Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 4 tháng 10 năm 2022 | 12:4

Chung sức khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống và sản xuất

Bão số 4 là cơn bão mạnh nhưng cả hệ thống chính trị, các lực lượng và người dân đã vào cuộc khẩn trương nên giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra.

Sự chỉ đạo quyết liệt từ sớm, từ xa và ý thức chấp hành của người dân là yếu tố quyết định đến kết quả phòng, chống bão.

Chung tay ủng hộ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai

Bão số 4 và mưa lũ đã gây thiệt về tài sản và cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân miền Trung. Ngay sau bão, chính quyền, lực lượng vũ trang, đoàn thể các cấp đã chung sức khắc phục hậu quả thiên tai, nhanh chóng sửa lại những căn nhà bị hư hỏng, dọn cây xanh gãy, đổ, vệ sinh môi trường, khôi phục sản xuất và đời sống dân sinh. Thế nhưng, ảnh hưởng của bão vẫn đem tới những hiểm họa khó lường; nguy cơ lũ quét, lũ ống, sạt lở đất… vẫn đang rình rập.

Triển khai công tác ứng phó với thiên tai, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An thành lập đoàn công tác do ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó bí thư Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã đến hiện trường chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả lũ quét tại huyện Kỳ Sơn.

UBND huyện Kỳ Sơn đã tổ chức sơ tán người dân thị trấn Mường Xén, xã Tà Cạ đến nơi an toàn. Huy động lực lượng, phương tiện xử lý các điểm giao thông bị sạt lở, vùi lấp; hỗ trợ người dân dọn dẹp, sửa chữa nhà bị sập đổ, hư hỏng; khắc phục các công trình công cộng bị đất đá vùi lấp.

Cán bộ y tế đến vùng ngập lụt ở Nghệ An hướng dẫn người dân các địa phương triển khai công tác vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh trong và sau mưa lũ. Ảnh: Trung Thành

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị tỉnh Nghệ An huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương khắc phục các điểm sạt lở, vùi lấp để kịp thời thông các tuyến giao thông bị ách tắc tại huyện Kỳ Sơn; kịp thời cung cấp hàng hóa, nhu yếu phẩm cần thiết cho các hộ dân bị thiệt hại và các hộ dân ở 2 bản Hòa Sơn, Sơn Hà, xã Tà Cạ đang bị chia cắt, cô lập hoàn toàn.

Bên cạnh đó, các tỉnh miền Trung tiếp tục thống kê, tổng hợp, báo cáo tình hình thiệt hại; huy động lực lượng khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ; dọn dẹp vệ sinh môi trường, đường phố, khôi phục hệ thống điện, thông tin, nước sạch sinh hoạt để nhanh chóng bảo đảm đời sống, sinh hoạt cho người dân.

Hỗ trợ người dân, nhất là những hộ khó khăn sửa chữa lại nhà cửa bị ngập, sập đổ, tốc mái, hư hỏng; các công trình công cộng (trường học, trạm y tế...). Khôi phục sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do bão, mưa lũ để bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, ổn định đời sống người dân thời gian tới.

Đặc biệt, tiếp tục theo dõi chặt chẽ mưa lũ, tổ chức lực lượng kiểm tra, rà soát các khu dân cư khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở, lũ quét để chủ động di dời, sơ tán dân cư, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân; bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Bà Võ Thị Minh Sinh,Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An, Trưởng ban cứu trợ tỉnh đã có thư ngỏ gửi tới các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh Nghệ An, kêu gọi chung tay ủng hộ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai.

Nội dung thư ngỏ nêu rõ, phát huy truyền thống đoàn kết và đạo lý “thương người như thể thương thân” của dân tộc, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An trân trọng đề nghị các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong, ngoài tỉnh rộng lòng nhân ái và trách nhiệm với cộng đồng, tích cực ủng hộ chia sẻ khó khăn giúp đỡ Nhân dân các địa phương sớm khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, để nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Theo thống kê, do ảnh hưởng của bão  và hoàn lưu bão số 4, trên địa bàn tỉnh Nghệ An liên tiếp hứng chịu những trận mưa to đến rất to, gây lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt trên diện rộng, đặc biệt là các huyện Kỳ Sơn, Quỳnh Lưu, Thanh Chương, Hưng Nguyên, Nghi Lộc,Tân Kỳ, Đô Lương, Anh Sơn, thị xã Hoàng Mai..., gây thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, tài sản của Nhân dân và các công trình của Nhà nước.

Tính đến 10 giờ ngày 3/10/2022, đã có 8 người chết; 8.373 ngôi nhà bị ngập (có thời điểm 30/9/2022 là 17.489 nhà); 1.392 hộ phải di dời; 40 nhà bị thiệt hại trên 70%; 158 nhà bị tốc mái, hư hỏng nặng; 292 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất; 66 xóm, bản bị cô lập; 3.971 hộ bị chia cắt...

Nỗi đau mất đi người thân, sự khốn khó của hàng ngàn gia đình phải lâm vào cảnh sống tạm bợ, đói rét do tài sản, nhà cửa bị sụp đổ, cuốn trôi và ngập nước.

Hơn lúc nào hết, người dân vùng bị thiên tai lũ lụt đang rất cần sự quan tâm sẻ chia tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” từ các tổ chức, cá nhân và toàn xã hội.

Không để người dân chịu đói, không có chỗ ở

Do ảnh hưởng của bão số 4 (Noru),   5 người ở Thừa Thiên- Huế bị thương, 6 nhà dân bị sập, 419 nhà tốc mái, nhiều trường có phòng học bị tốc mái. Mưa bão đã làm đổ, ngã khoảng 585 cây xanh, hư hại 114,2ha rau màu, hoa màu và khoảng 30ha cây trồng lâu năm. Bão gây sạt lở nặng tại các bờ sông, bờ biển ở  xã Phong Hải (huyện Phong Điền), xã Hải Dương (TP. Huế). Trong đó, nhiều nơi bị nước biển xâm thực nặng như: thôn Mỹ Khánh (xã Phú Diên) và xã Phú Hải (huyện Phú Vang) với chiều dài khoảng 110m, nước biển tràn sâu vào bờ khoảng 30m; bờ biển 2 xã Giang Hải,  Vinh Hiền (huyện Phú Lộc) tiếp tục bị xâm thực, xói lở dài 900m…

Sau bão số 4, tỉnh Thừa Thiên- Huế đã huy động các lực lượng hỗ trợ người dân khẩn trương khắc phục nhà cửa bị tốc mái, tổ chức dọn dẹp vệ sinh, khắc phục công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng sản xuất để người dân sớm ổn định cuộc sống và sản xuất.

Kịp thời tổ chức động viên, thăm hỏi, hỗ trợ những gia đình bị thiệt hại do mưa bão; tạo mọi điều kiện để học sinh sớm được trở lại trường, nhân dân sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh, ổn định sản xuất; tuyệt đối không được để dân đói, dân rét, không có chỗ ở, không để dịch bệnh bùng phát do ô nhiễm môi trường sau mưa bão.

Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế đã huy động 3.400 cán bộ chiến sỹ, xe cứu nạn cứu hộ, Cano, ghe máy, lượt xuồng cứu sinh cứu hộ, di dời dân, khắc phục hậu quả bão số 4. Bộ Chỉ huy Quân sự  tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng đã huy động hàng ngàn cán bộ chiến sĩ cùng phương tiện hỗ trợ sơ tán di dời dân, khắc phục hậu quả thiên tai.

Trung tá Lê Văn Lĩnh, Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên- Huế, cho biết: “Để khắc phục hậu quả cơn bão số 4, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã điều động trên 1.000 cán bộ, chiến sĩ, kể cả lực lượng dân quân tự vệ, về các địa phương bị ảnh hưởng hỗ trợ người dân sớm khắc phục thiệt hại”.

Ông Lê Viết Tùng, Phó giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Phú Thanh (xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền), cho biết: “Cơn lốc xoáy xảy ra lúc hơn 1 sáng ngày 28/9 làm nhà kho và nơi làm việc của hợp tác xã bay gần hết mái tôn, trong kho có hơn 130 tấn lúa giống các loại bị mưa làm ướt gần hết, có nguy cơ hư hỏng. Được chính quyền địa phương quan tâm giúp đỡ và nhờ có các cán bộ, chiến sĩ giúp đỡ vận chuyển lúa đi hong sấy kịp thời nên số lúa giống bị hư hại không nhiều”.

Xã Vinh Xuân (huyện Phú Vang) là địa phương bị thiệt hại nặng bởi bão số 4 với 6 ngôi nhà bị đổ sập, 68 nhà bị tốc mái, trong đó có 50% tốc mái hoàn toàn, hàng chục hecta hoa màu bị hư hại. Theo Bí thư Đảng ủy xã Vinh Xuân Trần Văn Đê, ngay trong sáng  28/8, sau bão đi qua, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng cùng với các lực lượng công an, bộ đội khẩn trương hỗ trợ người dân lợp lại nhà. Những ngôi nhà bị sập, hư hại nặng thì được bố trí nơi ở tạm thời để tiến hành sửa chữa. Vật dụng và thực phẩm của người dân cũng được chuyển đến những nơi an toàn.

Trước những thiệt hại của người dân, ngay sau khi bão đi qua, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên- Huế đã trực tiếp đến thăm, động viên các gia đình bị thiệt hại nặng, yêu cầu chính quyền địa phương triển khai ngay các giải pháp khắc phục hậu quả mưa lũ gây ra, khẩn trương ổn định đời sống người dân. Kịp thời tổ chức động viên, thăm hỏi, hỗ trợ những gia đình bị thiệt hại do mưa bão; tạo mọi điều kiện để học sinh sớm được trở lại trường, nhân dân sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh, ổn định sản xuất; không để dịch bệnh bùng phát do ô nhiễm môi trường sau mưa bão.

 

 

P.V
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa - Hậu phương lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ

    Thanh Hóa - Hậu phương lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ

    Cách đây 70 năm, cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta kết thúc thắng lợi bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, trở thành mốc son chói lọi bằng vàng tạc vào lịch sử dân tộc.

  • Khai mạc Lễ hội Du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024

    Khai mạc Lễ hội Du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024

    Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội Du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.

  • Người dân Cổ Loa mong sớm xây dựng đền thờ vua Ngô Quyền

    Người dân Cổ Loa mong sớm xây dựng đền thờ vua Ngô Quyền

    Sau chiến thắng quân xâm lược Nam Hán (năm 938) trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền xưng Vương và chọn đất Cổ Loa làm kinh đô, mở đầu cho kỷ nguyên mới của dân tộc sau gần 1000 năm Bắc thuộc. Mặc dù đóng đô ở Cổ Loa từ tiền Ngô Vương đến hậu Ngô Vương gồm 26 năm, nhưng đến nay vẫn chưa có một công trình tôn vinh Ngô Vương Quyền trên vùng đất Cổ Loa nơi ông dựng nghiệp và chọn làm kinh đô. Xây dựng đền thờ Ngô Quyền tại mảnh đất linh thiêng này là thỏa nỗi ước mong của các hậu thế.

Top