Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024 | 15:26

Chủ động phòng ngừa dịch bệnh cho vật nuôi, người dân Bát Xát yên tâm làm kinh tế

Nhờ chủ động thực hiện việc tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm và thường xuyên tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường mà nông dân huyện Bát Xát (Lào Cai) đã ngăn chặn được dịch bệnh, giảm thiểu những thiệt hại không đáng có trong phát triển kinh tế.

Không còn trâu, bò chết bệnh

Thôn Ná Nàm vốn là “vựa trâu” của xã Bản Qua, có 13/69 hộ dân nuôi trâu nhưng có tổng đàn lên tới 112 con, trung bình mỗi hộ có gần 10 con trâu.

Ông Chảo A Sính, một người dân trong thôn có kinh nghiệm nuôi trâu 20 năm nay, chia sẻ: “Gia đình hiện nuôi 9 con trâu, trong đó có 4 con trâu mẹ, một con trâu đực và 4 con nghé gần đến độ xuất bán. Nếu tính bình quân mỗi con nghé hơn 1 năm tuổi bán với giá khoảng 20 triệu đồng, gia đình có thu được 80 triệu đồng/năm. Cũng có năm tôi để lại nuôi, nâng số lượng đàn lên hơn 10 con”.

Kinh nghiệm chăn nuôi cũng như cách chăm sóc đã được cán bộ khuyến nông, thú y “rỉ tai” như “mưa dầm thấm lâu” khiến kinh tế của gia đình ông Sính ngày càng phát triển.

Cán bộ thú y xã Bản Qua tiêm vắcxin phòng bệnh cho trâu.

Theo ông Sính, khoảng 3 năm trước, nhiều người dân trong thôn Ná Nàm không quan tâm đến việc tiêm phòng, cán bộ thú y đến còn gây khó dễ, tìm mọi lý do để không tiêm vắcxin phòng bệnh cho trâu. Cùng với đó, thói quen sinh hoạt không hợp vệ sinh cũng khiến trâu mắc bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng. Trâu đang bình thường bỗng lăn đùng ra chết vì bị tụ huyết trùng cấp do khó thở, chướng bụng đều rơi vào những hộ không tiêm phòng. Đến nay, bà con đã thực hiện đầy đủ theo hướng dẫn của cán bộ thú y nên trong thôn không còn tình trạng trâu chết bệnh.

Ông Nguyễn Quang Chiến, phụ trách Trạm Thú y Bát Xát cho biết, để từng bước đẩy lùi và tiến tới thanh toán các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, giảm thiểu tối đa thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi, cán bộ thú y đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp và các ngành có liên quan thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi trong việc tạo miễn dịch chủ động cho đàn gia súc, gia cầm, nhằm ngăn ngừa dịch bệnh nguy hiểm phát sinh và lây lan, đảm bảo cho chăn nuôi trên địa bàn huyện phát triển ổn định.

Hàng năm, Trạm Thú y huyện Bát Xát xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm định kỳ, đợt 1vào các tháng 3-4, đợt 2 vào tháng 9-10. Đối với lợn và gia cầm, ngoài 2 kỳ tiêm chính còn tiêm bổ sung khi người dân tái đàn. Công tác tiêm phòng được triển khai đến từng hộ gia đình có gia súc, gia cầm đảm bảo tỉ lệ tiêm phòng đạt 100% số gia súc trong diện phải tiêm. Xử lý nghiêm những trường hợp không chấp hành tiêm phòng theo quy định.

Riêng trong đợt 1/2024, Trạm Thú y Bát Xát còn phối hợp với 21/21 xã, thị trấn tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường tại 174 thôn, tổ dân phố, tổ chức các đội vệ sinh, huy động các phương tiện tại chỗ như bình phun động cơ, bình phun tay, phun thuốc sát trùng cho khu vực chăn nuôi nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình, khu dân cư giáp đường biên giới, chợ buôn bán gia cầm, nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm, khu nhốt giữ động vật, sản phẩm động vật nhập lậu.

Người dân khử trùng, tiêu độc khu vực chuồng trại.

Chủ động tiêm phòng vắcxin

Bà Đặng Thị Nhâm (thôn Sơn Hà, xã Bản Vược) chia sẻ: “Gia đình nuôi 14 con trâu, bò, hơn 60 con dê và hơn 10 con lợn. Từ năm 2016 đến nay, gia đình chú trọng tiêm phòng vắcxin đầy đủ theo hướng dẫn của cán bộ thú y như: đàn trâu, bò tiêm vắc xin lở mồm long móng, tụ huyết trùng. Đàn lợn tiêm 1 mũi phòng 3 bệnh (dịch tả lợn cổ điển, tụ huyết trùng, phó thương hàn lợn). Tôi cũng tiêm cả vắcxin cúm gia cầm và vắcxin dại trên gà, vịt và chó, đây đều là những thuốc được nhà nước hỗ trợ 100%. Từ khi thực hiện tiêm phòng đầy đủ  và thường xuyên vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại cho vật nuôi, hàng năm đàn gia súc của gia đình phát triển ổn định hơn rất nhiều. Riêng năm 2023, đàn trâu, bò đẻ được 5 con; đàn dê được hơn chục con, xuất bán cũng thu về hơn trăm triệu đồng. Vì vậy, ngoài các loại vắcxin được nhà nước hỗ trợ, mỗi năm gia đình còn đầu tư thêm vài triệu đồng để mua thuốc phòng chống bệnh trên đàn dê”.

Tiêm vắcxin phòng bệnh dại cho chó.

Ông Nguyễn Quang Chiến cho biết, trước mỗi đợt tiêm, cán bộ thú y xã phối hợp với các thôn, bản thống kê đàn gia súc, tổ chức họp thôn bản để tuyên truyền cho người dân hiểu được lợi ích to lớn của việc tiêm phòng, từ đó người dân tự nguyện tham gia. Đồng thời, cán bộ thú y xã phải chuẩn bị  đầy đủ dụng cụ, vật tư, vắc xin phục vụ cho công tác tiêm phòng, triển khai kế hoạch tiêm phòng theo đúng thời gian quy định. Đặc biệt, khuyến khích các tổ chức, cá nhân chăn nuôi  trên địa bàn huyện chủ động đầu tư kinh phí mua các loại vắc xin khác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm như: Viêm da nổi cục, dịch tả lợn Châu Phi, lép tô, suyễn, ecôli, viêm phổi, màng phổi, lở mồm long móng lợn, tai xanh, Niucátxơn (gà rù), tụ huyết trùng, Gumboro…

Đến nay, hầu hết các cơ sở, hộ chăn nuôi trên địa bàn đã chủ động thực hiện, nhất là việc chủ động đầu tư kinh phí mua vôi bột, hàng tuần rắc vôi bột khu vực chăn nuôi và xung quanh; Nhà nước hỗ trợ hóa chất khử trùng tiêu độc cho khu vực công cộng, đường làng, ngõ xóm.

 

Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top