Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 17 tháng 9 năm 2024  
Thứ hai, ngày 17 tháng 7 năm 2023 | 11:20

Dẫn đầu về Chương trình OCOP: Hà Nội đẩy mạnh thực hiện Chương trình 04-CTr/TU

Theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội, vượt qua mọi khó khăn, tăng trưởng kinh tế bình quân của Thủ đô giai đoạn 2021-2022 gấp 1,12 lần và 6 tháng 2023 gấp khoảng 1,3 lần mức tăng chung của cả nước.

Hà Nội tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu về các tiêu chí: Quy mô giáo dục, mạng lưới trường lớp, chất lượng giáo dục mũi nhọn và số học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế; phát triển sản phẩm OCOP…

Những kết quả tích cực

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội - Hà Minh Hải, bình quân 2 năm 2021-2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hà Nội tăng 5,86%, cao hơn 1,13 lần mức tăng của cả nước (5,25%). GRDP/người/năm 2022 đạt 141,8 triệu đồng  (khoảng 5.950 USD), tăng 18,1 triệu đồng so với đầu nhiệm kỳ, bình quân tăng 7,07%/năm. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2021-2022 khoảng 656.102 tỷ đồng, đạt 119,9% dự toán Trung ương giao…

Hà Nội cũng tập trung xây dựng, hoàn thiện nhiều nội dung lớn, mang tính chiến lược quan trọng. Các công trình về giao thông, giáo dục, y tế và tôn tạo di tích lịch sử được đẩy mạnh triển khai. Nhiều công trình lớn, quan trọng của Thủ đô đã hoàn thành hoặc khởi công, như: Vận hành Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông; đường Vành đai 2 trên cao. Trong năm 2023, dự kiến hoàn thành cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, vận hành tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội; khởi công đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội…

Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP bên thềm hội nghị. Ảnh: Văn Lúa

Cùng với việc xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển, thành phố cũng tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72,23%, trong đó, lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 52,5%. Lĩnh vực phát triển văn hóa - xã hội được quan tâm. Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045”; chuẩn bị chu đáo các điều kiện về vật chất, kỹ thuật và con người, góp phần tổ chức thành công SEA Games 31 và đóng góp quan trọng giúp thể thao Việt Nam vững vàng ngôi đầu tại SEA Games 32.

Thành phố cũng tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tiếp tục giữ vững là lá cờ đầu toàn quốc về các tiêu chí: Quy mô giáo dục, mạng lưới trường lớp, chất lượng giáo dục mũi nhọn, số học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của Thủ đô cũng tăng từ 70,25% đầu nhiệm kỳ lên 72,23%. Chỉ số đào tạo lao động của Hà Nội năm 2022 xếp thứ 3 toàn quốc.

Cùng với việc đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thực hiện chuyển đổi số, lĩnh vực an sinh xã hội  cũng được bảo đảm. Phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao, số người tham gia bảo hiểm y tế hơn 7,74 triệu người, đạt 92,9%.

Lĩnh vực phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới được tiếp tục đẩy mạnh; toàn bộ 382 xã và 15/18 huyện, thị xã đã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng thêm 14 xã và 3 huyện so với đầu nhiệm kỳ); 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (tăng 82 xã nông thôn mới nâng cao và 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu so với đầu nhiệm kỳ).

Công tác quy hoạch được quan tâm, phát triển hạ tầng kỹ thuật được đẩy mạnh với việc phê duyệt 4 quy hoạch: Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thành phố; 2 quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống; Quy hoạch bến bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ… Thành phố cũng đã bảo đảm quốc phòng an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội. Hoạt động đối ngoại của thành phố tiếp tục được mở rộng, uy tín, vị thế của Thủ đô ngày càng được nâng cao…

Dẫn đầu cả nước về phát triển sản phẩm OCOP

Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT), đánh giá, Chương trình OCOP của TP. Hà Nội đã được phát huy khá tốt, bảo đảm tính toàn diện, thể hiện qua số lượng, chất lượng sản phẩm được công nhận.

Theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội, năm 2022, thành phố có 518 sản phẩm của 19 chủ thể được phân hạng và cấp Giấy chứng nhận đạt từ 3 sao OCOP trở lên. Trong số này, có 1 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao, là Đông trùng hạ thảo sấy đông khô của Công ty cổ phần Dược thảo Thiên Phúc tại xã Phú Nam An (huyện Chương Mỹ). Bên cạnh đó, có 271 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 246 sản phẩm đạt hạng 3 sao.

Sau 4 năm triển khai thực hiện Chương trình, Hà Nội đã công nhận 2.167 sản phẩm OCOP, bằng khoảng 22% của cả nước. Trong đó, có 6 sản phẩm được Trung ương công nhận 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.369 sản phẩm 4 sao, 780 sản phẩm 3 sao.

So sánh tỷ lệ sản phẩm OCOP 4 sao của cả nước là 32%, thì của Hà Nội là 62%, chứng tỏ thành phố phát triển Chương trình này không chỉ về số lượng, mà còn cả chất lượng. Đáng nói là, không chỉ các huyện phát triển sản phẩm OCOP, mà ở các quận cũng rất mạnh trong việc đánh giá, chấm điểm OCOP dựa trên các sản phẩm nông sản đặc sản, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của mình. Để tăng thêm tính bền vững cho Chương trình OCOP, Hà Nội cần hỗ trợ những chủ thể 3 sao lên thành 4 sao, 4 sao lên thành 5 sao.

Ông Nguyễn Văn Chí, Phó chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới TP. Hà Nội nhận định, bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 có điểm mới là UBND cấp xã tổ chức đánh giá một số tiêu chí, nội dung về: Nguồn gốc sản phẩm/nguyên liệu địa phương; sử dụng lao động địa phương; nguồn gốc ý tưởng sản phẩm; bản sắc/trí tuệ địa phương. Đồng thời việc đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao do UBND cấp huyện thực hiện. Điều này sẽ làm tăng trách nhiệm của UBND cấp xã, cấp huyện trong đánh giá, phân hạng sản phẩm.

Trong thời gian tới, OCOP Hà Nội định hướng phát triển gian hàng đầu tiên tại thị trường quốc tế, cụ thể là châu Âu. Công tác gắn liền phát triển các sản phẩm OCOP với phát triển du lịch các làng nghề cũng cần được đẩy mạnh và phát huy. Từ đó, giới thiệu với bạn bè quốc tế, không chỉ những sản phẩm đặc trưng của các địa phương, mà còn có thể đem đến cho họ cái nhìn sâu hơn về quy trình sản xuất cũng như bối cảnh làm nên thương hiệu đặc biệt đó.

Nhiều bài học

Tuy mới đi được nửa chặng đường, nhưng từ nay đến khi kết thúc nhiệm kỳ, Chương trình số 04-CTr/TU về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn 2021 - 2025 còn nhiều việc phải làm để hoàn thành nhiệm vụ đề ra. Kết quả triển khai Chương trình số 04, dù đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng vẫn còn không ít vấn đề cần tiếp tục cải thiện. Trải qua hơn 2 năm triển khai, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04 của Thành ủy Hà Nội đã đúc kết được nhiều bài học kinh nghiệm để có định hướng chỉ đạo phù hợp trong bối cảnh mới.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đánh giá: Trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, Đảng bộ thành phố đã tích cực triển khai 10 chương trình công tác lớn toàn khóa, trong đó có Chương trình số 04, qua đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về mục tiêu, ý nghĩa của chương trình có chuyển biến rõ nét. Đã đạt 23/33 chỉ tiêu mà chương trình đề ra. Cùng với việc hoàn thành tốt, có chất lượng các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị đã đặt ra từ đầu nhiệm kỳ đến nay, còn một số hạn chế, tồn tại. Đó là, tình trạng  sản xuất nông nghiệp còn manh mún, phân tán, chưa bền vững; sự phát triển của kết cấu hạ tầng gắn với đời sống văn hóa, tinh thần của người dân tại các địa phương có khoảng cách chênh lệch khá cao; thu nhập của một bộ phận nông dân còn thấp; văn hóa nông thôn và một số giá trị truyền thống có nguy cơ mai một...

Nhấn mạnh Chương trình xây dựng nông thôn mới có tầm quan trọng, ý nghĩa to lớn và thời gian thực hiện lâu dài, có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị các địa phương, đơn vị phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, để đến năm 2025, thành phố phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 100% huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới; 20% huyện và 40% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu…

Nhấn mạnh 6 nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thực hiện thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền tập trung tuyên truyền thực hiện chính sách “tam nông” trong giai đoạn hiện nay, đó là “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

Cùng với việc xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ theo tiêu chí đô thị…, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với không gian di sản văn hóa vật thể, phi vật thể; bảo vệ các giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc cao đẹp. Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội nông thôn cần chú trọng phát triển hài hòa, đồng bộ cả nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, gắn với cơ cấu lại lao động, tạo sinh kế, việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho nông dân và cư dân nông thôn. Cùng với đó, cần xây dựng làng văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống; quan tâm công tác bảo vệ môi trường nông thôn, an toàn thực phẩm...

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đề nghị các đơn vị tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái; ưu tiên bố trí vốn đầu tư cho các địa bàn khó khăn để góp phần thu hẹp khoảng cách trong xây dựng nông thôn mới giữa các địa phương, bảo đảm tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.

Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU đề nghị các địa phương, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện xây dựng nông thôn mới ở các cấp, các ngành, nhằm phát hiện mô hình mới, cách làm sáng tạo, để chỉ đạo phổ biến nhân rộng…

Đối với 5 huyện phát triển trở thành quận, cần tập trung chỉ đạo, rà soát, tích hợp các tiêu chí xã, huyện nông thôn mới theo tiêu chí đô thị; tập trung phấn đấu có từ 80% xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 30% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và phấn đấu huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trước khi trở thành quận... Trong quá trình thực hiện, cần tiếp thu kinh nghiệm của huyện Đông Anh trong việc giữ lại toàn bộ hệ thống ao hồ để tạo cảnh quan môi trường...

Phấn đấu hoàn thành 3 trụ cột phát triển: Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số

Theo đánh giá của Ban Cán sự Đảng UBND TP. Hà Nội, thành phố có nhiều yếu tố tạo nên những thành công trong nửa nhiệm kỳ, trong đó đặc biệt là sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự nỗ lực, cố gắng của doanh nghiệp và sự đồng hành của toàn thể Nhân dân Thủ đô.

Diện mạo nông thôn ngày một đổi thay nhờ thành công từ Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội.

Từ thực tiễn những kết quả đạt được trong nửa đầu nhiệm kỳ, thành phố đặt ra mục tiêu hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVII ở mức cao nhất. Trong đó, tiếp tục kiên trì thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược: Tập trung hoàn thiện thế chế, chính sách phát triển Thủ đô; tập trung đầu tư phát triển hạ tầng; coi trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Cùng với việc giữ ổn định và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả Kế hoạch phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô theo Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22-2-2022 của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045”.

Thành phố sẽ tập trung thực hiện kế hoạch về chuyển đổi số, phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ, cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử tại các cơ quan, đơn vị, hướng tới chính quyền số. Đến năm 2030, hoàn thành xây dựng chính quyền số, góp phần xây dựng và hoàn thành 3 trụ cột phát triển: Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Song hành với việc tiếp tục phát triển đồng bộ, từng bước hiện đại kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh, thành phố sẽ tiếp tục xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông thôn; đẩy mạnh cải cách hành chính; phòng, chống tham nhũng, lãng phí…

Cùng với việc thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương; xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, thành phố cũng sẽ tiếp tục thực hiện tốt các dự án hợp tác, giao lưu kinh tế, văn hóa với các tỉnh, Thành phố trong nước và hợp tác quốc tế, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra từ đầu nhiệm kỳ.

Năm bài học kinh nghiệm trong triển khai Chương trình 04 được rút ra: Phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức. Cụ thể hóa Chương trình bằng các dự án, đề án với kế hoạch phù hợp thực tiễn. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng NTM”. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Thường xuyên giao ban để kịp thời tháo gỡ khó khăn.

==

Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội

 

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top