Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 28 tháng 5 năm 2023 | 9:54

Dấu ấn nông thôn mới Hà Nội

Hà Nội thực hiện "Chương trình nông thôn mới" có thể nói đã làm cho bộ mặt nông thôn Thủ đô khởi sắc rõ nét, với nhiều dấu ấn, cách làm đa dạng, sáng tạo, với biết bao câu chuyện làm nông buồn - vui gắn bó sát sườn với đại đa số người dân.

Diện mạo nông thôn huyện Phúc Thọ thay đổi sau khi thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Kết nối các trục giao thông

Trong buổi làm việc với huyện Phúc Thọ vừa qua, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, vai trò, vị trí của huyện Phúc Thọ đóng góp rất quan trọng trong vai trò kết nối phát triển của nhiều quận huyện của Thủ đô.

Vì vậy, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng chỉ đạo các sở, ngành cần đẩy nhanh nghiên cứu, quy hoạch, đầu tư, giải phóng mặt bằng cho những dự án đặc biệt quan trọng đi qua địa bàn huyện Phúc Thọ như: xây dựng trục đường Bắc - Nam Hà Nội; đường Tây Thăng Long; nâng cấp sửa chữa quốc lộ 32...

Bí thư Thành uỷ Hà Nội lưu ý, việc quy hoạch phải có tầm, đi trước một bước và phải được tính toán kỹ từ đầu, tránh tình trạng đường chồng đường lãng phí không hiệu quả; vấn đề kết nối các tuyến kém hiệu quả. Cần lấy trục đường cao tốc Nhật Tân - Nội Bài làm hình mẫu để áp dụng làm các tuyến đường quan trọng tới đây.

Phúc Thọ là huyện nằm phía Tây của thành phố Hà Nội, là địa bàn quan trọng trong trục phát triển, kết nhiều quận, huyện của thành phố Hà Nội. Vì vậy, thành phố đang tập trung đẩy nhanh xây dựng trục đường Bắc - Nam Thủ đô, Tây Thăng Long, kết nối từ trung tâm Hà Nội đi các huyện và tỉnh ngoài.

Ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, dự án trục Bắc - Nam thành phố Hà Nội đặc biệt quan trọng để phát triển nhiều huyện trên tuyến. Tuy nhiên, nguồn lực để xây dựng hạn chế nên gặp không ít khó khăn. Vì vậy, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư cần bố trí nguồn vốn, đồng thời cho phép đấu giá đất ở những nơi tuyến đường đi qua.

Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh, Phúc Thọ có vị trí chiến lược, trục phát triển chính của Thủ đô. Tai đây có nhiều trục giao thông kết nối trong ngoài. Tuy nhiên, năng lực hạ tầng còn thấp kém, khả năng liên kết thấp. Vì vậy, tới đây cần đâu tư và quy hoạch kết nối các tuyến đường, các địa phương với nhau phù hợp. Phát triển, kết nối có khoa học giữa nhiều tuyến như trục Tây Thăng Long; trục Bắc - Nam; tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội...

Đối với trục Bắc - Nam ngoài kết nối 7 huyện, còn kết nối với tỉnh Vĩnh Phúc. Dự án có chức năng như những đường Vành đai 4, Vành đai 4,5, Vành đai 5. Vì vậy, dự án này cần đẩy nhanh và cần có những chủ trương, chính sách, cách làm đặc thù và cần tập trung nguồn lực đầu tư.

Năm 2023, Hà Nội sẽ hoàn thành mục tiêu của Chương trình giai đoạn 2021 – 2025

Thực hiện Chương trình số 04 của Thành ủy Hà Nội về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân" giai đoạn 2010 - 2020, Thành phố đã lựa chọn đúng và trúng các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển nông nghiệp.

Trong khoảng 10 năm từ 2010 - 2020, thành phố Hà Nội có 06 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 355/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 92,9%) là tiền đề để tiếp tục thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025.  

Những năm gần đây, Hà Nội đã tập trung đầu tư nhiều nguồn lực cho vùng nông thôn, dẫn tới số các xã, các huyện đạt chuẩn nông thôn mới tăng cao. Đến nay, Thành phố Hà Nội đã có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 83,3% so với kế hoạch Chương trình), gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai, Gia Lâm, Thạch Thất, Thường Tín, Thanh Oai, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Mê Linh và thị xã Sơn Tây.

Đối với 3 huyện còn lại gồm Ứng Hòa, Ba Vì, Mỹ Đức chưa đạt chuẩn nông thôn mới, hiện đã hoàn thiện hồ sơ theo quy định trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội đồng thẩm định nông thôn mới Trung ương xem xét, thẩm định huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022.

Dự kiến trong năm 2023 Hà Nội sẽ hoàn thành mục tiêu của Chương trình giai đoạn 2021 - 2025, với 100% số huyện, thị xã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Hiện, qua kết quả thẩm định Hà Nội có 4 huyện: Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì có cơ sở đủ điều kiện đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo UBND Thành phố đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Bên cạnh đó, có 2 huyện Hoài Đức, Thanh Oai phấn đấu hoàn thành huyện nông thôn mới nâng cao trong năm 2024. Dự kiến đến hết năm 2025, sẽ vượt chỉ tiêu Chương trình cả giai đoạn đến năm 2025 là có 5 huyện nông thôn mới nâng cao.

Đến hết năm 2021, Thành phố có 382/382 (đạt 100%) xã đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành mục tiêu của Chương trình giai đoạn 2021 - 2025. Xã nông thôn mới nâng cao, đến nay có tổng số 111 xã (đạt 71%). Đến nay, thành phố có tổng số 20 xã nông thôn mới kiểu mẫu (đạt 25% so với mục tiêu của Chương trình đến năm 2025 là 80 xã nông thôn mới kiểu mẫu).

 

 ==

Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội

 

P.V
Ý kiến bạn đọc
Top