Sáng 29/4 (tức 10/3 năm Quý Mão), tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Thọ thay mặt đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài, tổ chức trọng thể Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tới dự và dâng hương.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước tại Đền Thượng.
Cùng dự buổi lễ có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; Đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Dự lễ còn có các đồng chí: Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố và hàng ngàn người dân cũng đã có mặt từ sớm để dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng.
Đúng 6 giờ 30 phút, đoàn hành lễ khởi hành lên đỉnh Nghĩa Lĩnh linh thiêng. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Đúng 6 giờ 15 phút, các đại biểu đã tề tựu đông đủ trước sân hành lễ tại khu Trung tâm Lễ hội Đền Hùng. Trong không khí trang nghiêm cùng với tiếng nhạc hội hùng tráng, 6 giờ 30 phút, đoàn đại biểu cùng khối nghi thức, đội rước kiệu, lễ vật khởi hành từ sân Trung tâm Lễ hội Đền Hùng, dần tiến qua Nghi môn, đền Hạ, đền Trung lên đền Thượng.
Đúng 6 giờ 30 phút, đoàn hành lễ khởi hành lên đỉnh Nghĩa Lĩnh linh thiêng. Ảnh: Trung Kiên/TTXVN
Đúng 6 giờ 30 phút, đoàn hành lễ khởi hành lên đỉnh Nghĩa Lĩnh linh thiêng. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN
Đi đầu đoàn hành lễ là đội tiêu binh rước Quốc kỳ, cờ hội và vòng hoa mang dòng chữ "Đời đời nhớ ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước". Theo sau là các thiếu nữ mặc áo dài đỏ mang hương, hoa, lễ vật và 100 con Lạc, cháu Hồng trong trang phục cổ, tay giương cao cờ hội, thể hiện sức sống mãnh liệt của dòng giống Tiên Rồng, cùng đoàn rước kiệu dâng lễ vật hương, hoa, bánh chưng, bánh giầy gắn liền với truyền thuyết về vị hoàng tử Lang Liêu và quan niệm Trời tròn - Đất vuông của cha ông ta.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước dự Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng năm Quý Mão – 2023. Ảnh: Trung Kiên/TTXVN
Tiếp đó là đoàn đại biểu lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, các cơ quan Trung ương, các địa phương; lãnh đạo tỉnh Phú Thọ, các sở, ngành, đoàn thể, huyện, thành, thị và nhân dân về dự Lễ dâng hương.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước thực hiện nghi lễ tại Đền Thượng trong Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Tại Điện Kính Thiên, trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh linh thiêng, với tấm lòng thành kính tri ân công đức Tổ tiên, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo địa phương vào Thượng cung dâng hương, hoa, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc các bậc tiền nhân đã có công dựng nước để con cháu nối tiếp truyền thống Lạc Hồng xây dựng đất nước Việt Nam giàu đẹp, văn minh như ngày hôm nay.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước làm lễ tại Đền Thượng. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN.
Trong giờ phút thiêng liêng của ngày giỗ Tổ, triệu triệu con tim người Việt ở trong và ngoài nước, cùng hướng về Đền Hùng với tấm lòng thành kính để tưởng nhớ, tri ân công đức các Vua Hùng, các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước.
Thay mặt hơn 90 triệu con dân đất Việt, ông Bùi Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ kính cẩn đọc Chúc văn tưởng niệm các Vua Hùng, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước; kính cáo trước anh linh các bậc tiền nhân về những thành tựu to lớn mà toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta đã đạt được trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước. Tưởng nhớ về Tổ tông, các Vua Hùng đã khơi mạch nguồn dân tộc, lập nên Nhà nước Văn Lang, đặt nền móng cho sự phát triển trường tồn của quốc gia, dân tộc.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước thực hiện nghi thức tại Đền Thượng trong Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường. Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, đất nước ta phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức; nhiều vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn cần giải quyết. Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ; sự chủ động, tích cực, đồng hành của Quốc hội; sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương; cùng sự đoàn kết, đồng lòng của toàn dân, đất nước ta đã từng bước vượt qua khó khăn; xử lý hiệu quả các vấn đề tồn đọng; ứng phó kịp thời những thách thức phát sinh; thích ứng linh hoạt, phù hợp với tình hình mới; tạo thuận lợi thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm trong điều kiện gặp nhiều khó khăn. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế tiếp tục được triển khai đồng bộ, toàn diện, linh hoạt, hiệu quả. Quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; giữ vững độc lập, chủ quyền, môi trường hòa bình, ổn định. Tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước, sức mạnh tổng hợp của quốc gia - dân tộc không ngừng được nâng cao; tiếp tục khẳng định bản lĩnh, trí tuệ lãnh đạo của Đảng và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tại Đền Thượng trong Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Trước anh linh Tiên Tổ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Thọ nguyện tiếp nối truyền thống Tiên Rồng, phát huy cao độ lòng yêu nước và tinh thần cách mạng; nỗ lực phấn đấu hết mình vì sự nghiệp dựng nước và giữ nước của cha ông. Tiếp tục đổi mới tư duy và hành động tích cực, hiệu quả hơn nữa, phát huy ý chí tự lực tự cường và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, đưa đất nước phát triển ngày càng hùng cường, thịnh vượng, làm rạng danh cơ đồ dân tộc.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ vinh dự được thay mặt đồng bào cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài giữ gìn lăng miếu Tổ Tiên. Nguyện đoàn kết một lòng, xây dựng quê hương đất Tổ ngày càng giàu mạnh; chăm lo tu bổ, tôn tạo nơi thờ tự để con cháu Lạc Hồng đời đời thờ phụng.
Con cháu Lạc Hồng nguyện mãi khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước/Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Cầu mong Thánh Tổ phù hộ cho xã tắc thịnh vượng, quốc thái, dân an, bách gia trăm họ, vạn đại trường tồn. Độ trì cho mưa thuận, gió hòa, nhân khang, vật thịnh; cả nước vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra. Con cháu Lạc Hồng trên khắp mọi miền đất nước, kiều bào ta ở nước ngoài luôn mạnh khỏe, bình an, vui hưởng thái hòa.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dâng hoa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong”. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dâng hoa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong”. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Tiếp đó, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các đại biểu đặt vòng hoa, thắp hương tại Lăng Hùng Vương; dâng hoa tại Bức phù điêu Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong tại Ngã năm Đền Giếng.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dâng hương tại Lăng Vua Hùng. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Các đại biểu dâng hương tại Lăng Vua Hùng. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Cùng thời điểm này, tại các địa phương nơi có đền thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên cả nước và trong toàn tỉnh Phú Thọ đồng loạt tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng theo nghi lễ truyền thống.
Ngay sau Lễ dâng hương, hàng triệu đồng bào trong nước, kiều bào ở nước ngoài và bạn bè quốc tế đã thành kính tri ân công đức Tổ tiên, dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng và tham gia các hoạt động văn hóa truyền thống.
Để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho ngày Giỗ Tổ Hùng vương 2023, từ 6 giờ sáng, gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội và đoàn viên thanh niên được huy động để bảo vệ an ninh trật tự cho lễ dâng hương. Ban Tổ chức bố trí lực lượng công an, đoàn viên thanh niên lập hàng rào mềm hai bên từ sân trung tâm lễ hội lên tới cổng đền.
Đông đảo nhân dân chờ đến giờ để dâng hương bái Tổ. Ảnh: Trung Kiên/TTXVN.
Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần lễ du lịch Đất Tổ năm nay diễn ra trùng vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, vì vậy du khách thập phương, đồng bào cả nước về Đền Hùng tham gia các hoạt động Giỗ Tổ tăng cao. Ngày chính giỗ, hàng ngàn người dân cũng đã có mặt từ sớm chờ dâng hương.
Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay được gắn với Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023 với nhiều hoạt động phong phú, thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo vùng Đất Tổ. Tỉnh Phú Thọ đã chuẩn bị kỹ lưỡng bảo đảm phần lễ trang nghiêm, trọng thể, thành kính mang tính cộng đồng sâu sắc.
Các hoạt động phần hội được tổ chức vui tươi, lành mạnh gắn kết chặt chẽ với du lịch, nhằm giới thiệu, quảng bá, tôn vinh những giá trị của di sản văn hóa độc đáo vùng đất Tổ.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.