Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 7 tháng 12 năm 2022 | 11:8

Cuối năm, rau xanh khan hiếm

Do ảnh hưởng của thời tiết mưa lớn trong nhiều ngày, các vựa rau lớn của một số địa phương bị dập nát, nông dân phải nhổ bỏ. Số lượng rau cung cấp ra thị trường không đủ, dẫn đến hiện tượng khan hàng.

Vựa rau của Nghệ An trong tình trạng khan hiếm hàng

Theo bà con nông dân của 2 huyện Quỳnh Lưu và Diễn Châu, thời gian đầu tháng 12 vừa qua do mưa nhiều, nên những đám rau thuộc vùng thấp trũng bị úa vàng, héo rũ; một số bà con tích cực làm đất trồng lại rau màu trên những đám ruộng đã rút nước.

Những cánh đồng rau của xã Quỳnh Minh (Quỳnh Lưu) bị hư hỏng do đợt mưa vừa qua. Ảnh: Xuân Hoàng

Chị Hồ Thị Nhung, một nông dân ở xã Quỳnh Minh (Quỳnh Lưu) cho hay, gia đình làm được 2 sào rau cải gần đến ngày thu hoạch thì đợt mưa vừa rồi bị ngập úng hết, sau đó là nắng gắt, khiến toàn bộ đám rau bị thối rễ, úa vàng, xem như hỏng.

"Như các năm trước, thời điểm này nhiều gia đình đã có rau thu hoạch, nhưng năm nay do mưa nhiều, cả cánh đồng ngập nước, rau hư hỏng hết. Nếu trời tiếp tục có mưa thì không biết khi nào mới làm lại được rau" - chị Nhung chia sẻ.

Người dân vùng bãi ngang của huyện Quỳnh Lưu làm lại đất để trồng rau ngắn ngày, đáp ứng nhu cầu thị trường trong dịp cuối năm. Ảnh: Xuân Hoàng

Ông Hồ Diên Vĩ - Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Minh cho biết: Đợt mưa lũ lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 4 làm thiệt hại hầu hết diện tích rau trên địa bàn xã, nhưng thiệt hại không lớn như đợt mưa gần đây, bởi lúc đó phần lớn diện tích rau bà con mới xuống giống. Trong khi đó, đợt mưa vừa qua, phần lớn diện tích rau chuẩn bị đến kỳ thu hoạch, bà con đã mất nhiều công chăm sóc, nên thiệt hại đến kinh tế. Thống kê cho thấy, đợt mưa vừa rồi xã Quỳnh Minh có khoảng 100 ha rau mất trắng và 59 ha rau bị ảnh hưởng.

Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quỳnh Lưu cho biết: Năm nay, thời tiết mưa nhiều, đặc biệt, sau đợt mưa lũ lớn cuối tháng 9 và đợt mưa cuối tháng 11, 70% diện tích rau của các xã vùng bãi ngang và 30% diện tích rau của các xã vùng cao khác bị hư hỏng. Thời điểm này, sản lượng rau thu hoạch để cung ứng ra thị trường ít, chỉ có một số diện tích ruộng cao cưỡng ít bị ảnh hưởng hơn. Trong khi đó, cùng thời điểm các năm trước rau màu vụ đông khá nhiều, thương lái thu mua vận chuyển đi tiêu thụ các nơi.

Tại huyện Diễn Châu trong đợt mưa vừa qua cũng ảnh hưởng nhiều đến cây trồng vụ đông. Ông Lê Thế Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Diễn Châu cho biết: Trong đợt mưa vừa rồi có 100 ha khoai tây vừa xuống giống bị hư hỏng hoàn toàn; ngoài ra gần 1.000 ha rau khác như su hào, cải bắp... trồng lại sau mưa lớn của cơn bão số 4, cũng bị hư hỏng khoảng 70%. Do vậy, thời điểm này chỉ có một số diện tích rau cải trên những vùng đất cao cưỡng là có thu hoạch mà thôi.

Theo người dân xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu, những diện tích rau đã hư hỏng trong đợt mưa cuối tháng 11 sẽ không trồng lại nữa, vì không kịp thời gian để trồng lạc vụ xuân tới. Do vậy, xem như rau vụ đông này thất bại. Ảnh: Xuân Hoàng

"Hiện nay, huyện Diễn Châu đang liên hệ với đơn vị cung ứng giống khoai tây tiếp tục cung ứng giống để bà con trồng lại trên diện tích 100 ha, cố gắng hoàn thành trồng lại trước ngày 22/12. Với những diện tích rau màu bị ảnh hưởng, bà con tiếp tục chăm sóc, tuy nhiên, nếu thời tiết tiếp tục có mưa thì sẽ khó khăn", ông Lê Thế Hiếu cho hay.

Năm nay, thời tiết mưa nhiều và lượng mưa lớn, khiến việc sản xuất rau vụ đông gặp nhiều khó khăn. Không chỉ những vựa rau lớn, mà các vùng rau khác và bà con trồng trong vườn nhà cũng bất lợi. Vì vậy, nhiều người lo ngại thời điểm cuối năm này lượng rau xanh sẽ không dồi dào như trước.

Người trồng hoa nhẹ nhõm khi gió mùa đông bắc tràn về

Khác với những người trồng rau ở Nghệ An, những người trồng hoa ở làng hoa Lưu Vĩnh Sơn (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh), nay đã có thể thở phào khi đợt không khí lạnh tràn về.

Ông Dương Công Liên hy vọng vụ hoa của gia đình sẽ cho kết quả tốt.

Theo ông Dương Công Liên (thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn)  cho biết: "So với các năm trước, vụ hoa năm nay vất vả hơn do nhiệt độ mùa đông tăng cao, ít đợt lạnh. Nắng nhiều làm cho sắc hoa nhạt, hoa cúc cũng sẽ bung nụ sớm khiến giá trị giảm 10-15%. Tuy nhiên, từ ngày 1/12, không khí lạnh đã tràn về, việc này rất có lợi cho cây hoa. Thời tiết đang ủng hộ đa số người dân vì lạnh như hiện tại hoa sẽ thắm, nụ to và nở đúng dịp tết”.

Dự kiến, dịp Tết Nguyên đán này, gia đình tôi cung cấp khoảng 20 nghìn bông hoa cúc ra thị trường. Nếu với mức giá ổn định như các năm trước, vườn hoa sẽ thu lãi hơn 40 triệu đồng ”.

Còn anh Biện Văn Hoàng cũng vui mừng chia sẻ: “Chuẩn bị cho vụ tết năm nay, tôi chi 5 triệu đồng nhập giống cúc Đà Lạt. Tôi thường xuyên theo dõi thông tin dự báo thời tiết để chủ động trong việc chăm sóc hoa. Theo kinh nghiệm, nhiệt độ thích hợp nhất để số hoa đang ngậm nụ nở vào dịp tết là khoảng từ 15 đến dưới 20 độ C. Nếu từ nay đến Tết Nguyên đán thời tiết rét 1 - 2 đợt nữa, mỗi đợt khoảng 3 ngày, mùa hoa năm nay sẽ rất thuận lợi ”.

Anh Biện Văn Hoàng túc trực tại vườn hoa để tưới nước, làm cỏ.

Với quy trình chăm sóc cẩn thận, những bông cúc trong vườn hoa của anh Hoàng đang sinh trưởng đúng tiến độ. Hiện tại, 15.000 gốc hoa đã phân cành, thân cao, lá to và bắt đầu trổ nụ.

Ông Hồ Sỹ Lưu  có 56.000 cây hoa cúc và 1.000 cây hoa ly đang vươn mình, sẵn sàng khoe sắc. Ông Lưu chia sẻ: “Đợt rét này, tôi rất mong chờ, bởi hoa ly vốn ưa lạnh. Nền nhiệt xuống thấp, tôi tháo lớp lưới đen bảo vệ để cây được phát triển trong nhiệt độ thường. Qua chăm sóc, những nụ hoa đầu tiên nhú ra từ các kẽ lá, lớn dần và xanh mướt”.

Những người dân trồng hoa ở đây cho biết, để có được những mẫu hoa ưng ý, cung cấp ra thị trường dịp tết, tháng 11, 12 âm lịch được xem là thời điểm quan trọng nhất, quyết định sự thành bại của vụ hoa. Để có được những sản phẩm đẹp thì phải tích cực chăm sóc, tỉa cành, lá và theo dõi để có biện pháp xử lý.

Đặc biệt, trong thời điểm hiện tại, trời lạnh nên người trồng hoa đang áp dụng các biện pháp “dưỡng” cây để hoa bung nụ, nở kịp thời vụ.

Chị Nguyễn Thị Hoa - Chủ tịch Hội Nông dân xã Lưu Vĩnh Sơn thông tin: “Vụ hoa năm nay, toàn xã có 30 hộ trồng hoa cúc Đà Lạt, hoa ly với diện tích trồng gần 2 ha. Dự kiến, nguồn thu nhập từ trồng hoa của các hộ dân này đạt 50 - 100 triệu đồng/năm. Hiện nay, tất cả các nhà vườn đang dồn sức chăm sóc để thu được hiệu quả kinh tế cao nhất vào dịp Tết Quý Mão. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động Nhân dân duy trì nghề trồng hoa truyền thống; khuyến khích người dân trồng hoa theo mô hình mới, trồng đa dạng các loài hoa nhằm phục vụ nhu cầu thị trường và khách đến tham quan du lịch, chụp ảnh lưu niệm ”.

Làng hoa rộn ràng vào vụ

Cũng giống như bà con trồng hoa ở Hà Tĩnh, những ngày này, các hộ nông dân trồng hoa ở phường Quảng Long (TX. Ba Đồn, Quảng Bình) đang tất bật bắt tay vào trồng và chăm sóc vụ hoa Tết Nguyên đán 2023. Sau 2 năm ảnh hưởng do dịch Covid-19, người trồng hoa đang rất kỳ vọng vào vụ hoa Tết thắng lợi.

Người dân làng hoa Quảng Long chong đèn "nuôi" hoa, kỳ vọng vụ hoa Tết thắng lợi.

Gia đình bà Đỗ Thị Vân, tổ dân phố (TDP) Trường Sơn có 10 sào đất, năm ngoái, do dịch Covid-19 căng thẳng, sức mua người tiêu dùng giảm nên bà chỉ sử dụng 6 sào để trồng vụ hoa Tết, 4 sào còn lại bà trồng các loại rau khác. Tuy nhiên, năm nay dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, cuộc sống người dân đã trở lại bình thường, gia đình bà Vân mạnh dạn xuống giống trên diện tích 10 sào.

Bà Vân cho hay, Tết Nguyên đán là vụ quan trọng nhất trong năm, với số lượng tiêu thụ lớn, giá bán cao và lợi nhuận rất cao. Vì vậy, việc chăm sóc hoa vụ cuối năm đòi hỏi phải cẩn thận, tỉ mỉ, công phu từ khâu ươm giống, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, nhất là phải làm sao để hoa nở đúng dịp Tết.

Ông Phan Mạnh Hùng, TDP Trường Sơn có 15 sào đất để trồng hoa nên đã phân bổ đều diện tích để trồng các loại hoa khác nhau. Theo ông Hùng, những năm trước ông đã trồng thử nghiệm giống hoa ly lùn và hoa lay ơn, lợi nhuận thu lại khá cao. Nhờ tiết kiệm được chi phí vận chuyển nên những chậu hoa ly của ông có giá bán thấp hơn so với thị trường và được người tiêu dùng đặt mua rất nhiều.

Gắn bó với nghề trồng hoa hơn 20 năm, ông Ngô Văn Thiết, TDP Trường Sơn chia sẻ thêm, năm nay rét muộn nên chúng tôi cũng đã căn thời gian để xuống giống muộn hơn so với mọi năm. Thời tiết những ngày này có vẻ thất thường, nên chúng tôi phải thường xuyên thăm đồng để phát hiện các loại sâu bệnh sớm, điều chỉnh chế độ ánh sáng, nước tưới, dinh dưỡng phù hợp để thời gian hoa nở đúng dịp Tết.

Những ngày này, đi qua những cánh đồng hoa ở Quảng Long vào ban đêm, hàng nghìn chiếc bóng đèn huỳnh quang loại nhỏ công suất từ 15-20W của người dân "nuôi" hoa tạo nên một khung cảnh lung linh, huyền ảo, cũng báo hiệu cái Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đã cận kề.

Chủ tịch UBND phường Quảng Long Ngô Văn Sáu cho biết, để phục vụ thị trường Tết năm 2023, hơn 100 hộ nông dân của phường đã xuống giống gieo trồng 22ha hoa các loại, như: Ly, lay ơn, hoa cúc… Thời điểm này, cơ bản bà con nông dân đã xuống giống xong và đang tích cực chăm sóc, bảo vệ hoa để phục vụ dịp Tết Nguyên đán.

Cuối năm là thời điểm nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của người dân tăng rất cao, rau xanh và hoa trưng trong những ngày Tết cũng là một trong những mặt hàng nhu cầu tăng mạnh. Tuy nhiên, do thời tiết không thuận lợi  như mọi năm nên rau xanh khan hiếm, rất cần bà con phải có kế hoạch thay thế rau đã hỏng sang loại rau khác cho kịp thời vụ và đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top