Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 16 tháng 8 năm 2023 | 11:3

Dấu ấn Đà Nẵng qua những cây cầu

Người Pháp luôn tự hào về hình tượng tháp Eiffel tại thành phố Paris, thì người dân thành phố Đà Nẵng cũng luôn tự hào về hình tượng những cây cầu bắc qua sông Hàn. Một cách tình cờ, những cây cầu lại là dấu ấn mở màn cho sự giao thương phát triển kinh tế cảng thần kỳ của thành phố Đà Nẵng kể từ sau Cách mạng Tháng Tám thành công.

Từ những cây cầu đầu tiên qua sông Hàn…

Cầu Thống chế De Lattre De Tassigny (nay là cầu Trần Thị Lý) dài 520m, xây dựng năm 1951 bởi hãng Eiffel băng qua eo biển Tourane” - là những dòng giới thiệu súc tích về cầu De Lattre De Tassigny (hay Đờ Lát), cây cầu bắc qua sông Hàn (Đà Nẵng) đầu tiên được đăng tải trên một Tạp chí tiếng Pháp in năm 1953. Đứng đằng sau công trình mang tính lịch sử - cây cầu bằng thép đầu tiên được xây dựng của Đà Nẵng của “cha đẻ”  tạo ra tháp Eiffel tại Paris (Pháp).

Hình ảnh hai cây cầu Thống chế De Lattre De Tassigny (nay là cầu Trần Thị Lý) và cầu Nguyễn Hoàng (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi) được người Mỹ chụp vào cuối thập niên 70 của thế kỷ 20. (Ảnh tư liệu)

Từ sau khi được xây dựng hoàn toàn, De Lattre De Tassigny cũng được xem như một thành tựu lớn của người Pháp tại đất Đà Nẵng. Cây cầu có vị trí chiến lược, mang ý nghĩa kết nối hệ thống đường sắt từ cảng Tiên Sa đến ga Đà Nẵng - “con đường tơ lụa” lúc bấy giờ.

Sau này, kết thúc chiến tranh, đến năm 2003, Đà Nẵng đã tiến hành xây dựng cây cầu dây văng độc đáo, hiện đại bậc nhất Việt Nam tại vị trí nền móng cũ của De Lattre De Tassigny với tên gọi Trần Thị Lý. Cầu Trần Thị Lý cho đến nay vẫn giữ vai trò then chốt trong sự phát triển kinh tế du lịch của thành phố Đà Nẵng.

Cầu dây văng Trần Thị Lý nằm bên cạnh cầu Nguyễn Văn Trỗi (Màu vàng) ngày nay.

Cây cầu thứ hai bắc qua sông Hàn là cây cầu dã chiến mang tên Nguyễn Hoàng (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi) xây dựng vào nửa sau thập niên 1960. Cầu Nguyễn Hoàng/Nguyễn Văn Trỗi không phải là cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hàn như cầu De Lattre/Trần Thị Lý nhưng là cây cầu tuổi đời lớn nhất đang còn ở lại với dòng sông này. Dẫu được xây dựng lúc người Pháp sắp ra đi như cầu De Lattre, hay lúc người Mỹ vừa mới đến như cầu Nguyễn Hoàng, đương thời cả hai đều là phương tiện phục vụ chủ yếu cho quân viễn chinh xâm lược.

Cho đến nay, cầu Nguyễn Hoàng/Nguyễn Văn Trỗi vẫn giữ được nguyên sơ những kiến trúc từ thời người Mỹ còn có mặt ở Đà Nẵng. Cầu Nguyễn Văn Trỗi gồm 14 nhịp giàn thép Poni dài hơn 500m, khổ cầu 10,5m, không có lề dành cho người đi bộ, từng được sửa chữa năm 1978 và năm 1996. Cây cầu hiện nay đã được tu bổ, không còn phục vụ cho việc lưu thông xe cộ, mà trở thành cây cầu đi bộ độc đáo phục vụ cho kinh tế du lịch của thành phố.

Cầu quay sông Hàn là cây cầu quay lớn nhất và duy nhất của Việt Nam cho tới thời điểm hiện tại.

Sau ngày đất nước thống nhất, thành phố Đà Nẵng bước vào công cuộc xây dựng phát triển kinh tế không ngừng nghỉ. Để phục vụ giao thương nhộn nhịp hai bên bờ sông Hàn, những cây cầu liên tiếp được thành phố xây dựng. Cầu quay sông Hàn là cây cầu quay lớn nhất và duy nhất của Việt Nam cho tới thời điểm hiện tại. Cầu được xây dựng năm 1998, dài gần 500m và nối liền trung tâm của hai quận Hải Châu và quận Sơn Trà. Từ 0-1h sáng cầu mở 90 độ để các thuyền lớn đi qua. Hiện nay, cầu quay sông Hàn là địa điểm du lịch Đà Nẵng độc đáo được nhiều du khách lựa chọn.

Cầu Rồng Đà Nẵng có vòm thép lớn với thiết kế giống như hình con rồng vàng đang bay ra biển Đông.

Cho đến năm 2013, một cây cầu khác ra đời, đó là cầu Rồng. Cầu Rồng Đà Nẵng có vòm thép lớn với thiết kế giống như hình con rồng vàng đang bay ra biển Đông. Vào tối thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ lớn, cầu Rồng tổ chức hoạt động phun nước, phun lửa phục vụ khách du lịch. Hệ thống ánh sáng cũng được lắp đặt trên cầu, nó mang đến vẻ đẹp lung linh, rực rỡ cho cầu Rồng khi màn đêm buông xuống.

Đến một Đà Nẵng đáng sống

Đầu tháng 1/1946, lần đầu tiên cử tri Đà Nẵng/Hòa Vang được cầm lá phiếu trên tay để bầu Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) và bầu HĐND các cấp. Thời kỳ đó, người dân chài tại các vùng thuộc bán đảo Sơn Trà hoàn toàn bị cô lập vì không có cầu bắc qua, nhiều người dân yêu nước đã phải dùng đò để qua sông đi bầu cử.

9 giờ sáng ngày 26/8/1945, tại Tòa Đốc lý (Tòa Thị chính), UBND cách mạng lâm thời thành phố Đà Nẵng tuyên bố xóa bỏ chính quyền cũ, thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân và công bố 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh . (Ảnh tư liệu)

Bà Phùng Thị Nữ, vợ liệt sĩ Huỳnh Phước Khả (quận Ngũ Hành Sơn) kể lại: “Thời kỳ đó, gia đình tôi mong muốn được đi bầu cử, thế nhưng việc chèo đò qua sông Hàn vẫn rất nguy hiểm vì còn nhiều thế lực thực quân Nhật hiện diện tại thành phố Đà Nẵng. Nếu biết mình đi bầu cử thì khó bảo toàn tính mạng. Về sau quân Pháp quay trở lại và đã xây cầu, việc di chuyển qua sông để thực hiện những nhiệm vụ chính trị vẫn còn rất khó khăn vì địch kiểm soát rất chặt. Nhìn lại những năm tháng đó, tôi không thể nghĩ rằng có thể có một Đà Nẵng với những cây cầu mà người dân được phép tự do đi lại như ngày hôm nay. Để có sự tự do, đó là cả một hành trình lịch sử đấu tranh gian khổ để thống nhất đất nước”.

Trong nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ khóa XXII, với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, 2 năm liên tiếp TP. Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, 3 năm liên tiếp nhận giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam, đạt giải thưởng “Thành phố dịch vụ công thông minh”, “Thành phố hạ tầng số thông minh”, “Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, nhiều giải thưởng chuyên đề ở các lĩnh vực giao thông, logistics thông minh; khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; ứng dụng thành phố thông minh; “Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng” được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương…

Những cây cầu lịch sử của Đà Nẵng, dù là Việt Nam hay nước ngoài xây dựng cũng đều là sự mở đầu cho giao thương kinh tế cảng của thành phố biển Đà Nẵng ngày một phát triển thịnh vượng. Đà Nẵng từ sau Cách mạng Tháng Tám (1945), nhất là sau Đại thắng mùa Xuân 1975 đã dần thay đổi bộ mặt từ  địa phương nghèo khó chìm đắm trong bom đạn thành trung tâm kinh tế thịnh vượng của miền Trung, đó không thể thiếu sự góp mặt của những cây cầu lịch sử.

Nhiều năm qua, 4 cây cầu thuộc “tứ đại mỹ kiều” của Đà Nẵng không chỉ giữ vai trò hạ tầng kết nối giao thương mà còn gián tiếp góp phần chắp cánh cho sự phát triển thần kỳ từ một “trạm dừng nghỉ” dọc con đường du lịch miền Trung tới thành phố đáng sống Đà Nẵng. Trong gần 10 năm (2009 – 2019), lượng khách đến Đà Nẵng tăng đến 463%; quy mô nền kinh tế tăng hơn 11 lần, chỉ số PCI luôn thuộc Top đầu cả nước.

The New York Times gọi Đà Nẵng là Miami của Việt Nam, trong khi Lonely Planet giới thiệu đây là một trong những đô thị thú vị nhất Việt Nam. Tạp chí Du lịch Live and Invest Overseas bình chọn Đà Nẵng là 1 trong 10 địa chỉ đáng sống nhất thế giới. Đà Nẵng đã thực sự đổi thay từ những nhịp cầu của giao thương, của văn hóa, của gắn kết, hội nhập và thịnh vượng.

 

Anh Vũ
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top