“Đến khi nào con được đi học?” là câu hỏi làm cho phụ huynh học sinh, thầy cô giáo, nhà quản lý giáo dục và chính quyền “đau đầu”.
Phụ huynh lo lắng
Chị Thu Huyền, ở Mỹ Đình (quận Nam, Từ Liêm, Hà Nội), có 2 con đang phải gửi cho ông bà nội chăm sóc và học tạm ở Lâm Thao (Phú Thọ), chia sẻ: Trong những ngày Hà Nội bùng phát dịch bệnh Covid-19 vừa qua, gia đình cho các cháu về ở cùng ông bà nội. Tưởng hết dịch các con sẽ về đi học, nhưng ai ngờ đến ngày 5/9 các con phải dự lễ khai giảng bằng hình thức trực tuyến, rồi phải học online đến bây giờ. Rất may, con tôi được học tạm ở một trường THCS trên địa bàn, nên cũng không ảnh hưởng gì mấy. Nhưng 17/10 vừa qua, Phú Thọ phát hiện nhiều học sinh, giáo viên mắc Covid-19 nên đã quyết định cho học sinh nghỉ học.
Cho học sinh đi học trở lại đang có nhiều ý kiến.
“Hà Nội cho phép học sinh của 18 huyện và thị xã có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2, trong vòng 14 ngày tính đến ngày 8/11 không có các ca F0 trong cộng đồng, được đi học trở lại. Tuy con tôi chưa đi học trực tiếp nhưng mấy ngày qua, số ca mắc của Hà Nội khá cao, tôi nghĩ, cho các con đi học cần phải đảm bảo tuyệt đối an toàn”, chị Huyền nói.
Không chỉ có chị Huyền, mà một phụ huynh là công chức Nhà nước (xin được giấu tên) ở Hà Nội cũng phản đối gay gắt, khi một số báo đăng tải những ý kiến của những chuyên gia, nhà quản lý, nêu quan điểm phải cho học sinh đi học.
Phụ huynh này nói: “Trước tình trạng diễn biến dịch bệnh phức tạp như thế này, tôi thà cho con ở lại lớp còn hơn để con đến trường khi mọi thứ vẫn chưa được đảm bảo an toàn. An toàn cho con trước dịch bệnh là trên hết. Do đó, tôi không đồng ý việc cho học sinh đi học trở lại”.
Còn chị T.T (phụ huynh bé L.T) tâm sự: “Tôi rất lo lắng, bởi các cháu dưới 12 tuổi chưa thể tiêm vaccine, và chắc cũng phải mất một thời gian nữa mới có vaccine. Các cháu ở độ tuổi này còn quá nhỏ, chưa có ý thức trong việc bảo đảm 5K và tránh lây nhiễm, cho nên việc trở lại trường hiện tại vẫn khá nhiều rủi ro, mặc dù tôi cũng như rất nhiều phụ huynh mong muốn cho con trở lại trường để yên tâm làm việc”.
Trẻ bị ảnh hưởng do học online quá lâu?
Chị Nguyễn Quỳnh Anh ở Thượng Thanh (Long Biên - Hà Nội) có con gái học lớp 1 lo lắng: Đây là lứa tuổi đang rất cần nhiều hoạt động để trẻ phát triển đầy đủ cả thể chất lẫn tinh thần. Do đó, con cần đến trường để vừa học chữ, vừa hoạt động ngoài trời, giao lưu với bạn bè, phát triển toàn diện. Chứ suốt ngày ngồi học online ở nhà như hiện nay, các cháu sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.
“Gia đình tôi lo cháu không phát triển được cơ thể, do không thường xuyên được vận động. Bên cạnh đó, việc học trực tuyến cũng ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển tư duy. Vì thế, tôi mong con được đến trường, còn đến trường như thế nào cho an toàn thì các cơ quan chức năng, chính quyền phải có biện pháp”, chị Quỳnh Anh nói.
Học sinh học online quá lâu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Không những lo cho con bị ảnh hưởng do phải học trực tuyến quá nhiều, số đông phụ huynh đã trở lại làm việc, đều rất mong con được đi học trở lại. Lý do là họ rất sợ con em của mình ở nhà học online không có người lớn ở nhà, sẽ gặp điều đáng tiếc xảy ra. Thực tế đã có những bài học đau xót, khi trẻ em học ở nhà gặp tai nạn như bị điện giật, điện thoại dùng học trực tuyến phát nổ...
Đấy là chưa kể việc học trực tuyến ở nhà sẽ tạo ra một lứa học sinh không trung thực, gian dối. “Tôi phát hoảng khi vô tình nghe thấy con bàn bạc với các bạn trong lớp chuẩn bị cho kỳ kiểm tra trực tuyến giữa kỳ, chúng phân công bạn nào “phụ trách” giải bài môn gì cho cả nhóm. Tôi phải báo ngay với giáo viên chủ nhiệm để tìm cách chặn ngay ý định này của các con”, chị V.H, có con học lớp 8 ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết.
Ý kiến trái chiều
Trả lời báo chí trên hành lang Quốc hội, ông Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho rằng: “Khi chưa có kế hoạch rõ về việc tiêm vaccine thì vẫn nên duy trì việc học trực tuyến. Nơi học trực tuyến khó khăn, không thể học trực tuyến, vùng xanh thì nên đi học tại trường. Với THPT, chỉ sau khi tiêm xong thì mới nên mở cửa trường trở lại; còn THCS, tùy tình hình khi gia đình, số lượng được tiêm 60 - 70% thì mở cửa lại toàn bộ”.
Học sinh ngoại thành Hà Nội trở lại trường từ 8/11 Hà Nội ưu tiên đối tượng học sinh được quay lại trường học trực tiếp là các khối lớp đầu cấp, cuối cấp và các lớp thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, thay sách giáo khoa, thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp (học sinh lớp 5, lớp 6, lớp 9, lớp 10 và lớp 12). Những khối lớp còn lại học trực tuyến. Riêng trẻ mầm non tiếp tục nghỉ học tại nhà. |
Còn theo PGS. TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nhấn mạnh quan điểm: Tiêm phủ vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em rồi mới mở cửa trường học là không phù hợp.
Lý giải vấn đề này, PGS. TS. Trần Đắc Phu cho biết, chưa nói đến nguồn cung vaccine vẫn khan hiếm, ngay cả trong trường hợp có đủ vaccine thì việc phải tiêm đủ 2 mũi để có kháng thể cũng mất nhiều thời gian. Và như thế, năm học sẽ bị kéo dài, ảnh hưởng đến học sinh, nhất là học sinh các lớp đầu cấp, cuối cấp.
Dưới góc độ của nhà quản lý, cô giáo Nguyễn Thị Bích Huyền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngọc Lâm (Long Biên), cho biết: “Tôi rất lo lắng cho việc đi học trở lại của học sinh. Nếu các em đến trường mà không được đảm bảo mọi điều kiện an toàn thì nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 là rất lớn.
Nhưng dưới góc độ người thầy, bậc cha mẹ thì thấy các con đang rơi vào một tình thế nguy hiểm. Học sinh bị nhốt trong 4 bức tường quá lâu, chỉ làm việc với máy tính hoặc điện thoại. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, gây ra những bệnh về mắt, kéo theo là ảnh hưởng đến tâm, sinh lý của trẻ và nguy cơ học sinh mắc bệnh tự kỷ.
Theo quan điểm của tôi, nên cho học sinh đến trường, nhưng nhà trường phải có phương pháp đảm bảm an toàn phòng, chống dịch. Có như thế, phụ huynh mới yên tâm cho con đến trường”.
Nếu dịch có chiều hướng xấu, Hà Nội sẽ điều chỉnh việc đi học trở lại
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị giao ban trực tuyến Ban chỉ đạo thành phố với Ban chỉ đạo các quận, huyện, thị xã về công tác phòng chống dịch Covid-19 chiều 3/11, xung quanh việc quay lại trường học của học sinh, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng chỉ đạo các đơn vị sẵn sàng mọi điều kiện theo đúng quy định. Đặc biệt, giao Sở GD-ĐT phối hợp Sở Y tế xây dựng hướng dẫn cho các đơn vị khi có các tình huống xảy ra. Chú trọng đến công tác y tế học đường nhằm đảm bảo sức khỏe cho học sinh khi đến trường…
Ông nhấn mạnh, các địa phương, nhà trường tiếp tục triển khai công tác chuẩn bị đón học sinh trở lại trường và phải đảm bảo an toàn.
Song, Phó Chủ tịch Chử Xuân Dũng cũng nêu, thời điểm thành phố ban hành văn bản đồng ý chủ trương cho học sinh đi học trở lại là lúc số ca dương tính hằng ngày khoảng trên dưới 10 ca, nhưng từ tuần này, số ca bệnh tăng, do đó nếu tình hình dịch có chiều hướng xấu hơn, số ca mắc tăng lên thì thành phố sẽ có điều chỉnh linh hoạt.
Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống Covid-19 trong trường học Trước khi HS đến trường
Khi HS đến trường
Khi HS kết thúc buổi học
|
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.