Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã nghe Tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Agribank là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước; hoạt động của ngân hàng tạo động lực phát triển kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, gắn với việc hỗ trợ nông dân, phát triển kinh tế khu vực nông thôn, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, quy mô vốn điều lệ của Agribank đến thời điểm 31/12/2022 là ở mức thấp nhất trong nhóm các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước và không có sự cách biệt, thậm chí nhỏ hơn nhiều so với một số ngân hàng thương mại cổ phần khác.
Do đó, việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank giúp tăng quy mô vốn, tỷ lệ an toàn vốn đạt ở mức tối thiểu 8% theo đúng quy định; đồng thời tạo điều kiện cho Agribank nâng cao năng lực tài chính, mở rộng kinh doanh, gia tăng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, đặc biệt là vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; kịp thời hỗ trợ hộ nông dân, doanh nghiệp có vốn sản xuất kinh doanh…
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội về việc quyết định chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Agribank.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, việc đầu tư bổ sung vốn Nhà nước sẽ giúp Agribank cải thiện kết quả xếp hạng tín nhiệm, góp phần mở rộng hoạt động kinh doanh; gia tăng giá trị doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thực hiện cổ phần hóa và tăng giá trị thặng dư khi thực hiện cổ phần hóa.
Đồng thời, đây là cơ sở quan trọng để Agribank mở rộng quy mô hoạt động, góp phần tích cực vào quá trình thực thi chính sách tiền tệ và điều hành của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.
Căn cứ pháp luật hiện hành, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank số tiền 17.100 tỷ đồng.
Chính phủ đề xuất nguồn bổ sung vốn điều lệ của Agribank từ dự toán chi ngân sách trung ương năm 2023 đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết 70/2022/QH15. Phần còn lại được bố trí từ nguồn ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật và thực hiện chuyển cấp trong năm 2024.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, với số vốn điều lệ tăng thêm, Agribank sẽ sử dụng vào hoạt động kinh doanh trên nguyên tắc đảm bảo an toàn, hiệu quả; tăng nộp ngân sách Nhà nước; đầu tư cơ sở vật chất, đặc biệt là hạ tầng công nghệ; mở rộng hoạt động tín dụng cho nền kinh tế, đặc biệt là khu vực nông nghiệp, nông thôn; đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn đạt ở mức tối thiểu 8,0% theo quy định.
Đồng thời, việc tăng vốn giúp gia tăng giá trị doanh nghiệp cho Agribank, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình cổ phần hóa và tăng giá trị thặng dư cổ phần hóa; đảm bảo duy trì và phát huy vai trò chủ lực của nhà băng trong đầu tư phát triển nông nghiệp nông thôn, góp phần giảm nghèo cũng như góp phần tích cực vào quá trình thực thi chính sách tiền tệ và điều hành của Chính phủ, Ngân sách Nhà nước.
Thẩm tra về quyết định chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế nhất trí về sự cần thiết của việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank với những lý do như đã nêu trong tờ trình của Chính phủ.
Theo ông Vũ Hồng Thanh, việc tăng vốn điều lệ cho Agribank sẽ góp phần giúp ngân hàng này bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (8%) theo quy định; cải thiện kết quả xếp hạng tín nhiệm, mở rộng hoạt động kinh doanh và phát triển bền vững; đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là cung ứng vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về “Xây dựng nông thôn mới” và “Giảm nghèo bền vững”.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh báo cáo thẩm tra việc điều chỉnh bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.
Về hồ sơ trình quyết định chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, đối chiếu với quy định của nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng hồ sơ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank đã đủ điều kiện để Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Về cơ sở pháp lý và thẩm quyền quyết định đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, ông Thanh cho rằng, việc tăng vốn điều lệ cho Agribank là phù hợp với chủ trương của Quốc hội đã nêu tại khoản 3 Điều 6 Nghị quyết số 43/2021/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó đã giao Chính phủ: “Chỉ đạo xây dựng phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ giai đoạn 2021 - 2023 cho các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và từ nguồn ngân sách nhà nước đối với Agribank”.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, mức vốn Chính phủ đề nghị cấp bổ sung cho Agribank là 17.100 tỷ đồng. Việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho ngân hàng được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 14 của Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, khoản 1 Điều 7 của Luật Đầu tư công.
"Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách Nhà nước là bảo đảm cơ sở pháp lý và đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật", ông Thanh nói.
Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, đến nay Chính phủ mới trình Quốc hội xem xét về chủ trương quyết định bổ sung vốn điều lệ cho Agribank là chậm so với tiến độ đã nêu tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình đã giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội phương án tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước trong quý I/2022.
Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc chậm triển khai thực hiện nội dung này.
Về mức vốn và nguồn đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế nhất trí với đề xuất nêu trên của Chính phủ, cấp bổ sung vốn điều lệ cho Agribank nhằm giúp ngân hàng này nâng cao năng lực tài chính, bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn về cơ sở thực tiễn, bối cảnh hiện nay tác động đến ngân sách Nhà nước, cân đối nguồn thu, nhiệm vụ chi để bảo đảm tính khả thi của đề xuất, xây dựng dự toán năm 2024 trình Quốc hội bố trí số vốn còn lại so với tổng mức vốn Quốc hội quyết định và có phương án xử lý trong trường hợp số nộp ngân sách của Agribank trong năm 2023 không đạt như dự kiến, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, thu ngân sách Nhà nước, doanh thu và lợi nhuận của Agribank có thể không đạt được như kỳ vọng; khả năng phát hành thành công trái phiếu.
Đồng thời, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo và quy mô bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, cũng như khả năng đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn sau khi Quốc hội quyết định chủ trương.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng số vốn điều lệ cấp bổ sung cho Agribank là 6.753 tỷ đồng đã được giao tại Nghị quyết số 70/2022/QH15. Do vậy, các đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ trong tờ trình chỉ cấp bổ sung vốn điều lệ cho Agribank tối đa là 10.347 tỷ đồng. Nghị quyết này nếu được Quốc hội thông qua, Thủ tướng Chính phủ sẽ thực hiện thẩm quyền quyết định đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank tối đa là 17.100 tỷ đồng trên cơ sở cả nghị quyết này và Nghị quyết số 70/2022/QH15.
Trường hợp được Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước bảo đảm việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank theo đúng thẩm quyền quyết định, trình tự, thủ tục quy định tại Luật số 69/2014/QH13 và sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước một cách hiệu quả.
Cùng với đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ chỉ đạo Agribank tiếp tục thực hiện các giải pháp tích cực bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn theo quy định pháp luật; chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước quan tâm đến định hướng phát triển của Agribank trong thời gian tới để sử dụng hiệu quả hơn nữa vốn của Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, phát huy vai trò là một trong các ngân hàng chủ lực của nền kinh tế, ngân hàng đầu tàu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.