Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 31 tháng 10 năm 2023 | 16:15

Đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa hanh khô

Hiện nay, thời tiết đang bước vào mùa hanh khô, đây là thời điểm rất dễ xảy ra cháy, nổ, nhất là tại các khu dân cư tập trung đông người. Do đó công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCCR) được nhiều địa phương đặc biệt quan tâm.

Nhiều khó khăn trong quản lý, bảo vệ rừng

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Sóc Sơn có tổng diện tích hơn 4.500ha rừng phòng hộ bảo vệ môi trường. Trong đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội quản lý hơn 3.242ha; còn lại là diện tích do các xã, thị trấn của huyện quản lý.

Rừng Sóc Sơn là rừng trồng thuần loài, thảm thực vật dày. Địa hình các xã, thị trấn phức tạp, nằm giáp ranh với hai tỉnh Vĩnh Phúc và Thái Nguyên. Các hộ dân sinh sống xen kẽ trong rừng. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch rừng còn nhiều bất cập khiến công tác quản lý và PCCCR gặp nhiều khó khăn.

Trước những khó khăn nêu trên, Phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn đã chủ trì triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ cháy rừng. Từ đầu năm 2023 đến nay, đã thực hiện 30 đợt tuyên truyền lưu động về bảo vệ rừng và PCCCR; phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Hà Nội tổ chức tập huấn về quản lý, bảo vệ rừng.

Một vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn huyện Sóc Sơn đầu năm 2023.

UBND huyện Sóc Sơn cũng chỉ đạo rà soát, lắp đặt 37 biển nội quy, cắm 500 biển cấm lửa, treo 600 banner tuyên truyền. Đồng thời kiểm tra 300 lượt, lập 300 biên bản phòng ngừa đối với các tổ chức, cá nhân trong PCCCCR để phòng ngừa, đánh giá nguy cơ cháy rừng…

Mặc dù đã chủ động triển khai các biện pháp PCCCR, tuy nhiên từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn huyện Sóc Sơn vẫn xảy ra nhiều vụ cháy rừng. Các vụ cháy đều được lực lượng chức năng huyện Sóc Sơn phát hiện, tập trung khắc phục nhưng vẫn gây thiệt hại hàng chục héc-ta rừng.

Cần sớm điều chỉnh quy hoạch rừng

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Thị Hà, hiện nay, thời tiết đang bắt đầu vào mùa hanh khô. Để chủ động PCCCR, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra, UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo và giao nhiệm vụ cụ thể cho 11 xã, thị trấn có rừng, các phòng, ban, đơn vị trong công tác quản lý và bảo vệ rừng. 

Thời gian tới, phòng Kinh tế huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của các chủ nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng. Tổ chức thực hiện tốt công tác thông báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra về bảo vệ, phát triển và PCCCR tại các xã, thị trấn.

Để làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, đại diện Bộ Tư lệnh hoá học cho rằng, bên cạnh đẩy mạnh công tác hiệp đồng chặt chẽ, UBND huyện cần bố trí thêm kinh phí để bổ sung trang thiết bị, máy móc phục vụ công tác chữa cháy rừng, nhất là các loại máy thổi. Đồng thời, tiếp tục cải tạo, nâng cấp các đường băng ngăn lửa.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn cho biết, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và PCCCR thời gian qua trên địa bàn huyện luôn nhận đươc sự chỉ đạo của Thành uỷ - UBND TP Hà Nội và sự phối hợp của Sở NN&PTNT Hà Nội. Công tác quản lý, bảo vệ rừng từng bước được đổi mới, góp phần giảm thiểu đáng kể các vụ cháy rừng và diện tích rừng bị thiệt hại do cháy.

Nhằm giảm thiểu nguy cơ cháy rừng, huyện Sóc Sơn đề nghị Sở NN&PTNT Hà Nội thường xuyên thực hiện duy tu, sửa chữa các tuyến đường lâm nghiệp. Đồng thời, tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ huyện trong triển khai dự án rà soát hiện trạng và đất lâm nghiệp, làm cơ sở xây dựng phương án đề xuất UBND TP Hà Nội thực hiện điều chỉnh quy hoạch rừng huyện Sóc Sơn.

Mù Cang Chải tập trung giữ rừng mùa khô

Là địa phương vùng cao nên huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái  có diện tích rừng lớn với trên 82.000 ha, trong đó rừng tự nhiên gần 60.000 ha, rừng trồng trên 20.000 ha và trên 2000 ha diện tích đã trồng chưa đạt tiêu chí thành rừng, với độ che phủ rừng đạt 67,25%. Vì vậy, bước vào mùa khô hanh, Mù Cang Chải luôn nằm trong vùng trọng điểm, ở mức báo động cháy cao của tỉnh.

Ông Vàng A Chái - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban Chỉ huy quản lý bảo vệ rừng, PCCCR Cao Phạ cho biết: Trên địa bàn xã có hơn 5.100 ha rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Xã lại có địa hình đồi núi cao, dốc hiểm trở, đồng bào sinh sống không tập trung, tập quán canh tác đa phần chủ yếu sản xuất nông, lâm nghiệp. Nhân dân có lúc còn chủ quan còn chưa chấp hành tốt các quy định về đốt nương làm rẫy, ý thức dùng lửa chưa cao nên việc gây cháy rừng và cháy lan vào rừng vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao.

Chính vì vậy, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ bảo vệ rừng, PCCCR mùa khô hanh năm 2023 - 2024, xã đã chỉ đạo các thành viên Ban chỉ huy quản lý bảo vệ rừng, PCCCR tiếp tục phân công trực ban 24/24h, cử người thay phiên nhau trực tại chòi canh lửa ở bản Tà Chơ; đồng thời phối hợp với kiểm lâm địa bàn, công an xã, cán bộ ban quản lý rừng phòng hộ thường xuyên tuần tra, kiểm tra, canh gác tại các vùng có nguy cơ xảy ra cháy rừng”.

Cùng với đó, xã Cao Phạ chỉ đạo các bản tu sửa hơn 8 km đường băng cản lửa phân chia ranh giới giữa các bản, giữa các loại rừng; chủ động điều kiện đảm bảo phương châm "bốn tại chỗ” (phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ) để sẵn sàng ứng phó mọi tình huống xảy ra. Với trên 3.100 ha rừng, chủ yếu là rừng thông, xã Hồ Bốn cũng đang tập trung các phương án để quản lý, bảo vệ rừng mùa khô. "Trong thời gian qua, cùng với việc tuyên truyền, hướng dẫn bà con nâng cao nhận thức về công tác quản lý, bảo vệ rừng, hiện xã đang duy trì 5 tổ, 29 thành viên tổ đội xung kích.

Cùng với đó, Hạt Kiểm lâm huyện chỉ đạo cán bộ kiểm lâm địa bàn tham mưu chính quyền địa phương  kiện toàn 14 Ban chỉ huy PCCCR cấp xã và 2 ban chỉ huy PCCCR với 404 thành viên; thành lập 108 tổ đội xung kích tuần tra, bảo vệ rừng với 627 lượt người tham gia; đồng thời các tổ chức buổi họp dân để tuyên truyền về công tác PCCCR; tầm quan trọng của rừng và tác hại của cháy rừng; quy định về đốt nương làm rẫy, vận động cộng đồng dân cư sống ven rừng tích cực tham gia bảo vệ rừng; tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng, PCCCR tới tất cả các hộ gia đình.

Cán bộ Hạt kiểm lâm huyện Mù Cang Chải thường xuyên tuần tra, bảo vệ rừng

(Đến nay, có 12.340,0/12.674,0 lượt hộ đã ký cam kết, đạt 97,4%). Hạt cũng phối hợp tổ chức tu sửa lại hệ thống đường băng cản lửa; đường bao lô, bao khoảnh và các đường băng phân chia ranh giới giữa các bản, xã, giữa các loại rừng; tu sửa, chỉnh trang lại hệ thống bảng tin, bảng nội quy, cấp dự báo cháy rừng, biển cấm chặt phá rừng, các chòi canh lửa; mua sắm, trang bị bổ sung các dụng cụ phục vụ công tác PCCCR.

Đây là lực lượng dân quân nòng cốt tại 5 thôn để khi có sự cố thì huy động nhân dân tham gia ứng phó kịp thời”, ông Sùng A Bình - Chủ tịch UBND xã cho biết. Ông Giàng A Hồng ở bản Trống Là, xã Hồ Bốn chia sẻ: "Được sự hướng dẫn cán bộ kiểm lâm, cứ gần đến mùa khô hạnh, tôi và người dân trong bản tập trung phát dọn cỏ, thu dọn thực bì, làm đường băng cản lửa. Đồng bào bây giờ cũng nhận thức được giữ rừng là bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế nên nhiều năm qua những khu rừng do dân bản quản lý chưa xảy ra cháy”. Là địa phương có diện tích rừng lớn, nhận thức của một số bộ phận người dân ở gần rừng, trong rừng còn hạn chế; thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài (từ tháng 10 năm trước đến tháng 5 năm sau) là khó khăn lớn nhất đối với công tác PCCCR của huyện Mù Cang Chải.

Từ đầu năm đến nay, tuy đã làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng nhưng trên địa bàn huyện vẫn xảy ra 8 vụ vi phạm quy định PCCCR, gây thiệt hại trên 40 ha rừng. Ông Sùng A Thênh - Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mù Cang Chải cho biết: Bước vào mùa hanh khô 2023- 2024, Hạt đã tham mưu với UBND huyện ban hành các chỉ thị, quyết định kiện toàn, phân công nhiệm vụ, lịch trực cho các thành viên Ban chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững huyện. Đồng thời xác định những địa bàn trọng điểm có nguy cơ cháy cao để tổ chức tuần tra, làm chòi gác lửa rừng 24/24h; chỉ đạo các xã chủ động phối hợp với nhau trong bảo vệ và tuần tra diện tích rừng giáp ranh và giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân, không để xảy ra điểm nóng”.

Chủ động phòng chống cháy, nổ

Để hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy, nổ và thiệt hại gây ra trong mùa hanh khô tại các đô thị lớn, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) cũng khuyến cáo các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC và CNCH.

Đối với các cấp, các ngành, các đơn vị, cơ sở cần tổ chức tốt hoạt động PCCC và CNCH tại chỗ, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và kiến thức PCCC, nội quy, quy định về PCCC trong sản xuất, kinh doanh đến cán bộ, công nhân viên, các hộ kinh doanh và khách hàng; thường xuyên và định kỳ tổ chức tự kiểm tra an toàn PCCC để phát hiện và khắc phục kịp thời các nguy cơ gây cháy;

Xây dựng và củng cố hoạt động của lực lượng PCCC tại chỗ, trang bị phương tiện, huấn luyện nghiệp vụ để lực lượng này có khả năng phát hiện, báo cháy và dập tắt cháy ngay từ khi mới phát sinh; chuẩn bị phương án thoát nạn cho người và tài sản khi cháy xảy ra; tăng cường tuần tra, canh gác 24/24 giờ tại cơ sở và khu dân cư, đặc biệt là vào thời điểm ngoài giờ hành chính, ban đêm, ngày nghỉ để kịp thời phát hiện và dập tắt cháy ngay từ khi mới phát sinh.

Từ đầu năm đến nay liên tục xảy ra nhiều vụ cháy tại các khu dân cư gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Ảnh: Châu An

Đối với các hộ gia đình cần bảo đảm và duy trì các điều kiện an toàn về PCCC để loại trừ và giảm đến mức thấp nhất nguy cơ cháy, nổ; trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ như bình chữa cháy xách tay, mặt nạ lọc độc, nước chữa cháy… và biết cách sử dựng những phương tiện này; chuẩn bị các phương án thoát nạn và hướng dẫn cho các thành viên trong gia đình cùng biết; cẩn trọng khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã, sử dụng các thiết bị sinh nhiệt như bóng điện tròn, bàn là, bếp điện, thiết bị sưởi ấm…

Không để các vật liệu dễ cháy gần nguồn lửa, nguồn nhiệt; trước khi rời khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết.

Các khu dân cư tập trung nhiều nhà dễ cháy, UBND địa phương cần nghiên cứu, tìm hiểu để nắm nhiệm vụ và trách nhiệm của mình đối với công tác PCCC; tổ chức thành lập và vận động quần chúng Nhân dân tham gia đội dân phòng và xây dựng các phương án chữa cháy tại các khu dân cư; tổ chức cho đội dân phòng tham gia thực tập giải quyết các tình huống giả định cháy; xây dựng cơ chế phối hợp với các lực lượng, các cơ quan, đơn vị để phục vụ công tác chữa cháy như: giải quyết các tình huống cắt điện, cấp nước chữa cháy, cứu thương, giải tỏa ách tắc giao thông...

Đối với các khu vực có nguồn nước tự nhiên, phải xây dựng các bến lấy nước, bể lấy nước để phục vụ công tác chữa cháy ở khu dân cư...

 

Thanh Xuân (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top