Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 14 tháng 11 năm 2023 | 16:14

Cơ hội để doanh nghiệp ngành gỗ tự làm mới mình

Tiềm năng mở rộng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong thời gian tới là rất lớn. Hiện tại, các doanh nghiệp ngành gỗ đang tích cực đưa ra nhiều giải pháp nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành gỗ.

Sản xuất gỗ tại Bình Định.

Xuất khẩu gỗ tăng trở lại

Theo số liệu ước tính của Tổng cục Hải quan trong tháng 10/2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,2 tỷ USD, tăng 5,7% so với tháng 9/2023, nhưng giảm 0,9% so với tháng 10/2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 790 triệu USD, tăng 4% so với tháng 9/2023 và tăng 0,3% so với tháng 10/2022.

Tính chung 10 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 10,8 tỷ USD, giảm 19,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 7,3 tỷ USD, giảm 22,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình thế giới diễn biến nhanh, thách thức nhiều hơn so với dự báo như cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột tại Nga và Ukraine vẫn gay gắt, gần đây là xung đột tại Dải Gaza; kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm. Hoạt động xuất, nhập khẩu tại nhiều thị trường bị thu hẹp.

An ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh mạng gặp nhiều thách thức; thiên tai, biến đổi khí hậu gây hậu quả nghiêm trọng. Điều này tác động trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của nhiều thị trường trong đó có Việt Nam.

Trước những khó khăn, thách thức trong và ngoài nước, Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế toàn cầu, bởi nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực vẫn tiếp tục có tốc độ tăng trưởng khả quan.

Trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của cả nước, gỗ là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Tuy nhiên, do tổng cầu giảm bởi tác động của lạm phát và chính sách tiền tệ thắt chặt tại nhiều thị trường tiêu thụ gỗ lớn, khiến kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này liên tục suy giảm kể từ đầu năm 2023. Đáng chú ý, trong những tháng gần đây hoạt động xuất khẩu của ngành gỗ đang có xu hướng phục hồi tích cực.

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp trong ngành gỗ đã có đơn hàng trở lại, phục vụ cho mùa mua sắm nội thất cuối năm của thị trường thế giới. Cùng với đó, nhiều khách hàng Hoa Kỳ, châu Âu gặp khó ở thị trường Trung Quốc nên tìm kiếm thị trường khác, tìm nhà cung cấp mới để thay thế, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo đó, nhiều mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu đã tăng mạnh trở lại trong tháng 9/2023, góp phần thu hẹp mức giảm trong 9 tháng đầu năm 2023. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng ghế khung gỗ trong tháng 9/2023 đạt 229 triệu USD, tăng 19,6% so với tháng 9/2022. Tính chung trong 9 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 2 tỷ USD, giảm 12,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Tiếp theo là mặt hàng dăm gỗ đạt 206 triệu USD trong tháng 9/2023, tăng 29,1% so với tháng 9/2022; tính chung 9 tháng đầu năm 2023, đạt 1,6 tỷ USD, giảm 16,5%. Xuất khẩu Gỗ, ván và ván sàn đạt 148 triệu USD trong tháng 9/2023, tăng 38,2% so với tháng 9/2022; tính chung 9 tháng đầu năm 2023 đạt 1,3 tỷ USD, giảm 15%...

Đối diện nhiều khó khăn

Mặc dù có tín hiệu phục hồi tích cực, nhưng ngành gỗ vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn và đà tăng trưởng của ngành gỗ vẫn còn nhiều cản trở bởi nền kinh tế toàn cầu vẫn yếu và lạm phát kéo dài trong bối cảnh rủi ro nghiêm trọng. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 được dự báo đạt 2,7%, tốc độ thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Cùng với việc nhiều quốc gia đã thực hiện nâng lãi suất và các biện pháp để kìm giữ lạm phát nên sự phục hồi và phát triển kinh tế bị chậm lại, nhu cầu của nền kinh tế thế giới sẽ sụt giảm, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng không thiết yếu giảm.

Ngành gỗ đối mặt với nhiều khó khăn và đà tăng trưởng của ngành gỗ vẫn còn nhiều cản trở bởi nền kinh tế toàn cầu.

Do đó, mục tiêu xuất khẩu 17 tỷ USD trong năm 2023 không thể hoàn thành. Dự kiến, trong 3 tháng cuối năm 2023 xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt khoảng hơn 4 tỷ USD, đưa kim ngạch xuất khẩu trong năm 2023 đạt khoảng 13,6 tỷ USD đến 14 tỷ USD.

Ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương đánh giá: "Nếu lấy doanh số xuất khẩu 6-7 tháng đầu năm thì mục tiêu từ nay đến cuối năm tăng trưởng đạt con số xuất khẩu 16-17 tỷ USD là khó. Tôi cho rằng, con số 15 tỷ USD là khả thi hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường khó khăn chung, không chỉ riêng với ngành gỗ thì đây vẫn là con số cần được ghi nhận".

Tiềm năng mở rộng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong thời gian tới là rất lớn, bởi quy mô thị trường đồ gỗ, nội thất thế giới lên tới 200 tỷ USD. Mặc dù Việt Nam dù nằm trong Top 5 quốc gia xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất thế giới, nhưng cũng mới chỉ xuất khẩu trên 16 tỷ USD/năm.

Do đó, hiện tại các doanh nghiệp ngành gỗ đang tích cực đưa ra nhiều giải pháp nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành gỗ như: áp dụng công nghệ, chủ động nguồn nguyên liệu nhằm góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành; tìm cách tiếp cận với những thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu…

Cơ hội để doanh nghiệp tự làm mới mình

Ngành công nghiệp gỗ tại Bình Dương đang phục hồi tích cực, với nhiều doanh nghiệp báo cáo về sự tăng lượng đơn hàng và việc làm. Điều này là kết quả của sự hồi phục trong thị trường xuất khẩu nội thất và sự chủ động của các doanh nghiệp trong đổi mới công nghệ, chiến lược tiếp thị.

Một số doanh nghiệp hàng đầu như Công ty TNHH Đức Thiện và Công ty TNHH Hiệp Long đã ghi nhận sự hồi phục mạnh mẽ trong lượng đơn hàng. Bà Dương Thị Tú Trinh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đức Thiện chia sẻ niềm vui khi công ty đã bắt nhịp lại hoạt động sản xuất và tăng tuyển lao động trong những tháng cuối năm.

"Đơn hàng của chúng tôi đã tăng trở lại với mức từ 20 - 25% so với 3 quý trước, và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong quý IV/2023. Chúng tôi đã có đủ đơn hàng cho đến hết quý I/2024, đảm bảo việc làm cho nhân công và xuất khẩu khoảng 100 container hàng/tháng", bà Trinh chia sẻ.

Ông Huỳnh Quang Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Long kỳ vọng thị trường xuất khẩu gỗ sẽ phục hồi nhanh trong năm 2024 và nhấn mạnh.

"Mặc dù chưa trở lại được như những năm trước, tuy nhiên, chúng tôi đang tiếp xúc với một số khách và tình hình đơn hàng năm 2024 khá khả thi. Đây là tin mừng cho ngành gỗ, chúng tôi hy vọng năm 2024 xuất khẩu gỗ sẽ phục hồi trở lại", ông Huỳnh Quang Thanh nói.

Sự hồi phục của ngành công nghiệp gỗ không chỉ tạo ra cơ hội về lượng đơn hàng mà còn mang lại cơ hội việc làm cho người lao động. Công ty TNHH Đức Thiện đã tăng lại số lượng công nhân và hoạt động với công suất đạt 50 - 60%. Điều này là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế địa phương và làm tăng cơ hội việc làm trong ngành.

Các doanh nghiệp ngành gỗ cũng chú trọng đầu tư và đổi mới công nghệ sản xuất.

Đồng thời, các doanh nghiệp ngành gỗ cũng chú trọng đầu tư và đổi mới công nghệ sản xuất. Hội chợ máy móc ngành gỗ tổ chức tại Bình Dương năm 2023 là nơi quy tụ các doanh nghiệp để tìm hiểu về công nghệ mới, từ đó cải thiện chất lượng và hiệu suất sản xuất giúp doanh nghiệp cạnh tranh mạnh mẽ góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành.

Mặc dù có những tín hiệu tích cực, nhưng ngành gỗ Bình Dương vẫn đối mặt với những thách thức như đơn hàng phải cạnh tranh và yêu cầu về mẫu mã, chất lượng càng trở nên cao. Ngành gỗ vẫn đối mặt với nhiều khó khăn và đà tăng trưởng còn nhiều cản trở bởi nền kinh tế toàn cầu vẫn yếu, lạm phát kéo dài trong bối cảnh rủi ro nghiêm trọng.

Tuy nhiên, để đối mặt với những thách thức này, doanh nghiệp ngành gỗ đang chủ động tìm kiếm giải pháp, chuyển đổi sản phẩm theo hướng thân thiện với môi trường và đa dạng về mẫu mã để cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Theo Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) trải qua những khó khăn vừa qua cũng là cơ hội để doanh nghiệp tự làm mới mình. Trong giai đoạn khó khăn, nhiều doanh nghiệp gỗ đã nhận ra tầm quan trọng của việc đầu tư vào công nghệ mới và cập nhật quy trình sản xuất. Sự chuyển đổi này không chỉ giúp tăng cường hiệu quả sản xuất mà còn đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế về chất lượng và mẫu mã sản phẩm.

Đại diện Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho biết: Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh lớn nhất cả nước nhưng bị suy giảm do biến động thị trường, nhiều tháng qua nhiều doanh nghiệp bị thiếu đơn hàng, làm giảm xuất khẩu.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, lấy lại đà phục hồi và tăng trưởng cho hoạt động xuất khẩu, hiện các ngành chức năng tỉnh Bình Dương đã tập trung hỗ trợ xuất nhập khẩu, hỗ trợ các hiệp hội, doanh nghiệp khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Từ đó, mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mở rộng chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất khẩu. Những hội chợ và sự kiện về máy móc ngành gỗ, như các triển lãm tổ chức tại Bình Dương, đã trở thành cơ hội quý giá để các doanh nghiệp cập nhật thông tin, công nghệ mới, đồng thời là nơi gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm giữa các nhà sản xuất.

Mặc dù mục tiêu xuất khẩu 17 tỷ USD năm 2023 được đánh giá là khó hoàn thành, nhưng với sự phục hồi tích cực và tiếp cận đơn hàng mới, ngành gỗ Bình Dương hy vọng sẽ đạt được con số xuất khẩu đáng kể. Các doanh nghiệp đang tự tin xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ phục hồi nhanh chóng trong năm 2024, đánh dấu một bước quan trọng trong sự phát triển của ngành gỗ xuất khẩu chủ lực của "thủ phủ công nghiệp" Bình Dương.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, thị trường xuất khẩu những tháng cuối năm đang có những tín hiệu tích cực. Phải kể đến gói tín dụng 15.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực gỗ và thuỷ sản mới giải ngân được khoảng một nửa. Gói hỗ trợ này giúp doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục sản xuất khi nhận được đơn hàng xuất khẩu mới.

Vài tháng trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ phục hồi trở lại, dự kiến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của nước ta ước đạt khoảng 13,6-14 tỷ USD, dù con số này giảm so với mức kỷ lục gần 17 tỷ USD của năm 2022, song, các doanh nghiệp ngành gỗ đang có những thay đổi tích cực. Với đà phục hồi này, xuất khẩu gỗ tiếp tục đóng vai trò quan trọng để ngành nông nghiệp hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 53-55 tỷ USD trong năm nay.

"Kể từ cuối quý 3 đến nay, Việt Nam đều xuất khẩu bình quân nhóm hàng này khoảng 1,1 tỷ USD. Dù chưa thể so sánh với cùng kỳ năm trước, nhưng nhìn sang các nước lân cận như Trung Quốc hay Indonesia, rõ ràng họ đang khó khăn hơn chúng ta rất nhiều. Đặc biệt là Trung Quốc đang gặp khó ở thị trường Mỹ, đây cũng là cơ hội cho ngành gỗ Việt.

Điều các doanh nghiệp cần làm ngay là cải tiến mẫu mã, tăng "chất" cho sản phẩm, hạ giá thành để bắt kịp sự chuyển hướng của thị trường truyền thống. Bên cạnh đó, tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại để tìm kiếm khách hàng ở những thị trường mới chuẩn bị cho năm 2024", Thứ trưởng khuyến nghị.

 

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
Top