh đạo các địa phương Tây Nguyên đồng thời nêu nhiều kiến nghị về phát triển vùng. Theo đó, cần sớm thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng Điều phối Vùng Tây Nguyên, bảo đảm điều phối hiệu quả các hoạt động liên vùng.

Cần tiếp tục quan tâm, hỗ trợ nguồn lực để sớm đầu tư hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, nhất là các tuyến cao tốc, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk kiến nghị.

Lãnh đạo tỉnh Kon Tum mong muốn các bộ, ngành quan tâm giới thiệu các doanh nghiệp chế biến lớn, có uy tín đến Tây Nguyên tìm hiểu vùng nguyên liệu, đầu tư các nhà máy chế biến nông sản, dược liệu.

"Tỉnh Kon Tum nhất định sẽ trở thành vùng dược liệu trọng điểm của quốc gia, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn", Bí thư Tỉnh uỷ Kon Tum Dương Văn Trang nói.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết vùng chưa có tuyến cao tốc kết nối nhanh với các vùng lân cận và cảng biển, sân bay. Duy nhất chỉ có tuyến cao tốc nội vùng Liên Khương - Prenn khai thác từ năm 2008 với chiều dài 19 km.

Thứ trưởng Lê Anh Tuấn thông tin, Bộ GTVT dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các tuyến đường bộ cao tốc kết nối vùng Tây Nguyên là khoảng 156.000 tỷ đồng.

Giai đoạn 2021 - 2025, tổng vốn bố trí để triển khai 4 dự án đường bộ cao tốc có tính chất liên vùng (cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, cao tốc Dầu Giây - Liên Khương,..) với kinh phí khoảng 28.038 tỷ đồng.

Ông Tuấn khẳng định hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến đường bộ cao tốc trong vùng Tây Nguyên sẽ được đẩy mạnh đầu tư, đánh thức vùng đất đai trù phú này trở thành một vùng kinh tế phát triển.

Đại diện cho ngành "trụ đỡ của nền kinh tế", Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh mục tiêu đến năm 2030, Tây Nguyên có thể trở thành trung tâm sản xuất và chế biến sâu một số nông sản chủ lực như cà phê, hồ tiêu, cao su, trái cây, rau hoa, cá nước lạnh...

Ông Phùng Đức Tiến cho biết Bộ NN&PTNT sẽ rà soát, bổ sung, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm cho thuê môi trường rừng để nuôi trồng, phát triển dược liệu, Chương trình phát triển Sâm Việt Nam; chính sách chi trả dịch vụ hấp thụ các-bon rừng...

Nhất trí cho rằng yếu tố quan trọng cho phát triển Tây Nguyên là kết cấu hạ tầng, ông Andrew Jefffries, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho biết ADB đã cam kết hỗ trợ 8 dự án tại Tây Nguyên giai đoạn 2023-2026. "ADB sẵn sàng hỗ trợ Tây Nguyên phát triển năng lực kết nối vùng".

Cùng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Alain Cany khẳng định cam kết sẵn sàng hỗ trợ thực hiện các quy định về kinh tế xanh tại Việt Nam nói chung, Tây Nguyên nói riêng mà Nghị quyết 23 đưa ra. Theo đó, từ ngày 28-30/11, EuroCham và 9 hiệp hội doanh nghiệp thành viên sẽ tổ chức Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh (GEFE) năm 2022 tại TP. Hồ Chí Minh. Sự kiện sẽ thu hút 150 nhà đầu tư lớn của châu Âu đến Việt Nam.

Phát triển để ổn định

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng Hội nghị hôm nay là "3 trong 1" (Triển lãm, quảng bá hình ảnh, vùng đất văn hóa, con người và giới thiệu nông sản của Vùng; công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 23; xúc tiến đầu tư Vùng Tây Nguyên) nhưng tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu phát triển Vùng Tây Nguyên gói gọn trong 8 chữ "Đột phá - Bao trùm - Toàn diện - Bền vững".

Nói rõ thêm mục tiêu này, Thủ tướng nhấn mạnh Tây Nguyên có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Nhưng, theo Thủ tướng, Tây Nguyên phát triển chưa tương xứng do 4 nguyên nhân chính. Đó là kết cấu hạ tầng còn bất cập; nguồn lực còn thiếu; kết nối vùng còn chưa tốt; chưa xây dựng được nhiều thương hiệu quốc gia, quốc tế.

Theo Thủ tướng, phát triển Vùng Tây Nguyên phải có cách tiếp cận toàn cầu để đối phó với các thách thức mang tính toàn cầu, toàn dân - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nhắc lại câu chuyện cách đây 20 năm xảy ra vụ việc bất ổn tình hình, Thủ tướng cho biết khi đó, chúng ta phải ổn định tình hình chính trị trên cơ sở đó phát triển kinh tế-xã hội Tây Nguyên. Hiện nay, tình hình thay đổi, chúng ta chuyển trạng thái, phát triển kinh tế-xã hội để ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội Tây Nguyên.

"Làm tốt kinh tế-xã hội thì góp phần quan trọng vào ổn định chính trị, trật tự xã hội và ngược lại, tình hình ổn định tốt thì mới yên tâm phát triển kinh tế-xã hội. Đây là 2 mặt song song của quá trình nhưng tuỳ tình hình mà thay đổi thứ tự ưu tiên", Thủ tướng nói, đồng thời nêu rõ quan điểm phải tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất của mình.

Xác định lấy nội lực (con người, thiên nhiên, truyền thống lịch sử - văn hóa) là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, kết hợp hài hòa với ngoại lực (như công nghệ, quản trị, tài chính, hỗ trợ đào tạo nhân lực…) là quan trọng, đột phá, thường xuyên.

Một quan điểm chỉ đạo nữa, theo Thủ tướng, là phải có cách tiếp cận toàn cầu để đối phó với các thách thức mang tính toàn cầu, toàn dân. Lấy con người là chủ thể, là trung tâm để đối phó với các thách thức. Các chính sách phải hướng về người dân và người dân phải tham gia xây dựng chính sách.

Phát triển đột phá nhưng phải bao trùm, toàn diện, bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển, khoảng cách giàu nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.  Tích cực đổi mới công nghệ, đa dạng hoá sản phẩm, thị trường và đa dạng hoá chuỗi cung ứng.

Mạnh dạn cho các địa phương thí điểm chính sách đặc thù

Định hướng nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh phải tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế chính sách đặc thù. "Chính phủ sẽ mạnh dạn cho địa phương thí điểm triển khai một số chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền của Chính phủ". "Thể chế chính sách phải xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, nên các địa phương Tây Nguyên phải chủ động đề xuất", Thủ tướng cho biết.

Thứ 2, phải phát triển hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, để kết nối vùng, tạo không gian phát triển mới và phát triển hạ tầng y tế, giáo dục.

Thủ tướng cho rằng, giao thông phải kết nối, góp phần phát triển hành lang kinh tế Đông – Tây, hàng lang kinh tế Bắc – Nam, dựa vào các trục giao thông chính: Đường sắt, đường bộ, cao tốc Bắc – Nam.

Thứ 3, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó, cần lưu ý phát triển hệ thống trường đại học, trường dạy nghề. "Các đồng chí phải chủ động chứ không ai làm thay được", Thủ tướng đề nghị.

Thứ 4, cần tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế rừng. Thủ tướng lấy ví dụ, tài nguyên bauxite có nhiều nhưng cần chú ý phát triển xanh, công nghệ cao. Khai thác bauxite có nhiều công đoạn, trước khi ra nhôm thì có nhiều phụ phẩm cần xử lý để bảo vệ môi trường, làm sao các sản phẩm liên kết chuỗi tuần hoàn, bảo đảm chất lượng đầu ra.

Thứ 5, phát triển công nghiệp chế biến, phát triển kinh tế nông nghiệp xanh, sạch.

Thứ 6, phát triển văn hoá gắn với du lịch.

Thứ 7, phát triển bao trùm, toàn diện, bền vững. Muốn vậy phải xuất phát từ bài toán quy hoạch với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược.

Thứ 8, huy động nhiều nguồn lực cho phát triển, gồm đầu tư công, ngồn vốn xã hội, hợp tác công tư. Đầu tư công thì kết hợp cả nguồn lực Trung ương và địa phương.

Thứ 9, xây dựng thương hiệu để phát triển bền vững, ổn định, phải có truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp.

Nói phải đi đôi với làm, đã hứa, cam kết thì phải thực hiện

Đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tiễn của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các đối tác phát triển, Thủ tướng nhấn mạnh xúc tiến đầu tư phải xuất phát từ quy hoạch, phải có trọng tâm, trọng điểm, phải dựa vào tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh.

Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp, đối tác phát triển, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục chung tay, đồng hành với Chính phủ, các địa phương; tích cực tham gia thực hiện quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; khai thác, tận dụng cơ hội để phát triển, tham gia sâu vào những ngành kinh tế được xác định là trọng tâm, ưu tiên.

"Các nhà đầu tư đã nói phải làm, đã cam kết, đã hứa thì phải thực hiện, đã thực hiện thì phải có hiệu quả", Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ, cân bằng lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành quy hoạch; thúc đẩy đầu tư công, cứ 10 ngày phải kiểm tra tiến độ các dự án, dứt khoát ai không làm được thì thay thế, không điều chuyển nguồn sang năm 2023, dành vốn cho các dự án giải ngân tốt.

Thủ tướng nhấn mạnh xúc tiến đầu tư phải xuất phát từ quy hoạch, phải có trọng tâm, trọng điểm, phải dựa vào tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh- Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, thủ tục hành chính, vừa chống lạm phát vừa phải thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Thủ tướng cho biết đã chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát, phân loại trái phiếu doanh nghiệp, doanh nghiệp nào làm tốt, làm đúng thì cần công khai, minh bạch để nhà đầu tư yên tâm; doanh nghiệp nào khó khăn thì có cách hỗ trợ để tiếp tục phát triển, "anh nào làm sai thì phải xử lý để bảo vệ người làm tốt, làm lành mạnh môi trường đầu tư".

Thủ tướng cũng nêu rõ việc ổn định kinh tế vĩ mô, vừa kiểm soát lạm phát vừa thúc đẩy tăng trưởng, tập trung thúc đẩy các động lực tăng trưởng: Tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu. Phát huy tinh thần tự lực, tự cường, không trông chờ ỷ lại, không hoang mang dao động, không lơ là, mất cảnh giác. Trước diễn biến nhanh của tình hình thế giới thì phản ứng chính sách cũng phải nhanh chóng, kịp thời.

Tại Hội nghị, Thủ tướng đã chứng lễ kiến trao thoả thuận hợp tác về phát triển bền vững Vùng Tây Nguyên giữa Bộ KH&ĐT và các đối tác phát triển, trao giấy chứng nhận đầu tư, biên bản ghi nhớ của các địa phương trong vùng Tây Nguyên.

Theo baochinhphu.vn

 

Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top