Nhân dịp về dự Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh, sáng 28/10, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã đến thăm, động viên quân và dân trên huyện đảo Cô Tô - huyện đảo biên giới nằm ở phía đông bắc của tỉnh Quảng Ninh.
Sáng 28/10, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến thăm, động viên quân và dân trên huyện đảo Cô Tô
Cùng đi có các Ủy viên Trung ương Đảng: Lê Khánh Hải, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Thượng tướng Vũ Hải Sản, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh.
Huyện đảo Cô Tô nằm tiếp giáp với huyện Vân Đồn với trên 50 đảo lớn nhỏ, tổng diện tích tự nhiên trên 47,2 km2, gồm 2 xã và 1 thị trấn; dân số khoảng 6.700 người với 7 dân tộc cùng sinh sống: Kinh, Tày, Nùng, Dao, Sán Dìu, Sán Chỉ, Hoa. Huyện có tuyến biên giới biển dài gần 200 km, kéo dài từ đảo Trần huyện Cô Tô đến huyện đảo Bạch Long Vĩ của Hải Phòng; có trên 300 km2 ngư trường đánh bắt thủy hải sản, có vùng đánh cá chung. Cô Tô có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh trên vùng biển phía đông bắc của Tổ quốc.
Hiện nay, cơ sở hạ tầng tại Cô Tô đã được đầu tư khá đồng bộ: Hệ thống điện lưới quốc gia và nước sinh hoạt đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân trên đảo; cảng bến và đường giao thông đã được kiên cố hóa; 100% các trường học từ mầm non đến trung học phổ thông đều đạt chuẩn; các cơ sở y tế, nhà văn hóa thể thao cơ bản đầy đủ; hạ tầng viễn thông tương đương khu vực đất liền. Quỹ đất dự trữ phát triển vẫn còn nhiều và chưa bị chia nhỏ.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Đoàn công tác dự Lễ chào cờ tại Cột cờ chủ quyền Tổ quốc trên đảo
Những năm gần đây, Cô Tô đang được coi là điểm du lịch hấp dẫn, đáng đến trong hành trình du lịch Hạ Long - Quảng Ninh. Mỗi năm, Cô Tô đón hơn 300.000 lượt du khách ra tham quan, nghỉ dưỡng. Thế mạnh du lịch Cô Tô được thể hiện qua vẻ đẹp hoang sơ của những bãi biển với nước trong, bờ thoải cùng hệ sinh thái rừng nguyên sinh nhiệt đới được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Cô Tô cũng là vùng biển được coi là đa dạng sinh học hàng đầu Việt Nam với sự có mặt nhiều hệ sinh thái điển hình của vùng biển nhiệt đới, trong đó có hệ sinh thái rạn san hô tập trung. Đây cũng là địa bàn phong phú về cơ cấu hải sản với nhiều loại quý hiếm, có giá trị cao như: Tôm hùm, bào ngư, hải sâm, cầu gai, cua, ghẹ, cá song, mú, mực, san hô sừng...
Ngay khi đặt chân đến huyện đảo Cô Tô, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Đoàn công tác đã dự Lễ chào cờ trang trọng tại Cột cờ chủ quyền Tổ quốc trên đảo và thành kính dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam tại Di tích Quốc gia đặc biệt - Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo. Cách đây hơn 60 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra thăm đảo Cô Tô. Sự kiện Bác Hồ ra thăm đảo và tượng đài của Người hiện diện trên vùng biển đảo Cô Tô thể hiện tầm nhìn xa rộng, tư duy chiến lược của Đảng, Nhà nước, của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò, vị thế của biển đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở huyện đảo Cô Tô
Trước anh linh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bày tỏ lòng biết ơn vô hạn công lao to lớn, sự hy sinh cao cả của Người đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Người đã cống hiến, hy sinh trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, đấu tranh cho hòa bình và hạnh phúc của nhân dân.
Đến thăm quân và dân trên huyện đảo, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Đoàn công tác đã tới gặp gỡ, thăm hỏi, trao nhiều phần quà cùng cờ Tổ quốc tặng bà con ngư dân tại khu neo đậu, tránh trú bão thuộc Trung tâm Hậu cần dịch vụ nghề cá huyện đảo Cô Tô. Chủ tịch nước ân cần thăm hỏi tình hình đời sống, việc khai thác, đánh bắt hải sản; đồng thời mong muốn bà con luôn chú ý bảo đảm an toàn, hoạt động đúng ngư trường được phép; tuân thủ nghiêm các quy định của luật pháp quốc tế và các quy định của pháp luật Việt Nam về khai thác hải sản. Cùng với đó là bảo đảm tốt các yếu tố an toàn, phấn đấu ra khơi đạt sản lượng cao, khai thác thủy sản đạt kết quả tốt, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện và bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Tới thăm, tặng quà và động viên cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn đảo Cô Tô (thuộc Lữ đoàn 242, Quân khu 3), Chủ tịch nước ghi nhận và biểu dương nỗ lực, cố gắng của cán bộ, chiến sĩ trên đảo; vượt qua mọi khó khăn, vất vả nơi đảo tiền tiêu để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Chủ tịch nước đề nghị cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn đảo Cô Tô nỗ lực học tập, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, quản lý vững chắc vùng trời, vùng biển của Tổ quốc. Chủ tịch nước cũng yêu cầu chỉ huy các đơn vị quan tâm hơn nữa đến việc cải thiện điều kiện sinh hoạt, phòng ở, bữa ăn cho cán bộ chiến sĩ trên đảo, bởi đây là điều kiện căn bản để cán bộ chiến sĩ bảo đảm sức khỏe, từ đó thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao. Chia sẻ với những khó khăn, thiếu thốn của bộ đội trên đảo, Chủ tịch nước mong muốn cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn giữ vững phẩm chất, bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ, nêu cao tinh thần nỗ lực, khắc phục khó khăn, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân tại khu neo đậu tránh trú bão của huyện đảo Cô Tô
Gặp gỡ, nói chuyện với Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện đảo Cô Tô, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bày tỏ xúc động khi thăm lại huyện đảo Cô Tô, chứng kiến những đổi thay vượt bậc của diện mạo nơi đây so với hơn 10 năm trước, khi Chủ tịch nước ra thăm đảo. Từ một huyện đảo nghèo, còn nhiều khó khăn, thiếu cơ sở về hạ tầng quan trọng thiết yếu cho dân sinh như điện, nước, hạ tầng giao thông, 85% người dân là hộ nghèo; đến nay, Cô Tô đã trở thành huyện đảo khá giả, giao thông nội vùng đi lại thuận lợi và kết nối giữa đảo với đất liền dễ dàng, thông suốt.
Chủ tịch nước cũng bày tỏ ấn tượng chứng kiến đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên đảo được cải thiện, nâng cao, văn hóa xã hội phát triển. Trên đảo không còn hộ nghèo, không có cảnh người ăn xin, không có ma túy, trộm cắp. Trường lớp học khang trang, đầy đủ. Công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân được bảo đảm. Đời sống trên đảo nhộn nhịp, trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng yêu cầu Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân trên đảo phải luôn nhận thức sâu sắc được tầm quan trọng về vị trí chiến lược, trọng yếu của vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc. Từ đó xác định rõ nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Cô Tô là nhiệm vụ quan trọng nhất; thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm chủ quyền biển đảo, không để bị động bất ngờ; tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng để xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc.
Đặc biệt, huyện đảo cần đẩy mạnh hơn nữa phát triển tiềm năng, lợi thế để xây dựng huyện đảo không ngừng lớn mạnh, nhất là trong khai thác, đánh bắt, nuôi trồng, bảo vệ bền vững nguồn lợi thủy sản, trở thành khu vực hậu cần vững chắc cho các tàu thuyền. Cùng với đó là chú trọng bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên, tích cực bảo vệ rừng, xây dựng huyện trở thành trung tâm sinh thái bảo tồn và phát huy đa dạng sinh học, trở thành huyện đảo xanh.
Huyện đảo tiếp tục quan tâm chăm lo cả về đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; quan tâm đầu tư cho sự nghiệp giáo dục đối với con em trên đảo; chú trọng công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; tăng cường năng lực quốc phòng, trang bị phương tiện hiện đại cho lực lượng cứu nạn cứu hộ; quan tâm cải thiện điều kiện sinh hoạt cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo.
Chủ tịch nước tin tưởng, phát huy truyền thống, tinh thần đoàn kết, thống nhất của Đảng bộ, quân và dân huyện đảo, Cô Tô sẽ hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra, xây dựng huyện đảo ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước đã tới thăm, tặng quà ông Nguyễn Văn Lộc, người có tuổi Đảng cao nhất ở Đảo với 59 năm tuổi Đảng, tại Khu 3, thị trấn Cô Tô; đặc biệt, gia đình ông Lộc đã có 3 thế hệ kiên trì bám biển./.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.