Đó là chủ đề của Ngày hội du lịch được tổ chức tại Công viên phường 5 (đường Trần Hưng Đạo, thành phố Cà Mau), diễn ra từ ngày 23 - 31/12, cùng với 500 gian hàng tiêu chuẩn của “Hội chợ mua sắm khuyến mại kích cầu tiêu dùng hàng Việt Nam – Thái Lan và kết nối các sản phẩm OCOP”.
Đây là sự kiện tạo điểm nhấn du lịch Cà Mau năm 2022, dự kiến thu hút hàng chục ngàn du khách trong ngoài nước.
Cua Cà Mau được bảo hộ bằng chỉ dẫn địa lý.
Dấu ấn thương hiệu cua Cà Mau
Có thời điểm, giá trên 1 triệu đồng/kg vẫn không đủ hàng để bán, bởi chất lượng cua Cà Mau khác biệt với các nơi khác. Năm 2022, Cua Cà Mau được Hội đồng xác lập kỷ lục Việt Nam công nhận top 100 món ăn đặc sản Việt Nam. Cua Cà Mau hiện đang được các nhà ẩm thực, người tiêu dùng trong ngoài nước tìm đến và tiêu thụ mạnh. Đâu đâu từ Nam chí Bắc, dễ dàng bắt gặp dòng chữ lôi kéo khách: “Ở đây bán cua Cà Mau”. Nhưng thực chất, chưa hẳn. Vì cua đầy gạch, thịt chắc ở đâu cũng có. Nhưng gạch béo, thịt ngon nhất, đúng chất cua Cà Mau thì phải tìm kỹ nguồn cung, và xuất xứ sản phẩm.
Người viết có lần tặng một nhà báo nổi tiếng ở TP HCM vài kilôgam cua Cà Mau. Ăn xong ông ấy nói 40 năm làm báo bôn ba, ăn rất nhiều loại cua mang tên Cà Mau này, mới biết nó ngon thật. Bởi vậy, ông quyết tâm sẽ đến Cà Mau để ăn cua một lần cho thỏa.
Do đặc điểm môi trường, phù sa bồi lắng, nên thịt và gạch cua Cà Mau ngon hơn các nơi khác.
Do vậy, bảo tồn và phát huy giá trị thương phẩm con cua Cà Mau, ngoài kích cầu du lịch, thương mại thì ngày hội còn nhằm giữ gìn bảo tồn thương hiệu này một cách hệ thống khoa học, trực quan nhất để người tiêu dùng hiểu rõ giá trị thực chất. Chính vì thế, ngày hội được tổ chức qui mô lớn cấp tỉnh, có kết hợp với các hoạt động thương mại dịch vụ khác.
Ông Trần Hiếu Hùng trả lời phỏng vấn phóng viên Tạp chí Kinh tế nông thôn tại Lễ hội ẩm thực Đất Mũi năm 2022
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế nông thôn, ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, cho biết, mọi công tác tổ chức chuẩn bị cho ngày hội đã sẵn sàng. Sự kiện “Ngày hội Cua Cà Mau” sẽ bao gồm chuỗi các hoạt động. Về văn hoá văn nghệ có: Chương trình nghệ thuật tổng hợp, lễ hội đường phố, triển lãm; Tổ chức Liên hoan Đờn ca tài tử 03 tỉnh Cà Mau – Bạc Liêu – Sóc Trăng. Hoạt động ẩm thực có: Hội thi ẩm thực các món ăn chế biến từ cua; xác lập kỷ lục các món ăn được chế biến từ Cua Năm Căn - Cà Mau; buffet cua và các món ăn chế biến từ sản vật địa phương. Đối với hoạt động xúc tiến, thương mại: giảm giá, trưng bày, giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP, quà tặng lưu niệm; sản phẩm lưu niệm mang biểu tượng cua; Hội thảo Đổi mới sáng tạo và phát triển tài sản trí tuệ địa phương; tổ chức tọa đàm với chủ đề “Giải pháp kéo dài thời gian lưu lại của khách du lịch tại Cà Mau”. Về hoạt động thể thao có tổ chức quần vợt, bóng đá và các trò chơi dân gian; tổ chức thi trói cua trình diễn và vinh danh các nghệ nhân.
“Nhưng quan trọng nhất, là còn có các hoạt động giới thiệu mô hình nuôi cua thương phẩm; tổ chức tham quan thực tế mô hình nuôi cua, kết hợp tham quan du lịch tại Năm Căn và Ngọc Hiển và tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Cà Mau”, ông Hùng cho biết thêm.
Điều kiện canh tác và nuôi cua Cà Mau hoàn toàn trong tự nhiên, nên chất lượng cua luôn đảm bảo
Lễ hội hoành tráng
Ông Trần Hiếu Hùng chia sẻ, sẽ có nhiều loại hình trực quan tạo điểm nhấn của chuỗi sự kiện này. Ban Tổ chức đã mời đơn vị tổ chức sự kiện chuyên nghiệp tổ chức hoạt động Lễ hội đường phố thiết kế, tổ chức các phần của lễ hội. Sẽ được diễn ra theo hình thức tổ chức đoàn diễu hành (đi bộ, hoặc xe), được trang trí thiết kế tôn vinh những sản vật của Cà Mau (hoặc trang phục tôn vinh nét đẹp truyền thống 3 dân tộc Kinh, Hoa, Khmer). Ngoài ra, còn tổ chức Hội thi hóa trang thành những sản vật địa phương. Các hoạt động gắn với đời sống của người dân địa phương cũng đươc tổ chức như: văn hóa, văn nghệ hàng đêm; múa lân sư rồng, trống khai hội, xiếc đường phố, múa hip hop,... với các tiết mục đa dạng, sôi động, phong phú.
Nhưng chủ thể chính vẫn là cua Cà Mau, một sản vật được Hội đồng xác lập kỷ lục Việt Nam công nhận top 100 món ăn đặc sản Việt Nam năm nay.
Nên trong lễ hội, chương trình được mong đợi nhất đó sẽ là các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh lĩnh vực ăn uống sẽ tham gia chế biến 69 món ăn từ cua Cà Mau. Qua đó, tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục góp phần quảng bá thương hiệu cua Cà Mau.
Theo ông Hùng, ngày 15/8/2022, Tổ chức Kỷ lục châu Á chính thức công bố xác lập món ăn Đặc sản Lẩu mắm U Minh được xác lập Kỷ lục châu Á. Do đó, Ban Tổ chức dự kiến lồng ghép hoạt động đón nhận bằng Kỷ lục châu Á món ăn Đặc sản “Lẩu mắm U Minh” vào hoạt động “xác lập kỷ lục các món ăn chế biến từ Cua” trong sự kiện “Ngày hội Cua Cà Mau lần thứ I năm 2022” nhằm góp phần quảng bá ẩm thực Cà Mau.
“Ngày hội cua Cà Mau lần đầu tiên được tổ chức nhằm quảng bá hình ảnh, văn hóa ẩm thực để giới thiệu, phục vụ du khách thương hiệu cua Cà Mau. Theo đánh giá, đây là hoạt động được nhân dân trong tỉnh, cũng như khách du lịch quan tâm, mong chờ đến sự kiện đặc biệt này. Hứa hẹn là bước đột phá cho ngành Du lịch của tỉnh dịp cuối năm”, ông Hùng nói.
Cua có thể chế biến nhiều món, lễ hội cua Cà Mau sắp tới sẽ có 69 món trình diễn cho du khách thưởng thức.
Quy mô lễ hội cấp tỉnh
Ông Hùng cho biết thêm, sau khi Kế hoạch được ban hành chính thức, tỉnh Cà Mau sẽ tổ chức họp báo thông cáo báo chí với các cơ quan thông tin đại chúng trong và ngoài tỉnh để đông đảo người dân, doanh nghiệp, khách du lịch trong và ngoài tỉnh biết đến đến sự kiện đặc biệt này. Theo đó, sẽ tuyên truyền, cổ động trực quan, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì thực hiện. Trang trí cờ phướn, truyên truyền bằng băng rôn, pano, trên các tuyến đường trung tâm khu vực công cộng của thành phố Cà Mau, các thị trấn, khu vực đông dân cư dọc theo quốc lộ 1A đến Mũi Cà Mau và nơi tổ chức Ngày hội.
Đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, do Sở Thông tin và Truyền thông phụ trách. Tổ chức họp báo thông cáo báo chí với các cơ quan thông tin đại chúng trong và ngoài tỉnh. Đài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau, Báo Cà Mau, Cổng Thông tin điện tử xây dựng chuyên mục thông tin tuyên truyền tạo sự lan tỏa rộng rãi.
“Sự kiện nhằm đẩy mạnh công tác quảng bá hình ảnh, thương hiệu Cua Cà Mau. Đồng thời, tạo không gian văn hóa ẩm thực hấp dẫn để giới thiệu, phục vụ du khách trong và ngoài nước khi đến Cà Mau. Qua đây, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành, ẩm thực, sản phẩm thủ công mỹ nghệ… gặp gỡ, giao lưu, giới thiệu hình ảnh du lịch, các sản phẩm, món ăn đặc sắc và quảng bá thương hiệu của mình đến du khách trong và ngoài nước”, ông Hùng nhấn mạnh.
Biểu Quân
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.