Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 4 tháng 12 năm 2023 | 16:15

Chủ tịch nước, Thủ tướng quán triệt Nghị quyết T.Ư 8 đến hơn 1,4 triệu đảng viên

Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu Trung ương tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội đến 16.242 điểm cầu các ban, bộ, ngành, đoàn thể, các đơn vị ở trung ương và địa phương trên toàn quốc, với hơn 1 triệu 441 nghìn cán bộ, đảng viên tham dự.

Sáng 4/12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Dự hội nghị có các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai. Cùng dự Hội nghị có các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy trong cả nước.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu Trung ương tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội đến 16.242 điểm cầu các ban, bộ, ngành, đoàn thể, các đơn vị ở trung ương và địa phương trên toàn quốc, với hơn 1 triệu 441 nghìn cán bộ, đảng viên tham dự Hội nghị.

Quán triệt Nghị quyết 43 về "Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc",  Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã khái quát lại những kết quả sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 23 của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, trong đó đặc biệt nhấn mạnh quyền làm chủ của nhân được coi trọng, ngày càng đi vào thực chất, nhất là dân chủ trực tiếp, dân chủ cơ sở. Nhân dân tham gia, quyết định chính sách liên quan đến cuộc sống, những vấn đề lớn và hệ trọng của đất nước. Đồng thời tăng cường hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh... Tuy nhiên, một số chính sách chưa sát với thực tiến; đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo còn khó khăn; phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" còn hạn chế...

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng quán triệt Nghị quyết 43 về "Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc".

Đoàn kết đầu tiên là đoàn kết trong Đảng

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nêu rõ lý do Nghị quyết 43 được ban hành vào thời điểm hiện nay: "Nội dung, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 23 chúng ta đã thực hiện cơ bản xong, nhưng vấn đề phát huy truyền thống và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là một vấn đề xuyên suốt và lâu dài. Cho nên, chúng ta phải tính toán nội dung, nhiệm vụ, giải pháp cho vấn đề này trong tình hình mới. Lý do thứ hai là, qua 20 năm thực hiện Nghị quyết 23 thì Trung ương cũng đánh giá, còn một số hạn chế khuyết điểm và cũng rút ra một số bài học kinh nghiệm, thực hiện vấn đề này tốt hơn. Lý do thứ ba, đó là thực tiễn sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 23 và gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, tình hình thế giới và trong nước đã có nhiều thay đổi, nhận thức về đoàn kết về đại đoàn kết cũng có nhiều yếu tố mới".

Chủ tịch nước nhấn mạnh: Trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, đòi hỏi phải đẩy mạnh, phát huy cao độ truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Do đó, Nghị quyết 43 đặt quan điểm tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của đại đoàn kết toàn dân tộc.

"Thứ nhất, đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu: cái này ai cũng thấy rõ; thứ hai đoàn kết là đường lối chiến lược và xuyên suốt của Đảng; thứ ba, đó là nguồn sức mạnh to lớn, nhân tố có ý nghĩa quyết định. Nếu mà nói là "nhân tố quyết định thắng lợi thì không có đại đoàn kết thì không thể có thắng lợi được". Bác Hồ nói là "đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công". Đoàn kết đầu tiên là đoàn kết trong đảng; đoàn kết kế tiếp là đoàn kết trong dân và đoàn kết thứ 3 là đoàn kết quốc tế. Nếu chúng ta đoàn kết trong Đảng thì chúng ta có thành công, nếu chúng ta có đoàn kết trong Đảng và đoàn kết trong dân thì là chúng ta có thành công lớn hơn và nếu chúng ta có đoàn kết trong Đảng, trong dân và đoàn khách quốc tế thì chúng ta sẽ đạt được tới đại đoàn kết, thành công lớn hơn", Chủ tịch nước nêu rõ.

Nhấn mạnh, Nghị quyết 43 đặt ra mục tiêu tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến và xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, vì thế, theo Chủ tịch nước: "Mỗi người có suy nghĩ khác nhau, thậm chí yêu nước bằng một cách riêng của mình, nhưng điểm chung nhất để hội tụ mọi người Việt Nam yêu nước thì lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 làm điểm tương đồng. Đường lối cơ bản, mục tiêu phát triển là phải thống nhất, lấy mục tiêu xây dựng đất nước, phồn vinh hạnh phúc trở thành nước phát triển có thu nhập cao là mục tiêu để tập hợp".

Chủ tịch nước nêu rõ: Phương thức quan trọng để phát huy truyền thống sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là: Đoàn kết toàn dân tộc phải gắn với phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền làm chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Giải quyết tốt quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, nâng cao đời sống của nhân dân. Đồng thời nhấn mạnh: đại đoàn kết là sự nghiệp của toàn dân, là trách nhiệm của Đảng giữ vai trò quan trọng và cả hệ thống chính trị...Thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc góp phần thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thủ tướng Phạm Minh Chính quán triệt Nghị quyết 42 về "Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn mới".

Xây dựng hệ thống chính sách xã hội theo hướng bền vững

Quán triệt Nghị quyết 42 về "Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn mới", Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ quan điểm ban hành Nghị quyết là chăm lo cho con người, vì con người, lấy con người làm trung tâm, là mục tiêu, động lực, nguồn lực để phát triển bền vững đất nước. Đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội theo hướng toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững; Đầu tư cho chính xã hội hội là đầu tư cho phát triển. Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh việc đổi mới công tác quản lý, tăng cường phân cấp, phân quyền, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân.

"Hiện nay chính sách xã hội có những nội dung Trung ương làm đến tận cấp xã. Không phân cấp thì nhiều văn bản. Đáng lý việc của xã thì Trung ương phải làm thì lại phải có văn bản; Việc của huyện Trung ương cũng làm; Việc của tỉnh thì Trung ương cũng làm... Nhiều văn bản mà càng hướng dẫn nhiều văn bản lại càng rối. Vấn đề này phải thống nhất quan điểm phân cấp, phân quyền. Phân cấp, phân quyền thì phải đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi; tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát đầu ra. Hiện nay chúng ta đang tập trung kiểm soát đầu vào. Đặc biệt phải phát huy tính chủ động sáng tạo của người dân. Vấn đề là chúng ta có cơ chế chính sách để cho họ phát huy tối đa năng lực sáng tạo, tính chủ động. Đây là cơ chế chính sách, đây là việc Nhà nước phải làm", Thủ tướng nêu rõ.

Nghị quyết 42 đặt mục tiêu xây dựng hệ thống chính sách xã hội theo hướng bền vững, tiến bộ và công bằng, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Hoàn thiện hệ thống chính sách an sinh xã hội đa dạng, đa tầng, toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững; tạo cơ hội cho nhân dân, nhất là người có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là y tế, giáo dục, nhà ở, thông tin. Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hội nhập quốc tế.

Để đạt được các mục tiêu trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ những mục tiêu chủ yếu đến năm 2030, trong đó có đảm bảo 100% người có công và gia đình người có công với cách mạng được chăm lo toàn diện về vật chất, tinh thần; Tỉ lệ thất nghiệp chung dưới 3%; 60% người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội và trợ cấp hưu trí xã hội; trên 95% dân số tham gia bảo hiểm y tế; 95% người dân sử dụng dịch vụ chăm sóc ban đầu tại cơ sở đực bảo hiểm y tế chi trả; xây dựng được ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp...

Về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ những điểm mới mang tính tổng thể, hệ thống, toàn diện.

"Một là nhóm nhiệm vụ nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò chính sách xã hội. Cái này phải tăng cường truyền thông, quyết tâm xây dựng và thực hiện chính sách xã hội theo hướng bền vững. Nhóm giải pháp thứ hai, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về chính sách xã hội. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về chính sách xã hội, đảm bảo đồng bộ thống nhất khả thi phù hợp và tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế. Nhóm thứ ba là nhiệm vụ thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Quan tâm hơn nữa, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người có công. Tiếp tục nâng cao mức chuẩn trợ cấp phụ cấp ưu đãi để có chính sách ưu tiên trong chăm sóc sức khỏe nhà ở, giáo dục đào tạo, việc làm, sản xuất, tiếp cận các dịch vụ xã hội", Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh việc Bộ Chính trị ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết; lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, kịp thời, tạo chuyển biến trong nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị về chính sách xã hội. Các tỉnh ủy, thành ủy thực hiện Nghị quyết phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao, định kỳ kiểm tra, đánh giá việc thực hiện. Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, cụ thể hóa, hoàn thiện hệ thống pháp luật về chính sách xã hội, sớm đưa nội dung Nghị quyết vào cuộc sống.

 

 

 

Theo vov.vn
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top