Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 20 tháng 2 năm 2023 | 10:49

ĐBSCL chủ động ứng phó với đợt cao điểm xâm nhập mặn

Theo dự báo, từ 18/2, ĐBSCL sẽ bước vào đợt cao điểm xâm nhập mặn mùa khô. Mức độ xâm nhập mặn có thể sâu hơn cùng thời điểm năm trước. Các địa phương đang triển khai nhiều giải pháp ứng phó, bảo vệ diện tích vườn trồng cây ăn trái, giảm mức thấp nhất thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra.

Cao điểm xâm nhập mặn

Dự báo, từ 18/2, ĐBSCL sẽ bước vào đợt cao điểm xâm nhập mặn mùa khô. Theo thông tin từ Ủy hội sông Mê Kông Quốc tế, hồ chứa thủy điện ở thượng nguồn giảm lượng xả nước xuống hạ du tới 50% so với thời gian trước làm gia tăng xâm nhập mặn ở vùng ĐBSCL. Dựa trên cơ sở nguồn nước hiện tại và dự kiến thời gian giảm xả của các hồ chứa thủy điện thượng nguồn, các chuyên gia dự báo ranh mặn 4g/l lớn nhất mùa khô năm nay trên sông Cửa Tiểu là 50 đến 55km, Cửa Đại từ 48 đến 53km, Hàm Luông 70 đến 73km, Cổ Chiên từ 62 đến 65 km, sông Hậu từ 58 đến 60 km.

Các cống ngăn mặn được đầu tư trong thời gian qua ở các tỉnh ĐBSCL.

Xâm nhập mặn ảnh hưởng đến việc lấy nước của công trình thủy lợi tại các khu vực từ bờ biển vào tới đất liền 30-45km trong khoảng thời gian từ 18/2 đến cuối tháng 3. Các khu vực cách biển từ 45-65 km, việc lấy nước sẽ bị ảnh hưởng trong các kỳ triều cường 18-24/2 và từ 18/3-25/3.

Tại sông Vàm Cỏ Đông, ranh mặn 4 g/l sẽ vào sâu đến 75-80km, Vàm Cỏ Tây từ 75-85 km. Xâm nhập mặn ảnh hưởng đến việc lấy nước của công trình thủy lợi trong tháng 3 - 4. Mức độ xâm nhập mặn phần lớn ở các sông sẽ tương đương với năm ngoái. Riêng một số nơi, ranh mặn 4g/l có thể vào sâu hơn vài km. Như ở Long An, mặn có thể vào tới địa phận xã Thạnh Đức và xã Bình Tâm. Ở Bến Tre, ranh mặn sẽ vào đến xã An Hiệp, xã Tân Thiềng. Ở Sóc Trăng vào tới xã An Lạc Tây.

Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Tiền Giang, từ ngày 18-20/2 độ mặn ở vùng hạ lưu sông Tiền đạt đỉnh; có thể độ mặn cao nhất xuất hiện tại cống Xuân Hòa (huyện Chợ Gạo) từ 4 - 6 phần nghìn, tại TP Mỹ Tho hơn 2 phần nghìn và cống Xoài Hột (huyện Châu Thành) từ 0,5 - 1,5 phần nghìn. Do đó, đối với vườn cây ăn trái ven sông Tiền cần được bảo vệ khi nước mặn cao hơn 1 phần nghìn.

Ở diễn biến khác, theo thông tin từ Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và PTNT), Biển Hồ Campuchia hiện có lượng trữ khoảng 7,41 tỷ m3, cao hơn trung bình nhiều năm 0,98 tỷ m3. Dự báo dòng chảy từ Biển Hồ tiếp tục điều tiết lưu lượng về Đồng bằng sông Cửu Long ( ĐBSCL) đến cuối tháng 2.

Về dòng chảy trên dòng chính sông Mekong, đến thời điểm hiện tại, các hồ chứa ở Trung Quốc có dung tích trữ còn khoảng 13 tỷ m3, tương đương với 54,7% dung tích hữu ích. Các hồ chứa khác trên lưu vực còn khoảng 53% dung tích hữu ích. Khả năng lượng nước có thể điều tiết cho hạ du trong thời gian còn lại của mùa khô khoảng 34,7 tỷ m3.

Tổng cục Thủy lợi dự báo 2 kịch bản xâm nhập mặn trong thời gian còn lại của mùa khô ở ĐBSCL. Kịch bản 1 có khả năng xảy ra cao là hồ chứa thủy điện thượng nguồn như một số năm gần đây chỉ thực hiện giảm xả đến khoảng giữa tháng 2. Phạm vi xâm nhập mặn 4g/lít ở các cửa sông dự báo sẽ bị tác động như trên.

Công trình thủy lợi đầu sông Rạch Gầm (Tiền Giang) đã có khả năng ngăn mặn xâm nhập.

Kịch bản 2 (trường hợp cực đoan, ít có khả năng xảy ra) là hồ chứa thủy điện Cảnh Hồng (Trung Quốc) duy trì giảm xả đến hết tháng 2 với lưu lượng xả khoảng 650m3/s cùng với việc xả nước muộn ở các hồ chứa khác, dòng chảy về ĐBSCL trong tháng 2 và tháng 3 giảm khoảng 20% so với kịch bản 1.

Trong trường hợp xảy ra kịch bản 2, mặc dù phạm vi xâm nhập mặn tương đối sâu (có thời điểm tương đương mốc lịch sử năm 2016) nhưng thời gian xâm nhập mặn sâu duy trì không dài ngày. Do các diện tích canh tác lúa vụ đông xuân đã được chủ động gieo trồng sớm, đang ở thời kỳ chuẩn bị thu hoạch nên không bị ảnh hưởng, chỉ nguy cơ gây thiếu nước cho khoảng 39.000ha diện tích cây ăn trái tại các tỉnh Tiền Giang 14.871ha, Bến Tre 12.670ha, Long An 6.160ha, Sóc Trăng 3.424ha, Vĩnh Long 1.858ha, Trà Vinh 80ha.

Chủ động giải pháp ứng phó

Để giản thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra, mới đây, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL chỉ đạo, khẩn trương tăng cường theo dõi sát thông tin dự báo xâm nhập mặn của các cơ quan chuyên ngành khí tượng, thủy văn và cơ quan thuộc bộ.

Vườn sầu riêng tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang được bơm tích trữ nước ngọt (Ảnh VOV).

Đồng thời, khẩn trương thực hiện trữ nước trong hệ thống kênh, rạch, hồ, ao phân tán, vận hành công trình thủy lợi hợp lý để lấy nước, bảo đảm trữ đủ lượng nước ngọt sử dụng trong thời gian xâm nhập mặn gia tăng và cả trong mùa khô.

Đặc biệt, lưu ý bảo đảm đáp ứng tối đa nhu cầu nguồn nước cho sinh hoạt và cây ăn trái. Bộ Nông nghiệp và PTNT yêu cầu các địa phương chủ động sử dụng các nguồn kinh phí để thực hiện khẩn cấp các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, lưu ý nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh trục.

Đối phó với tình trạng xâm nhập mặn gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân, đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, bảo vệ diện tích lúa và vườn cây ăn trái. Thời điểm này, các địa phương trong vùng chủ động triển khai nhiều giải pháp chống xâm nhập mặn.

Cống Vũng Liêm ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long được đóng theo chu kỳ 2 ngày và mở xả 6 tiếng vào lúc triều thấp. Nhờ vận hành kịp thời, linh hoạt nên vùng sản xuất bên trong không bị ảnh hưởng. Hàng trăm ngàn ha vườn cây ăn trái gồm: sầu riêng, bưởi… bảo đảm đủ nước ngọt tưới tiêu và tránh được mặn xâm nhập.

Liên quan đến các giải pháp chống xâm nhập mặn, ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Trà Vinh cho biết, trong năm 2022, tỉnh đã đầu tư xây dựng 97 công trình cấp tỉnh và 499 công trình cấp huyện. Dư kiến trong năm 2023, tiếp tục đầu tư 28 công trình cấp tỉnh, 462 công trình cấp huyện. Hiện nay các địa phương trong tỉnh đang tập trung khẩn trương triển khai thực hiện công tác thủy lợi nội đồng năm 2023, để tích trữ nước và chuyển nước phục vụ sản xuất.

Chi cục Thủy lợi tỉnh Trà Vinh cũng đã thường xuyên theo dõi sát tình hình dự báo hạn mặn của các cơ quan chuyên môn ở Trung ương và địa phương. Qua đó, kịp thời phối hợp vận hành đóng, mở các cống đầu mối để tiếp nước ngọt và ngăn mặn, chống triều cường, phục vụ sản xuất của người dân.

Ông Đông, khuyến cao, đối phó với tình hình xâm nhập mặn, người dân cần tuân thủ nghiêm túc lịch thời vụ của ngành; thường xuyên cập nhật và theo dõi thông tin trên báo, đài và các cơ quan chuyên môn để chủ động tích nước phục vụ sản xuất. những vùng không có kế hoạch bố trí sản xuất như huyện Cầu Ngang, thị xã Duyên Hải… cần tăng cường theo dõi, tuyệt đối không xuống giống, chuyển đổi sang trồng các loại cây hàng năm khác phù hợp với điều kiện sản xuất. Trường hợp người dân vẫn tự phát xuống giống cần theo dõi để có giải pháp hỗ trợ kịp thời.

Cù lao Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy, Tiền Giang) nằm giữa sông Tiền là nơi có gần 100% diện tích đất nông nghiệp trồng cây sầu riêng chuyên canh. Ngoài áp lực nước mặn từ sông Tiền dâng cao, địa phương này còn có thể bị đe dọa nguồn nước mặn từ sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên (tỉnh Bến Tre) tràn qua. Trong khi đó, vườn cây tại đây đang chuẩn bị cho thu hoạch rộ, nên công tác phòng chống nước mặn có nguy cơ xảy ra nên được chính quyền và nhà vườn xã Ngũ Hiệp rất quan tâm.

Ông Nguyễn Tấn Nhũ, Bí thư Đảng ủy xã Ngũ Hiệp cho biết, xã đã chủ động nguồn nước với các cống đập và 8 giếng dự phòng. Nếu mặn qua xã sẽ đóng các cống rồi vận hành các giếng, bơm cấp vào các tuyến kênh để người dân sử dụng nước tưới. Xã còn 2 cái cống chưa kín, nếu có mặn huyện sẽ hỗ trợ kinh phí đóng kín.

Nhà vườn đầu tư hệ thống bơm tưới nước chống khô hạn (Ảnh: VOV).

Thuận lợi trong công tác ứng phó với nước mặn xâm nhập của tỉnh Tiền Giang hiện nay, là ven sông Tiền có nhiều công trình thủy lợi ngăn mặn do Trung ương và tỉnh đầu tư tại địa bàn huyện Châu Thành và Cai Lậy. Đến này, hầu hết các công trình đều khẩn trương thi công và đã xây đến phần hạng mục cửa cống hay đã ngăn dòng nên nước mặn không thể xâm nhập từ sông Tiền vào kênh nội đồng.

Hiện Cái Bè có khoảng 8.000 ha vườn cây ven sông Tiền như: sầu riêng, mít, xoài, cam... có thể bị ảnh hưởng khi nước mặn xâm nhập sâu. Đến thời này chính quyền và người dân các địa phương đã triển khai, thực hiện kế hoạch ứng phó. Các cống vừa và nhỏ đã có phương án đóng kín, nhà vườn gia cố cống bọng, bờ bao, nạo vét mương vườn, bơm trữ nước ngọt. Huyện Cái Bè cử cán bộ đo kiểm tra độ mặn thường xuyên tại 9 vị trí trên sộng Tiền để thông báo đến người dân.

Ông Phan Văn Thành, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cái Bè cho biết, cơ bản đến nay địa phương đã chuẩn bị khá chu đáo công tác phòng chống hạn mặn, người dân có ý thức cao trong việc bảo vệ vườn cây. Để chủ động chống nước mặn xâm nhập, huyện đã tập trung sửa chữa các cống đập để đảm bảo ngăn mặn, trữ ngọt đủ cho tưới tiêu. Đồng thời huyện cũng tuyên truyền cho bà con chủ động tích trữ nước tại hộ gia đình, tưới cây bằng hệ thống tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước ngọt đảm bảo cầm chừng trong giai đoạn nước mặn. Khi nước mặn duy trì lâu ngày, huyện sẽ bơm nước ngọt vào mương vườn phục vụ người dân.

Toàn tỉnh Tiền Giang có hơn 80.000 ha vườn cây ăn trái với 11 loại trái cây đặc sản chủ lực. Với sự quyết tâm cao, tinh thần chủ động của các cấp chính quyền, các ngành chức năng và nhà vườn, tin rằng vườn cây sẽ được bảo vệ an toàn, cho năng suất cao, đón nhận mùa bội thu ngay mùa khô hạn.

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top