Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 17 tháng 4 năm 2023 | 16:2

Đau đáu tìm giải pháp giúp người nuôi nghêu

Thấy nông dân ngày đêm vất vả nhưng bỗng chốc trở nên tay trắng, vì chưa kịp thu hoạch thì nghêu đã chết; ông bỏ công sức, tiền bạc, thời gian… để nghiên cứu thành công quy trình nuôi loài hải sản này giúp bà con.

Người đó chính là Đại tá, GS. TSKH. Vương Khả Cúc.

Ý tưởng nghiên cứu

Mặc dù là một trong những GS.TSKH hàng đầu của Việt Nam nói chung và ngành Công an nói riêng, nhưng lúc nào ông Cúc cũng đau đáu với nông dân. Ngoài hàng chục công trình nghiên cứu khoa học thành công trước đây thì mới rồi ông tiếp tục cho ra đời và đưa vào ứng dụng thành công “Công trình nuôi nghêu vàng thử nghiệm”, giúp bà con tránh được hiện tượng nghêu chưa đến kỳ thu hoạch thì đã chết trắng đồng.

Vất vả lắm mới tìm được GS.TSKH Vương Khả Cúc khi ông còn đánh trần làm việc với nông dân trên cánh đồng nuôi nghêu ở xã Bành Long (Giao Thủy - Nam Định). Bên căn chòi lá, ông tâm sự: Vốn là người miền Trung (sinh ra ở xã Thạch Liên, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) nên dù bôn ba hàng chục năm học tập và nghiên cứu khoa học ở nước ngoài nhưng lúc nào tôi cũng đau đáu với quê hương, đất nước, nhất là với nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

GSTSKH Vương Khả Cúc đang trò chuyện với phóng viên.

Vì thế, dù đến cái tuổi và sự nghiệp thành công nhưng lúc nào ông cũng luôn tâm niệm với câu châm ngôn:”Nếu ngày mai Thượng đế bắt tôi về thế giới bên kia, thì hôm nay xin cho phép tôi vẫn được làm việc”. Ông đã nghiên cứu thành công hết đề tài khoa học này đến đề tài khác và dường như không lúc nào nghỉ ngơi.

Sở dĩ giờ này còn vật lộn với cánh đồng nghêu là bởi vì, tình cờ một lần về quê vợ ở huyện Giao Thủy tham dự đám giỗ, ông ngồi cùng mâm với người em tên là Nguyễn Văn Vinh. Trong cuộc trò chuyện, anh Vinh cho biết, lâu rồi bỏ hết mọi công việc để ra đồng tập trung nuôi vạng (tên gọi khác về con nghêu). Sau đó, anh Vinh đưa ông Cúc đi một vòng ở những nơi nuôi nghêu thuộc huyện Giao Thủy.

Trong chuyến đi thực tế này, thấy người nuôi nghêu rất vất vả, hầu như ở đâu cũng có hiện tượng nghêu chưa đến kỳ thu hoạch thì đã bị chết. Không ít  hộ gia đình lâm vào cảnh trắng tay. Có gia đình nuôi đến lần thứ 5 mà vẫn không thành công được một lần, vì nuôi nghêu không đúng quy cách.

Một số đề tài, dự án và công nghệ của Đại tá, GS. TSKH. Vương Khả Cúc đã ứng dụng trong nước như:

Năm 1991-1992: “Quy trình công nghệ sản xuất phân bón qua lá”. Một số đơn vị áp dụng thành công gồm: Công ty Phân bón Sông Gianh; Công ty Bắc Nam; Công ty Phú Châu; Tập đoàn Quế Lâm.

Năm 1993-1994: “Công nghệ thủy canh - trồng cây trong dung dịch”. Đơn vị áp dụng thành công như: Công ty Phân bón Sông Gianh; Tổng công ty Bay Hàng không Việt Nam; Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Bình.

Được biết, trước đây có một số chuyên gia Đài Loan (Trung Quốc) về Nam Định chuyển giao công nghệ cho người nuôi nghêu. Tuy nhiên, để hợp tác, hầu hết bà con phải tự bỏ tiền, kinh phí và công sức ra, sau đó thu hoạch xong chia đôi lợi nhuận. Vì thế, không mấy ai còn có lời lãi. Sau khi các chuyên gia Đài Loan rút về, người dân nơi đây cũng chỉ học được chút ít, nhưng rồi ngao chết vẫn cứ chết.

GS.TSKH. Vương Khả Cúc cho biết, sở dĩ nghêu thường hay bị chết chủ yếu là do quy trình nuôi chưa đúng. Hầu hết nghêu chết là do quá trình chăm sóc, nghêu bị yếu ngay từ khi còn là ấu trùng. Hơn nữa, ao đầm bị ô nhiễm cũng là tác nhân gây ra cảnh nghêu chết hàng loạt từ trước tới nay.

Sau lần đi thực tế đó, ông Cúc lại càng đau đáu hơn, càng suy nghĩ càng thương người nông dân ngày đêm khó nhọc mà không mang lại hiệu quả kinh tế. Ông vay mượn tiền ngân hàng một khoản kha khá làm kinh phí thuê lại 6 đầm ao với khoảng 0,5ha để nghiên cứu và nuôi thử nghiệm vạng vàng (nghêu vàng).

Hàng trăm hộ dân nuôi nghêu thắng lợi nhờ áp dụng đề tài nghiên cứu khoa học của GS Vương Khả Cúc.

“Giải cứu” người nuôi nghêu

GS.TSKH Vương Khả Cúc chia sẻ: Khoảng đầu năm 2016, tôi bắt tay vào nghiên cứu, đọc nhiều tài liệu trên mạng, sách báo và tìm hiểu thực tế thì thấy có nhiều yếu tố để phát triển con nghêu. Nào là môi trường, độ mặn, nước, khí hậu, thức ăn cho ấu trùng… Trong quá trình nghiên cứu và nuôi thử nghiệm thấy nghêu phát triển chia thành 4 giai đoạn, nhưng giai đoạn nghêu đẻ là khó nhất; từ tháng 3 đến tháng 5 là thời điểm nghêu có trứng. Sở dĩ biết được ngày nào nghêu đẻ, chỉ cần mổ bụng ra thấy có trứng. Thời gian từ khi nghêu là ấu trùng đến khi thu hoạch khoảng 2,5 - 3 năm. Quá trình nuôi ấu trùng là phải cho ăn chủ yếu tảo và vi lượng.

Theo quan sát được biết, mỗi ao đầm của GS.TSKH. Vương Khả Cúc có diện tích khoảng 500m2; mỗi ao đầm như vậy sẽ nuôi được 1 tấn nghêu mẹ và sẽ đẻ 1 tỷ nghêu con, 20 ngày sau sẽ xuất giống. Tính đến thời điểm này, ông Cúc đã nuôi nghêu thành công mùa thứ 3.

Sau khi nghiên cứu thử nghiệm thành công, ông Cúc lập tức hướng dẫn bà con Giao Thủy mạnh dạn đầu tư nuôi nghêu theo quy cách của ông. Đó là: Quá trình nuôi nghêu phải có 3 chế phẩm dùng để nuôi nghêu con. Khi nghêu mới đẻ, nhớt trong ao rất bẩn, vì thế, phải làm sao để chuyển hóa toàn bộ cái đó thành thức ăn cho tảo. Nói rồi, ông Cúc xuống tận đầm nghêu vớt lên và giải thích cho mọi người xem thế nào là tảo.

Cũng theo ông Cúc, tảo chính lại là thức ăn cho nghêu. Chính phương thức này mà đã giúp nông dân làm sạch đáy ao đầm một cách an toàn. Khi tảo xuống đáy ao, chúng sẽ lên men, và dĩ nhiên trở thành thức ăn cho nghêu trứng.

Được biết, vụ này nghêu trứng để đẻ trên thị trường có giá  35 nghìn đồng/kg, trong khi nghêu thịt chỉ bán với giá 18 nghìn đồng/kg. Thời gian gần đây, do nhu cầu của người dân mua nghêu giống quá lớn nên 5 đầm ao của ông Cúc không cung cấp đủ cho bà con trong vùng, vì thế, một số hộ nuôi nghêu phải đặt mua ở Đài Loan, Thái Lan hoặc ở một số tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Trước khi chia tay, GS.TSKH Vương Khả Cúc mong muốn mô hình nuôi nghêu thành công này của ông sớm được nhân rộng, nhất là đối với bà con miền Trung - nơi ông đã sinh ra và lớn lên. Mà muốn chuyển giao được công nghệ nuôi nghêu của ông thì trước hết phải đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật, có kinh phí, mặt bằng…

Hiện nay, một số nhà đầu tư nước ngoài đã và đang vào Việt Nam  xây dựng hệ thống dây chuyền chế biến ngao thịt thành các mặt hàng thực phẩm xuất khẩu. Vì thế, GS.TSKH Vương Khả Cúc rất muốn chuyển giao công nghệ này đến với nông dân càng sớm càng tốt để giúp bà con tránh được tình trạng nuôi nghêu bị chết giữa chừng.

Mới đây, ông Cúc tiết lộ, sau khi nghiên cứu thành công mô hình nuôi nghêu để giúp bà con vùng đất Giao Thủy (Nam Định), ông tiếp tục vào khu vực Nghệ An để giúp người dân nghiên cứu sản xuất nước tinh khiết được lấy từ vùng Khe Kẹp thuộc xã Khánh Sơn (Nam Đàn) cung cấp cho thị trường trong cả nước.

Đại tá, GS.TSKH. Vương Khả Cúc (SN 1951) nguyên là Phó giám đốc Trung tâm CN Hóa - Lý và Kỹ thuật môi trường Bộ Công an; giảng viên Trường ĐH Kỹ thuật - Hậu cần Công an Nhân dân; thành viên Hội Khoa học Đất Việt Nam; thành viên Trung tâm Tư vấn đầu tư nghiên cứu phát triển nông thôn Việt Nam (INCEDA); thành viên Hội đồng Khoa học Công ty Phân bón Sông Gianh; cố vấn khoa học Trung tâm nghiên cứu và Phát triển cộng đồng nông thôn; Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Khoa học Tổng Công ty Sông Gianh; Giám đốc Trung tâm Phát triển nguồn lực nông thôn.

Ông đã có 13 công trình đăng tải trên các tạp chí trong và ngoài nước; đã công bố 5 bằng phát minh sáng chế và Giải pháp hữu ích tại Cục Sở hữu trí tuệ Bungari.

 

 

Phan Sáng
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top