Tại buổi tiếp Bộ trưởng Nông nghiệp Hoa Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Hoa Kỳ mở cửa thị trường hơn nữa cho nông sản Việt Nam; hỗ trợ Việt Nam quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu.
Chiều 19/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ Thomas Vilsack đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.
Tại buổi tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Thomas Vilsack đã điểm lại và đánh giá cao sự phát triển vượt bậc của quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ thời gian qua, trong đó quan hệ kinh tế-thương mại là trụ cột, là động lực thúc đẩy mạnh mẽ, Hoa Kỳ trở thành đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, trên nền tảng hữu nghị, tôn trọng lẫn nhau, đôi bên cùng có lợi.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Nông nghiệp Hoa Kỳ Thomas Vilsack. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng khẳng định Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa-đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Trong tổng thể chính sách đối ngoại, Việt Nam luôn coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu, mong muốn thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện với Hoa Kỳ và ủng hộ việc tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác trong các lĩnh vực; trong đó nông nghiệp là lĩnh vực rất quan trọng.
Thủ tướng cho biết phát huy kết quả cuộc điện đàm rất thành công giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vừa qua, Việt Nam sẵn sàng cùng Hoa Kỳ tiếp tục thúc đẩy quan hệ đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị của nhau; phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước và đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới.
Năm 2022, kim ngạch xuất-nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp hai nước đạt 15,36 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ 13 tỷ USD, Hoa Kỳ xuất khẩu sang Việt Nam 2,36 tỷ USD.
Hai bên cũng đang tích cực thúc đẩy chương trình hợp tác sản xuất vaccine dịch tả lợn châu Phi.
Thủ tướng đề nghị phía Hoa Kỳ tăng cường hợp tác, hỗ trợ trong quá trình Việt Nam thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiện đại, hội nhập, phù hợp với điều kiện Việt Nam, xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; thương mại hóa, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp; mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và nền kinh tế hai nước, đóng góp vào quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ.
Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp hai nước tăng cường hợp tác hơn nữa để mỗi bên đa dạng hóa sản phẩm, chuỗi cung ứng; Hoa Kỳ mở cửa thị trường hơn nữa cho các sản phẩm nông sản của Việt Nam; hoàn tất các thủ tục mở cửa thị trường cho các nông sản của Việt Nam như dừa, chanh leo…; hỗ trợ thiết lập cơ sở chiếu xạ ở miền Bắc của Việt Nam để tạo điều kiện xuất khẩu quả vải, xoài, bưởi và thanh long; hạn chế sử dụng các công cụ, hàng rào kỹ thuật không cần thiết trong thương mại nông sản với Việt Nam.
Thủ tướng cũng đề nghị Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu và đáp ứng các tiêu chuẩn của Hoa Kỳ về an toàn, vệ sinh nông sản; khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư mạnh mẽ, đa dạng hơn nữa vào ngành nông nghiệp tại Việt Nam.
Cuối năm 2012, sau 5 năm đàm phán, 2 tấn bưởi da xanh Bến Tre đầu tiên đã được xuất khẩu sang Hoa Kỳ qua đường hàng không. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Về phần mình, Việt Nam sẵn sàng mở cửa thị trường, tăng cường nhập khẩu một số nông sản của Hoa Kỳ.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ tăng cường hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong chuyển đổi xanh, thích ứng biến đổi khí hậu, chuyển giao công nghệ và chuyển đổi số nông nghiệp; kiểm soát dịch bệnh, nghiên cứu, sản xuất vaccine, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi; tăng học bổng, đào tạo nhân lực cho ngành nông nghiệp.
Theo Thủ tướng, việc thúc đẩy hợp tác nông nghiệp Việt Nam-Hoa Kỳ sẽ góp phần giúp tiêu thụ nông sản, tạo việc làm, sinh kế cho nông dân, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, chất độc da cam và chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Bộ trưởng Nông nghiệp Hoa Kỳ cho biết đây là lần thứ 3 ông tới Việt Nam, và mỗi lần đều chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam cũng như quan hệ hai nước; khẳng định phía Hoa Kỳ mong muốn tăng cường quan hệ song phương với Việt Nam, nhất là quan hệ thương mại. Hai bên tiếp tục hợp tác, tham khảo kinh nghiệm lẫn nhau trong phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp thông minh, ứng phó biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng Thomas Vilsack cho biết sẽ trao đổi, làm việc với các cơ quan chức năng hai bên để thúc đẩy các lĩnh vực, nội dung hợp tác như Thủ tướng cho ý kiến, trong đó có việc thiết lập cơ sở chiếu xạ ở miền Bắc của Việt Nam, góp phần hỗ trợ nông sản Việt Nam đáp ứng tốt nhất nhu cầu của thị trường Hoa Kỳ và các thị trường khác, mở rộng thị trường cho nông sản hai bên./.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.