Ngày 28/11, Công an TP Hà Nội thông tin, các lực lượng phòng cháy chữa cháy (PCCC) trên địa bàn TP đã phối hợp, kịp thời dập tắt đám cháy nhà dân ở địa chỉ số 13, ngõ 132 Cầu Giấy (Hà Nội), không để xảy ra thiệt hại về người.
Không có thiệt hại về người
Theo đó, khoảng 00h49 ngày 28/11, sau khi nhận được tin báo cháy nhà dân ở địa chỉ số 13, ngõ 132 Cầu Giấy (Hà Nội), Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an TP Hà Nội đã điều Đội PCCC - Công an quận Cầu Giấy đến hiện trường.
Đến khoảng 01h07 cùng ngày, Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an TP tiếp tục điều Đội Chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Khu vực số 2 - Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đến chi viện theo yêu cầu của Đội PCCC Cầu Giấy đang ở hiện trường. Đến khoảng 01h19 cùng ngày, đám cháy đã được dập tắt.
Hiện trường vụ cháy trên địa bàn quận Cầu Giấy xảy ra vào rạng sáng hôm nay. Ảnh: CQCA
Theo thông tin từ cơ quan Công an, ngôi nhà bị cháy là nhà ở kết hợp kinh doanh quần áo, diện tích mặt bằng khoảng 30m2, cao 4 tầng, diện tích kinh doanh tại tầng 1 xảy ra cháy. Thời điểm xảy ra cháy trong nhà có 5 người. Chủ hộ là Đặng Thanh Tùng khi phát hiện có cháy đã lấy chìa khóa mở cửa ban công tầng 2 cùng thành viên trong gia đình tự thoát nạn qua nhà hàng xóm liền kề, đồng thời gọi điện thoại báo cháy. Sau khi vụ cháy xảy ra, lực lượng PCCC của Công an quận Cầu Giấy đã đến kịp thời hướng dẫn 3 người dân (nhà bên cạnh) thoát ra bên ngoài theo đường cầu thang bộ. Bước đầu cơ quan chức năng xác định đám cháy không gây thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản đang thống kê, nguyên nhân đang điều tra làm rõ.
Người dân Thủ đô nâng cao ý thức phòng cháy chữa cháy
Những vụ cháy nổ xảy ra liên tiếp, đặc biệt là các vụ cháy tại các chung cư khép kín, khu tập thể... không chỉ mang lại nhiều thiệt hại về tài sản mà còn cả tính mạng của người dân. Điều này đã khiến ý thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong công tác phòng cháy chữa cháy được nâng cao.
Nhiều năm trở lại đây, người dân đổ về Hà Nội để học tập và làm việc khiến mật độ dân cư tăng cao. Để đáp ứng nhu cầu về giá cả, nhiều tòa chung cư mini, khu tập thể đã được xây dựng san sát nhau, không đủ không gian cho việc phòng cháy chữa cháy. Nhiều nhà không xây dựng lối thoát hiểm dự phòng dẫn đến khi có cháy nổ gây nhiều thiệt hại về tài sản và tính mạng con người.
Nhiều khu tập thể, chung cư cũ được thiết kế không có lối thoát hiểm dự phòng. Lối đi chính của mỗi tầng là lối đi chính và cầu thang chính, thậm chí nhiều căn hộ không có ban công, cửa sổ được rào kín, sân thượng bị mái tôn che lấp. Kiểu thiết kế này khi có cháy nổ xảy ra chính là vật cản lớn cho công tác cứu hộ. Với lối đi nhỏ, đội cứu hộ không thể kịp thời tiếp cận khu vực cháy, bỏ qua giờ vàng để thao tác giảm thiệt hại cho người dân.
Điều này đã khẳng định công tác tuyên truyền phòng cháy chữa cháy đến người dân là vấn đề cấp bách. Đặc biệt là tại các khu chung cư, khu tập thể khép kín. Công tác này đòi hỏi tính cộng đồng cao. Chỉ khi người dân được hướng dẫn và nắm rõ, phong trào toàn dân phòng cháy chữa cháy mới được lan tỏa mạnh mẽ và sâu rộng.
Với bà Lê Kim Quyết ở chung cơ trên đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội, việc phòng cháy nổ là việc làm thường trực, bản thân đã có những nhận thức về sự nguy hiểm của các vụ cháy và có phương án nếu xảy ra sự cố. Bà Quyết chia sẻ: "Công tác phòng cháy chữa cháy là việc toàn dân phải quan tâm, để bảo vệ cuộc sống của chính mình, gia đình mình và toàn xã hội. Gia đình tôi luôn chuẩn bị sẵn bình chữa cháy theo tiêu chuẩn của phường đưa ra. Cửa sổ thoát hiện luôn phải có, trong nhà đảm bảo sự thông thoáng về luồng không khí".
Vì bà ở chung cư nên khi gặp cháy nổ, thì mình phải thật bình tĩnh. Bà chuẩn bị cho bản thân cũng như các thành viên trong gia đình khăn to để nếu giả sử xảy ra cháy sẽ tẩm nước thật ướt, bịt khăn vào mũi, miệng để tránh khí độc có thể xâm nhập. Sau đó, cả gia đình di chuyển đến vị trí ban công thoáng khí để đợi đội cứu hộ đến giúp".
Cũng với tâm lý cảnh giác cao, bà Vũ Thị Nguyệt Thu ở khu tập thể Thành Công, Hà Nôi cho hay: "Vì tôi làm nghề may, lại tận dụng hầm của gia đình để cất vải và để xe nên trong hầm lúc nào cũng phải chuẩn bị bình chữa cháy. Trong hầm, tôi cũng chỉ bật một cái đèn để có thể nhìn và kiểm soát được nếu có cháy nổ xảy ra. Phía sâu trong hầm sẽ đặt một chậu nước nông gần kệ vải để tránh lửa lan tới. Bản thân tôi nhận thấy phòng cháy chữa cháy là trách nhiệm lớn của mỗi cá nhân, khi phường hay lực lượng PCCC tổ chức buổi diễn tập phòng cháy chữa cháy, tôi cùng gia đình rất tích cực tham gia".
Em Trần Lê Hoàng, học sinh THPT sống tại khu tập thể Thành Công, Hà Nội cũng ý thức được sự nguy hiểm của cháy nổ. Lê Hoàng chia sẻ: "Em may mắn được học tại ngôi trường hàng năm đều được các chú công an, cứu hộ đến trường và tổ chức các buổi diễn tập thực tế cho bản thân cùng các bạn trực tiếp thực hành.
Gia đình em cũng đã chuẩn bị công tắc báo cháy khi gặp khói, có trang bị cả mặt nạ phòng độc và các cửa sổ thay vì lắp khung sắt nay đã thay bằng các khung dây, vừa đảm bảo an toàn. Nhà em có cháu nhỏ nên vừa đảm bảo an toàn cho cháu, vừa đảm bảo cho công tác cứu hộ thuận tiện".
Mỗi một cá nhân đóng vai trò quan trọng trong công tác PCCC tại chỗ
Thời gian qua, các khu chung cư, khu tập thể san sát nhau được các cán bộ, chiến sĩ hướng dẫn tận tình các biện pháp xử lý khi gặp trường cháy nổ xảy ra. Thông qua trực tiếp khảo sát từng hộ dân cư, các cán bộ có thể phân tích đúng thực trạng và đưa ra các giải pháp phù hợp với từng thiết kế nhà trong khu vực. Công cuộc tuyên truyền lan tỏa tích cực từ cá nhân đến từng khu, từng quận người dân sinh sống. Không chỉ dừng tại các khu chung cư, các khu tập thể, lực lượng phòng cháy chữa cháy còn đẩy mạnh công tác phòng cháy chữa cháy tại các cơ quan tổ chức, xí nghiệp, bệnh viện và trường học. Luôn định kỳ kiểm tra các thiết bị phòng cháy chữa cháy, thay đổi khi đến hạn và kiểm tra lại số lượng theo đúng quy định.
Lực lượng PCCC kiểm tra các thiết bị chuyên dụng chữa cháy.
Thực tế cho thấy, công tác tuyên truyền và xây dựng phong trào toàn dân phòng cháy chữa cháy, định kỳ tổ chức những buổi tuyên truyền về kiến thức và mô phỏng thực tế về phòng cháy chữa cháy tại các chung cư, nhà cao tầng, khu dân cư nhận được sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của cư dân tại địa phương.
Lực lượng phòng cháy chữa cháy khẳng định: "Chính mỗi người dân đều có thể đóng vai trò quan trọng trong việc phòng cháy chữa cháy tại chỗ. Đồng thời, lực lượng công an tổ phòng cháy chữa cháy kết hợp cùng với tổ trưởng các tổ dân phố, Uỷ ban nhân dân quận trực tiếp đến từng nhà, từng khu của người dân, đưa ra các phương án nâng cao nhận thức và hành động của họ trong công cuộc phòng cháy chữa cháy, đảm bảo phòng cháy chữa cháy luôn là nhiệm vụ hàng đầu".
Để đưa quy mô phòng cháy chữa cháy nhanh chóng phủ sóng toàn xã hội, mỗi cá nhân cần trang bị kiến thức cơ bản. Trước hết, cần thông thạo cách sử dụng các thiết bị phòng cháy như bình chữa cháy, đặc biệt với những nhà tại khu chung cư, tập thể cần chuẩn bị dây thoát hiểm, luôn trong tâm thế chủ động với nguy cơ cháy nổ trong gia đình và cộng đồng. Từ đó, mỗi cá nhân sẽ có trách nhiệm hành động để duy trì an toàn trong gia đình, xử lý và bảo quản các vật dụng dễ cháy như đèn nến, thiết bị điện sang một khu riêng để dễ xử lý khi xảy ra cháy nổ. Để ý sát sao trong lúc hút thuốc, nấu nướng, hoạt động gần nguồn lửa. Trang bị đầy đủ hệ thống báo cháy, cũng như cài số điện thoại của lực lượng PCCC là số điện thoại khẩn. Người dân xung quanh khi thấy có hỏa hoạn nhanh chóng thực hiện kế hoạch sơ tán được được phường và lực lượng PCCC hướng dẫn.
Mỗi cá nhân cùng chia sẻ kiến thức và kỹ năng PCCC đến với người thân và mọi người xung quanh, nhất là gia đình có trẻ em và người già. Ngay khi thấy cháy nổ, nhanh chóng báo cáo sớm cho lực lượng phòng cháy chữa cháy ngay khi phát hiện, cung cấp hỗ trợ và thông tin chi tiết cho lực lượng cứu hỏa khi cần thiết.
Từng hành động nhỏ từ mỗi người dân đều mang tầm ảnh hưởng lớn trong việc giảm thiểu nguy cơ xảy ra hỏa hoạn và cứu sống mạng người. Biết xử lý tình huống trong thời gian đội cứu hộ tới ứng cứu, đám cháy sẽ được giải quyết nhanh chóng. Dưới sự nỗ lực của lực lượng phòng cháy chữa cháy kết hợp với sự trợ giúp của người dân, số lượng các vụ hỏa hoạn có thể được hạn chế tối đa về tài sản và người bảo vệ cuộc sống an ninh trật tự của nhân dân.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.