Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 10 tháng 8 năm 2023 | 21:45

Đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông quan trọng quốc gia

Chiều 10/8, Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải đã họp phiên thứ 7 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo nhằm kiểm điểm, đánh giá các công việc đã làm kể từ phiên họp thứ 6, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ các dự án.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần phải thần tốc hơn nữa, "chỉ bàn làm, không bàn lùi"; vướng mắc ở đâu tháo gỡ ở đó, vướng ở cấp nào, cấp đó giải quyết - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng đã nhấn mạnh tinh thần phải thần tốc hơn nữa, "chỉ bàn làm, không bàn lùi"; vướng mắc ở đâu tháo gỡ ở đó, vướng ở cấp nào, cấp đó giải quyết.

Các báo cáo, ý kiến thống nhất đánh giá, sau phiên họp thứ 6 của Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động, phối hợp, nỗ lực triển khai các nhiệm vụ được giao và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Trong đó, tỉ lệ giải ngân cho các công trình giao thông trọng điểm đạt hơn 50%, cao hơn trung bình cả nước.

Các dự án thành phần tồn đọng của cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 1 đã giải quyết cơ bản các vướng mắc pháp lý và dự kiến quý I/2024 sẽ hoàn thành.

Các dự án khác đang triển khai đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý, giải phóng mặt bằng, nguyên vật liệu, công trình kỹ thuật...

Các dự án chuẩn bị khởi công thì đang khẩn trương hoàn thành thủ tục. Việc bổ sung, điều chỉnh và tập trung vốn cho các dự án được triển khai tích cực

Các dự án hợp tác công tư được điều chỉnh nhanh hơn về mặt thủ tục và minh bạch ngay từ đầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương các địa phương vào cuộc tích cực trong công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt Hà Nội đã giải phóng được hơn 86% dự án đường Vành đai 4, TP. HCM đã giải phóng được hơn 90% dự án đường Vành đai 3.

Thủ tướng cũng biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của các chủ đầu tư, nhà thầu đã "vượt nắng thắng mưa", thực hiện tốt các mục tiêu đề ra; biểu dương sự phối hợp tốt giữa các bộ, ngành, địa phương và sự chủ động của các địa phương.

Bên cạnh kết quả, Thủ tướng cũng nêu rõ một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, về giải phóng mặt bằng, tái định cư, yêu cầu cả hệ thống chính trị ở địa phương phải vào cuộc trên tinh thần lắng nghe, cầu thị, giải quyết dứt điểm các vướng mắc, bức xúc của người dân, bảo vệ quyền lợi, ích hợp pháp của nhân dân.

Về nguyên vật liệu hiện đang khó khăn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trong tuần tới chỉ đạo giải quyết dứt điểm.

Về huy động vốn, Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Bộ Tài chính đẩy nhanh thủ tục, không để kéo dài. Liên quan đến các dự án PPP, ngoài vốn đầu tư công, ngân hàng cần nghiên cứu, có chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp vay vốn đầu tư hạ tầng.

Thủ tướng đề nghị các đơn vị tư vấn phải công tâm, khách quan, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích chung lên trên hết, trước hết, tinh thần là hài hòa lợi ích giữa các bên.

Các địa phương phải xác định việc đầu tư hạ tầng tại địa phương là đầu tư cho phát triển, tạo không gian phát triển mới, khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ mới, do đó phải cập nhật quy hoạch mới và thành lập Tổ công tác để xử lý các vấn đề liên quan trong thẩm quyền, hỗ trợ tích cực cho chủ đầu tư, nhà thầu.

Cùng với việc cho ý kiến về một số dự án cụ thể, Thủ tướng đã nhấn mạnh nhiều nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó, cần hoàn thành sớm các thủ tục pháp lý; phải chỉ ra vướng mắc ở đâu, nội dung gì, ai giải quyết; đồng thời, cân đối nguồn vốn linh hoạt, hài hoà, nếu có vướng mắc thì phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Quốc hội để giải quyết.

Liên quan đến chỉ định thầu, đấu thầu, đấu giá, mỏ nguyên vật liệu, Thủ tướng yêu cầu phải làm công khai, minh bạch, Bộ Xây dựng linh hoạt trong vấn đề giá cả tuỳ theo tình hình, thị trường.

Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ các địa phương về thủ tục đất đai, mỏ vật liệu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ về vấn đề rừng.

Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành, địa phương tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát để các đơn vị làm đúng các quy định pháp luật và tuyệt đối chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm.

 

Theo baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top