Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 26 tháng 2 năm 2024 | 14:43

ĐBSCL triển khai nhiều giải pháp chống hạn, mặn

Dự báo mùa khô năm 2023-2024, hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất của người dân trong vùng. Nhiều địa phương đã và đang triển khai các giải pháp để ứng phó với hạn, mặn.

Gần 100.000 ha lúa, cây ăn quả có nguy cơ bị ảnh hưởng

ĐBSCL nằm ở cuối nguồn lưu vực sông Mekong, tiếp giáp biển nên xâm nhập mặn vào mùa khô là đặc điểm mang tính tự nhiên của vùng và là yếu tố tác động lớn nhất đến mức độ cũng như thời gian hạn mặn hàng năm từ dòng chảy thượng lưu về ĐBSCL và thủy triều từ biển.

Thời điểm cuối tháng 2, xâm nhập mặn mùa khô 2023-2024 ở một số địa phương khu vực ĐBSCL bắt đầu gay gắt khi ranh mặn lấn sâu vào nội đồng ở mức cao so với trung bình nhiều năm. Tình hình sản xuất nông nghiệp và nhu cầu nước sinh hoạt của người dân ở một số địa phương trong vùng cũng bắt đầu có những ảnh hưởng nhất định.

Kênh mương trong vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) bị khô cạn.

Cụ thể, mùa khô năm 2023-2024, xâm nhập mặn ở ĐBSCL xuất hiện ngay từ cuối tháng 12/2023, sớm hơn khoảng 1 tháng so với trung bình nhiều năm (TBNN) là do ngay từ đầu mùa mưa, nguồn nước sông Mekong về ĐBSCL thiếu hụt từ 10-15% so với TBNN. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Quản lý vận hành và tưới tiêu, Cục Thủy lợi cho biết, hiện đang vào giai đoạn giữa mùa khô 2023-2024, cao điểm của nắng nóng và xâm nhập mặn. Nhận định nguồn nước về ĐBSCL trong tháng 3 vẫn ở mức thấp dẫn đến xâm nhập mặn ở mức cao, có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt.

Những ngày cuối tháng 2/2024, nắng nóng khu vực Nam bộ liên tục tăng, có nơi đạt mức 38oC. Cùng lúc này, nguồn nước ở các tuyến sông xuống thấp, khiến cho nước mặn lấn sâu vào nội đồng. Hiện nay, nước mặn 4‰ xâm nhập đến địa bàn tỉnh Bến Tre cách cửa sông từ 44 - 53km; độ mặn 1‰ xâm nhập cách cửa sông từ 52 - 70km. Tại huyện Chợ Lách, trên sông Hàm Luông và Cổ Chiên nước mặn gần 3‰ đã xâm nhập trên sông chính đến xã Hòa Nghĩa và Long Thới, Hưng Khánh Trung B, độ mặn gần 2‰ đã đến xã Tân Thiềng, 1,4‰ đến xã Phú Sơn, cao hơn so cùng kỳ năm ngoái.

Tại các xã ven biển huyện Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre), nhiều hộ dân ở đây phải mua nước ngọt qua xử lý để sử dụng, vì nước ngọt từ các giếng khoan bị nhiễm mặn. Sống cách bờ biển hơn 20km, bà Nguyễn Thị Sáu (xã Tân Phong) cho biết, nước do nhà máy cung cấp bị nhiễm mặn, nên bà con phải mua nước ngọt qua xử lý với giá 100.000 đồng/m3 để nấu ăn, tắm rửa.

Mùa khô 2023-2024, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm.

Theo Đài Khí tượng - Thủy văn tỉnh Bến Tre, mùa khô 2023-2024, mặn xâm nhập sớm, sâu và kéo dài hơn so với trung bình 10 năm gần nhất. Mặn bắt đầu xâm nhập từ tháng 11/2023, kéo dài đến tháng 5/2024. Hiện, bên ngoài các nhánh sông chính ở Bến Tre đã bị mặn xâm nhập ở các mức độ khác nhau, có nơi độ mặn vượt 3‰, vào sâu nội địa hơn 40km dọc theo sông chính. 

Tại vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán, làm sụt lún đất, đường giao thông. Nhiều kênh mương trong vùng cạn nước, giao thông đường thủy tê liệt. Vì vậy, bà con trong vùng thu hoạch lúa phải bán rẻ hơn 300-700 đồng/kg (do tốn phí vận chuyển bằng xe máy). Thống kê mới nhất cho thấy, tình trạng hạn hán dẫn đến sụt lún, gây thiệt hại ước trên 9 tỷ đồng. Con số thiệt hại còn đang tăng lên từng ngày.

Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Trần Văn Thời, vụ lúa năm nay, trên địa bàn sản xuất hơn 28.950ha lúa, đã thu hoạch hơn 11.000ha. Dự báo có khoảng 2.000ha lúa và hơn 282ha bị ảnh hưởng bởi hạn mặn. Để hạn chế thiệt hại rau màu đến mức thấp nhất cho người dân, địa phương đã phối hợp Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, quy trình chăm sóc rau màu trong điều kiện thiếu nước. Đồng thời, vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm trong tưới tiêu.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Tiền Giang (địa phương có diện tích cây ăn trái lớn nhất với trên 86.000ha), năm nay còn khoảng 35.000ha cây ăn trái chịu ảnh hưởng trực tiếp của hạn mặn. Diện tích có nguy cơ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất và cần được bảo vệ là khu vực thuộc các xã cặp sông Tiền từ xã Phước Thạnh (TP Mỹ Tho) đến xã Hòa Hưng (huyện Cái Bè), với diện tích 22.000ha.

Nước mặn đang tấn công vào hệ thống sông rạch của tỉnh Bến Tre.

Theo nhận định của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam dự báo, mùa khô 2023-2024 thuộc nhóm năm ít nước, mặn xâm nhập đến sớm và sâu hơn trung bình nhiều năm. Mặn cao nhất ở tháng 2 và tháng 3, tích nước bất thường có thể làm mặn vào sâu 55-70km, vì vậy các địa phương cần chủ động xây dựng giải pháp phòng chống hạn mặn phù hợp với điều kiện của vùng. Với mức xâm nhập mặn như vậy, nguy cơ xảy ra thiếu nước cho khoảng 56.260ha lúa ở các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng.

Ngoài ra, xâm nhập mặn cũng có khả năng ảnh hưởng đến vùng chuyên canh cây ăn quả với diện tích khoảng 43.300ha ở huyện Tân Trụ (Long An), các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây (Tiền Giang), Mỏ Cày Nam, Châu Thành (Bến Tre) và Kế Sách (Sóc Trăng). Bên cạnh đó, xâm nhập mặn cũng gây nguy cơ thiếu nước sinh hoạt cho các hộ dân sống phân tán và công trình cấp nước tập trung khai thác nước mặt khu vực ven biển ở nhiều địa phương như: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long...

Triển khai nhiều giải pháp

Để ứng phó với nguy cơ ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023-2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện về việc chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2023-2024.

Cục Thủy lợi đã phối hợp với các đơn vị khoa học thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT thực hiện các nhiệm vụ dự báo nguồn nước và xây dựng kế hoạch sử dụng nước để cung cấp bản tin dự báo mùa trước vụ đông xuân 2023-2024 và cập nhật các bản tin tuần/tháng thường xuyên đến lãnh đạo Bộ, các cơ quan liên quan thuộc Bộ và các địa phương trong khu vực để làm cơ sở chỉ đạo điều hành tổ chức sản xuất nông nghiệp.

Cục Thủy lợi đã ban hành “Sổ tay hướng dẫn tạm thời kỹ thuật trữ nước phân tán, tưới hiệu quả cho cây ăn trái vùng ĐBSCL, áp dụng trong điều kiện xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024” để hướng dẫn các giải pháp trữ nước cho cây ăn trái, các địa phương cũng đã chủ động triển khai xây dựng và tích trữ nước trong các ao hồ phân tán quy mô hộ, nhóm hộ gia đình để đảm bảo nguồn nước cho cây ăn trái trong thời gian xâm nhập mặn tăng cao.

Dự án Cống âu Nguyễn Tấn Thành tỉnh Tiền Giang đã hoàn thành được khoảng 60% khối lượng. Khi hoàn thành giúp ngăn mặn trong mùa khô 2023-2024.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Quản lý vận hành và tưới tiêu, Cục Thủy lợi cho biết, hiện nay các hệ thống công trình thủy lợi vùng ĐBSCL đã chủ động kiểm soát xâm nhập mặn các khu vực cách biển từ 40-65km, với tổng diện tích khoảng 1,25 triệu ha đất canh tác; cụ thể theo các hệ thống sông như sau:

Ở các cửa sông Vàm Cỏ (Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây), khả năng kiểm kiểm soát mặn của công trình thủy lợi cách biển từ 75-80km, đến vị trí Kênh Thủ Thừa thuộc hệ thống thủy lợi Nhật Tảo - Tân Trụ. Ở cửa các sông Cửu Long: Trên hệ thống sông Tiền, các hệ thống thủy lợi đã kiểm soát mặn cách biển từ 40- 65km; trên sông Hậu: Các hệ thống thủy lợi đã kiểm soát mặn từ 35-55km.

Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé có nhiệm vụ kiểm soát xâm nhập mặn trên sông Cái Lớn – Cái Bé cho khoảng 384.000 ha sản xuất nông nghiệp khu vực ven biển Tây, đã được xây dựng và đưa vào vận hành từ cuối năm 2021, đến nay bước đầu khẳng định hệ thống đã đáp ứng được nhiệm vụ thiết kế.

Nhằm chủ động ứng phó, ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Long An thông tin, đã yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình chất lượng nguồn nước, diễn biến xâm nhập mặn trên sông kênh rạch; thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, nguồn nước... của các cơ quan dự báo Trung ương, của tỉnh; không để bị động làm ảnh hưởng đến việc cấp nước sản xuất cũng như nước sinh hoạt.

Đồng thời, khuyến cáo người dân sử dụng nguồn nước tưới tiết kiệm, hiệu quả, tránh lấy nước ở những khu vực bị nhiễm mặn vào đồng ruộng, tránh gây ô nhiễm nguồn nước bên trong nội đồng, gieo sạ đúng lịch thời vụ theo khuyến cáo của địa phương; ưu tiên sử dụng các giống lúa thơm, chất lượng cao, ngắn ngày, nhóm giống chịu hạn, mặn để thuận tiện cho việc cung cấp nước tưới hoặc khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Mô hình đào ao trữ nước ngọt là giải pháp tình thế hiệu quả của người dân tỉnh Bến Tre vào mùa hạn mặn.

Tại Bến Tre, UBND tỉnh đã có chủ trương triển khai đắp đập tạm Bến Rớ, tạo túi nước ngọt cho trạm bơm Cái Cỏ (công suất 47 ngàn m3/ngày đêm); bơm nước thô ngọt cho nhà máy nước An Hiệp và Sơn Đông, phục vụ cho 2 khu công nghiệp An Hiệp và Giao Long, TP. Bến Tre và 2 huyện Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam. Triển khai lắp đặt 2 thuyền bơm tại đập tạm Thành Triệu để bơm nước ngọt khi triều thấp vào lưu vực trữ nước Tam Dương và sông Mã để đảm bảo nước ngọt cung cấp cho nhà máy nước Sơn Đông.  Công ty cổ phần Cấp nước Bến Tre kết hợp với huyện Châu Thành và Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh vận hành các cống dọc sông Hàm Luông và sông Tiền để tích trữ nước ngọt vào nội đồng, các khu vực trữ nước hợp lý, đảm bảo nước không bị nhiễm mặn; tăng cường kích hoạt  hệ thống lọc mặn RO tại các nhá máy nước, công suất thấp nhất 2m3/giờ và cao nhất 10m3/giờ sẵn sàng hoạt động để người dân có nhu cầu đến lấy nước phục vụ sinh hoạt.

Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, chúng tôi rất quan tâm đến nhà máy xử lý nước lớn của tỉnh là nhà máy nước Xuân Đông và nhà máy để cung cấp cho các khu, cụm công nghiệp. Cho nên chúng tôi đã chỉ đạo lấp cái đập Thành Triệu mấy năm nay tranh thủ nước ngọt chứa vô ngay dòng sông để đảm bảo cho nhà máy nước Xuân Đông hoạt động và điều tiết cho các nhà máy khác trong tỉnh. Mới đây chúng tôi đã cho đắp một cái đập Cái Cỏ d936 đảm bảo cung cấp cho các khu, cụm công nghiệp, lượng nước chúng tôi trữ lại đảm bảo cho các nhà máy nước lớn hoạt động.

Ở các địa phương khác cũng đã chủ động tăng cường nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập ngăn mặn, trữ ngọt trong hệ thống kênh mương, đào ao trữ nước, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến để tận dụng tối đa nguồn nước, giảm thất thoát, lãng phí nước; thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nước tối thiểu vào các thời kỳ nhạy cảm về nước của cây trồng, đặc biệt với cây ăn quả, cây giá trị kinh tế cao.

Ưu tiên nguồn lực đầu tư sửa chữa, phục hồi các công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình để nâng cao năng lực khai thác nguồn nước và hiệu quả khai thác công trình thủy lợi. Từ hiệu quả của các giải pháp đã được chủ động triển khai sớm, đến nay sản xuất nông nghiệp đang được bảo vệ an toàn trước các tác động của xâm nhập mặn và dự kiến đợt xâm nhập mặn này sẽ ảnh hưởng không lớn đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, mùa khô năm 2023 - 2024, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong (trạm Kratie-Campuchia) về hạ lưu và ĐBSCL có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm từ 5 - 10%. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long dao động theo thủy triều với xu thế xuống dần. Từ đó xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024 sẽ đến sớm hơn và cao hơn trung bình nhiều năm, tại một số thời điểm có khả năng thiếu nước cục bộ do xâm nhập mặn vào sâu. Thời gian xâm nhập mặn ở các cửa sông Cửu Long có thể xuất hiện từ tháng 12/2023, trong đó xâm nhập mặn cao tập trung trong tháng 2, tháng 3/2024; riêng các sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn vào các tháng 3, 4, 5/2024.

 

Tổng hợp từ nguồn: Cand; Baochinhphu; Sggp; Daidoanket; Vov.

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top