Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 31 tháng 12 năm 2022 | 15:9

“Chuyện đời, chuyện nghề” trên các tấm thổ cẩm

Huyện Quang Bình (Hà Giang) nỗ lực thực hiện chính sách dân tộc, thúc đẩy phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS, tạo sinh kế, tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống cho bà con, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Những chính sách giúp bà con phát triển KT - XH

Người Pà Thẻn, Phù Lá là những DTTS rất ít người trên địa bàn huyện Quang Bình, định cư lâu đời và sinh sống tập trung ở xã các Tân Trịnh, Tân Bắc, Yên Thành, Tân Nam và thị trấn Yên Bình. Thực hiện các chính dân tộc, đặc biệt là Quyết định 2086 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án hỗ trợ phát triển KT - XH các DTTS rất ít người giai đoạn 2016 - 2025, cùng với các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đồng bào các dân tộc nơi đây đã được hỗ trợ các dự án phát triển chăn nuôi lợn, trâu thương phẩm. Nhờ khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nhiều hộ  dân mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng hàng hóa, tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững.

Bên cạnh việc phát triển kinh tế, đồng bào còn được hỗ trợ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Chị Tải Thị Mai, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) dệt thổ cẩm Pà Thẻn, xã Tân Bắc chia sẻ: “Nghề dệt thổ cẩm là nghề truyền thống được lưu truyền qua bao đời nay của người Pà Thẻn. Bằng sự tỉ mỉ, dày công, những người phụ nữ đã tạo ra những bộ váy, áo dân tộc hết sức độc đáo, có hệ thống hoa văn từ đơn giản đến phức tạp, tôn lên vẻ đẹp trang phục.

Ngoài được thụ hưởng chính sách phát triển du lịch theo Nghị quyết số 35 của HĐND tỉnh, HTX còn được hỗ trợ theo Quyết định 2086 của Thủ tướng Chính phủ. Chúng tôi đã phối hợp với các nghệ nhân tổ chức dạy nghề dệt cho phụ nữ, truyền lại nghề cho thế hệ trẻ. Đến nay, các sản phẩm dệt thổ cẩm của HTX ngày càng đa dạng, phong phú như: Trang phục dân tộc, chăn thêu, mặt gối, túi thêu”.

Thành viên Hợp tác xã dệt thổ cẩm Pà Thẻn, xã Tân Bắc (Quang Bình) duy trì nghề dệt truyền thống của dân tộc.

Thời gian qua, HTX dệt thổ cẩm Pà Thẻn đang nỗ lực áp dụng chuyển đổi số, làm quen với việc livetream bán hàng, giới thiệu các sản phẩm lên mạng xã hội facebook, zalo. Từ đó, đưa sản phẩm thổ cẩm đến gần hơn với khách hàng và tăng gấp 2 lần lợi nhuận so với bán hàng truyền thống. Các thành viên trong HTX còn tích cực tương tác thông qua trang fanpage, hội, nhóm đưa nét đẹp về nghề dệt thổ cẩm đến với cộng đồng.

Hiện tại, mỗi sản phẩm của HTX không chỉ đảm bảo tính ứng dụng, thẩm mỹ, chứa đựng những câu chuyện nhân văn, ý nghĩa, mà còn được đánh mã vạch, có tem truy xuất, giúp người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ, tạo niềm tin, chắp cánh cho thương hiệu sản phẩm dệt của người Pà Thẻn vươn xa đến thị trường trong và ngoài nước.

Chị Phù Thị Quyên, thành viên Hợp tác xã dệt thổ cẩm Pà Thẻn Tân Bắc chia sẻ: “Từ khi bán hàng trên các trang mạng xã hội, chúng tôi tiết kiệm được rất nhiều thời gian do đó sản xuất thêm được nhiều áo, khăn, túi thổ cẩm nên doanh thu cũng tăng đáng kể”.

Những câu chuyện đời, chuyện nghề và những điều mơ ước được các truyền nhân của nghề dệt gửi gắm trong từng màu sắc, hoa văn trên các tấm thổ cẩm. Với nét riêng độc đáo, mỗi một sản phẩm ở đây không chỉ có giá trị sử dụng, tính thẩm mỹ mà còn là nét đẹp, biểu tượng văn hóa của dân tộc Pà Thẻn. Kế thừa, phát triển nghề dệt cổ truyền, các chị em của hợp tác xã đang là những người đi tiên phong trong việc bảo vệ, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Pà Thẻn.

Để tạo niềm tin và cung cấp thông tin sản phẩm kịp thời cho khách hàng ở những nơi xa, chị Mai thường xuyên ghi hình và livestream các công đoạn sản xuất các mặt hàng thổ cẩm. Tất cả các mặt hàng thổ cẩm của hợp tác xã đều có mã vạch, tem truy xuất, bảo đảm chất lượng thương hiệu OCOP của sản phẩm. Khăn trải bàn dệt hoa văn thổ cẩm Pà Thẻn của Hợp tác xã thổ cẩm Pà Thẻn Tân Bắc là sản phẩm thổ cẩm được Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang cấp giấy chứng nhận OCOP năm 2017.

Nâng cao giá trị sản phẩm truyền thống của địa phương

Những chính sách cho vùng đồng bào DTTS đang được triển khai đồng bộ là động lực rất quan trọng, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển KT - XH trên địa bàn huyện. Tính đến hết năm 2022, 100% xã có đường nhựa đến trung tâm; 98,3% hộ được sử dụng điện; 15 xã, thị trấn có lớp học kiên cố; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 98,8%; dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 98%; tỷ lệ lao động qua đào đạt 55%; tất cả các xã được phủ sóng truyền thanh, truyền hình và sóng điện thoại di động. Khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo được triển khai có hiệu quả. Các lễ hội, tín ngưỡng tôn giáo, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, các hủ tục trong đồng DTTS dần được xóa bỏ và giảm thiểu, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã duy trì ổn định.

Để bảo tồn bản sắc văn hóa, giữ gìn nghề truyền thống dân tộc, nâng cao thu nhập và quảng bá du lịch, chính quyền các cấp của tỉnh Hà Giang luôn quan tâm đến việc hỗ trợ người dân phát triển nghề thủ công truyền thống. Ông Hoàng Ngọc Bền, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Bắc, huyện Quang Bình - cho biết: “Để nâng cao giá trị sản phẩm truyền thống của địa phương, chính quyền xã luôn tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích cơ sở dệt thổ cẩm Pà Thẻn phát triển sản xuất mặt hàng truyền thống, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm”.

Nghề dệt thổ cẩm của người Pà Thẻn - nét văn hóa phản ánh đậm nét đời sống tinh thần và cũng là niềm tự hào người dân tộc Pà Thẻn. Nguồn: vietnam.vnanet.vn

Ông Nguyễn Đình Luân, Trưởng phòng Dân tộc huyện Quang Bình cho biết: “Toàn huyện có trên 62.000 người DTTS, có 73 thôn, bản đặc biệt khó khăn nằm ở chủ yếu xã thuộc khu vực vùng III. Những chính sách cho vùng đồng bào DTTS đi vào cuộc sống là đòn bẩy, khích lệ người dân, nhất là những hộ nghèo, cận nghèo vươn lên ổn định cuộc sống, tiến tới làm giàu trên mảnh đất quê hương. Trên cơ sở đó, phòng tiếp tục tham mưu cho huyện và tập trung triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi; xây dựng Nông thôn mới; giảm nghèo bền vững cùng với nhiều chương trình, dự án khác, tạo tiền đề phát triển vững chắc vùng đồng bào DTTS”.

Với xuất phát điểm là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, tỉnh Hà Giang luôn cố gắng thực hiện tốt chính sách xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, đưa miền núi tiến kịp miền xuôi. Vì vậy, đời sống vật chất, tinh thần của dân tộc Pà Thẻn ở huyện Quang Bình cũng đổi thay khá nhiều, theo kịp sự phát triển chung của xã hội. Nhờ sự cố gắng, nỗ lực, tinh thần học hỏi, chủ động tiếp cận với công nghệ thông tin hiện đại, các chị em của Hợp tác xã thổ cẩm Pà Thẻn Tân Bắc đã “chắp cánh” cho các sản phẩm thổ cẩm truyền thống, đặc sắc của dân tộc mình “bay” đi khắp mọi miền đất nước, vượt qua những đại dương mênh mông “bay” đến nhiều quốc gia xa xôi trên thế giới.

 

Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
  • Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).

  • Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

Top