Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 14 tháng 10 năm 2024  
Thứ hai, ngày 4 tháng 12 năm 2023 | 10:39

ĐBSCL triển khai giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn

Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024, vùng ĐBSCL đến sớm và cao hơn so với trung bình nhiều năm, cùng với nắng nóng gay gắt của El Nino ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Các địa phương ở đây đang chủ động các giải pháp khắc phục để giảm thiểu thiệt hại.

Xâm nhập mặn đến sớm hơn, cao hơn

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, mùa khô năm 2023 - 2024, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong (trạm Kratie-Campuchia) về hạ lưu và ĐBSCL có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 5 - 10%. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long dao động theo thủy triều với xu thế xuống dần.

Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024 vùng ĐBSCL đến sớm và cao hơn so với trung bình nhiều năm.

Từ đó xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024 sẽ đến sớm hơn và cao hơn TBNN, tại một số thời điểm có khả năng thiếu nước cục bộ do xâm nhập mặn vào sâu. Thời gian xâm nhập mặn ở các cửa sông Cửu Long có thể xuất hiện từ tháng 12/2023, trong đó xâm nhập mặn cao tập trung trong tháng 2, tháng 3/2024; riêng các sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn vào các tháng 3, 4, 5/2024.

Về vấn đề này, đại diện lãnh đạo Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 dự kiến ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm, có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Từ giữa tháng 1 đến đầu tháng 3/2024, ranh mặn 4g/l có thể xâm nhập sâu vào khu vực khoảng 50 đến 65km. Nguy cơ thiếu nước có thể xảy ra ở một số địa phương, do đó cần tăng cường giải pháp ứng phó cho hơn 56.000ha lúa tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng…

Đối với vùng chuyên canh cây ăn trái, tổng diện tích nguy cơ bị ảnh hưởng khoảng 43.300ha, thuộc 4 tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng. Nguy cơ thiếu nước sinh hoạt tại các hộ dân sống phân tán và công trình cấp nước tập trung khai thác nước mặt khu vực ven biển thuộc các tỉnh: Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau…

Ông Tăng Đức Thắng, Nguyên Viện trưởng Viện khoa học thuỷ lợi miền Nam cho biết, đối với các địa phương ven biển ĐBSCL, năm nào cũng xảy ra tình trạng thiếu nước ngọt. Kể cả năm nhiều nước trên sông Mekong, thì vùng ven biển vẫn thiếu nước. Trong khi đó, khu vực ven biển được cho là vùng kinh tế phát triển rất tốt, đa dạng các hoạt động sản xuất, do đó, để giải quyết câu chuyện nước cho vùng này cần phải có dự án chuyển nước về. Chúng tôi đã nghiên cứu sơ bộ, cần phải có những tuyến chuyển nước, tạm gọi là “cao tốc nước” để đưa nước từ đầu hệ thống (thượng nguồn - PV) đến cuối hệ thống (hạ nguồn - PV) nhằm giải quyết trong thời gian rất ngắn.

Ông Thắng đánh giá, mùa khô năm nay khả năng xâm nhập mặn sẽ lớn hơn trung bình nhiều năm, nhưng sẽ thấp hơn so với đợt hạn mặn lịch sử xảy ra vào mùa khô 2015-2016. Tuy nhiên, chúng ta cần chủ động tập trung mọi giải pháp để ứng phó hạn mặn như mùa khô 2015-2016.

Phát biểu tại Hội nghị Triển khai công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, bảo đảm sản xuất nông nghiệp, dân sinh mùa khô năm 2023-2024 diễn ra mới đây, ông Nguyễn Quỳnh Thiện, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, trước tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng phức tạp, tỉnh đã xây dựng các kịch bản với ranh giới độ mặn 4‰, xâm nhập vào sâu hơn 50 km tính từ cửa sông để triển khai các giải pháp ứng phó khi có tình huống xảy ra.

Các địa phương triển khai giải pháp để hạn chế việc xâm nhập mặn.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, theo dự báo của Tổng cục Khí tượng Thủy văn và các cơ quan khoa học thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT mưa trên lưu vực sông Mê Kông trong những tháng mùa khô năm 2023 - 2024 phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024 khu vực đồng bằng sông Cửu Long sớm và cao hơn so với trung bình nhiều năm, có thể tương đương năm 2015 - 2016 nếu mưa từ nay đến cuối năm không được như dự báo và nắng nóng gay gắt do ảnh hưởng của El Nino kéo dài trong thời gian mùa khô tiếp tục đe dọa ảnh hưởng đen sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Triển khai giải pháp

Tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn có nguy cơ diễn ra trên phạm vi rộng và kéo dài, đặc biệt vùng đồng bằng sông Cửu Long có khả năng kéo dài đến mùa khô năm 2024-2025, ngành nông nghiệp khuyến cáo các địa phương, người dân cập nhật kịp thời thông tin dự báo khí tượng thủy văn, xâm nhập mặn và triển khai biện pháp chủ động ứng phó với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2023-2024. Tình trạng này gây nhiều ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, một số địa phương đã lên phương án phòng tránh.

Tỉnh Cà Mau đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT có hướng dẫn cụ thể lịch thời vụ, cơ cấu giống, quy trình kỹ thuật chăm sóc đối với cây trồng, vật nuôi, thủy sản phù hợp từng khu vực; hướng dẫn các phương pháp tưới tiên tiến cho các địa phương, doanh nghiệp và người dân.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bến Tre, xâm nhập mặn khả năng sẽ xâm nhập sớm vào các sông trên địa bàn tỉnh từ nửa cuối tháng 11/2023. Trong tháng 12/2023, xuất hiện 2 đợt xâm nhập mặn, đợt 1 từ ngày 7 đến ngày 12 và đợt 2 từ ngày 21 đến ngày 26. Dự báo ranh mặn xâm nhập sâu nhất trên các sông xuất hiện trong tháng 2 và 3/2024.

Trong khi đó, tỉnh Trà Vinh cũng đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, theo dõi dự báo, diễn biến nguồn nước của các cơ quan chuyên môn, xây dựng lịch thời vụ sản xuất phù hợp, vận động nhân dân tuân thủ lịch thời vụ, xuống giống đồng loạt theo kế hoạch, khuyến khích lựa chọn giống cây trồng vật nuôi phù hợp mùa vụ và ứng phó được với biến đổi khí hậu.

Đồng thời, tăng cường công tác đo kiểm tra độ mặn trên các sông, rạch, các công trình đầu mối, các nhà máy nước để vận hành công trình thủy lợi lấy, trữ nước hợp lý, hiệu quả, phù hợp trong từng giai đoạn... Qua đó, người dân đã tích cực, chủ động hơn trong việc chuẩn bị ứng phó hạn mặn ngay từ đầu mùa khô góp phần giảm đáng kể thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra.

Công trình cống ngăn mặn ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long giúp bảo vệ nguồn nước tưới tiêu cho nông nghiệp địa phương khi độ mặn lên cao.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, các địa phương chủ động các giải pháp cụ thể, phù hợp để giảm thiểu thiệt hại, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, cuộc sống của nhân dân, nhất là bảo đảm nước sinh hoạt. Bên cạnh những giải pháp cấp bách, xử lý tình huống hạn hán, xâm nhập mặn như hiện nay, đồng thời tính đến các giải pháp dài hạn, coi hạn hán, xâm nhập mặn là đặc tính thường xuyên của vùng để xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện nguồn nước.

Đối với các dự án đang được đầu tư, xây dựng có mục tiêu phòng, chống hạn hạn, xâm nhập mặn, cần đẩy nhanh tiến độ thi công để đưa vào khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả nhiệm vụ phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn ngay trong mùa khô 2023 - 2024. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân để có nhận thức đầy đủ về tác động nghiêm trọng của khô hạn, xâm nhập mặn, chủ động có các giải pháp tích trữ nước.

Đặc biệt tích trữ nước hộ gia đình, đồng thời nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; hỗ trợ người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện hạn hán, thiếu nước. Chủ động dự báo, thông tin kịp thời về diễn biến của khô hạn và xâm nhập mặn để người dân chủ động lấy và tích trữ nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt.

Ông Hiệp lưu ý, các đơn vị liên quan cần phải bảo đảm trên nguyên tắc: thứ nhất, tuyệt đối không để thiếu nước ngọt cho sinh hoạt. Các địa phương cần rà soát tối đa, chi tiết các địa bàn có thể bị ảnh hưởng để năm nay không có hộ dân nào thiếu nước ngọt sinh hoạt.

Còn đối với sản xuất cây ăn trái, ông yêu cầu phải hạn chế thấp nhất thiệt hại. Chúng ta dự báo có 44.000 héc ta bị thiệt hại, nhưng từ nay đến cuối năm 2023, vẫn còn đầy đủ nước ngọt để tích trữ nên các địa phương cần phải tăng cường để không bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, với sản xuất lúa, bên cạnh gieo trồng sớm, thì cần tăng cường sử dụng giống chịu hạn mặn hoặc chuyển đổi cây trồng ở một số vùng sang cây trồng khác. Với những giải pháp đề ra, tôi cho rằng năm nay vẫn có một mùa sản xuất thành công, ông Hiệp nhấn mạnh.

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Hành trình của chàng trai người Mông đến giảng đường Đại học Y Hà Nội

    Hành trình của chàng trai người Mông đến giảng đường Đại học Y Hà Nội

    Giữa những dãy núi trùng điệp, những con đường đất gồ ghề, cậu học sinh nghèo hiếu học Giàng A Ký (dân tộc Mông) đã nuôi một ước mơ trở thành bác sĩ để chăm sóc và cứu giúp người dân nơi quê nhà. Đối mặt với khó khăn của cuộc sống, đã có lúc, Ký tưởng mình phải bỏ cuộc giữa chừng. Cho đến khi hy vọng được gieo mầm từ Quỹ học bổng Thắp Sáng Niềm Tin…

  • Lũ dữ đi qua, tấm lòng ở lại

    Lũ dữ đi qua, tấm lòng ở lại

    Mỗi khi đất nước có thiên tai, dịch bệnh thì truyền thống yêu nước, tinh thần "tương thân, tương ái", “lá lành đùm lá rách”, “nhường cơm sẻ áo” luôn là bản chất tốt đẹp của người dân Việt Nam lại được phát huy.

  • Tạp chí Kinh tế nông thôn chung sức cùng người dân Lào Cai khắc phục hậu quả sau mưa lũ

    Tạp chí Kinh tế nông thôn chung sức cùng người dân Lào Cai khắc phục hậu quả sau mưa lũ

    Hoàn lưu của cơn bão số 3 (Yagi) đã khiến tỉnh Lào Cai bị thiệt hại nặng về người và tài sản. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Chính quyền và Nhân dân trong tỉnh đã nén đau thương cùng nhau nỗ lực khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống trong sự sẻ chia của đồng bào khắp mọi miền đất nước.

  • Thế hệ trẻ với thiên tai

    Thế hệ trẻ với thiên tai

    Ngày 11/10, tại thành phố Huế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan đại diện của Liên hợp quốc tại Việt Nam và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai và Ngày ASEAN Quản lý thiên tai (13/10) với chủ đề: “Trao quyền cho thế hệ trẻ vì một tương lai an toàn trước thiên tai”.

  • Ra mắt Câu lạc bộ Sách và Văn hóa Huế

    Ra mắt Câu lạc bộ Sách và Văn hóa Huế

    Ngày 29/9, Trung tâm văn hóa, Thông tin và Thể thao TP. Huế (Thừa Thiên - Huế) tổ chức lễ ra mắt CLB Sách và Văn hóa Huế để thực hiện các hoạt động về sách và văn hóa, cũng như nhằm xây dựng một Không gian sách Huế, hướng tới xây dựng Không gian văn hóa Huế.

  • Trùng tu nhà vườn hơn 140 tuổi ở TP. Huế

    Trùng tu nhà vườn hơn 140 tuổi ở TP. Huế

    Ban Quản lý và bảo vệ nhà vườn Huế - UBND TP. Huế (Thừa Thiên - Huế) vừa tổ chức lễ khởi công công trình trùng tu ngôi nhà vườn tại số 3 Phạm Thị Liên, phường Kim Long.

Top