Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 18 tháng 11 năm 2022 | 15:6

Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, thực hành tiết kiệm

Kết cấu hạ tầng của nước ta đã có những bước tiến rõ rệt; việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cơ bản đạt được mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Sáng 18/11, tại tỉnh Ninh Bình, Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.”

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương dự và phát động phong trào.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động thi đua đẩy mạnh phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại, chống lãng phí. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Phát động phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí,” Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh sau hơn 74 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948), hàng trăm phong trào thi đua yêu nước đã và đang được phát động, tổ chức thực hiện sâu rộng, thiết thực, hiệu quả trên toàn quốc.

Đây là động lực tinh thần mạnh mẽ, khơi dậy lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, huy động có hiệu quả sức người, sức của, tạo nên sức mạnh quần chúng rộng lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thi đua yêu nước dần trở thành truyền thống quý báu, một nét văn hóa đặc sắc của dân tộc ta.

Điển hình như các phong trào “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm,” “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt,” “3 sẵn sàng,” “5 xung phong,” “3 đảm đang”... đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Trong thời kỳ hòa bình, các phong trào “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới,” “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.” “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”... đã tạo động lực, sự đoàn kết, phát huy nội lực, góp phần thay đổi cuộc sống của nhân dân.

Gần đây nhất là phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19.”

Phong trào này đã góp phần quan trọng cả nước kiểm soát tốt dịch COVID-19, phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và đạt kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực.

Theo Thủ tướng, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự đồng hành, giám sát của Quốc hội, sự nỗ lực của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, kết cấu hạ tầng của nước ta đã có những bước tiến rõ rệt; việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cơ bản đạt được mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng vẫn còn nhiều hạn chế so với nhu cầu, còn là điểm nghẽn kìm hãm phát triển đất nước; tình trạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư, sử dụng vốn, tài sản, lao động, tài nguyên, chất xám, thời gian, công sức, sản xuất, tiêu dùng..., việc chậm tiến độ trong triển khai, vận hành các công trình, dự án đã và đang xảy ra ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị, gây bức xúc trong nhân dân.

Thủ tướng Chính phủ cho biết Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng coi phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng là một trong 3 đột phá chiến lược; cùng với đó là triển khai nhiệm vụ rất quan trọng - tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, góp phần thúc đẩy phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương chính thức phát động Phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí".

Phân tích sâu sắc về ý nghĩa, mục đích của việc phát triển hạ tầng kết cấu hạ tầng giao thông và thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, người dân và doanh nghiệp cả nước tập trung thi đua thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm tạo khí thế thi đua sôi nổi trong xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng nhanh, bền vững, hiện đại và đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Thủ tướng đề nghị tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành công việc hàng ngày của mỗi tổ chức, người dân, doanh nghiệp, qua đó góp phần phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Cùng với đó triển khai nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả Nghị quyết về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thông qua tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, thúc đẩy đối ngoại, hội nhập quốc tế; chủ động rà soát và hoàn thiện hành lang pháp lý trên nguyên tắc bám sát thực tiễn, kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn, điều chỉnh những bất cập, mâu thuẫn, giải phóng nguồn lực, thúc đẩy phát triển; đẩy mạnh cải cách hành chính, bảo đảm thông thoáng, thuận lợi, giảm phiền hà và tiết kiệm chi phí cho các nhà đầu tư.

Các bộ, ngành, địa phương phải công khai các hoạt động quản lý và sử dụng ngân sách, vốn, tài sản nhà nước, lao động, khai thác, sử dụng tài nguyên, tránh chảy máu chất xám...; đẩy mạnh thanh tra, giám sát, kiểm tra, kiểm toán, xử lý vi phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý và các cơ quan, tổ chức thuộc thẩm quyền quản lý; tiếp tục kiện toàn, sắp xếp, tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương đề nghị nghiên cứu, phát triển, chuyển giao kỹ thuật tiên tiến, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong tổ chức, xây dựng, khai thác, quản lý các công trình kết cấu hạ tầng; nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, có các giải pháp mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, hoàn thành sớm, chất lượng cao các công trình, dự án, nhất là những công trình trọng điểm, quan trọng quốc gia, các dự án có sức lan tỏa lớn, tác động đến sự phát triển của đất nước.

Thủ tướng lưu ý phải thực hiện tốt công tác truyền thông, tạo sự đồng thuận xã hội để mọi người ủng hộ, chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm trong phát triển kết cấu hạ tầng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; coi việc phát triển kết cấu hạ tầng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là trách nhiệm chung, vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ của toàn xã hội, đưa việc thực hành tiết kiệm trở thành một tiêu chuẩn đạo đức, hành xử văn hóa của mọi chủ thể trong xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương, nhất là người đứng đầu, phát huy cao nhất trách nhiệm nêu gương, tính tiên phong, gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo theo tinh thần “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau;” thường xuyên sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm để nhân rộng mô hình hay, đồng thời rút kinh nghiệm, khắc phục những hạn chế, yếu kém.

Thủ tướng Phạm Minh Chính động viên công nhân đang thi công tuyến đường Đông-Tây đoạn qua tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực để phát huy tính chủ động, sáng tạo, trách nhiệm của cấp dưới; thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định, đồng thời kịp thời biểu dương, khen thưởng, động viên những tập thể, cá nhân, người dân và doanh nghiệp tiêu biểu, xuất sắc, thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm đề ra.

Thủ tướng đề nghị Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể làm nòng cốt vận động, tập hợp, đoàn kết nhân dân thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tích cực ủng hộ, tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, các công trình phúc lợi trên địa bàn dân cư với phương châm người dân là trung tâm, chủ thể, động lực, nguồn lực và mục tiêu của đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với tinh thần dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng.

Đồng thời, Mặt trận phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội đối với các chính sách về xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng trên địa bàn và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng, tin tưởng với sự chung sức, đồng lòng, vào cuộc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” sẽ thành công tốt đẹp, đạt hiệu quả thực chất, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; tiếp tục thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phong trào thi đua mỗi người làm việc bằng hai, tất cả chúng ta cùng quyết tâm, nỗ lực và cố gắng, tất cả vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân và sự phát triển hùng cường, thịnh vượng của đất nước.

Phát biểu hưởng ứng phong trào, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, Mặt trận Tổ quốc các cấp hưởng ứng, tích cực vận động nhân dân ủng hộ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; giải quyết, hòa giải vướng mắc ngay từ cơ sở; động viên người lao động hăng hái sản xuất; đẩy mạnh vận động nhân dân phát hiện những hành vi lãng phí, tiêu cực.

Sau sự kiện này, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ phát động phong trào thi đua trong hệ thống Mặt trận; định kỳ sơ kết, tổng kết, biểu dương cá nhân, tập thể có thành tích tốt như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo “đã nói là làm, đã làm phải có kết quả, đã cam kế phải thực hiện;” phấn đấu đạt kết quả cao nhất.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng khẳng định ngành giao thông vận tải sẽ đổi mới mạnh mẽ tư duy, hành động, nâng cao nhận thức, ý thức về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Ngành rà soát, hoàn thiện, ban hành cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đồng thời xây dựng và ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hiện đại trong thiết kế, tổ chức xây dựng, khai thác, quản lý các công trình kết cấu hạ tầng giao thông...

Bên cạnh đó, Bộ triển khai các quy hoạch ngành giao thông vận tải đã được phê duyệt đảm bảo đúng lộ trình; hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia như 4 dự án đường bộ cao tốc; cảng Hàng không quốc tế Long Thành theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh và môi trường; khởi công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2026, nhà ga T3 Sân bay Tân Sơn Nhất, nhà ga Cảng Hàng không Long Thành để tạo tiền đề, sức lan tỏa nhằm thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nói riêng, góp phần phát triển kinh tế đất nước nói chung...

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, doanh nghiệp tỉnh Ninh Bình, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc cho rằng phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” sẽ tạo ra một luồng sinh khí mới, một động lực mới trong các cơ quan, đơn vị, địa phương, trong cán bộ, đảng viên, nhân dân tỉnh Ninh Bình nói riêng và cả nước nói chung.

Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình sẽ cùng với các địa phương trong cả nước quyết tâm cao nhất để quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” gắn với thực hiện nghiêm túc tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chỉ thị số 34 ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị; để các phong trào thi đua đạt hiệu quả cao.

Trước Lễ phát động phong trào thi đua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm công trường thi công tuyến đường bộ cao tốc phía Đông đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45 (đi qua địa phận tỉnh Ninh Bình và tỉnh Thanh Hóa).

Tại đây, Thủ tướng thăm hỏi, tặng quà, động viên cán bộ, công nhân; đề nghị các đơn vị tập trung máy móc, nhân lực, tổ chức thi công 3 ca, 4 kíp; thi công đảm bảo chất lượng, tiến độ và tiết kiệm.

Xem sơ đồ dự án, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với các địa phương nghiên cứu tổ chức thêm các nút giao trên tuyến đường phù hợp để khai thác không gian phát triển mới của các địa phương nơi có tuyến đường đi qua.

 

Theo TTXVN/Vietnam+
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top