Ngày 23/11, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến dự Lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng trận Hiệp Hoà (23/11/1963-23/11/2023) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh do Tỉnh uỷ, HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Long An tổ chức.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã gắn Huân chương Hồ Chí Minh lên lá cờ truyền thống của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Long An
Long An là vùng đất có bề dày lịch sử - văn hóa và vị trí chiến lược quan trọng trong công cuộc đấu tranh, bảo vệ tổ quốc, thể hiện rõ qua 2 trận đại chiến 1940 và ngày 23 /11/1963.
Ngay từ buổi đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, người dân Long An đã dũng cảm đứng lên giương cao cờ nghĩa với hình tượng tiêu biểu là người nghĩa sĩ nông dân trong tay chỉ có “một ngọn tầm vông” mà vẫn “đạp rào lướt tới, coi giặc như không”. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Châu Văn Liêm - Bí thư Liên tỉnh Gia Định - Chợ Lớn và đồng chí Võ Văn Tần (khi ấy là Bí thư Quận ủy Đức Hòa) lãnh đạo hơn 5.000 nông dân Đức Hòa tập trung trước dinh Quận trưởng đấu tranh chống sưu cao thuế nặng, chống đàn áp vào 4/6/1930.
Với vị trí là địa bàn giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, Long An là 02 trong 09 tỉnh, thành diễn ra khởi nghĩa sớm và mạnh mẽ nhất trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ vào đêm 22, rạng sáng 23/11/1940, góp phần làm rung chuyển toàn bộ hệ thống bộ máy cai trị thuộc địa mà thực dân Pháp đã dày công tạo dựng nên trong ngót 80 năm kể từ ngày chúng xâm lược nước ta.
Với thành tích đặc biệt của đội quân khởi nghĩa Nam Kỳ đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, ngày 14/4/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 163/SL tặng thưởng “Đội quân khởi nghĩa Nam Bộ” Huân chương quân công hạng nhất. Thật tự hào vì trong thành quả chung ấy có phần đóng góp xứng đáng của quân và dân hai tỉnh: Chợ Lớn, Tân An, tức tỉnh Long An ngày nay.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho lãnh đạo tỉnh Long An.
Từ sau phong trào Đồng Khởi (1959 - 1960), đế quốc Mỹ đã đề ra chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, cụ thể hóa với 3 biện pháp chủ yếu mà trọng tâm là lập “ấp chiến lược”. Trước tình thế trên, tháng 9/1963, Tỉnh ủy Long An chủ trương đẩy mạnh công cuộc phá “ấp chiến lược” lên qui mô rộng lớn hơn và Hiệp Hòa - một trung tâm, căn cứ biệt kích vào loại lớn nhất ở Nam Bộ lúc bấy giờ đã được chọn làm mục tiêu tiến công tiêu diệt nhằm gây tiếng vang, phá hủy căn cứ và thu vũ khí bổ sung cho lực lượng của ta.
Chiến thắng trận Hiệp Hòa năm 1963 là kết quả của sự đoàn kết nhất quán và ý chí đấu tranh cao độ giữa quân và dân Long An, mở đầu một chương oanh liệt trong lịch sử kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước của quân dân và Đảng bộ Long An. Thắng lợi này còn là một điển hình về sự vận dụng và tạo sức mạnh tổng hợp bằng cách kết hợp chặt chẽ 3 mũi giáp công: Quân sự, chính trị, binh vận. Chiến thắng Hiệp Hòa còn có ý nghĩa thực tiễn đối với chiến trường Nam bộ, mở rộng được hành lang nối liền miền Đông Nam Bộ với miền Tây Nam Bộ và Đông Nam Campuchia.
Từ sau ngày thống nhất đất nước, dưới sự lãnh đạo năng động, đổi mới, sáng tạo của Đảng bộ tỉnh, tỉnh Long An không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên, tiếp tục đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực.
Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã trao Huân chương Hồ Chí Minh tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân tỉnh Long An đã có công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.
Dự và phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa chúc mừng và biểu dương những kết quả, thành tích xuất sắc mà Đảng bộ và nhân dân Long An đã không ngừng nỗ lực phấn đấu để đạt được trong thời gian qua. Sau những ngày đầu đứng lên đồng khởi, nhân dân Long An đã vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, cùng nhân dân cả nước đánh thắng mọi chiến lược chiến tranh của địch, kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, tô đậm thêm truyền thống: trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc của Đảng bộ và nhân dân Long An.
Phát huy truyền thống anh hùng trong kháng chiến, trong công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ và nhân dân Long An đã khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, chủ động, sáng tạo vận dụng các nghị quyết Trung ương, đạt được những thành tựu nổi bật…
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ, kỷ niệm 60 năm Chiến thắng trận Hiệp Hòa và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh, chúng ta ghi nhớ công lao, sự nghiệp và tấm gương hy sinh của các Anh hùng, liệt sĩ, của quân và dân Long An giàu truyền thống cách mạng. Trách nhiệm của thế hệ hôm nay và mai sau là phải tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, học tập những tấm gương yêu nước sáng ngời, sáng tạo trước những tình hình khó khăn, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương Long An ngày càng giàu đẹp…
Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út phát biểu tại buổi lễ.
Trong không khí vui tươi và đầy tự hào, thay mặt Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Long An, Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út trân trọng cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các bộ ngành Trung ương đã giúp cho tỉnh đạt được những thành tích như ngày hôm nay.
Đồng thời, kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, các lực lượng vũ trang và nhân dân trong tỉnh, những người con Long An đang sinh sống, làm việc, công tác, học tập ở trong và ngoài nước tiếp tục phát huy truyền thống, hào khí quê hương anh hùng cách mạng, cùng nhau hợp sức, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn thử thách, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và sâu rộng công cuộc đổi mới, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
Tầm nhìn xa của Long An tới năm 2045 sẽ đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế và kết nối giao thương hoà bình giữa Long An nói riêng và Việt Nam nói chung với nước bạn láng giềng Campuchia.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng các đồng chí lãnh đạo dâng hương tưởng niệm đồng chí Võ Văn Tần và các anh hùng liệt sỹ.
* Trước khi tham dự buổi lễ, tại Khu di tích lịch sử Ngã tư Đức Hòa – thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và đoàn công tác đã tới dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ đồng chí Võ Văn Tần (sinh năm 1891 - hy sinh năm 1941), người sáng lập chi bộ Đảng đầu tiên của Nam Kỳ, nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ. Đồng chí là người chiến sĩ cộng sản kiên trung, vị lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và Nhà nước, dâng hiến trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Trong quá tình hoạt động cách mạng, giữa năm 1940, ông bị địch bắt, giam giữ, tra tấn dã man. Không thể khuất phục được người cộng sản kiên cường, ngày Q28/8/1941, thực dân Pháp đã xử bắn đồng chí Võ Văn Tần cũng với các đồng chí tiền bối cách mạng khác là Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Hữu Tiến.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.