Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 3 tháng 5 năm 2024  
Thứ tư, ngày 11 tháng 10 năm 2023 | 17:39

Dâng hương Kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Lương Khánh Thiện

Tỉnh Hà Nam vừa tổ chức lễ dâng hương kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Lương Khánh Thiện (13/10/1903-13/10/2023)- người chiến sĩ cộng sản kiên trung, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Hà Nam.

Tại Đền thờ các Anh hùng Liệt sỹ tỉnh Hà Nam, Đền thờ 10 cô gái Lam Hạ, đoàn đại biểu thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Nam và thành phố Phủ Lý đã kính cẩn dâng hương, dâng hoa, tưởng niệm Anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh - Vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc và sự hy sinh cao cả của các Anh hùng Liệt sỹ đã dũng cảm, chiến đấu hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân, vì sự trường tồn của dân tộc.

Tiếp đó, tại Nhà lưu niệm đồng chí Lương Khánh Thiện, đoàn đã kính cẩn dâng hương, dâng hoa, thành tâm tưởng niệm Anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh; Anh linh các Anh hùng liệt sĩ; Anh linh đồng chí Lương Khánh Thiện - nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.

Các đại biểu dự lễ dâng hương kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Lương Khánh Thiện.

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền, LLVT và Nhân dân tỉnh Hà Nam, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam - Lê Thị Thủy đã đọc diễn văn thể hiện sự tri ân sâu sắc đối với đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Hà Nam và bày tỏ lòng tri ân đến thân nhân gia đình đồng chí Lương Khánh Thiện.

Diễn văn của Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam - Lê Thị Thủy đã nêu bật thân thế, cuộc đời hoạt động cách mạng, nhân cách và những cống hiến đóng góp của đồng chí Lương Khánh Thiện trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Ông sinh ngày 13/10/1903 trong một gia đình nhà nho nghèo, có truyền thống yêu nước tại thôn Mễ Thượng, xã Mễ Tràng, tổng Mễ Tràng, huyện Thanh Liêm (nay thuộc tổ dân phố Mễ Thượng, phường Liêm Chính, TP Phủ Lý). Thấu hiểu nỗi khổ cực của người dân mất nước, đồng chí Lương Khánh Thiện đã sớm hình thành và hun đúc ý chí cách mạng, đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Trong thời gian học Trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng, Lương Khánh Thiện đã tích cực tham gia các phong trào đấu tranh yêu nước của học sinh; sau đó, tháng 3/1926, đồng chí vào làm thợ cơ khí tại nhà máy Sợi (Nam Định). Tại đây, chứng kiến cuộc sống của công nhân, người lao động bị giới chủ vắt kiệt sức, cơm không đủ ăn, ốm đau, bệnh tật không có thuốc thang, đồng chí đã vận động công nhân thành lập Hội Tương tế, Hội Ái hữu… để đoàn kết, thống nhất đấu tranh đòi quyền lợi và giúp đỡ nhau trong những lúc khó khăn về đời sống. Đồng chí luôn đi sát với công nhân, tuyên truyền giáo dục để họ nhận thức nguồn gốc sự áp bức, bóc lột dã man.

Năm 1927, đồng chí Lương Khánh Thiện được kết nạp Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Đồng chí đã tích cực đưa lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng cách mạng của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vào các phong trào yêu nước, nhất là phong trào công nhân, nông dân và học sinh, xây dựng cơ sở quần chúng; vận động, thu hút công nhân tham gia tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, hướng tới việc thành lập Đảng Cộng sản.

Tháng 4 năm 1929, đồng chí được kết nạp vào Chi bộ cộng sản đầu tiên ở Hải Phòng. Ngày 17 tháng 6 năm 1929, Đông Dương Cộng sản Đảng thành lập, đồng chí được kết nạp và trở thành một trong những người cộng sản lớp đầu tiên của Đảng.

Đồng chí trực tiếp lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh của công nhân đòi tăng lương, giảm giờ làm, cải thiện điều kiện lao động và đời sống; các cuộc bãi công của công nhân được hưởng ứng rộng rãi trên địa bàn Hải Phòng.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam - Lê Thị Thủy phát biểu tại buổi lễ.

Tháng 6 năm 1929, đồng chí Lương Khánh Thiện bị địch bắt, đưa về giam ở nhà lao Hải Phòng; địch đã dùng mọi thủ đoạn, hình thức tra khảo, đánh đập nhưng không khai thác được thông tin ở đồng chí. Ngày 20 tháng 6 năm 1929, chính quyền thực dân Pháp đưa đồng chí Lương Khánh Thiện về xử ở tòa đề hình tại thị xã Kiến An và kết án 2 năm tù giam, 5 năm đi đày biệt xứ. Đồng chí Lương Khánh Thiện và các chiến sĩ cộng sản đã biến phiên tòa thành diễn đàn vạch trần tội ác của thực dân Pháp, đồng thời tuyên truyền chủ trương của Đông Dương Cộng sản Đảng là đánh đuổi đế quốc, lật đổ chế độ phong kiến, giành độc lập dân tộc, tự do, dân chủ cho Nhân dân.

Tháng 7 năm 1931, đồng chí Lương Khánh Thiện và nhiều tù nhân chính trị bị địch đưa đi đày ở nhà tù Côn Đảo, bị giam ở Banh 2 cùng với các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Hạ Bá Cang, Hà Huy Giáp, Nguyễn Văn Cừ, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Văn Linh… Đồng chí Lương Khánh Thiện cùng với những chiến sĩ cộng sản đã biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng.

Những năm tháng trong “địa ngục trần gian” nhà tù Côn Đảo, đồng chí Lương Khánh Thiện và các đồng chí của mình không chỉ đấu tranh với bọn cai ngục mà còn đấu tranh với những người tù Quốc dân đảng; đồng chí đã trực tiếp cảm hóa, thu phục được nhiều người tù Quốc dân đảng tham gia cách mạng. Đồng chí luôn giữ khí tiết kiên trung, bản lĩnh chính trị vững vàng, đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết, trở thành một trong những người lãnh đạo các phong trào đấu tranh cách mạng.

Tháng 9 năm 1936, đồng chí Lương Khánh Thiện được trả tự do và trở về đất liền tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng.Tháng 3 năm 1937, tại Hội nghị thành lập Xứ ủy lâm thời Bắc Kỳ, đồng chí Lương Khánh Thiện được cử làm Bí thư Xứ ủy lâm thời (đến tháng 9 năm 1937); kiêm Bí thư Thành ủy Hà Nội (đến năm 1938).

Ngày 29 tháng 12 năm 1938, đồng chí Lương Khánh Thiện bị địch bắt lần thứ hai tại Hà Nội, sau đó được trả tự do vì không đủ căn cứ kết tội. Tháng 1 năm 1939, Đồng chí đảm nhận nhiệm vụ Bí thư Xứ ủy, lãnh đạo phong trào cách mạng của Bắc Kỳ và Hà Nội đến tháng 9 năm 1939. Sau đó, Đồng chí được cử thay mặt Xứ ủy đi chỉ đạo bí mật xây dựng căn cứ và tổ chức cơ sở cách mạng cho Đảng ở tỉnh Phú Thọ.

Tháng 10 năm 1940, Đồng chí được phân công làm Bí thư Liên tỉnh B (gồm Hải Phòng, Quảng Yên, Hòn Gai, Hải Dương, Hưng Yên và một phần tỉnh Kiến An) và trực tiếp phụ trách Đảng bộ Hải Phòng. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí, phong trào cách mạng ở Hải Phòng và Liên tỉnh B đã có chuyển biến tích cực.

Tháng 1 năm 1941, trên đường đi công tác để nắm tình hình, chỉ đạo phong trào công nhân ở Hải Phòng, đồng chí bị địch bắt. Trước mọi cực hình tra tấn liên tục của kẻ thù, đồng chí vẫn giữ vững tinh thần lạc quan, ý chí cách mạng kiên cường, bất khuất.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Lương Khánh Thiện đầy chông gai, thử thách. Trải qua nhiều vị trí lãnh đạo, hoạt động ở nhiều địa phương khác nhau, dù ở đâu, thực hiện nhiệm vụ gì, đồng chí cũng hết lòng vì Đảng, vì nhân dân, vững vàng trước khó khăn thử thách, luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ và có những đóng góp to lớn cho Đảng, cho cách mạng. Ba lần bị địch bắt, giam từ hết nhà tù này đến nhà tù khác, bị kết án chung thân và đày ra Côn Đảo, kẻ địch dùng mọi thủ đoạn, từ dụ dỗ, mua chuộc đến đánh đập, tra tấn dã man nhưng đồng chí Lương Khánh Thiện vẫn kiên gan chịu đựng, giữ vững khí tiết của người cộng sản kiên trung. Không khuất phục được tinh thần thép của đồng chí, Tòa án của đế quốc Pháp đã kết án tử hình và đưa đi xử bắn vào lúc 4 giờ 30 phút ngày 01/9/1941, tại chân núi Áng Sơn, huyện An Lão, tỉnh Kiến An (nay thuộc thị trấn Trường Sơn, huyện An Lão, TP Hải Phòng). Cho đến phút cuối của cuộc đời, đồng chí vẫn giữ trọn lòng thuỷ chung, sắt son với Đảng, với dân tộc, vẫn vững một niềm tin tuyệt đối vào tương lai tất thắng của cách mạng. Đồng chí đã để lại tấm gương ngời sáng cho các thế hệ mai sau về tinh thần tự học tập, tự rèn luyện, phấn đấu trưởng thành từ thực tiễn, về sự kiên trung, tinh thần đấu tranh bất khuất của người chiến sỹ cách mạng.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Nam chụp ảnh lưu niệm cùng thân nhân gia đình đồng chí Lương Khánh Thiện tại lễ dâng hương kỷ niệm.

Phát huy truyền thống yêu nước của quê hương, tiếp bước đồng chí Lương Khánh Thiện, đã có hàng vạn người con quê hương Hà Nam anh dũng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Họ đã sống và chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

 “Lễ dâng hương kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Lương Khánh Thiện, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam là dịp để chúng ta tưởng nhớ, tri ân, tôn vinh tinh thần đấu tranh bất khuất, sự hy sinh anh dũng cùng những đóng góp to lớn của đồng chí Lương Khánh Thiện đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Qua đó, tiếp tục bồi đắp niềm tự hào, giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” trong các tầng lớp Nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ”, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam - Lê Thị Thủy nhấn mạnh.

Những năm qua, Đảng bộ tỉnh Hà Nam đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng Đảng trên các lĩnh vực;phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng tỉnh Hà Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh, phấn đấu sớm trở thành tỉnh khá của vùng đồng bằng Bắc bộ. Nửa nhiệm kỳ qua, đã thực hiện đạt và vượt mức 7/18 chỉ tiêu chủ yếu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 10%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt gần 14 nghìn tỷ đồng, bảo đảm tự chủ ngân sách từ năm 2022… Xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh. Hà Nam là tỉnh thứ 4 trong cả nước được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2020. Đến nay, toàn tỉnh có trên 30% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Văn hóa - xã hội có nhiều hoạt động sôi nổi, an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được cải thiện. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người đạt 87 triệu đồng/người. Quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững...

Với tấm lòng thành kính tri ân, tôn vinh tinh thần đấu tranh bất khuất, sự hy sinh anh dũng cùng những đóng góp to lớn của đồng chí Lương Khánh Thiện đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Hà Nam nguyện đoàn kết, chung sức, đồng lòng kế thừa và phát huy sự nghiệp cách mạng vẻ vang mà đồng chí Lương Khánh Thiện và các bậc tiền bối tiêu biểu của Đảng đã gây dựng. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phấn đấu nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân; tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền; đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tập trung xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội; phát triển sản xuất, mở rộng liên kết; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; phát triển toàn diện văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đảm bảo môi trường, an sinh xã hội; cải thiện, nâng cao đời sống Nhân dân; giữ vững quốc phòng - an ninh; phấn đấu thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, xây dựng Hà Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh.

 

Hà Nam
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top