Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 23 tháng 11 năm 2022 | 11:24

Chủ động phòng chống dịch bệnh cho gia cầm

Hiện nay, đang vào thời điểm các bệnh cúm gia cầm phát triển mạnh, để bảo đảm an toàn cho đàn gia cầm, các địa phương cần chủ động lên phương án phòng chống dịch bệnh và xử lý ngay khi ổ dịch bùng phát.

Xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm

Vừa qua tại khối 2, thị trấn Hưng Nguyên xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm H5N1 trên đàn vịt hơn 2.000 con. Hiện nay, huyện Hưng Nguyên đang tập trung khoanh vùng dập dịch, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

Lực lượng chức năng huyện Hưng Nguyên tiêu hủy đàn vịt nhiễm bệnh. Ảnh: Thanh Tâm

Ổ dịch được ghi nhận trên đàn vịt của hộ gia đình ông Trần Văn Dương, khối 2, thị trấn Hưng Nguyên. Đàn vịt có tổng 2.000 con trong đó có 600 con vịt đẻ và 1.400 con vịt thịt 40 ngày tuổi chăn nuôi theo hình thức chạy đồng.

Ngay sau khi nhận được tin báo của hộ ông Dương, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cử cán bộ kỹ thuật đến lấy mẫu bệnh phẩm đưa đến Chi cục Thú y vùng 3 để xét nghiệm. Sáng 22/11, ngay sau khi có kết quả xét nghiệm đàn vịt của hộ ông Dương dương tính với vi rút cúm gia cầm H5N1.

Chi cục Thú ý vùng 3, Chi cục Chăn nuôi thú ý tỉnh Nghệ An, Phòng Nông nghiệp, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, chính quyền thị trấn Hưng Nguyên đã đến tận trang trại của hộ ông Trần Công Dương để kiểm tra tình hình, điều tra dịch tễ, tiến hành tiêu hủy đàn vịt của hộ ông Dương theo quy định.

Ngày 18/11, tại xã Nghi Đức, TP. Vinh đã xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm H5N1 nguy hiểm, có khả năng lây sang người. Địa phương đã tiến hành khoanh vùng khu vực nguy hiểm và tiêu hủy số lượng gà nhiễm bệnh.

Thành phố yêu cầu phủ kín vắc xin trên gia cầm tại xã Nghi Đức và các địa phương lân cận. Ảnh: Nguyên Châu

Sau khi nhận được thông tin, đoàn công tác của Sở Nông nghiệp & PTNT, Chi cục Chăn nuôi & Thú y và thành phố Vinh đã có mặt tại xã Nghi Đức để chỉ đạo công tác dập dịch với quyết tâm cao nhất không để dịch lây lan trên diện rộng.

Ngoài ra, thành phố cũng ban hành văn bản hỏa tốc, chỉ đạo các địa phương lân cận, nằm trong vùng nguy cơ cao như Nghi Phú, Hưng Lộc, Nghi Ân... chủ động các biện pháp phòng dịch như tăng cường tiêm vắc xin, vệ sinh chuồng trại, kiểm soát chặt việc mua bán gia cầm trên địa bàn.

Sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh

Để chủ động bảo vệ hiệu quả đàn vật nuôi cũng như đảm bảo sức khỏe cho người dân, công tác phòng, chống bệnh CGC đang được triển khai tích cực. Ngày 14/11, UBND tỉnh Quảng Trị đã có công văn số 5774/UBND-KT yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm (CGC) trên địa bàn tỉnh.

Tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm cho đàn gia cầm đảm bảo tỉ lệ từ 80% trở lên - Ảnh: L.A

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) Nguyễn Trung Hậu, tại tỉnh Quảng Trị, hiện nay mặc dù các địa phương vẫn đang tổ chức tiêm phòng vắc xin CGC nhưng tỉ lệ tiêm phòng đang đạt rất thấp, nhất là tại các vùng chăn nuôi gia cầm trọng điểm, ổ dịch cũ ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và Triệu Phong nên nguy cơ bệnh CGC có thể bùng phát và lây lan ra diện rộng trong thời gian tới là rất cao. Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh CGC A/H5, cần chủ động ngăn chặn các ổ dịch CGC trên gia cầm, hạn chế thấp nhất vi rút CGC lây nhiễm và gây tử vong cho người, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi.

Hiện nay, mặc dù tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi nói chung và đàn gia cầm nói riêng trên địa bàn tỉnh đang được kiểm soát, không ghi nhận các ổ dịch mới phát sinh; các ổ dịch cũ đều đã qua 21 ngày không phát sinh thêm dịch bệnh. Tuy nhiên, theo nhận định của Chi cục CN&TY, do thời tiết đang bước vào giai đoạn mưa rét, sức đề kháng của vật nuôi giảm, môi trường ẩm ướt thuận lợi cho sự phát triển của tác nhân gây bệnh.

Bên cạnh đó, các tháng cuối năm là thời điểm nhiều hộ tái đàn, tăng đàn, nhu cầu vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm tăng cao để phục vụ cho tết Nguyên đán nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất lớn. Do đó, UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai quyết liệt, đồng bộ công tác tiêm vắc xin phòng bệnh cúm cho gia cầm, đẩy mạnh các giải pháp phòng, chống bệnh CGC.

Ông Nguyễn Trung Hậu nhấn mạnh, do bệnh CGC có khả năng lây lan sang người nên các hộ nuôi cần báo ngay cho cơ quan thú y và chính quyền địa phương khi phát hiện gia cầm mắc bệnh nhằm kịp thời phát hiện, xử lý triệt để ổ dịch tránh lây lan trên diện rộng. Tuyệt đối không giấu dịch, không tự vận chuyển gia cầm bị mắc bệnh, nghi mắc bệnh ra khỏi vùng dịch, không vứt xác gia cầm chết bừa bãi nhằm bảo vệ an toàn cho sức khỏe của hộ nuôi và người dân xung quanh.

“Để chủ động phòng, chống vi rút CGC lây sang người, theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, người dân tuyệt đối không ăn gia cầm mắc bệnh, không ăn tiết canh gia cầm và các sản phẩm gia cầm chưa nấu chín; khi tiếp xúc với gia cầm phải có bảo hộ cá nhân; rửa tay bằng nước sạch và xà phòng sau khi tiếp xúc, chế biến gia cầm; chỉ mua gia cầm, sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, đã được cơ quan thú y kiểm soát để sử dụng làm thực phẩm”, ông Hậu lưu ý thêm.

Tiêm phòng cho gia cầm, gia súc là một trong những biện pháp để phòng chống dịch bệnh hiệu quả nhất, tại huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) đã triển khai tiêm phòng vắc xin bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng, viêm da nổi cục, dịch tả lợn Châu phi cho hơn 47 nghìn con gia súc.

Hiện nay, các địa phương và ngành nông nghiệp ở Vũ Quang đang đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, tăng cường công tác kiểm tra, bảo quản tốt các loại vắc-xin được cấp và chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện, kinh phí để tổ chức tiêm phòng đạt kết quả cao và dự kiến hoàn thành trước ngày 27/11.

Đặc biệt, người dân phải tập trung theo dõi sức khỏe vật nuôi sau tiêm, cho ăn uống đầy đủ dưỡng chất, giữ gìn vệ sinh chuồng trại, không mua hoặc nuôi nhốt chung với những con gia súc có dấu hiệu bị các loại bệnh…

Đây là thời điểm nguy cơ bùng phát dịch trong năm, nhất là sau các đợt mưa lũ vừa qua, virus có điều kiện để phát triển. Do đó, người chăn nuôi phải tập trung tiêm phòng, đảm bảo vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng thường xuyên. Khi gia cầm có triệu chứng, người dân cần lập tức báo ngay với cơ quan chức năng, không tự ý tiêu hủy. Bà con cần nâng cao ý thức bảo vệ đàn vật nuôi, nhất là trong thời điểm Tết đến, Xuân về.

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Mới đây, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã quyết định xuất hơn 1.266,829 tấn gạo để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi Thanh Hóa đã có thành tích tốt trong công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.

Top